24-02-2021 - 07:33

Thơ chọn lời bình: Xoan đâu

Mỗi độ xuân về, trong mưa bụi lất phất, gió se se lạnh, những cành xoan với chùm hoa li ti, mỏng manh nhưng đầy sức quyến rũ, toát lên vẻ đẹp dịu dàng như hương sắc đồng quê khiến trái tim bao người xao xuyến. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “Xoan đâu” của tác giả Phan Duy Túc qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh,

    XOAN ĐÂU 

Rõ là tên mình
Nào ai chẳng thấy
Cứ gọi xoan đâu
Như tìm mình vậy

Mùa xuân hây hẩy
Hoa tím một màu
Kết chùm quả đẹp
Vẫn gọi xoan đâu

Trông quả trông hoa
Nhìn cây nhìn lá
Đứng xanh giữa trời 
Gọi như người lạ

Xoan đây người ạ
Xin cảm ơn người
Ai đặt tên tôi
Xoan đây- bóng tỏa
           
                                       8-2002
                                Phan Duy Túc

 

LỜI BÌNH

       Phan Duy Túc là một tác giả thơ trong làng thơ Hà Tĩnh. Ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật quê ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, sinh năm 1947 và mất năm 2005. Ông để lại cho Văn học Thiếu nhi tỉnh nhà nhiều bài thơ hay với cách chơi chữ hóm hỉnh và bài thơ mang tựa đề Xoan đâu là một trong số đó. Bài thơ giới thiệu với các em một loài cây quen thuộc được trồng và mọc hoang dã ở khắp làng quê. Nó rụng lá về mùa đông và đơm hoa kết trái ra lộc mới vào dịp giữa mùa xuân khi tiết trời đã bắt đầu ấm áp. Xoan đâu, hay thầu đâu là tên gọi quen thuộc của loài cây này ở tỉnh Hà Tĩnh và ở các tỉnh miền Trung nước ta.
      Mở đầu bài thơ, tác giả đã vận dụng tính đa nghĩa của ngôn ngữ tiếng Việt để giới thiệu với các em về tâm thế, hình ảnh của cây xoan đâu khi mùa xuân về qua bốn câu thơ viết theo thể thơ tự sự. Và nó cũng như một lời tâm sự của cây xoan với bạn đọc nhỏ tuổi: 
                                             “Rõ là tên mình
                                              Nào ai chẳng thấy
                                              Cứ gọi xoan đâu
                                              Như tìm mình vậy”
     Qua khổ thơ này các em sẽ thích thú khi nhận ra nghệ thuật chơi chữ của nhà thơ Phan Duy Túc. Ông đã lợi dụng hiện tượng đồng âm đa nghĩa trong ngôn ngữ để phát triển tứ thơ của mình nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ thú vị. Hai từ ghép “xoan đâu” hiểu theo cách thông thường là để chỉ tên một loài cây đó là cây xoan đâu còn trong khổ thơ này “xoan đâu” được xem như là một câu hỏi: “Cây xoan đang ở đâu?" Để từ đó ông tuần tự triển khai tứ thơ của mình một cách mĩ mãn nhất. Qua màn giới thiệu đầu tiên về mình ở khổ thơ thứ nhất cây xoan được biết đến như một nhân vật có hồn, mang nặng bầu tâm sự chưa biết thổ lộ cùng ai. Nó như hiểu hết mọi việc đang diễn ra quanh mình và tự giới thiệu với mọi người rằng chính mình là cây “xoan đâu” chứ chẵng phải tìm kiếm đâu xa. 

Bình Minh Xuân (Tranh: Đào Hải Phong)

       Khổ thơ thứ hai làm rõ hơn những điều mà khổ thơ thứ nhất muốn nói với các em đây là cây xoan với những hình ảnh đặc trưng riêng biệt: 
                                                 “Mùa xuân hây hẩy
                                                  Hoa tím một màu
                                                  Kết chùm quả đẹp
                                                  Vẫn gọi xoan đâu.”
     Với những hình ảnh đặc trưng ấy cho ta biết đó chính là cây “xoan đâu”. Bởi chỉ có cây xoan đâu mới có từng chùm hoa nở tím vào mùa xuân, và khi hết mùa hoa nó kết thành từng chùm quả màu xanh treo khắp trên các cành cây. Với câu thơ “mùa xuân hây hẩy” ta nhận ra tính từ “hây hẩy” là dụng ý của nhà thơ Phan Duy Túc muốn cho chúng ta biết đó là thời khắc mùa xuân đang độ chín nồng nàn, trời đang ấm dần lên, nắng xuân đã trải vàng khắp đầu làng cuối xóm. Ngày xuân đang dần về những tháng cuối, hoa đã nở hết mình, cành đã treo đầy những quả và những hình ảnh đó chính là dịp cuối xuân. 
     Bài thơ Xoan đâu như một lời tâm sự ngot ngào, những lời giải bày của cây xoan với tất cả mọi người, nhắn nhủ với mọi người rằng:
                                                “Trông quả trông hoa
                                                  Nhìn cây nhìn lá
                                                  Đứng xanh giữa trời.”
 và đó chính là hình ảnh thực của cây xoan xin đừng “gọi như người lạ”.
      Bài thơ “Xoan đâu” được triển khai với tứ thơ độc đáo. Là sự kết hợp giữa nghệ thuật sử dụng vốn từ vựng, nghệ thuật “chơi chữ”, khéo léo vận dụng các từ đa nghĩa sẵn có trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt để mở ra và kết thúc bài thơ một cách nhẹ nhàng, đáng yêu. Và bài thơ cũng như một lời giới thiệu với các cháu thiếu nhi về một loài cây đang có mặt ở khắp các vùng, miền nơi làng quê Hà Tỉnh. Nó vừa khoe hoa vừa tỏa bóng mát và cho một lượng  gỗ lớn trong xây dựng. Loài cây thân thiện, quen thuộc với tất cả mọi miền quê từ Nam ra Bắc đúng như lúc sinh thời nhà thơ Phan Duy Túc đã viết: 
                                                 “Xoan đây người ạ
                                                   Xin cảm ơn người
                                                   Ai đặt tên tôi
                                                   Xoan đây- bóng tỏa.”

 

Nguyễn Văn Thanh


(1)    – Trong Văn Thơ Thiếu nhi Hà Tỉnh xuất bản 2006
25-2-2018


 

. . . . .
Loading the player...