28-06-2019 - 07:29

Thơ chọn và lời bình: Nói với con dâu

Kỷ niệm Ngày gia đình việt Nam (28/6). Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu bài thơ "Nói với con dâu" của Nhà thơ Vương Trọng qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

NÓI VỚI CON DÂU

 

 

Thế là, cháu đã thành con

Bác thành bố, mẹ - chẳng còn lạ, xa

Ăn chung bữa, ở chung nhà

Nói năng thêm giọng, vào ra thêm người.

 

Nhà mình, quý nhất con ơi:

Nâng niu, gìn giữ nghĩa đời trước sau

Đã rằng hai tiếng thương nhau

Thì thương cho đến bạc đầu còn thương.

 

Dặn con biết trước mà lường:

Bố hay nóng nảy, mẹ thường nghĩ lâu

Đừng vì những chuyện không đâu

Mà sinh nặng nhẹ, vàng thau những lời.

 

Chồng con, con đã hiểu rồi:

Mải mê công việc, chây lười vệ sinh

Những khi dọn dẹp một mình

Thì con tự ví trúc xinh trong nhà!

 

Buồn làm dâu sẽ chóng qua

Niềm vui lắng đọng, nỗi xa xích gần

Cũng như trời đất xoay vần

Mùa đông đang hết, ngày xuân cận kề.

                                                              Vương Trọng

 

Lời bình:

 

         Trong ứng xử mối quan hệ gia đình chúng ta thường có câu: Mẹ chồng nàng dâu. Đó cũng là tâm lý sinh hoạt thông thường của xã hội. Trong thơ ca Việt Nam, Xuân Quỳnh đã có bài thơ Mẹ của anh viết rất cảm động. Mẹ của anh cũng chính là mẹ của em không còn phân biệt nàng dâu, mẹ chồng. Bởi mẹ đã sinh ra anh và anh là tài sản lớn nhất của đời em. Đó là cái nhìn bao dung, nhân hậu đầy nữ tính. Gần đây, tôi được đọc bài thơ Nói với con dâu của nhà thơ Vương Trọng ở góc độ cha chồng nói với con dâu với tấm lòng của một người mẹ. Đây cũng là một trong những mô típ “chuyện đời thường” mà Vường Trọng khá thành công bởi lời thơ giản dị, những cảnh ngộ thân phận được cảm thông, được chia sẻ. Tác giả chọn một cách nói tâm tình rủ rỉ: Thế là cháu đã thành con - Bác thành bố, mẹ chẳng còn lạ xa - Ăn chung bữa, ở chung nhà - Nói năng thêm giọng vào ra thêm người. Thêm giọng nói, thêm người là hiển nhiên nhưng trong cái tổ ấm gia đình ấy lại thêm một cá thể, một tính cách khác đến từ một đời sống khác, hoà hợp vốn không dễ vì lứa tuổi vì thứ bậc từ “bác chuyển sang bố mẹ”, từ “cháu chuyển thành con”. Ở đây nhà thơ nhấn mạnh đến chữ “thương”: Đã rằng hai tiếng thương nhau - Thì thương cho đến bạc đầu còn thương. Tiếng Việt có hai chữ rất hay “yêu thương” hay “thương yêu”. Người Việt có những ứng xử riêng gắn kết với cộng đồng bắt đầu bằng chữ thương: Bầu ơi thương lấy bí cùng hay  Người trong một nước phải thương nhau cùng. Thường, yêu gắn với một người nhưng thương thì rộng hơn. Yêu có thương mới bền vững. Cũng chính vì nhà thơ rất thương con dâu mình mới dặn dò bảo ban như người mẹ đẻ: Dặn con biết trước mà lường - Bố hay nóng nảy, mẹ thường nghĩ lâu, rồi: Chồng con, con đã hiểu rồi - Mải mê công việc, chây lười vệ sinh. Ở đây ta không còn thấy thơ nữa mà chỉ thấy tấm lòng, rất thật thà, thật đến mức vụng về hồn hậu đáng yêu. Tôi hình dung ra một Vương Trọng ngoài phẩm chất thi sỹ tài hoa thông minh đáng quý, anh còn là một người đàn ông rất chu đáo cẩn thận trong cuộc sống đời thường. Một sự chuẩn mực rất cần thiết trong đời sống hiện đại. Nhưng anh còn là một người rất dí dỏm - chính cái sự hóm hỉnh này đã phá vỡ cái không khí khá nghiêm túc có lúc sa vào chất giáo huấn của bài thơ. Đó là anh tự cười với mình khi tôn vinh con dâu: Những khi dọn dẹp một mình - Thì con tự ví trúc xinh trong nhà. Đây là hai câu thơ hay nhất của toàn bài, là điểm sáng lung linh, cái ngọn nến hư ảo ấy đã hiện ra một “liền chị” đáng yêu. Trúc xinh em đứng một mình cũng xinh rất Việt Nam, rất dân tộc. Có lẽ bài thơ dừng ở đây cũng đã đạt được ý tưởng chuyển tải như một thông điệp nhà thơ muốn nói với con dâu. Khổ thơ cuối có cảm giác bị thừa, âu đó cũng chính là tính cẩn thận chu tất của nhà thơ nguyên là một thầy giáo dạy toán.

 

N.N.P

. . . . .
Loading the player...