18-12-2024 - 08:40

Thơ chọn lời bình: Bầu trời vuông

Bài thơ Bầu trời vuông là một tác phẩm đầy cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Duy, được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh, khi tác giả sống và chiến đấu giữa những gian khó của đời lính. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Bầu trời vuông của nhà thơ Nguyễn Duy qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

 

BẦU TRỜI VUÔNG

 

Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng
Khoái nào bằng phút ngả lưng
Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn lúc rơi mưa
Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em
Thức là ngày, ngủ là đêm
Nghiêng nghiêng hai mái – hai miền quê xa
Ở đây là tấm lòng ta
Sông dài núi rộng cũng là ở đây

Vuông vuông chỉ một chút này
Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi


                                                                                 Nguyễn Duy

 

Lời bình:

Có thể nói quân đội ta từ khi thành lập cách đây 80 năm đã ngày càng trưởng thành và vững mạnh kể cả các trang bị quân trang, quân dụng. Từ một đội tuyên truyền giải phóng quân 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ đến nay chúng ta đã có những binh đoàn hùng mạnh những binh chủng hiện đại. Nhưng gắn bó với người chiến sĩ vẫn là chiếc ba lô quen thuộc trong đó có mái trăng và chiếc võng bạt đã đi suốt những cuộc hành quân qua các địa hình hiểm trở, những thời tiết bất thường để làm nên những chiến công oanh liệt. Nhà thơ Nguyễn Duy từng là một người chiến sĩ bộ binh đã có tứ thơ khá hay và độc đáo “Bầu trời vuông”. Bài thơ này nằm trong chùm thơ ông được giải nhất cuộc thi thơ của báo văn nghệ năm 1971.

Người lính - Mai Minh

 

Nguyễn Duy là người rất tài hoa với thể thơ lục bát truyền thống. Ông cũng là tác giả của bài thơ lục bát “Tre Việt Nam” nổi tiếng. Cái hay của “Bầu trời vuông” là sự phát hiện một hình tượng thơ giàu sức gợi liên tưởng và tạo ra sự liên kết so sánh độc đáo với nhịp lục bát hài hòa và tung tẩy, âm vọng vang xa. Bài thơ không viết trực tiếp về khói lửa bom đạn chiến tranh mà như một nghệ sĩ nhiếp ảnh chớp được cận cảnh một nét đẹp tâm hồn của người lính : “Thắng rồi - trận đánh thọc sâu - Lại về với mái tăng - bầu trời vuông”, một tiếng reo vui, một sự thanh thản, một không khí yên bình khoảng lặng sau đánh thọc sâu ác liệt. Đó như là một sự đối trọng:“Sục sôi bom lửa chiến trường - Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. Một định vị không gian thật đẹp, thật hào hoa. Và dưới mái trăng xanh bầu trời vuông là những phúi giây thư thái tĩnh tại “Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa”. Từ nhịp võng đung đưa đến cả cánh rừng đung đưa là sự náo nức cộng đồng, cộng hưởng chia sẽ niềm vui, chia sẽ tâm tình. Cái hay của bài thơ đó là sự khái quát nâng lên thành vẻ đẹp trong sáng tỏa rạng: “Trời tròn còn lúc rơi mưa - Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh”. “Nắng xanh” chính là sự tươi tắn, tươi mới của sức trẻ sức thanh xanh sức sống mãnh liệt. Ở đây tôi lại nghĩ đến từ hình thái “tròn” và “vuông” như một ẩn dụ của cả vũ trụ: Trời tròn – đất vuông. Mạch thơ cứ thế gợi lên bao liên tưởng không chỉ là sự quan sát bên ngoài, cảm nhận bên ngoài mà nâng lên cái tình yêu muôn đời vĩnh cửu: “Mặt trời là trái tim anh - Mặt trăng vành vạnh là tình của em”. Trong bầu trời vũ trụ đó có đủ mọi cung bậc tình cảm ấm nóng tình người cứ xôn xao cứ lay đọng cứ da diết. Ở đây ta thấy thể thơ lục bát Nguyễn Duy khá uyển chuyển cân đối mà vẫn bay bổng mơ mộng với những cặp đôi như “tròn – vuông” và “trái tim anh – tình em”; cụ thể hơn không chỉ ở không gian mà định vị ước lượng cả thời gian khá bất ngờ: “Thức là ngày, ngủ là đêm - Nghiêng nghiêng hai mái , hai miền quê xa”. Từ hạt nhân của cá nhân người lính dưới “bầu trời vuông” đã lan tỏa những vòng sóng tâm tình giao thoa để chưng cất lại một thông điệp giàu tính nhân văn: “Ở đây là tấm lòng ta - Sông dài núi rộng cũng là ở đây”. Đó như là một sự khẳng định chắc chắn vừa cao cả vừa thân thiết vừa đằm thắm tin yêu vừa lãng mạn bay bổng vừa thiết tha yêu đời.

Tôi cứ hình dung câu lục bát cuối cùng được tách ra như là một sự tự hào, tự biết: “Vuông vuông chỉ một chút này - Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi”. Một sự khiêm nhường, một lan tỏa cộng hưởng đã lý giải cội nguồn sức mạnh tinh thần vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ  “Vì nhân dân quên mình – vì nhân dân hy sinh” như trong điệp khúc quân hành người lính.

                            

N.N.P

 

. . . . .
Loading the player...