03-05-2019 - 08:42

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Chiều quê

" Chiều quê", của cháu Nguyễn Văn Khương Duy- học sinh lớp 8/1 trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm, thành phố Hà Tĩnh là một bài thơ đạt đến độ chín trong kỹ năng sáng tạo nghệ thuật ngôn ngữ được giới thiệu trên tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Kỷ Hợi.

 CHIỀU QUÊ

Nắng chiều chao ngọn gió
Mây gác núi hiền lành
Chim trời nghiêng cánh vỗ
Từng sợi khói vờn quanh

Đôi bờ cây xanh xanh
Soi mình nghe tiếng sáo
Hoàng hôn sông khoác áo
Gom nắng chiều…ngẩn ngơ

Sóng xao niềm vu vơ
Ngọt ngào thêm hương lúa
Cánh đồng quê chiều hạ
Níu một chiều tuổi thơ

             Nguyễn Văn Khương Duy
                          Lớp 8/1 Trường THCS Lê Văn Thiêm TP Hà Tĩnh

 

LỜI BÌNH

      Chiều giữa một miền quê thanh bình, lặng lẽ êm đềm trôi trong tâm trí mọi người với nắng, mây, khói bếp, tiếng sáo, tiếng chim cùng  hàng cây xanh xanh bên bờ sông. Nguyễn Văn Khương Duy đã khắc họa trọn vẹn những hình ảnh thân thương đó bằng một niềm xúc cảm dâng trào: “Nắng chiều chao ngọn gió/ Mây gác núi hiền lành/ Chim trời nghiêng cánh vỗ/ Từng sợi khói vờn quanh.” Bằng những cảm nhận tinh tế của mình em đã vẽ nên bức tranh thủy mạc đẹp mê hồn với sợi nắng vàng “chao” nghiêng trên cành cây khi gió thổi, hay “sợi” khói vờn quanh mái bếp chiều quê. Những tìm tòi  và sử dụng những ngôn từ đắt giá như: nắng vàng “chao” nghiêng, “sợi” khói vờn quanh ấy của em làm cho khổ thơ rạng ngời lên trong niềm xúc cảm của người đọc.
      Khổ hai của bài thơ Chiều quê với nhiều chiều liên tưởng dẫn dắt chúng ta đến với dòng sông quê khi hoàng hôn buông xuống vàng rực một vùng hay nói cách khác “Hoàng hôn sông khoác áo” như cách diễn đạt của Khương Duy. Tác giả chắt lọc từ tư duy thơ tài hoa của mình vận dụng vào nghệ thuật ngôn từ buộc người đọc phải liên tưởng đến những hiện thực mà mình đã từng trải nghiệm trong đời bên bờ sông khi hoàng hôn xuống, khơi dậy bức tranh quê tuyệt đẹp  đó trong kí ức của mình: “Đôi bờ cây xanh xanh/ Soi mình nghe tiếng sáo/ Hoàng hôn sông khoác áo/ Gom nắng chiều…ngẩn ngơ.” Trên thực tế trong khoảng thời gian một ngày (những ngày nắng đẹp) từ bình minh đến hoàng hôn dòng sông đã bao lần thay đổi màu sắc của mình. Ở đây "nhà thơ" nhí của chúng ta đã vận dụng ngôn ngữ thơ để làm đẹp thêm hình ảnh đó. Đó là lúc dòng sông đã thay áo mới nhưng ấn tượng nhất tấm áo mới tuyệt đẹp đó được dòng sông mặc vào buổi hoàng hôn.  Khương Duy đã nắm bắt được điều đó, để cho dòng sông “gom nắng chiều” lại và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của hoàng hôn. Ngay cả hàng cây ven sông cũng sống trong sự suy tưởng, nó soi bóng xuống dòng sông và lắng nghe tiếng sáo. Ở đây có thể là tiếng sáo diều dìu dặt ai đó vừa thả lên trời, có thể là tiếng sáo trúc véo von của một bạn nhỏ vắt vẻo lưng trâu nhẩn nha trên quãng đường quê… “…Sóng xao niềm vu vơ/ Ngọt ngào thêm hương lúa”.  Cái vẻ đẹp của buổi chiều quê đó nó chưa chịu dừng lại mà còn dắt chúng ta đi dọc cánh đồng quê để tận hưởng mùi thơm hương lúa mới. Để khẳng định thêm một lần nữa: “Cánh đồng quê chiều hạ/ Níu một thời tuổi thơ.”    

Chiều quê ( Ảnh: Nguyễn Đạo)

     Những động từ “chao, gom, vờn, khoác, soi, níu” được đặt đúng chỗ trong câu thơ làm cho câu thơ tăng thêm nhiều sức gợi, cuốn hút người đọc. Mặt khác từ những chắt lọc từ ngữ  của thi ca đó nó thể hiện rõ kĩ năng thơ của người cầm bút.
    Bài thơ Chiều quê có những nét đẹp mà ở lứa tuổi các cháu rất ít người đạt được. Điều ao ước duy nhất của tôi là  Nguyễn Văn Khương Duy hãy trau dồi hơn nữa kỹ năng thơ của mình nhưng cũng đừng nên quá coi trọng nó. Hãy tìm những tứ thơ mới, viết nên những bài thơ hồn nhiên, dung dị tránh sa vào kĩ thuật cố tình nhào nặn trau chuốt từng câu chữ làm cho cảm xúc thơ bị loãng ra, câu thơ của mình già đi trước tuổi. Nói như nhà thơ, nhà Lý luận- Phê bình Lê Thành Nghị: “Thơ là bí mật của tâm hồn, sự lan tỏa của tâm trạng”.

 

2-4-2019
Nguyễn Văn Thanh

 

. . . . .
Loading the player...