Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, với không khí vui tươi, ấm áp xua tan cái lạnh giá của mùa đông, sưởi ấm vạn vật và đất trời. Đây cũng là mùa được xem đẹp nhất trong năm. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Chú gà gọi xuân của nhà thơ Bảo Ngọc qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Văn Thanh.
CHÚ GÀ GỌI XUÂN
Mưa bay mềm cơn gió
Nắng trốn sau màn mây
Sương nằm lười nhánh cỏ
Mùa Đông còn ngủ say
Cả khu vườn im ắng
Bầy chim chưa tìm về
Hình như đàn bướm nhỏ
Trong kén vẫn ngủ mơ
Khoác áo màu nâu xám
Trời còn nằm co ro
Thiếu nắng vàng rực rỡ
Mặt đất cũng… buồn so!
May quá! Anh Gà Trống
Gáy vang: Ò…o…o…
Thức Mặt Trời tỉnh giấc
Gọi Mùa Xuân mau về
Mùa Xuân-cô tiên nhỏ
Phép màu từ đôi tay
Với gót chân chạm gió
Miệt mài suốt đêm ngày!
Sớm mai trong nắng mới
Én lượn trên đồng xanh
Nụ hoa tròn đôi mắt
Ngậm sương trời long lanh…
Bảo Ngọc
LỜI BÌNH
Những ngày cuối năm khi mùa đông và mùa xuân chỉ còn cách nhau chừng một “bờ dậu thưa”. Bên này là mùa đông u ám, còn phía bên kia là mùa xuân vàng rực rỡ. Hình như cái khoảnh khắc giao mùa này mong manh đến nỗi chỉ cần một lực nhỏ của ai đó trong tự nhiên tác động vào mùa xuân sẽ ùa về. Nhà thơ Bảo Ngọc quê Hưng Yên, Phóng viên báo Thiếu niên và Nhi đồng đã ghi lại thời khắc đó qua bài thơ Chú gà gọi xuân (một trong ba mươi chín bài thơ viết cho thiếu nhi in trong tập Gõ cửa nhà trời của chị).
Đọc khổ thơ đầu tiên chúng ta đã cảm nhận được bầu không khí u ám của mùa đông: “Mưa bay mềm cơn gió / Nắng trốn sau màn mây / Sương nằm lười nhánh cỏ / Mùa Đông còn ngủ say.!”Ba câu thơ trong khổ thơ đầu tiên giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình. Mỗi câu thơ đều biểu thị một trạng huống, một tính cách thầm nhắc với chúng ta rằng mùa đông vẫn còn tồn tại. “Mùa Đông còn ngủ say”.
Mùa Đông còn ngủ say nên Ông Mặt Trời “Khoác áo màu nâu xám … nằm co ro” muôn loài buồn bã tựa hồ không còn sức sống. Chim đi trú đông chưa về vườn quê chưa vang tiếng hót. Bướm chưa ra khỏi tổ kén để bay lượn tìm hoa. Cảnh, vật một màu ảm đạm đến nỗi “mặt đất cũng buồn… so”. Tất cả muôn loài chỉ biết chờ đợi và chờ đợi. Biết tìm ai đây để đánh thức Ông Mặt Trời dậy gọi mùa Xuân mau trở về? Theo truyện cổ ngày xưa để lại thì ông Cóc là cậu Ông Trời có thể làm được điều đó nhưng nghĩ cho cùng ông Cóc chỉ nghiến răng gọi trời làm mưa thôi chứ bất lực trong việc gọi mùa Xuân về. Suy đi tính lại mãi nhà thơ Bảo Ngọc liền đưa ra ý định phải chọn anh Gà Trống. Chỉ có anh Gà Trống mới sáng sáng gọi ông mặt trời dậy được. Ông mặt trời có thức dậy mùa Xuân mới mau về: “May quá anh Gà Trống ? / Gáy vang ò…ó …o…/ Thức mặt trời tỉnh giấc / Gọi mùa Xuân mau về”. Và ông Mặt Trời tỉnh giấc mùa Xuân về thật: “Sớm mai trong nắng mới / Én lượn trên đồng xanh / Nụ hoa tròn đôi mắt / Ngậm sương trời long lanh”.
Chú gà gọi xuân ( Minh họa: Internet)
Cái nghịch cảnh trong bài thơ này là quyền lực hô nắng gọi mưa như Ông Trời mà cũng đành bất lực chịu bó tay “nằm co ro” khi mùa đông chưa qua, mùa Xuân chưa đến. Một chút hóm hỉnh mang đầy hơi thở dân gian, và con chữ ở đây là nguyên liệu để nhà thơ Bảo Ngọc biến hóa nó tặng bạn đọc một bài thơ đa chiều về cảm xúc.
Bài thơ Tiếng Gà gọi Xuân gồm 6 khổ thơ năm chữ. Mỗi câu thơ đều đầy ắp biểu cảm, hình ảnh sống động, từng cung bậc, trạng huống, đồng loạt xuất hiện ùa về trên từng câu từng chữ, từng khổ thơ làm bài thơ có sức cuốn hút lạ kì. Ngôn ngữ thơ trong trẻo, chuẩn xác biến hóa và được làm mới tạo nên những thi ảnh không thể nào quên trong lòng bạn đọc.
Và rồi anh Gà Trống gọi được mùa Xuân về. Một sự thật quá đỗi bất ngờ, nó làm cho nụ hoa trong vườn cũng xúc động và bối rối. Chắc nụ hoa và muôn loài muốn tìm nhà thơ Bảo Ngọc để nói lời cảm ơn.
Mùa Xuân về thật! Nụ hoa nhỏ nơi vườn quê vô cùng sung sướng “Nụ hoa tròn đôi mắt / Ngậm sương trời long lanh”.
14-1-2022
Nguyễn Văn Thanh