14-04-2018 - 08:53

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Chiếc võng của bố

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những đoàn quân nối nhau hành quân ra trận, dù đó là người lính bộ binh, pháo binh, phòng không, dân công hoả tuyến hay thanh niên xung phong, trong hành trang của mình lúc nào cũng có chiếc võng. Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử xin trân trọng giới thiệu bài thơ “ Chiếc võng của bố” qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

CHIẾC VÕNG CỦA BỐ (1)
Hôm ở chiến trường về
Bố cho em chiếc võng
Võng xanh màu lá cây
Dập dình như cánh sóng
Em nằm trên chiếc võng
Êm như tay bố nâng
Đung đưa chiếc võng kể
Chuyện đêm bố vượt rừng
Em thấy cả trời sao
Xuyên qua từng kẻ lá
Em thấy cơn mưa rào
Ướt tiếng cười của bố
Trăng treo ngoài cửa sổ
Có phải trăng Trường Sơn
Võng mang hơi ấm bố
Ru đời em lớn khôn.


                      1977
                 Phan Thế Cải


LỜI BÌNH:


        Chiếc võng dù mầu xanh một thời theo chân anh bộ đội đi đánh Mĩ. Trong chiếc ba lô hình con cóc thời đó ngoài quân trang, súng ống và đạn dược chiếc võng dù là một phần không thể thiếu của người chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhà thơ, nhà báo Phan Thế Cải quê xã Sơn Thủy Huyện Hương Sơn (hiện công tác tại Báo Hà TĨnh) đã viết tặng các em thiếu nhi bài thơ “Chiếc võng của bố" . Bài thơ ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước giành toàn thắng vừa tròn hai năm, viết theo thể chuyện kể giữa em bé và chiếc võng qua nhiều chiều liên tưởng.

Chiếc võng Trường Sơn

       Mở đầu bài thơ em bé kể cho các bạn và mọi người nghe về chiếc võng. “Hôm ở chiến trường về/ Bố cho em chiếc võng”. Hai câu thơ khẳng định một điều chắc chắn rằng: chiếc võng là quà của bố tặng. Điều đặc biệt nữa đây là chiếc võng đã từng theo bố ra chiến trường chứ không phải là chiếc võng mua bình thường ở chợ, ở cửa hàng như nhiều chiếc võng mà mọi người thường có. Hình ảnh của chiếc võng hiện dần lên trước mắt các em “Võng xanh màu lá cây/Dập dình như cánh sóng.” Chiếc võng của bố được nhuộm xanh màu lá để ngụy trang tránh con mắt xoi mói của kẻ thù. Và mỗi lần em đung đưa chiếc võng lại dập dình như cánh sóng. “Dập dình cánh sóng” là những từ ngữ được nhà thơ chắt lọc để ví von. Để nhớ tới. Đó là hình ảnh hàng ngàn hàng vạn các chú bộ đội hành quân dập dềnh như cánh sóng. Hay rừng núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau như cánh sóng biển xa, nơi xuất phát điểm của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Đó cũng là ý nghỉ, là cảm xúc của nhà thơ muốn các em hướng tới.
        Cảm giác đầu tiên của em khi nằm lên chiếc võng là cảm giác ngọt ngào chan chứa yêu thương: “Em nằm trên chiếc võng/ Êm như tay bố nâng.” Chiếc võng trong tâm tưởng em là hình ảnh của người bố, là hơi thở là tình cảm thiêng liêng của người một thời gắn bó với chiếc võng và nay tặng nó cho em. Cũng từ trên chiếc võng đó những hình ảnh ngày nào trên đường ra trận của bố lại tái hiện lên qua lời kể của nhân vật thứ hai được nhân cách hóa: Đó là chiếc võng “Đung đưa chiếc võng kể/ Chuyện đêm bố vượt rừng". 
        Qua chiếc võng đã từng theo bố ra trận, em tưởng tượng ra những hình ảnh tuyệt đẹp mà những đứa trẻ với tâm hồn ngây thơ trong sáng và dạt dào tình cảm mới có được: “Em thấy cả trời sao/ Xuyên qua từng kẻ lá/ Em thấy cơn mưa rào/ Ướt tiếng cười của bố.” Đó là những đêm ngủ rừng bình yên cuối cùng dưới trời sao sáng trước giờ ra trận. Đó cũng là trận mưa rừng bất chợt trên bước đường hành quân của đơn vị bộ đội - trong đó có bố em - dẫu gian khổ ác liệt nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Nụ cười của người đã làm nên chiến thắng.

Đường hành quân ( Ảnh: Hà Quốc Thái)

       Những hình ảnh giàu tình cảm, đầy sức lay động có sức thuyết phục cao được nhà thơ, nhà báo Phan Thế Cải gửi cả vào khổ thơ cuối: “Trăng treo ngoài cửa sổ/ Có phải trăng Trường Sơn.” và kết thúc bài thơ: “Võng mang hơi ấm bố/ Ru đời em lớn khôn.” Để thể hiện lòng biết ơn của người con đối với bố, qua đó nhà thơ cũng gián tiếp nhắc nhở với các cháu thiếu nhi trên đất nước Việt Nam này biết ơn những người đã một thời hi sinh xương máu, hi sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. 
      Nhà thơ, nhà báo Phan Thế Cải đã thành công khi chuyển tải một kỉ niệm đẹp thời chống Mĩ cứu nước cho tuổi thơ qua bài thơ Chiếc võng của bố. Quả thật “Nếu không rung cảm, không có cách nhìn ngộ nghĩnh và tinh tế thì không thể có những bài thơ hay cho thiếu nhi” như lời anh tự bạch.


(1) – Văn Thơ Thiếu nhi Hà Tĩnh 2006


7-7-2017
 Thanh Nguyen Van

. . . . .
Loading the player...