28-09-2018 - 09:56

Thơ chọn lời bình: Con yêu mẹ

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất của đời người. Mẹ luôn là người ở bên cạnh, chia sẻ, giúp đỡ ta suốt cuộc đời. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “ Con yêu Mẹ” của tác giả Xuân Quỳnh qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

CON YÊU MẸ
 

Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết

 

- Thế thì làm sao con biết

Là trời ở những đâu đâu

Trời rất rộng lại rất cao

Mẹ mong, bao giờ con tới!

 

- Con yêu mẹ bằng Hà Nội

Để nhớ mẹ con tìm đi

Từ  phố này đến  phố kia

Con sẽ gặp ngay được mẹ

 

- Hà Nội còn là rộng quá

Các đường như nhện giăng tơ

Nào những phố này phố kia

Gặp mẹ làm sao gặp hết

 

- Con yêu mẹ bằng trường học

Suốt ngày con ở đấy thôi

Lúc con học, lúc con chơi

Là con cũng đều có mẹ

 

- Nhưng tối con về nhà ngủ

Thế là con lại xa trường

Còn mẹ ở lại một mình

Thì mẹ nhớ con lắm đấy

Tính mẹ cứ hay là nhớ

Lúc nào cũng muốn bên con

Nếu có cái gì gần hơn

Con yêu mẹ bằng cái đó

 

- À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế

                                                                       Xuân Quỳnh

LỜI BÌNH:

         Nhà thơ Xuân Quỳnh không những nổi tiếng  là thi sĩ viết hay chơ thơ người lớn, đặc biệt là thơ  tình mà chị còn là tác giả mảng thơ dành cho thiếu nhi, cho những đứa con thân yêu của mình. Với gốc độ là người mẹ nên chị thấu hiểu tâm lý của các em. Viết cho các em cũng là viết cho mình những mong ước của mình. “Con yêu mẹ” là một trong những bài thơ như thế.

         Ở đây chị dùng cách hỏi đối thoại và trả lời để tạo ra tình huống như một trò chơi “trốn tìm” trẻ em thường thích được khám phá với sự tò mò như thế. Với câu hỏi “Con yêu mẹ thế nào?”, so sánh với những hoàn cảnh riêng đã tạo ra sự phấp phổng, đợi chờ như một màn kịch nhỏ mà sân khấu ở đây chỉ có 2 nhân vật là mẹ và con.

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất của đời người ( Ảnh: Bùi Đình Hải )

        Trước hết đó là “Con yêu mẹ bằng ông trời” mở ra một khoảng không gian bao la to lớn, có gì đó hơi viễn tưởng bởi như mẹ nói thật có lý: “Trời rất rộng lại rất cao – Mẹ mong bao giờ con tới”. Một quãng đường xa dằng dặc. Tiếp theo em hạ thêm một cấp độ cho gần gũi hơn là “Con yêu mẹ bằng Hà Nội” để “Từ phố này đến phố kia – Con sẽ gặp ngay được mẹ”. Rõ ràng trong tư duy của con trẻ cũng có cái lý riêng. Mẹ nhất định ở dưới ông trời và ở trong thành phố Hà Nội. Con yêu mẹ bằng Hà Nội chính là con yêu Hà Nội để được chạy tung tăng đi tìm mẹ qua những ngõ phố gắn bó với tuổi thơ. Nhưng “Con đường như nhện giăng tơ” làm sao mà dễ dàng “Gặp mẹ làm sao cho hết”. Từ không gian lớn đến không gian hẹp hơn, đây cũng là phép tính  khoanh vùng lại để tìm ra đáp số. Và “Con yêu mẹ bằng trường học” vì ngày nào con cũng được học ở đó là được gặp mẹ ngay. Nhưng đó chỉ là ban ngày “Nhưng tối con về nhà ngủ - Thế là con lại xa trường” mà mẹ thì muốn ở bên con mãi mãi, kể cả trong khi chơi, khi ngủ. Và thật bất ngờ - Vâng, yếu tố bất ngờ luôn là sự hấp dẫn khi viết cho các em “Con yêu mẹ bằng con dế” vì con dế: “Còn trong bao diêm con đó – Mở ra là con thấy ngay”. Ví mẹ bằng con dế thì chỉ có các em mới có liên tưởng ngộ nghĩnh và thân thiết này. Bởi tất cả những sự ví von trên đều là đồ vật không  gian to lớn xa vời. Chỉ có con dế là con vật bạn chơi với em, gắn bó với em hằng ngày thật sinh động. Một loài côn trùng dễ thương gợi cho ta nhớ đến một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Con dế có tiếng gáy rì rì mờ tỏ trong ngôi nhà là chiếc vỏ bao diêm xinh xắn mà em luôn mang bên mình. “Yêu mẹ bằng con dế”, người lớn có thể bật cười nhưng sau đó lại ngân ngấn bởi tình cảm của trẻ nhỏ thật vô tư và cũng hồn nhiên đằm thắm.

 

                                                             Nguyễn Ngọc Phú

 

. . . . .
Loading the player...