Nội dung bài đồng dao “Dỗ em” nhà thơ Bảo Ngọc khái quát vài nét cho các bạn đọc nhỏ tuổi để các em dễ dàng nhận biết nhà thơ đang dẫn dắt các em về một miền quê yên bình. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ "Dỗ em" của Nhà thơ Bảo Ngọc qua phần bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.
DỖ EM
Khi ông Mặt Trời
Còn đang ngái ngủ
Mẹ đã tranh thủ
Ra đồng bắt cua
Em đã dậy chưa
Hãy ngoan em nhé
Cánh cò be bé
Đồng lúa xanh xanh
Mẹ đội trời nắng
Cho em giấc lành
Còn chị giúp mẹ
Quét nhà nhặt rau
Nắng chớm hàng cau
Dỗ em thức giấc
Má tròn thơm nựng
Cái miệng xinh xinh
Bé ơi ngoan nhé
Mẹ sẽ về nhanh
Bảo Ngọc
Dỗ em yên giấc ngủ (Ảnh: Internet)
LỜI BÌNH:
“Đồng giao ngày mới” viết cho thiếu nhi của nhà thơ Bảo Ngọc (hiện công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong) ào ạt chảy liền một mạch hai mươi mốt bài đóng góp hơn phần nửa tập thơ “Gõ cửa nhà trời.” Và bài “Dỗ em” là một bài đồng dao tựa như một lời ru trong trẻo cất lên khi ngày mới vừa gõ cửa.
Nội dung bài đồng dao “Dỗ em” nhà thơ Bảo Ngọc khái quát vài nét cho các bạn đọc nhỏ tuổi để các em dễ dàng nhận biết nhà thơ đang dẫn dắt các em về một miền quê yên bình. Ở đó có gia đình một người nông dân có hai đứa con còn nhỏ tuổi, cô chị bé xíu chừng năm tuổi và một bé em còn thơm mùi sữa. Cả gia đình bên nhau hạnh phúc và đầy trách nhiệm với nhau trong cuộc sống hai sương một nắng của mình. Hằng ngày, người người mẹ phải dậy từ rất sớm: “Khi ông mặt trời/ Còn đang ngái ngủ.” Mẹ dậy trước cả ông mặt trời, trong thời khắc mà mọi người còn đang nằm trên giường, ông mặt trời còn chưa tỉnh giấc “Mẹ đã tranh thủ / Ra đồng bắt cua.”Nhiệm vụ được trao lại cho chị cả một cô bé - như ta tự hình dung - ở nhà trông em còn đang say giấc. Hình ảnh cô bé cứ lon ton chạy đi chạy lại trước chỗ bé em nằm để trông chừng em mình còn ngủ hay đã thức thật cảm động và đáng yêu làm sao! “Trách nhiệm” là “rất lớn”, lẽ ra trong lứa tuổi thần tiên ấy em còn đang được chăm chút và vòi vĩnh mẹ. Nhưng ở đây cô bé sinh ra ở nông thôn vẫn ý thức được việc mình đang làm như bất kỳ ở gia đình nông dân nào nên bé vui vẻ dịu dàng đến bên giường xem thử: “Em đã dậy chưa” và hồn nhiên nựng em “ Hãy ngoan em nhé.”
Cô bé ấy đang hoàn thành trách nhiệm mà mẹ giao cho em trước khi ra đồng bởi em đã sớm ý thức được rằng: “Mẹ đội trời nắng cho em giấc lành” Thương mẹ “đội trời nắng” ngoài đồng vất vả lo toan cho cả nhà cô chị bé tí của chúng ta luôn ý thức phải kiếm việc làm đỡ đần giúp mẹ. Ngoài “dỗ em” khi em “thức giấc” bé đã “Quét nhà, nhặt rau” như Bác Hồ lúc còn sống đã dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình.” Đó cũng là ước muốn mà nhà thơ Bảo Ngọc gửi đến cho bạn đọc nhỏ tuổi chúng ta trong bài đồng giao này.
Bài đồng giao “Dỗ em” ngôn ngữ thơ được dùng để chỉ thời gian và khỏng gian sinh động ám ảnh tâm thức người đọc. Nhà thơ dùng từ “mặt trời còn ngái ngủ” để chỉ trời còn chưa sáng hẳn hay “Cánh cò be bé/ Đồng lúa xanh xanh” để thầm nói với mọi người rằng nhà bé ở cạnh cánh đồng nơi bé có thể nhìn thấy hết thảy từ cánh cò bay cho đến đồng lúa xanh xanh trước mặt. Mặt khác khoảng cách từ nơi mẹ của em đang bắt cua về nhà là một khoảng cách khá xa. Ở đó cánh cò trắng dưới con mắt của bé bé tí teo chứ không to như lúc chúng bay lượn ở cánh đồng gần nhà.
Nhà thơ Bảo Ngọc đã thành công khi gieo những hạt giống tốt lành trong tâm hồn trẻ thơ qua việc xây dựng hình ảnh việc làm của cô chị nhỏ tuổi khi mẹ vắng nhà. Đó là sự thánh thiện trong veo trong từng nếp nghĩ, đắn đo từng câu, từng con chữ để bài đồng giao ngập tràn cảm xúc như cách bé từng ngọt ngào dỗ và nựng em: “Má tròn thơm nựng/ Cái miệng xinh xinh/ Bé ơi ngoan nhé/ Mẹ sẽ về nhanh!”
N.V.T