02-08-2012 - 16:08

Tập truyện ngắn Bí đỏ của Trần Quỳnh Nga



“Bí đỏ” -  những cuộc viễn du của thân phận người

 
Tôi đã từng rải rác đọc Trần Quỳnh Nga trên các báo Trung ương, địa phương và tạp chí ngành từ nhiều năm nay cho đến khi tập truyện đầu tay - “Bí đỏ” ra đời mới có dịp đọc chị nhiều hơn, kỹ hơn. Nếu nói truyện ngắn là những mảnh ghép của cuộc sống thì tập truyện “Bí đỏ” của Trần Quỳnh Nga đã đạt được điều đó. Tập truyện này chủ yếu khai thác đề tài tình yêu, vấn đề phản ánh của chị không mới, bút pháp cũng không có gì lạ nhưng 19 truyện ngắn của chị đã xoáy sâu vào khai thác tâm lý nhân vật một cách kỹ lưỡng và tinh tế.
           Các nhân vật của chị bằng “phương tiện” Tình yêu đã làm những cuộc viễn du sang một thế giới khác ngoài cuộc đời thực để tìm kiếm những cơ hội thõa mãn khát vọng đổi thay. Có thể bắt đầu bằng truyện ngắn “Ngoài kia có mưa rơi”, câu chuyện kể về cuộc đời một cô gái công trường, bằng lối dẫn chuyện khách quan chị đã bộc lộ một cái nhìn bao dung về cuộc sống của những cô gái công trường. Nhưng hơn hết, cái in dấu đậm nhất trong tôi chính là bi kịch của nhân vật Thu, bi kịch của người dám từ bỏ cuộc sống nơi làng quê yên bình, dấn thân vào các công trường chỉ để đi tìm một sự thật nhằm thay đổi cuộc đời nhưng sự thật mãi mãi là những con sông đổ về biển lớn, khó lòng mà nắm bắt được. Truyện cũng nêu lên một thông điệp, về sự cần thiết phải độ lượng với chính bản thân mình…
            Hầu hết các truyện trong “Bí đỏ” (Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2008) đều đề cập đến tình yêu. Đó là tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng và cả tình cảm ngoài chồng ngoài vợ. Truyện ngắn “Bí đỏ” với mô típ nhân vật không mới nhưng cái cách Trần Quỳnh Nga phản ánh tâm lý nhân vật đã mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu, về sự cao thượng, bao dung trong tình yêu. Những cảm xúc được dồn nén đến tận cùng khi hai người không thể vượt qua những rào cản của xã hội để đến với nhau, đành phải chia tay trong trong đau đớn. Người đọc dường như cũng thấy lồng ngực mình bị bóp nghẹn khi chứng kiến cảnh: Tín nói: “Anh sẽ đi”, “Miên thoáng vấp ngã rồi vội vàng bước tiếp. Bóng tối duyềnh lên nhanh như nồi cơm đang sôi chưa kịp mở vung. Tín không về nhà, anh cứ thế bước đi. Sau lưng, mẹ con Miên, bóng tối dâng đầy trong mắt”. Không một dòng nói về nỗi đau khổ, tác giả đã để cho người đọc tự cảm nhận. Cách khai thác tâm lý nhân vật ấy cũng xuyên suốt trong phần lớn các truyện khác của chị. Người đọc cũng có thể tìm thấy tâm lý có phần nổi loạn của những cô gái thế hệ 8X trong “Trái tim phụ nữ”, “Chiều đi trên phố”… và bi kịch của họ khi không vượt lên được chính mình. Trần Quỳnh Nga cũng thể hiện sự sâu sắc của mình khi mạnh dạn đi vào khai thác đề tài chiến tranh mặc dù chị không được sinh ra trong thời chiến, “Chiều tím sông Giang” chắc hẳn sẽ gieo vào độc giả một nốt nhạc buồn nhưng khúc ngân của nó cũng khiến độc giả hài lòng. Những “Câu kinh bình yên”, những “Chuyện tình” …dù được chị khai thác ở góc độ tâm lý nào cũng đưa người đọc đến với bi kịch của những người vốn có tâm hồn sâu sắc đang phải trải qua cuộc sống nhạt nhẽo, để rồi bằng những sự dấn thân, bằng những sai lầm vô tình và hữu ý họ đã tự thanh lọc được mình, đã chọn được cho mình cuộc sống cần phải sống và hy sinh vì nó.
             19 truyện ngắn có truyện được thể hiện bằng kết cấu vòng tròn, có truyện được bắt đầu bằng hình ảnh hay thoáng khắc gợi mở nào đó theo nghệ thuật điện ảnh, có truyện thiên về trần thuật không sử dụng một bút pháp tân kỳ nào… nhưng nhìn chung ở tất cả các truyện, Trần Quỳnh Nga luôn giữ được vẻ điềm tĩnh khách quan để tái hiện một cách chân thật nhất những điều chị trải nghiệm và khám phá từ cuộc sống để chuyển tới độc giả. Và ở trong tập truyện này ta cũng thấy được cái riêng của Trần Quỳnh Nga khi trong một số chi tiết truyện chị đã sử dụng truyền thuyết về các loài hoa như truyền thuyết về cây bí ở “Bí đỏ”, hoa Trinh nữ ở “Ngoài kia có mưa rơi”…Thủ pháp nghệ thuật đó giúp chị đạt được những thành công nhất định trong việc dẫn dắt và xử lý tình huống câu chuyện một cách tinh tế.
              Tập truyện là kết quả của những trải nghiệm bản thân, những khám phá cuộc sống và bằng sự đa cảm của mình, trái tim Trần Quỳnh Nga đã rung lên những nhịp đập đồng cảm với nhiều cuộc đời, nhiều số phận trong cuộc sống. Những truyện ngắn, những lát cắt hiện sinh mà chị đề cập đến đã phản ánh một cách tinh tế những cảm xúc, suy tư của con người trước những biến cố phức tạp của đời sống. Đọc chị ta cứ ám ảnh về hình tượng những người phụ nữ ngổn ngang giới tính, bề bộn bản năng và loay hoay thân phận, dù người đó sống trong thời kỳ nào của xã hội như nhân vật lịch sử Thánh Mẫu Bích Châu hay chị Nhạn, Thu… và nhân vật Tôi trong nhiều truyện. Đọc chị để ta thêm một lần được trải nghiệm, khám phá những diễn biến tâm lý của chính mình, để có thể tìm lại những gì đã mất, để bồi đắp những gì còn thiếu hụt và để bao dung hơn với chính mình, với cuộc đời. Chính vì thế “Bí đỏ” là tập truyện có nhiều điều để đọc và suy ngẫm.
            “Bí đỏ” không lối cuốn độc giả bằng những chi tiết mới lạ, giật gân hay sex mà là bằng sự chỉn chu, nghiêm cẩn của tác giả.
Anh Hoài
. . . . .
Loading the player...