04-11-2018 - 06:22

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Trái bắp

Trái bắp( bắp ngô) là sản phẩm nông nghiệp rất gần gũi với các em ở nông thôn nhưng cũng khá quen thuộc với nhiều em ở thành phố khi các em ít nhất một lần trong đời cũng đã được cùng nhau thưởng thức món bắp luộc dân giã mà giàu chất dinh dưỡng này. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “ Trái bắp” qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

TRÁI BẮP

Ô hay trái bắp
Vừa mới đẻ thôi
Mà râu đã mọc
Thành ông lão rồi

Cái râu mọc trước
Cái răng mọc sau
Bắp bận áo khoác
Trùm lên tới đâu

Từ trên lưng mẹ
Bắp nhảy xuống rồi
Hàm răng trắng thế
Bắp chưa kịp cười

Ngoảnh chào cây mẹ
Trước khi theo người.

                                    Trần Mạnh Hảo


LỜI BÌNH


     Nhà thơ Trần Mạnh Hảo quê ở Nam Định hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh ông là một cây bút viết khỏe.  Ngoài các thể loại Thơ, Trường ca, Tiểu thuyết, Tiểu luận phê bình Văn học, ông đã viết nhiều tập truyện và thơ cho thiếu nhi. Bài thơ Trái bắp của ông là một trong tám bài thơ được chọn in chung trong tập Một mái nhà chung của nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản tháng 1 năm 2018. Trái bắp hay bắp ngô là sản phẩm nông nghiệp rất gần gũi với các em ở nông thôn những cũng khá quen thuộc với nhiều em ở thành phố khi các em ít nhất một lần trong đời cũng đã được cùng nhau thưởng thức món bắp luộc dân giã mà giàu chất dinh dưỡng này. Dưới ngọn bút của nhà thơ Trần Mạnh Hảo với biện pháp tu từ ông đã nhân hóa hình ảnh trái bắp thành một cậu bé kì dị nhưng vẫn đầy ắp tình người, tình đời.
    Mở đầu bài thơ là sự ra đời của trái bắp. Nó thật lạ lẫm so với những giống loài khác. Vừa được cây mẹ sinh ra hình hài của trái bắp đã khác người: “Ô hay trái bắp/ Vừa mới đẻ thôi/ Mà râu đã mọc/ Thành ông lão rồi.” Chúng ta hãy quan sát kĩ  hình hài của bắp ngô hay gọi theo nhà thơ Trần Mạnh Hảo là trái bắp khi vừa mới được sinh ra. Quả thật như  nhà thơ đã miêu tả, trái bắp vừa mới nhú ra râu đã lên, răng đã dần mọc, mặc áo khoác kín mình.
    Cây bắp hay cây ngô là loài cây có hoa khác tính cùng chung một gốc. Bông cờ hay hoa đực  nằm ở đỉnh cây, hoa cái nằm ở râu. Các lão nông thường gọi giai đoạn này là bắp đã phun râu và chờ thụ phấn từ hoa đực của bắp rụng xuống để kết nên hạt. Những râu bắp được thụ phấn sau này sẽ lớn dần lên thành hạt bắp hay gọi cách khác là hạt ngô. Râu bắp được thụ phấn càng nhiều thì trái bắp càng nhiều hạt. Nhưng với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông nhân hóa trái bắp nhằm đưa đến cho các em một sự khám phá kì thú hơn trong sự chuyển hóa các quá trình sinh trưởng của trái bắp để hình thành một nhân vật mới mẻ, ngộ nghĩnh  trong con mắt trẻ thơ. Với cái nhìn tinh tế ấy, quá trình hình thành của trái bắp đem so sánh với quá trình phát triển của con người tưởng như ngược đời lại tạo ra một hình ảnh thật ngộ nghĩnh mới lạ và thú vị: “Cái râu mọc trước/ Cái răng mọc sau”  nó hoàn toàn trái ngược hẳn với sự phát triển của con người mà ta thường gặp. Ở trái bắp ngoài đời như các em đã biết râu phải mọc trước, mọc nhiều đồng nghĩa với cái răng là hạt bắp thêm nhiều thêm chắc và ngược lại bắp ít râu thì quả lép ít hạt. Một hình ảnh quen thuộc khác của trái bắp cũng hiện dần lên với hai câu thơ: “ Bắp bận áo khoác/ Trùm lên tới đầu.”Ở hai câu thơ này trái bắp cũng “rất người” cũng bận áo khoác trùm kín đầu chẵng khác gì hình ảnh của con người. Nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ so sánh làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ thêm phần sinh động gây hứng thú cho người đọc. Đó là những hình ảnh  mà người cầm bút tài hoa mới cảm nhận được và viết nên nó.

            Trong khổ thơ cuối những nét tài hoa của nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới thật sự phát lộ. Ông làm cho trái tim người đọc rưng rưng xúc động như muốn khóc theo mình với hình ảnh những phút giây giã từ mẹ của trái bắp: “Từ trên lưng mẹ/ Bắp nhảy xuống rồi/ Hàm răng trắng thế/ Bắp chưa kịp cười.” Hình ảnh : “Bắp chưa kịp cười” Trái bắp chưa kịp nhận biết gì về cuộc đời, thậm chí còn chưa kịp cười để khoe hàm răng trắng mà đã phải chia tay, mà đã phải giã từ mẹ của mình đó mới là điều tác động mạnh mẽ đến trái tim người đọc. Hình ảnh “bắp chưa kịp cười” đó rung động đến thẳm sâu những trắc ẩn của cõi lòng. Đó là những câu thơ thật ấn tượng, hay và lạ xuất hiện tạo nên cái nhìn thật mới về cảm xúc và kĩ năng thơ riêng biệt của mỗi người. 
      Hai câu thơ tiếp theo và cũng để kết thúc bài thơ với dạng mở:  “Ngoảnh chào cây mẹ/ Trước khi theo người.”” chỉ với phép tu từ đơn giản nhân hóa về trái bắp mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo làm cho tất thảy người đọc chúng ta đều lâng lâng với bao nguồn xúc cảm. Một sự tiếc nuối, một chút băn khoăn và một ít buồn thương cho trái bắp. 
      Bài thơ Trái bắp đã khép lại nhưng những dư âm của nó vẫn như những đợt sóng ngầm dồn nén trong lòng người đọc.

22-9-2018
Nguyễn Văn Thanh

 

. . . . .
Loading the player...