Tuổi thơ của mỗi người là những ký ức về một làng quê gắn bó cả một thời thơ ấu. Đó có lẽ luôn là hình ảnh đẹp nhất trong tâm thức của mỗi chúng ta. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiêu tản văn Trở lại vườn xưa của tác giả Nguyễn Doãn Việt.
TRỞ LẠI VƯỜN XƯA
Nguyễn Doãn Việt
Mỗi chúng ta ai mà không có một mảnh vườn trong kí ức! Mảnh vườn ấy gắn với bao kỉ niệm êm đềm, với tuổi thơ, với hình bóng của bà, của mẹ hay chỉ là một khoảnh khắc trong dằng dặc thời gian cuộc đời.
Ngày hè nắng như đổ lửa, trên đường trở về vườn quê tôi bồi hồi hình dung lại khu vườn xưa, khu vườn đã gắn bó với tôi suốt một thời thơ bé. Tôi hình dung chỗ cây ổi năm nào mà mỗi trưa hè chị em tôi thường đánh đu vít cành thăm quả chín, chị tôi bấm móng tay vào chi chít nhưng mãi nó không chín, rồi tranh dành nhau, chuyền tay nhau cắn miếng ổi chát đắng đến ngon lành.
Cái khoảnh đất năm xưa bà tôi trồng cây thuốc lá, năm nào cũng khoảnh đất ấy bà trồng cây thuốc bên cạnh mấy khóm trầu. Bà ăn trầu thuốc khiến cho hàm răng đen nhánh. Năm bà quy tiên giàn trầu úa vàng, khoảnh đất ấy mọc đầy cỏ dại. Nhớ bà, mỗi lần về quê tôi lại bần thần đứng nhìn khoảnh đất mà ngỡ như hình bóng bà còn đâu đây.
Bà tôi, một đời không ra khỏi lũy tre làng, bà về làm dâu từ năm mười bốn tuổi, rồi gắn bó với mảnh vườn ngót bảy mươi năm. Ấu thơ bà thường kể cho chúng tôi về lịch sử gia đình mình, ai đã trồng cây nhãn, ai trồng cây hồng, cây thị. Có những cây đã trở thành cổ thụ, đi qua cả mấy đời người. Xưa, vườn ai cũng chỉ trồng cây tạp, phía ngoài cùng thường bao quanh là bốn phía tre, tre che chắn bão giông, tre làm nhà cửa. Vật dụng trong sản xuất. Phía trong là tro kè rồi cây ăn quả. Cây ăn quả cũng đủ loại, nào là mít, khế, na, bưởi bòng, cam chanh..nhiều lắm, nhưng mỗi loại chỉ một vài cây trồng xen lẫn nhau. Bởi vậy mới gọi là vườn tạp. Vườn cây um tùm, xum xuê che bóng mát suốt những ngày hè. Ban mai mặt trời lên, ánh nắng xuyên qua các tầng tán lá tạo nên những tia sáng lung linh huyền ảo. Dưới vòm cây, chim chóc ríu rít chuyền cành. Đêm trăng về, trăng tháng năm dát vàng trên vòm cây rung rinh gió thoảng. Hương bưởi, hương cau dìu dịu, êm đềm.
Trở lại vườn xưa (Tranh: Trần Nguyên)
Tuổi thơ tôi gắn bó với khu vườn bằng những trưa hè rủ nhau đi tìm tổ chim. Ngày ấy chim nhiều lắm, chim làm tổ ngay hồi nhà, trên cành cây chỉ với tay là tóm được. Buổi trưa lũ trẻ chúng tôi lùng sục khắp ngõ ngách khu vườn, chỗ nào có chùm dẻ, chùm mây, quả thang chín mọng..chúng tôi đều thông thuộc. Giờ về quê đâu thấy trẻ con làm những trò như vậy.
Trở lại vườn quê, bước nhẹ trên vườn lắng nghe từng âm thanh cây lá. Nghe như tiếng chổi bà đang quét quanh mỗi gốc cây. Trưa hè lặng nắng bà cần mẫn quét gom từng chiếc lá, quét sạch vào tận gốc tre trước ngõ nhà. Bà làm như vậy vừa sạch vườn vừa có cái để đun nước uống hàng ngày. Nhớ bà là nhớ về hình ảnh bà còng lưng cùng chiếc chổi. Bao năm tháng bà đi xa, vườn quê không còn như cũ...nhớ quá Bà ơi!
Mỗi bước chân thanh nhẹ quanh vườn ta như dẫm vào kí ức, dẫm vào từng nhát cuốc trên khoảnh đất xưa mẹ dành để trồng rau. Mùa nào rau ấy, ra giêng là những luống cà luống kiệu, vạt cải trổ hoa vàng. Vồng dưa chín những ngày hè mát lịm; những khóm dong riềng, khoai vạc; hay chỉ là bụi môn ở cuối góc vườn... Tất cả đều đọng lại trong hồn ta kí ức về sự lam lũ, chịu thương chịu khó của mẹ. Từng dấu chân, bàn tay mẹ vun vén trong khu vườn cho ta những bài học đầu đời về sự cần cù lao động; nhắc ta nhớ về một thời lam lũ mà đầy ắp yêu thương.
Bây giờ vườn quê đã đổi khác. Cuộc cách mạng về xây dựng nông thôn đã mang lại làn gió mới thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Vườn tạp xưa được chặt bỏ, quy hoạch để trồng các loại cây nâng cao hiệu quả kinh tế. Mỗi làng quê Việt Nam khoác lên mình bộ mặt khác xưa rất nhiều. Đó là điều tất yếu. Vườn quê bây giờ hẹp hơn, khi giá trị đất đai lên cao, đất vườn đã được cắt nhỏ chia lô chia khoảnh. Những bờ tre được thay bằng những bức tường xi măng kiên cố. Vườn quê mang lại giá trị kinh tế góp phần nâng cao đời sống mỗi nhà. Biết vậy, nhưng tôi thấy tiếc nuối vô cùng. Vườn quê neo giữ biết bao kỉ niệm trong tâm hồn tôi. Mỗi gốc cây, khoảng đất, hình ảnh bà tôi luôn ngự trị trong mỗi giấc mơ tôi.
N.D.V