09-03-2018 - 14:42

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Hát với mùa xuân

Bài thơ “Hát với mùa xuân” là một sáng tác ấn tượng của nhà văn Phan Trung Hiếu nói về cảnh sắc vườn quê vào độ xuân về. Đó là những ngày tươi đẹp nhất của một năm đối với muôn loài.

                                                  HÁT VỚI MÙA XUÂN

                                                  Ơ kìa bướm trắng
                                                  Đang dạo trong vườn 
                                                  Đừng bay xa quá 
                                                  Lỡ may lạc đường

                                                  Này này chim chích
                                                  Lích rich cành na
                                                  Chớ quên bài tập
                                                  Cô ra về nhà

                                                  Này cây hồng nhỏ
                                                  Mau nở hoa thôi
                                                  Mùa xuân đã đến
                                                  Xòe muôn cánh cười

                                                  Này chim này bướm
                                                  Nào lá nào hoa
                                                 Ta cùng cất tiếng 
                                                  La là lá la!


                                                                    Phan Trung Hiếu


LỜI BÌNH                  

                                
         Nhà văn Phan Trung Hiếu là một trong những tác giả tiêu biểu trong làng Văn học thiếu nhi Hà Tĩnh. Ông không những mang đến cho các em cuốn tự truyện nổi tiếng “Vườn đất thánh” và ba tập truyện đồng thoại khác mà còn là một người viết thơ cho thiếu nhi cực hay với tập “Con chim chích chòe”. Bài thơ “Hát với mùa xuân” là một sáng tác ấn tượng của tác giả nói về cảnh sắc vườn quê vào độ xuân về. Đó là những ngày tươi đẹp nhất của một năm đối với muôn loài. Nhà văn Phan Trung Hiếu hóa thân vào các em lứa tuổi lên năm lên sáu giới thiệu với bạn đọc nhỏ tuổi một góc vườn xuân quen thuộc.

Cánh bướm mùa xuân (Ảnh: Linh Châu)


