26-05-2018 - 07:36

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Trống tía

Gà là con vật rất đỗi gần gũi, quen thuộc với các thế hệ người Việt. Từ xa xưa, gà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, thơ ca, tranh vẽ và cả trong những thế võ cổ truyền của dân tộc. Hình ảnh con gà trong tâm thức người Việt luôn gần gũi, chứa đựng ý niệm thanh tao về cuộc sống, triết lí nhân sinh…. Hướng tới ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “Trống tía” của nhà báo Bùi Quang Thanh qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.


         TRỐNG TÍA(1)
 

Chiều nay thằng gà Trống tía
Về chuồng muộn hơn mọi khi
Mấy chị mái tơ tao tác
Trống choai tìm bạn thầm thì

Cửa chuồng bà chưa chịu đóng
Mặt trời níu kéo hoàng hôn
Vện con vào ra thấp thỏm
Bé bươn bả kiếm khắp vườn

Hắn về, áo quần tơ tướp
Đuôi seo kéo trượt mặt bùn
Vênh váo dừng chân đầu ngõ
Gáy liền ba tiếng rất hung

Bà mắng: “Hư thân lắm nhé
Suốt ngày chỉ biết đá nhau!”
Trống tía như chừng xấu hổ
Mào son tím một mảng đầu.

          Nhà thơ,nhà báo Bùi quang Thanh


LỜI BÌNH


     Gà là loài gia cầm quen thuộc gắn bó thân thiết với người nông dân,  là loài  mà mọi gia đình ở nông thôn nhất là các cháu thiếu niên nhi đồng đều thich chăn nuôi bởi đó là loài sinh lợi nhanh, vốn bỏ ra ít. Nhà thơ  nhà báo Bùi Quang Thanh quê xã Cẩm Tiến Cẩm Xuyên Hà Tĩnh một nhà thơ đã thành danh trên thi đàn Việt Nam đã phác họa nên hình ảnh chú gà Trống tía viết tặng các bạn nhỏ yêu quý của mình. Cả bài thơ toát lên một không gian sống động chủ đạo là chú gà Trống tía và những nhân vật chung quanh người bà diễn ra khi trời gần tối trong khu vườn trước cửa chuồng gà. Một không gian thu nhỏ nhưng chứa đầy những hình ảnh sống động. Bài thơ gồm bốn khổ thơ sáu chữ được thể hiện theo phương pháp chuyện kể.

Gà trống tía 


     Khổ thơ đầu tiên nhà thơ khẳng định với chúng ta là anh gà Trống tía không phải lạc mất mà là về chuồng muộn. Có thể là hắn ta đi chơi xa hay mải kiếm mồi mà quên về chuồng đúng giờ như mọi khi, hay vì một lí do nào đó khác nữa? “Chiều nay thằng gà trống tía/ Về chuồng muộn hơn mọi khi.” Để cả cái chuồng gà nơi nó ở bấn loạn cả lên: “Mấy chị mái tơ tao tác/ Trống choai tìm bạn thầm thì.” Một không khí bất an hiện rõ trong từng cử chỉ của cả đàn gà. Với sự quan sát tinh tế và sử dụng từ ngữ một cách đắc địa của nhà thơ Bùi Quang Thanh, tính từ “tao tác”ít gặp bỗng trở nên hữu dụng trong bối cảnh này. Nó lột tả được nỗi bồn chồn, lo lắng của mấy cô nàng gà mái khi chưa thấy bạn mình và mấy chú gà trống choai chưa thấy bậc đàn anh trở về chuồng. Ta như hình dung thấy chúng vươn dài cổ lên nhớn nhác nhìn ngược nhìn xuôi khắp cả khu chuồng ngóng đợi…

