14-05-2024 - 03:19

Tản văn Vẽ nên hạnh phúc

Tạp chí Hồng Lĩnh số 212 tháng 4/2024 trân trọng giới thiệu tản văn Vẽ nên hạnh phúc của em Nguyễn Minh Hiếu, Lớp10A5, Trường THPT Minh Khai, Đức Thọ, Hà Tĩnh (Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XIV)

Cái lạnh của mùa đông đã dần vơi, phố xá dường như cũng tấp nập hơn, tôi chợt nhận ra, một năm nữa lại trôi qua. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được thời gian trôi qua nhanh như thế, vậy là một cái Tết nữa lại sắp đến! Những ngày cận Tết, đó là thời điểm mà người ta vẫn thường đi mua sắm, chuẩn bị cho một năm mới thật đầy đủ, sung túc. Còn đối với bố mẹ tôi - những người luôn mong muốn cuộc sống của con mình được đủ đầy hơn, khi ấy chính là lúc phải làm việc nhiều hơn…

Tôi vẫn nhớ như in những đợt gió rét buốt luồn qua khe cửa bị mối mọt gặm nhấm từng ngày, những mùa đông trong căn phòng vỏn vẹn hai mươi mét vuông ở khu tập thể gần ngôi trường bố mẹ tôi làm việc. Một gia đình, bốn người nằm ngang trên một chiếc giường, đắp cùng một cái chăn bông, mà đến bây giờ chúng tôi vẫn dùng nó. Gia đình tôi đã từng trải qua những khoảng thời gian chật vật, “mưa đến mặt, nắng đến đầu” trong căn phòng lụp xụp đó mà chỉ bốn người chúng tôi biết, và bây giờ khi tôi đã biết suy nghĩ, tôi nhận ra bố mẹ đã dũng cảm và “lì lợm” như thế nào. Nói lời tạm biệt khu tập thể, khép lại khoảng thời gian mà tuổi thơ tôi đã lớn lên với vùng đất cằn cỗi này. Gia đình chúng tôi là gia đình cuối cùng rời khỏi căn phòng nội trú, chuyển đến ngôi nhà của riêng. Đó là một bước đi dài của gia đình bốn người, khoảng thời gian đầu, đã có những lúc, tôi tưởng chừng bản thân mình đang mơ, mơ về ngôi nhà không bao giờ có trong hiện thực. Nhưng không, tôi thực sự đã không còn mơ nữa, cả nhà tôi đã không còn phải sống trong căn phòng chật hẹp, ẩm thấp, không còn phải chen chúc trên một chiếc giường, không còn phải "chạy bão" nữa. Và có lẽ, khi ấy vì cứ mãi đắm chìm trong niềm hạnh phúc mà tôi lại quên mất rằng, bố mẹ và cả ông bà nữa đã phải cố gắng biết bao nhiêu để cho chúng tôi một chỗ ở tốt hơn, một ngôi nhà khang trang hơn chỉ với một lí do, bởi vì tôi là con gái, bố mẹ sợ rằng chỉ ít năm nữa thôi tôi sẽ đi học đại học, sẽ lại phải chịu cảnh ở trọ, sẽ chẳng được sống trong ngôi nhà của mình bao lâu, thế nên bố mẹ tôi lại cố thêm một chút, để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn.