             Đọc khổ thơ đầu tiên ta như thấy trước mắt mình hiện lên hình ảnh em bé tuổi “mầm” vừa giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, chân chạy theo con bướm trắng đang bay lượn qua lại trước mắt, vừa cất tiếng gọi hồn nhiên như báo với mọi người: “Ơ kìa bướm trắng/ Đang dạo trong vườn.” Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là cứ bay như thế chắc chắn bướm sẽ lạc đường. Bởi “lạc đường” là câu chuyện luôn ám ảnh nhiều nhất bởi trong em luôn khắc sâu lời căn dặn của cha mẹ mỗi khi bước ra khỏi nhà.  Nên khi phát hiện ra bướm đang dạo trong vườn câu thứ hai em dặn bướm là “Đừng bay xa quá” kẻo “ Lỡ may lạc đường”. Bởi mùa Xuân khí trời mát mẻ trăm hoa đua nở, vườn nhà nào cũng ngan ngát hương đưa giống hệt như nhau, nếu như bướm mãi ham chơi sẽ khó tìm về vườn cũ. Mặt khác ở khổ thơ này nhà văn Phan Trung Hiếu như muốn khơi dậy tính nhân văn trong lòng con trẻ khi để bé lo lắng cho bướm lúc bướm bay xa. Việc bé lo nhất là sợ bướm lạc mất gia đình của mình một sự lo lắng thật sự trẻ con và có trẻ con hoặc thật sự hóa thân vào trẻ con mới cảm nhận ra và viết được như vậy.
     Sang khổ thơ thứ hai những chú chim chích bé nhỏ lại xuất hiện trước mắt ta: “Này này chim chích/ Lích rich cành na?.” Qua một mùa đông giá rét, xuân về tiết trời ấm áp, cây cối nẩy lộc đơm chồi. Cành na vườn nhà qua ba tháng dài rụng trụi lá  nay lại khoác lên mình tấm áo màu xanh. Cách dùng từ của nhà văn Phan Trung Hiếu ở khổ thơ này cũng khác với khi nói về bướm chỉ “Ơ kìa” bâng quơ ở câu thơ thứ nhất, cách xưng hô trong khổ thơ thứ hai : “Này này chim chích” thân mật hơn nhiều giúp các em nhận ra chim chích là một người bạn  mến yêu, gần gụi  quen thuộc của vườn quê và của cả bé. Khác với bướm chỉ quen rong chơi còn với chim chích dưới con mắt mọi người là loài siêng năng,cần mẫn nhất. Nó nhảy cành thấp cành cao lật từng chiếc lá tìm sâu. Tính từ mô phỏng tiếng kêu nho nhỏ của chim chích là “lích rích” ở đây cũng biểu hiện cho tiếng của mùa xuân, là âm thanh của cuộc sống đang náo nức, tràn trề lan tỏa.   Với chim chích em ân cần dặn dò: “ Chớ quên bài tập/ Cô ra về nhà.” Nhắc nhở chim chích đừng mê mãi chơi mà quên mất chuyện học hành, quên mất bài tập cô ra về nhà. Hay nói cách khác em lại nhắc nhủ chim chích những lời giống hệt như bố mẹ nhắc nhở em mà em còn nhớ là đừng mãi chơi mà quên mất việc học bài.  Cái hay của hai khổ thơ này là nhà văn Phan Trung Hiếu đã thật sự hóa thân vào lứa tuổi “mầm, chồi” trở thành một chú bé con để viết thơ cho chính lứa tuổi của mình. Lứa tuổi lên năm lên sáu ngây thơ hiếu kì, ham tìm hiểu mọi vật chung quanh mình, hiểu kĩ tâm lí của chúng để viết nên những lời độc thoại ngắn gọn, nhẹ nhàng và hợp với lứa tuổi ấu thơ, hợp với tư duy của chúng. Cái lứa tuổi thường nói lặp lại những lời nói của cha mẹ hay người lớn dặn dò chúng cho một nhân vật khác mà chúng giao tiếp sau đó.

Hát với mùa xuân (Ảnh: Hoàng Thuyên)


     Còn với cây hồng nhỏ trong vườn ở khổ thơ thứ ba chắc không nhận ra mùa xuân đã đến nên vẫn chưa khoe nụ, khoe bông. Bé nhẹ nhàng nhắc nhủ: “Này cây hồng nhỏ/ Mau nở hoa thôi.” Quả thật khi mùa xuân đến ngoài sân hoa đào, hoa mai và muôn loài hoa khác rực rỡ cười nụ, xòe hoa đón xuân lẻ nào chỉ còn một mình cây hoa hồng nhỏ nơi vườn nhà chưa biết mùa xuân đến? Bé giục giã: “Mùa xuân đã đến/ Xòe muôn cánh cười.” Bởi mùa xuân đã đến cây hồng nhỏ hãy mau nở hoa đi thôi, hãy mau nở hoa hòa vào niềm vui chung của muôn loài kẻo muộn.
      Bài thơ “Hát với mùa xuân” chỉ vẻn vẹn bốn khổ thơ viết theo thể đôc thoại mỗi câu thơ chỉ có bốn chữ nhưng đã thể hiện được đầy đủ những cảm xúc tinh tế của trẻ thơ. Âm điệu bài thơ nhẹ nhàng từ thấp đến cao, trong trẻo như một khúc nhạc xuân. “Hát với mùa xuân” cũng là bản hợp tấu của muôn loài nơi vườn quê chào đón mùa tươi đẹp nhất của một năm. Cả cõi lòng của bé và bạn đọc như cũng náo nức và xốn xang trước cảnh xuân về: “Nào chim nào bướm/ Nào lá nào hoa/ Ta cùng cất tiếng/ La là lá la!”.


     28-1-2018
Nguyễn Văn Thanh

 

. . . . .
Loading the player...