Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài thơ “Nắng Ba Đình” của Nhà thơ Nguyễn Phan Hách qua lời bình của tác giả Nguyễn Hà Huy
NẮNG BA ĐÌNH
Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày Tuyên ngôn độc lập
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy
Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác …
Nguyễn Phan Hách
Lời bình:
Bài thơ “Nắng Ba Đình” của nhà thơ Nguyễn Phan Hách được đưa vào chương trình tiểu học, đây là một đề tài khó viết cho thiếu nhi. Thế nhưng, bằng sự nhạy cảm tinh tế của mình nhà thơ đã phối màu thật đẹp, thật ấm áp gần gũi mà vẫn rất thiêng liêng khi vẽ nên hình ảnh “Nắng Ba Đình”. Hai danh từ Nắng và Ba Đình đã kết hợp chuyển thành một tính từ: “Nắng Ba Đình” rất đỗi tự hào và xúc động.
Lứa tuổi các em rất thích sắc màu, tô màu và chính màu sắc là hình ảnh trực giác đầu tiên gây sự chú ý. Trong một không gian rộng lớn và quyến rũ của mùa thu thì sắc nắng như một tấm áo bằng lụa mỏng choàng xuống. Màu vàng của nắng tươi thắm lòng người và tô thắm: “Nắng Ba Đình mùa thu - Thắm vàng trên lăng Bác”. Giữa quảng trường Ba Đình rộng lớn hình ảnh lăng Bác như một điểm nhấn, một đài hoa. Đến lăng Bác ta gặp ta những lũy tre ngà màu vàng rì rào vẫy gọi. Nhà thơ như một nghệ sĩ nhiếp ảnh từ cận cảnh: Lăng Bác được nhuộm trong sắc thắm nắng vàng mùa thu lại mở rộng ống kính nâng dần lên tỏa rộng ra bát ngát: “Vẫn trong vắt bầu trời - Ngày Tuyên ngôn độc lập”. Chữ “trong vắt” là một cảm nhận trực giác tinh khiết, trong trẻo vừa như là sự gạn lọc, chọn lọc tinh túy để tôn vinh thiêng liêng ngày Quốc khánh 2/9 - Ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.
Nếu như sắc màu của nắng của trời mây là tỉnh thì khổ thơ thứ hai chuyển về trạng thái động khi lòng người náo nức nhớ về ngày độc lập: “Ta đi trên quảng trường - Bâng khuâng như vẫn thấy - Nắng reo trên lễ đài - Có bàn tay Bác vẫy”. Từ nắng “thắm vàng” đến “nắng reo” là một bước chuyển trạng thái tâm hồn hợp với sự hiếu động của tuổi nhỏ. Nắng reo hay lòng người reo và nắng chỉ reo khi có bàn tay Bác Hồ vẫy chào. “Reo” là sự hồ hởi, náo nức như muốn tung tẩy bay nhảy dưới bầu trời tự do của ngày độc lập. Bàn tay Bác vẫy chào đã tạo ra một ấn tượng tốt đẹp thân thiết, sức truyền cảm lớn lao.
Nắng Ba Đình thắm, nắng Ba Đình reo thật ấm áp nhường nào khi ngày độc lập trọng đại ấy ta lại nhìn thấy “Ánh mắt Bác nheo cười” làm cho mọi người đều có cảm giác “Ấm lòng ta biết mấy”. Nắng ấm tỏa ra từ ánh mắt Bác cười với đôi mắt sáng ngời, vầng trán cao, chòm râu bạc. Ở đây nhà thơ viết “Ánh mắt Bác nheo cười” hình ảnh này sinh động, lấp lánh trẻ trung niềm vui biết bao. “Nheo cười” trong ánh nắng “thắm vàng” thật đẹp, thật lạc quan bình dị. Từ sự đặc tả hình ảnh ánh mắt Bác bất ngờ nhà thơ nới rộng không gian tỏa ra: “Lồng lộng một vòm trời - Sau mái đầu của Bác”. Chính sự tượng hình về sự vĩ đại lớn lao của lãnh tụ kính yêu đã tạo ra một niềm tin tất yếu khẳng định sự bền vững độc lập tự do của một nước: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” vừa mới khai sinh.
Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 08 năm 2021
N.H.H