Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 trân trọng giới thiệu bài thơ “Những cây dù đỏ” của nhà thơ Xuân Hoài qua lời bình của Phạm Văn Chữ
Những cây dù đỏ
Dễ thấy trời xanh đâu
Đầy cành hoa phượng đỏ
Kín cả mặt đất nâu
Phượng rơi đầy lối ngõ
Cứ như là đang bay
Dưới một cây dù đỏ
Thoáng quên gốc phượng này
Ngỡ như trên mây gió
Bắt đầu rồi hè ơi
Dù đỏ bay khắp nơi
Những cây dù tuyệt diệu
Chở muôn vàn cuộc chơi
Bác ve già mùa trước
Vẫn kể bằng nhạc ve
Hiếm tuổi thơ không được
Sắc phượng hồng chở che
1992
Xuân Hoài
Phượng hồng - Ảnh: Ánh Dương
Lời bình:
Đã từng là thầy giáo trước khi chuyển qua hoạt động văn học nghệ thuật, nhà thơ Xuân Hoài (1941-2005) có điều kiện để gắn bó với lứa tuổi sân trường. Mấy tập thơ thiếu nhi đã chứng tỏ tình cảm yêu mến thiết tha của ông dành cho các cháu. Bài thơ "Những cây dù đỏ" mang tên cho cả tập thơ thứ hai Xuân Hoài viết cho thiếu nhi trong vòng mười năm, từ 1982 đến 1992.
Nhỏ gọn, xinh xắn, chỉ bốn khổ thơ năm tiếng và bằng giọng điệu reo vui, bài thơ đã nói được nhiều điều cảm nhận với tâm hồn trẻ. Mạch cảm hứng được khơi nguồn từ bức tranh thiên nhiên gợi lên bằng trực cảm. Hè đã về! Trời thăm thẳm trong xanh. Hoa phượng đỏ rực nở đầy cành, "rơi đầy lối ngõ", che phủ “kín cả mặt đất nâu”. Hè về! Tiếng ve râm ran như cùng hoà tấu lên những bản nhạc bổng trầm, tha thiết. Vừa nhìn ngắm, vừa lắng nghe, trong niềm vui náo nức, bâng khuâng, khi ngồi dưới những gốc phượng, ngỡ đây là “những cây dù đỏ”, và rồi phút chốc, ở trong “những cây dù” tuyệt diệu ấy, ta như được bay lên không trung, bay lên khắp nơi giữa trời cao cùng mây gió. Thế là tha hồ mà dạo chơi. Những cuộc “du lịch” đầy lí thú và ngoạn mục. Những giây phút thần tiên dễ mấy ai có được!
Với mấy nét chấm phá nhưng nhờ nghệ thuật hoà sắc và phối âm như trong hội họa và âm nhạc, nhờ những phép tu từ quen thuộc dễ hiểu với các em như so sánh, thậm xưng, điệp ngữ, nhân hoá..., nhà thơ đã vẽ lên cả một bức tranh mùa hè sống động với hai nét đặc trưng là hoa phượng và tiếng ve, hợp với năng lực thụ cảm thẩm mỹ của thiếu nhi. Những hình ảnh chọn lọc trong bức tranh là sản phẩm của sự quan sát tinh tế, sự liên tưởng của trí tưởng tượng nghệ sĩ, hồn nhiên, ngây thơ. Hình ảnh trung tâm là “những cây dù đỏ”, không phải là cây dù bình thường mà là “dù - phượng” đỏ rực sắc hoa bay lên “chở muôn vàn cuộc chơi”. Lại chỉ cần nghe từ những lời “kể bằng nhạc ve”, từ khúc ca của những “bác ve già mùa trước” là rộn rã, náo nức lắm rồi. Nhưng sao lại là" Bác ve già mùa trước"? Bởi, theo cảm nhận của tuổi thơ, hè mới bắt đầu nên các chú ve non mới nở chưa thể cất tiếng hát. Phải có “thế hệ trước” truyền dạy, thế hệ sau mới biết yêu đời, biết ca hát và hát hay! Cái lôgich của điệu hồn con trẻ vốn ngộ nghĩnh, hồn nhiên là thế.
Bài thơ không chỉ nói cho các em mà còn nói về các em. Trẻ em không chỉ để yêu thương mà còn là đối tượng thẩm mỹ của người lớn. Trẻ em đẹp vô ngần! Đó là cái đẹp về tâm hồn, tính cách hãy còn trong trẻo, non tơ... Thật là đáng yêu! Nhưng, trẻ em phải được nâng niu, dạy dỗ, chăm sóc đủ đầy. Đây không nói tới sự thỏa mãn nhu cầu vật chất cơm ngon, áo đẹp, chỉ nói sự viên mãn về tình cảm, ở cõi tinh thần cũng là một cách nói độc đáo của thơ. Người lớn hãy để cho con em mình được hồn nhiên, vô tư, đừng vì bất cứ lý do nào mà đẩy các em vào vướng bận, lo toan, nhất là những ngày hè rực rỡ, tươi thắm, nên thơ...
Bài thơ đi đến lời kết gợi ra bao điều xúc cảm và suy ngẫm:
Hiếm tuổi thơ không được
Sắc phượng hồng chở che
Hình tượng đã có bước chuyển hóa: từ cây phượng mùa hè nở hoa thành cây dù đỏ và cuối cùng thành “sắc phượng hồng”, là ẩn dụ biểu trưng cho hạnh phúc tuổi thơ. Vui ngập tràn mà vẫn cứ chạnh lòng. "Ấm thân thì thương kẻ lạnh lùng" (ca dao) là đạo lí, tình nghĩa ở đời. Được hưởng niềm vui sướng, các em không hề dửng dưng, vô cảm mà luôn nghĩ tới, thương các bạn cùng trang lứa đang phải chịu thiệt thòi, như không có tuổi thơ, không có được "Sắc phượng hồng chở che". Niềm vui càng thấm thía, càng có chiều sâu và tình cảm mang đậm tính nhân văn ấy ở lứa tuổi các em thật là đáng quý!
Thơ cho thiếu nhi bao giờ cũng cần có sự kết hợp hài hoà giữa tính giáo dục và tính thẩm mĩ mới phát huy tối đa chức năng cao quý của nó.
Phạm Văn Chữ