13-09-2017 - 08:21

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Cây rơm

Nói đến thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú chắc các em sẽ nghĩ đến những bài thơ viết về biển của ông. Điều đó cũng dễ hiểu vì Nguyễn Ngọc Phú đã thành danh từ những tập thơ, bài thơ viết về biển. Những năm gần đây ông đã cho những người yêu thơ ông một cách nhìn mới. Đó là “Trường ca Ngã Ba Đồng Lộc”và tập thơ viết cho thiếu nhi “ Mùa Chim” nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành. Trong bốn lăm bài toàn tập chỉ có chín bài viết về những gì liên quan đến biển, ba mươi sáu bài còn lại về đồng quê thôn Việt và bài thơ Cây rơm là một trong số đó.

 CÂY RƠM

 

    Cây rơm không có lá

      Nở một giấc mơ vàng

       Cọng rơm gầy gò quá

            Nuôi chín bao mùa màng

 

          Dáng cây rơm nghĩ ngợi

Bao vất vả đi qua

        Cho mùi cơm gạo mới

          Thơm tỏa lan trước nhà

 

    Ngày ủ bóng cho gà

             Đêm quây thành nệm ấm

      Cho giấc mơ của em

               Thơm mật ong đồng ruộng

 

      Đầu đội chiếc nồi đất

              Xương sống cọc- tre vườn

      Cây rơm nuôi bếp lửa

          Qua bao mùa bão giông.

 

Nguyễn Ngọc Phú

 

Rơm  quê.  Ảnh Linh Châu

 

      Cây rơm quen thuộc với tất cả các em nhỏ sinh sống ở làng quê. Nó gắn bó  với các em từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cọng rơm là phụ phẩm của bông lúa đã chín người ta bỏ lại sau khi đã lấy đi phần hạt. Bài thơ Cây Rơm của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú viết cho các em gồm bốn khổ, khổ thơ nào cũng giàu trí tưởng tượng và tràn trề sức sống, ẩn chứa trong mình nó bao điều mới lạ, được liên kết chặt chẽ với nhau qua nhiều chiều liên tưởng, lôi cuốn người đọc nhất là các bạn đọc nhỏ tuổi.

 

    Khổ thơ đầu tiên nhà thơ giới thiệu với các em về sự tồn tại của một vật thể gần gũi với chúng ta đó là cây rơm với lời khẳng định : “Cây rơm không có lá” Bởi cây rơm cũng mang tên là “cây” nhưng không phải là cây. Điều khác biệt nhất là tác giả đã vận dụng tính suy diễn biến thể của ngôn ngữ cho nó một tâm hồn để ngẫm nghỉ, suy tư gửi về cội nguồn nơi hình thành ra nó: “Cây rơm không có lá/ Nở một giấc mơ vàng/  Động từ “Nở” ở trong câu thơ thứ hai là một từ đa nghĩa. Vì bản thân nó là cây rơm nên giấc mơ của nó phải  “nở” ra từ  chính bản thân nó chứ không phải là hoa nở hay nở hoa như ta thường gặp mà cây rơm “nở” ra một giấc mơ. Bản thân của giấc mơ đó không phải một giấc mơ bình thường mà là một giấc mơ rất đẹp một giấc mơ vàng. Hai câu thơ trên liên kết chặt chẽ với nhau hỗ trợ nhau. Đó cũng là tìm tòi thể nghiệm của nhà thơ để mở ra hướng đi mới cho bài thơ mang tính nhân bản sâu sắc nhất. Nhà thơ xót xa khi nhìn những cọng rơm đang phải trải qua vòng luân hồi của nó từ chỗ to và tròn trĩnh khi là bông lúa đến lúc phơi khô được xếp thành cây rơm chỉ còn là một cọng rơm teo tóp và thốt lên “Cọng rơm gầy gò quá”. Và tại sao nhà thơ lại xót xa thốt lên như vậy vì trước đó cọng rơm đã hoàn thành nhiệm vụ to lớn của mình là “nuôi chín bao mùa màng”. Đó cũng là sự thể hiện xót xa hàm ơn của con người đối với cây trồng đã tạo ra nguồn năng lượng nuôi sống họ.

     Khổ thơ thứ hai nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú dùng thủ pháp nhân cách hóa biến cây rơm thành một sinh vật sống biết suy ngẫm về những diễn biến của quá trình biến đổi từ mạ cho đến cọng rơm hôm nay và tự hào về những việc mình đã làm trước đó. Xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau để khổ thơ tràn trề sức sống: “Dáng cây rơm nghỉ ngợi/ Bao vất vả đi qua/ Cho mùi cơm gạo mới/ Thơm tỏa lan trước nhà.”/ Mặt khác tác giả ngầm nhắc nhở các em muốn thành công trong công việc phải cố gắng vượt qua tất cả mọi khó khăn để có được thành công như “mùi cơm gạo mới thơm tỏa lan trước nhà” hôm nay.

     Ở khổ thơ thứ ba cây rơm như một sinh vật tràn trề sức sống mang trong mình nó tính nhân văn cao cả, thấm đẫm tình người: “Ngày ủ bóng cho gà/ Đêm quây thành nệm ấm” . Thuở đất nước còn nghèo đói những đêm đông giá lạnh không chăn không đệm, ổ rơm đã trở thành một cứu cánh cho tất cả mọi người trong đó có các bạn nhỏ tuổi như các em. Cái mùi rơm ngọt ngào ấy đã theo lớp người thuở đó đi suốt cuộc đời của họ “ Cho giấc mơ của em/ Thơm mật ong đồng ruộng.”

      Khổ cuối, nhà thơ mở ra cho các em thấy hồn cốt của cây rơm mà chúng ta thường gặp: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống cọc tre vườn.”/ Đồng thời khép lại bài thơ với hai câu  mang tính khẳng định đầy sức thuyết phục: “Cây rơm nuôi bếp lửa/ Qua bao mùa bão giông.”/ Ngọn lửa từ cây rơm đó không bao giờ tắt dù trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử để cho mùa tiếp mùa bội thu.

       Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú gửi đến cho các em những hình ảnh bình dị mà thật đẹp, thật gần gũi và giàu sức tưởng tượng giúp cây rơm ở làng quê sống mãi với thời gian sống mãi trong trái tim ta.

 

17-6-2017

Nguyễn Văn Thanh

 

. . . . .
Loading the player...