Nhắc đến tháng 3 có lẽ không thể không nhắc đến mưa. Mưa tháng 3 thường là những trận mưa dông bất chợt đến rồi đi nhanh như thoảng. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Mưa tháng ba của tác giả Phan Duy Đồng qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh.
MƯA THÁNG BA
Sấm đi làm mối
Gió đi bắc cầu
Mây là cô dâu
Áo dài tha thướt…
Ào ào mưa mau
Hạt rơi sắc ngọt
Mưa như mật rót
Trận mưa tháng ba
Lạc vườn ra hoa
Bí, bầu to quả…
Cóc ta hể hả
Nhảy ra đón mưa
Mối cánh bông đùa
Câu đàn gà mái.
Phan Duy Đồng
LỜI BÌNH
Nắng, mưa, giông bão là hiện tượng giao hòa của thời tiết, của thiên nhiên đất trời. Bài thơ Mưa Tháng Ba của nhà thơ Phan Duy Đồng giúp các em tìm hiểu một trong những hiện tượng và quy luật biến đổi đó. Cơn mưa được thể hiện trong bài thơ là cơn mưa đám mây, nó chợt đến, chợt đi. Khổ đầu tiên của bài thơ:
“Sấm đi làm mối
Gió đi bắc cầu
Mây là cô dâu
Áo dài tha thướt”…
Nhà thơ đã dùng những hình ảnh cụ thể nhân cách hóa nó, để tường thuật chi tiết những hiện tượng của thiên nhiên xảy ra trước cơn mưa. Đó là sấm, là gió, là mây. Thông thường tiếng sấm báo hiệu cơn mưa sắp tới. Sấm càng to cơn mưa càng lớn. Cái áo của Mây càng dày càng đen đặc thì cơn mưa càng to, càng lâu. Những hình tượng sấm “làm mối”, gió “bắc cầu”, “áo dài tha thướt” được nhà thơ sáng tạo ra trong một ngôn ngữ mang tính ẩn dụ cực hay và lắng đọng mãi trong tâm trí các em.
Mưa tháng ba - Minh họa: KAIDA KAZEWARABE
Sang khổ thơ thứ hai tác giả đã chuyển tải cho các em hiểu rõ hơn về bản chất, tính cách và lợi ích của cơn mưa. Đó là :“ào ào mưa mau, hạt rơi sắc ngọt.” Tác giả muốn các em cảm nhận được rõ hơn về những cơn mưa trái mùa thường diễn ra nhanh, gọn đến không ngờ, thậm chí ta chưa kịp mở áo mưa thì cơn mưa đã tạnh. Vì thế hạt mưa đã ngấm nhanh vào đất không để lại dấu vết giống như một lưỡi dao sắc ngọt cắm sâu vào lòng đất. Nhưng hiệu quả của cơn mưa tháng ba lại thật bất ngờ :“mưa như mật rót” hay nói cách khác như rót mật vào đất để mùa màng bội thu. Cơn mưa đúng vào thời điểm mà những người nông dân thường nói với nhau: mưa ra vàng ra bạc. Cơn mưa đưa đến những lợi ích thiết thực mà tất cả mọi người đều mong đợi ở nó. Đó là :
“Lạc vườn ra hoa,
Bí bầu to quả”.
Ở khổ thơ thứ ba nhà thơ dẫn dắt các em đến với những hiện tượng cụ thể xảy ra trong cơn mưa. Đó là:
“Cóc ta hể hả
Nhảy ra đón mưa”.
Hay những nghịch lí tương phản để tạo ra một giọng điệu thơ riêng biệt cuốn hút các em::
“ Mối cánh bông đùa
Câu đàn gà mái”.
Từ “câu” đã đẩy cả khổ thơ lên một hình tượng nghệ thuật mới. Sự tung tẩy của các con chữ làm cho bài thơ thêm sống động Ở đây gà mái không phải chờ chực gần tổ mối để bắt mồi mà những con mối cánh đã bay lên bay xuống trước mặt đàn gà mái như đùa nghịch để câu nhử chúng. Những ngôn ngữ miêu tả của nhà thơ chứa đầy tính ẩn dụ giúp các em cảm nhận được những hình ảnh diễn ra trong cơn mưa thật sinh động và khơi gợi nguồn cảm xúc trong lớp tuổi thơ. Bởi những hình tượng thực - hư này lại có khả năng thể hiện rõ nét hơn sâu sắc hơn hình ảnh thật xuất hiện sau cơn mưa mà các em từng gặp.
Bài thơ Mưa tháng Ba của nhà thơ Phan Duy Đồng là một món quà quý giúp các em cảm nhân được những biến đổi của thiên nhiên đất trời với góc nhìn trong sáng, thân thiện. Những phát hiện, bất ngờ của tác giả mang tính đột biến trong bài thơ không làm mất đi nét tươi sáng trong nó mà còn làm nó đẹp long lanh hơn, gần gũi với các em hơn.
15-6-2017
Nguyễn Văn Thanh