Minh họa: HÀ LÊ

Và bây giờ đã được gần 7 năm, gia đình tôi chuyển về ngôi nhà mới, đặc biệt hơn là nhà tôi bây giờ đã có thêm một thành viên mới, đó là em trai của tôi. Gia đình tôi thì vẫn như vậy, không giàu sang cũng chẳng khốn khó, nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày để cuộc sống của ba chị em tôi tốt hơn một chút. Những năm gần đây, cứ đến Tết bố mẹ tôi lại vất vả lặn lội ra ngoài miền Bắc, đi đến từng vườn hoa, vườn quất để tìm mua cây về bán. Dẫu biết, khi bố mẹ đi xa, nhà có em nhỏ thì người chị lớn trong gia đình là tôi sẽ đứng ra cáng đáng giúp mẹ, chăm lo cho các em, nhưng tôi lại là đứa mau nước mắt. Khi nhìn thấy mẹ tất bật, chuẩn bị nào là đồ ăn, nước uống để đem theo trong những ngày đó tôi lại bật khóc. Khi bố mẹ chuẩn bị đi, tôi òa khóc như một đứa trẻ. Tôi thương bố mẹ của tôi, lại tưởng tượng những ngày vất vả sắp tới, nhưng biết làm sao bây giờ, tôi chỉ biết bản thân phải làm thật tốt thay cho bố mẹ, chăm sóc cho các em. Những ngày cuối năm của gia đình tôi cũng vì thế mà trở nên dồn dập và vội vã hơn. Rạng sáng ngày 23 âm lịch, chiếc xe chở hàng về đến nơi, bố mẹ tôi lại bắt đầu công việc buôn bán của mình. Không khí chợ hoa ngày Tết thật nô nức, nhộn nhịp, hòa vào dòng người tiếng cười nói của mọi người, tiếng nhạc của một sạp hoa nào đó,…Nhưng có lẽ bây giờ chẳng bận tâm đến những điều đó nữa, mỗi lần tôi ra trông hàng cho bố mẹ về ăn cơm, tôi chỉ mãi ngóng trông như chờ đợi một điều gì đó, chờ đợi có người sẽ mua cây cho nhà mình. Mỗi lần tôi thấy vườn cây vơi đi một chút, trong tôi như có một niềm vui sướng nào đó, không thể diễn tả được. Và cũng có ngày, chờ mòn mỏi trước dòng người vẫn tấp nập, đông đúc lướt qua, tôi hiểu được để kiếm ra được một đồng tiền thực sự khó khăn biết bao nhiêu… Những ngày gần Tết, ban ngày nắng ấm, nhưng khi đêm xuống không khí lạnh lại tràn về, bố tôi đều phải ngủ ngoài trời, trong khi đó, chúng tôi lại được ngủ trong chăn ấm nệm êm. Nghĩ đến đó thôi thì tôi cũng hiểu được bố mẹ đã vất vả ra sao, phải gồng gánh biết bao nhiêu thứ… Em trai tôi, năm nay mới lên ba, thế nên đêm đầu tiên khi bố tôi ở ngoài trông hàng không về nhà, nửa đêm nó chợt tỉnh giấc và hỏi: “Mẹ ơi, bố ở mô mẹ ?”. Nhưng rồi, có lẽ nó cũng biết về công việc của bố mẹ tôi lúc đó, nên mỗi khi ai đến nhà hỏi bố mẹ đi đâu, nó cũng sẽ trả lời rằng bố mẹ đi bán quất. Tôi không ngờ được rằng, em trai của tôi lại là một em bé hiểu chuyện đến thế, có lẽ là do hoàn cảnh đã tạo nên, và trong nét hồn nhiên của nó, tôi cảm nhận được vẻ tự hào qua đôi mắt sáng rực, long lanh và nụ cười trên đôi môi chúm chím của nó.

Càng lớn, tôi càng nhận ra được những gánh nặng đè trên vai bố mẹ, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được, khoảng thời gian đó bố mẹ đã phải trằn trọc, suy nghĩ ra sao, nhưng rồi khi thấy chị em chúng tôi, bố mẹ lại tỏ ra như chẳng hề hấn gì. Và em trai tôi nữa, sau này nó lớn nhất định tôi sẽ kể về năm tháng ở khu nhà nội trú, ở căn phòng đó, hai chị đã lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc đầy gian khó của bố mẹ. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là động lực để chúng tôi cố gắng, để chúng tôi thêm trân trọng cuộc sống này, trân trọng những gì mà mình đang có. Đó là một gia đình, một nơi để trở về, và có bố mẹ vẫn luôn cố gắng vì ba chị em chúng tôi...

Cảm ơn vì gia đình chúng ta, mỗi người chúng ta vẫn đang luôn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày…

N.M.H

. . . . .
Loading the player...