12-10-2017 - 10:53

Về bài thơ thiếu nhi: "Thương bà"

Bài thơ "Thương bà" của tác giả Quỳnh Như, quê xã Thạch Trị huyện Thạch Hà là lời tâm tình của người cháu hiếu thảo đến người bà thân yêu. Chúng ta sẽ tiếp cận với bài thơ này qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

     Bà em ngoài tám mươi rồi
     Ngày đi sợ nắng đêm ngồi sợ trăng
       Tóc như hoa của thời gian
Bồng bềnh nở trắng cài ngang mái đầu
       
        Buồn vui gửi ở miếng trầu
Nụ cười che cả sắc màu nắng mưa
        Trưa hè cánh võng đu đưa
Lời ru trầm bỗng nhặt thưa cánh cò
       
         Chợ xa chân bước lò dò
Mớ rau, con tép dành cho cả nhà
                  Cháu ngoan bà để phần quà
          Thị thơm túi áo cháu bà cùng vui
        
        Mà nay bà ốm thật rồi
Lá trầu nằm cạnh bình vôi úa vàng

                                                                                            Quỳnh Như


LỜI BÌNH:
      Hình ảnh người bà trong cuộc đời cũng như trong thi ca luôn đón nhận niềm kính trọng, yêu thương, trìu mến của mọi người nhất là các cháu thiếu nhi. Tác giả Quỳnh Như tên thật là Phạm Quỳnh Như quê xã Thạch Trị, Thạch Hà  bén duyên với thơ thiếu nhi từ rất sớm. Bài thơ "Thương bà" được rút ra từ tập thơ Quả trong vườn được xuất bản năm 2004 là hình ảnh người bà tuổi đã ngoài tám mươi đầu bạc chân run vẫn nặng tình thương yêu con cháu. Bài thơ được chuyển tải đến người đọc qua thể thơ lục bát sở trường của ông. 

Nụ cười của bà ( Ảnh : Linh Châu)

        Đọc kĩ  bài thơ, chúng ta cảm nhận được bức chân dung mà tác giả Quỳnh Như đã chụp được từ người bà của mình cộng với vài lời tự sự để chia sẻ với bạn đoc. Đó là hình ảnh người bà thật bình dị như bao nhiêu người bà trên đất nước Việt nam này: “Bà em ngoài tám mươi rồi/ Ngày đi sợ nắng đêm ngồi sợ trăng.” Chỉ mới một câu thơ lục bát ông đã cho chúng ta thấy hình ảnh của người bà già cả tuổi ngoài tám mươi sức khỏe đang cạn dần. Ở cái tuổi không những sợ nắng mà còn sợ cả trăng nữa hay nói cách khác là sợ cả khi phải đi ra ngoài vào ban đêm đó cũng là cái bệnh thường gặp của người già. Dấu thời gian đã hiện rõ trên cơ thể và rõ ràng nhất là trên mái tóc  “Tóc như hoa của thời gian/ Bồng bềnh nở trắng cài ngang trên đầu.” Hai câu thơ lục bát tiếp theo này tác giả Quỳnh Như đã thành công khi vận dụng ngôn ngữ để mở ra một không gian của suy tưởng. Một không gian phi thực đến có thực với những hình ảnh giàu chất thơ chắt lọc và đúc kết lại. Đó là hoa thời gian nở trắng… cài ngang trên đầu để diễn tả về mái tóc bạc trắng của bà mình. Tác giả muốn nói với bạn đọc rằng tóc của bà không chỉ là tóc mà là hoa của thời gian gửi tặng. Câu thơ với nghệ thuật ví von, so sánh làm cho hình tượng thơ trở nên đa nghĩa cuốn hút và ám ảnh người đọc. 
       Tính cách và sở thích của người bà cũng ngày càng hiện dần lên rõ nét qua lời kể của tác giả Quỳnh Như. Một người bà suốt một đời gắn với ruộng đồng bị vây quanh bởi mưa, nắng đầy trời nhưng với nụ cười rạng rỡ trên môi, bà đã vượt qua tất cả. Cũng như những người bà ở lớp tuổi xưa nay hiếm ấy luôn lấy miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu gắn chặt với đời người: “Buồn vui gửi ở miếng trầu/ Nụ cười che cả sắc màu nắng mưa.” Bà hiện dần lên ngày càng rõ nét trong tâm trí đứa cháu của mình khi nhớ lai những phút giây được bà bồng bế trên tay ầu ơ theo nhịp võng: “Trưa hè cánh võng đu đưa/ Lời ru trầm bỗng nhặt thưa cánh cò.” Được nhận quà mỗi lần bà đi chợ về dành riêng cho cháu “Cháu ngoan bà để phần quà/ Thị thơm túi áo cháu bà cùng vui.” 
         Hình tượng người bà được đẩy lên một bậc cao hơn để mọi người kính trọng qua hình ảnh môt bà cụ tuổi cao sức yếu mỗi bước đi là một khó khăn rình rập đè nặng lên đôi chân của mình. Nhưng với tình thương yêu vô bờ bến dành cho con cháu bà vẫn lò dò đi chợ xa mua con tôm con tép lo lắng bữa ăn cho cả nhà mỗi khi mùa vụ bận rộn “Chợ xa chân bước lò dò/ Mớ rau con tép dành cho cả nhà.” Nhưng rồi người bà thân yêu ấy đột nhiên để lá trầu bị héo vàng bên bình vôi không đụng đến mặc dầu muôn nỗi buồn vui của bà đều gửi vào đó. Người cháu cảm nhận được nó và thảng thốt kêu lên. “Hôm nay bà ốm thật rồi/ Lá trầu nằm cạnh bình vôi úa vàng.”Một nguồn xúc cảm bất chợt dâng trào. Chỉ có bà ốm lá trầu mới chịu cảnh úa vàng như vậy. Câu sáu (hay câu lục) của khổ cuối mở ra một nhận định “Hôm nay bà ốm thật rồi” và câu tám (hay câu bát) minh chứng cho sự việc đã xảy ra với hình ảnh “Lá trầu nằm cạnh bình vôi úa vàng” Hai câu thơ lục bát cuối bài thơ thật  sư là những câu thơ hay hiếm gặp. Đó là sự kết tinh của ngôn ngữ cộng với sự thăng hoa của cảm xúc sáng tạo ra. Một tứ thơ hay liên kết chặt chẽ với nhau qua nhiều chiều liên tưởng đã khép lại để rồi lại mở ra một chiều liên tưởng mới nở hoa trong tâm thức người đọc.
    Bài thơ "Thương bà" là một bài thơ hay trong Văn Thơ thiếu nhi Hà Tĩnh. Tác giả Quỳnh Như đã làm được điều ông mong muốn “Thơ là người bạn đã giúp tôi gửi gắm tâm hồn, giãi bày tâm trạng…Những liên tưởng độc đáo khi viết cho các em lại làm trẻ hóa lòng mình.”
 
(1)-Trong Văn Thơ Thiếu nhi Hà Tĩnh 2006

                                                                                                                              6-8-2017
                                                                                                                        Nguyễn Văn Thanh    

. . . . .
Loading the player...