             Trong khi người chủ của chúng cũng sốt ruột không kém, bà đứng ngồi không yên và kéo theo đó là cả người và vật cùng sống trong khu nhà hòa chung với cái phấp phỏng đợi chờ đó: “Cửa chuồng bà chưa chịu đóng/ Mặt trời níu kéo hoàng hôn/ Vện con vào ra thấp thỏm/Bé bươn bả kiếm khắp vườn.” Mọi sinh vật ở đây đều bồn chồn, lo lắng, từ con người đến con chó con cùng có chung một cái hụt hẫng là thiếu mất anh gà Trống tía và cùng đưa hết khả năng của mình để kiếm tìm nó. Ngay cả ông mặt trời cũng muốn kéo hoàng hôn lùi lại cho ngày dài ra để cuộc kiếm tìm thêm thuận lợi. Cái "bươn bả" của cậu bé, cái "thấp thỏm" vào ra của vện con đan xen xoắn xuýt với nhau đã nói lên nỗi ngóng đợi của cả nhà với cuộc kiếm tìm gà Trống tía đang diễn ra khẩn trương và vô vọng. Tất cả bầu không khí căng thẳng khi gà Trống tía chưa về mà không rõ lí do được nhà thơ Bùi Quang Thanh dồn nén lại để rồi bung ra với một lời giải ở khổ thơ thứ ba: “Hắn về áo quần tơ tướp/ Đuôi seo kéo trượt mặt bùn.” Tất cả chúng ta đều thở phào nhẹ nhỏm, té ra anh chàng gà Trống tía về muộn không phải do bị người khác bắt hoặc lạc đường mà chỉ vì ham đá nhau nói cách khác là mãi chọi nhau. Vì trông bộ dạng hắn “áo quần tơ tướp”,đuôi lấm đất nhất là điệu bộ vênh váo của nó đã nói lên tất cả. Nhà thơ đã quan sát rất kỉ, hiểu rất sâu về trạng thái tâm lí của loài gà trống sau khi chọi nhau đắc thắng trở về vận dụng ngôn ngữ để thể hiện nó một cách thành công: “Vênh váo dừng chân đầu ngõ/ Gáy liền ba tiếng rất hung.” Nhiều khi ta nghĩ tại sao nhà thơ không dùng từ gáy rất to hoặc rất vang mà lại dùng từ gáy rất “hung”? “hung” dùng trong câu thơ này là từ đơn được tách ra từ các từ kép “hung bạo”, “hung ác,” “hung tàn","hung hăng”…Quả thật tính từ “vênh váo” và gáy rất “hung” biểu lộ rõ nét nhất bản năng và tính cách của loài gà trống mà ta thường gặp cụ thể là anh chàng gà Trống tía hiếu chiến, hiếu thắng trong khổ thơ này. Hai cặp tính từ đó hỗ trợ lẫn nhau để diễn đạt những gì mà nhà thơ định nói. Nhưng bất ngờ hơn cả ở bài thơ này là những diễn biến diễn ra ở khổ cuối khi bà chủ gặp lại con gà Trống tía về chuồng muộn của mình bà lại không hề giận, không hề chửi mặc dù bà và cả nhà phải đi tìm vất vả mà chỉ trìu mến nhẹ nhàng mắng yêu nó: "Bà mắng:Hư thân lắm nhé/ Suốt ngày chỉ đi đá nhau." Chứng tỏ bà và gà Trống tía luôn quấn quýt bên nhau, mến nhau ít khi rời xa. Mặt khác đáp lại tình cảm đó: "Trống tía như chừng xấu hổ/ Mào son tím một mảng đầu." Trên thực tế thì vì đi đá nhau mà mồng gà trống tía chảy nhiều máu mào thâm tím lại nhưng xét toàn cục của bài thơ thì anh gà trống mải chọi nhau về chuồng muộn xấu hổ với chủ mà "thẹn tím mặt" lại như câu ngạn ngữ dân gian ta thường nói.
      Bài thơ Trống tía là một bài thơ hay viết cho Thiếu nhi của nhà thơ Bùi Quang Thanh. Cả bài thơ được cấu trúc chặt chẽ với nhau qua nhiều chiều liên tưởng, với những chiêm nghiệm mà anh đã trải qua trên luống cày ruộng mạ, với đàn gà đàn vịt nhà mình thời thơ bé. Như anh nói: "Thơ tôi viết cho thiếu nhi xuất phát từ sự liên tưởng ấy" và anh đã thành công.

(1)-Trong Văn thơ thiếu nhi Hà Tĩnh
2-12-2017
Nguyễn Văn Thanh

 

. . . . .
Loading the player...