28-01-2021 - 08:52

Tản văn TƯỚC LÁ MAI của Đặng Trung Thành

TƯỚC LÁ MAI

 

            Trước khoảng sân nhà tôi có trồng một hàng hoàng mai. Cây nào cũng xanh um tùm, tuổi đời ngang ngửa tuổi tôi. Ban đầu, ông bà trồng một, hai cây mai. Rồi thời gian sau mai được nhân rộng nhờ hạt rụng xuống đất. Cả nhà tôi rất yêu mai nên từ trẻ đến già đều ra sức chăm sóc mai chu đáo. Vì vậy cây khỏe mạnh, chóng lớn, ra hoa đều, cánh to. Giờ thì mai bạt ngàn, trông thích mắt.

            Nhớ hồi chưa đi học xa nhà, cứ tầm 15 tháng Chạp là cả nhà tôi kéo nhau ra trước  sân cùng nhau tước lá mai. Con nít với người già thì đứng bên dưới tước lá thấp và gom lá ra sau vườn bón gốc cây ăn quả. Trong khi người lớn thì bắc thang để tước những chiếc lá đỏng đảnh trên ngọn cao. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng phải mất nửa ngày lao động vì có nhiều cây lá nhỏ xíu phải tỉ mẩn từng chút. Bà tôi thường bảo: "Muốn mai ra hoa đều, đẹp thì cần phải tước sạch lá. Từ một cây trụi lá, những lộc non sẽ đâm chồi đều, nụ mai vì thế cũng ngoan ngoãn nhú ra từ nách chồi tơ". Không riêng gì gia đình tôi mà hầu như cả xóm đều lũ lượt kéo ra sân thay áo cho hoàng mai vào ngày 15 tháng Chạp. Vì tầm nửa tháng là mai bung nụ khoe sắc vào dịp Tết cổ truyền. Dự đoán là thế chứ thật ra mai nở sớm hay muộn cũng  do thời tiết một phần. Có năm, trời quá nóng, mai cựa mình nở sớm, khiến cho ba ngày tết cánh mỏng rụng rơi. Nhưng cũng đôi lần, trời rét căm căm, mai chậm nở, thành ra câu nói của ông bà xưa "Tháng Giêng là tháng ăn chơi trở nên hợp lẽ". Vì mãi đến Tết Nguyên Tiêu (tức rằm tháng Giêng) người ta vẫn còn thấy hình dáng nàng xuân khi mai là lướt kiêu sa khoe sắc vàng. Cả xóm hầu như nhà nào cũng trồng mai. Nhưng chẳng ai bằng nhà tôi. Cho nên nhiều cụ cao niên đùa rằng "nhà tôi giàu nhất xóm". Cũng phải thôi. Dù gia đình không khá giả nhưng "vàng" thì bạt ngàn.

             Mấy năm nay tôi đi học xa nhà. Nhưng cứ đến ngày là tôi gọi điện về hỏi gia đình tước lá mai chưa, cây vẫn sum suê chứ. Tất nhiên bà tôi bảo thói quen ấy vẫn được duy trì. Nhưng bao giờ cũng thế, bà luôn kêu tôi tranh thủ về sớm để chụp hình bà ngồi dưới gốc mai cùng cả nhà. Bà tôi mê chụp hình lắm cơ. Không riêng gì ngày Tết mà ngày những ngày giỗ gia tiên, lễ, tiệc, bà đều bắt tôi làm phó nháy. "Bà muốn những khoản khắc đoàn viên, hạnh phúc này sẽ được con cháu lưu giữ mãi từ những tấm hình", bà tôi bảo thế. Vả lại cứ nhìn những tấm ảnh ngồi dưới gốc mai vàng là bà lại nhớ đến ông.

            Những buổi chiều cuối năm, sau giờ tan học, tôi lang thang qua từng góc phố để ngắm phố phường yên bình khi người ngụ cư lũ lượt về quê ăn Tết. Nhiều cây mai già nua trước sân nhà ai đó vẫn chưa được thay áo mới khiến tôi thổn thức nhớ về hàng mai nơi quê nhà. Nhìn những chiếc lá bám đầy bụi bẩn, thân cây khô khốc thiếu sức sống, tôi tự hỏi lòng: "Phải chăng người thị thành nhàn nhạt với mùa xuân?".

                                       ĐẶNG TRUNG THÀNH

                                         Bưu điện Tân Kiên

          A1/70 đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM

. . . . .
Loading the player...