10-06-2020 - 14:36

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Tuổi thơ

Ai cũng có một nơi để quay trở về, đó là nhà. Và có ít nhất một khoảng thời gian trong đời để muốn trở lại, đó chính là tuổi thơ. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Tuổi thơ của tác giả Trần Lệ Thủy qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

         TUỔI THƠ
                                                

Chuồn chuồn ớt chấm đỏ vào đám lá
Mắt hạt cườm uống sợi nắng vàng rơi
Chao cánh mỏng như từ xa xăm lắm
Xập xòe bay, bay suốt tuổi thơ tôi

Cánh chuồn chao cho lối ngõ rộng dài
Bàn chân trẻ đuổi chi hoài chấm đỏ
Bắt ve ve buộc hờ trong nút cỏ
Kể râm ran mùa hạ hát ra lời

Miếu nhỏ mịt mờ hương khói xa xôi
Cây đa làng vương vương sắc nắng
Ôi mê mải con nhện vàng nhện trắng
Trứng ếch giăng lấm tấm ao bèo…

Một quãng đời thương nhớ bao nhiêu
Tuổi thơ đi có bao giờ trở lại
Con chuồn ớt cứ bay hoài bay mãi
Để chiều nay bắt nắng ở vai tôi!

                                         Trần Lệ Thủy

                                       

 

BÌNH THƠ


   Sáng nay cầm cuốn sách Hai sắc mặt trời, tập Thơ Văn tuổi học trò của Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh tuyển chọn xuất bản năm 2002 tôi thật sự xúc động. Những áng văn thơ tươi sáng của các em cuốn hút tôi, đưa tôi về với tuổi thơ của mình. Bài thơ Tuổi thơ của em Trần Lệ Thúy lớp 11 Văn trường Phổ thông trung học Năng khiếu Hà Tĩnh là một trong số đó. Bài thơ là những quan sát tinh tế, những chiêm nghiệm của một thời thơ dại được liên kết chặt chẽ với nhau qua bốn khổ thơ bảy chữ đầy xúc cảm.
    Tuổi thơ ai không trải qua thời bắt chuồn bắt bướm ép vào trang nhật kí của mình mà lại là con chuồn ớt nho nhỏ với sắc màu rực rỡ đẹp tuyệt vời kia! Con chuồn ớt thấm sâu vào kí ức mỗi chúng ta để lúc nào nó cũng hiện lên rạng ngời mỗi lần ta nhớ lại. 
                                        “Chuồn chuồn ớt chấm đỏ vào đám lá
                                           Mắt hạt cườm uống sợi nắng vàng tươi
                                           Chao cánh mỏng như từ xa xăm lắm?
                                            Xập xòe bay, bay suốt tuổi thơ tôi” 
Em Trần Lệ Thúy mang đến cho các em một hình ảnh tinh tế như một tấm gương phản chiếu có độ nhạy cực cao để có thể ghi lại những hình ảnh và cũng khơi gợi những kỉ niệm đã qua. Con chuồn ớt thành một chấm đỏ trên đám lá khi nó đậu xuống là hình ảnh ta thường gặp nhưng với “mắt hạt cườm uống sợi nắng vàng tươi” hay “xập xòe bay” lại là một quan sát tinh tế của em khi vận dụng ngôn ngữ để chắp cánh cho hồn thơ của mình làm người đọc rung lên vì xúc động khi một em học sinh lớp 11 đã cảm nhận được nó. Con chuồn ớt đậu lại, dưới ánh mặt trời đôi mắt của nó được cấu tạo như những lớp thấu kính hội tụ xếp chồng lên nhau phản quang phát ra tia sáng. Bạn Lệ Thủy đã đặt nó vào một biên độ cao hơn của từ ngữ với hình tượng con chuồn chuồn ớt đang “uống nắng”.  Động từ “uống” đã sáng tạo nên một ngôn ngữ thơ đầy sức thuyết phục và gợi cảm, câu thơ có sức cuốn hút để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc

Tuổi thơ ( Tranh: Dờn)


    Ở tuổi học trò chỉ những ngày nghỉ các em mới được thả mình về với thiên nhiên, với những trò chơi bắt chim đuổi bướm. Mới cảm nhận được độ ngắn dài của mỗi con đường quê sau mỗi lần chạy theo cánh chuồn bay, và nhận biết mùa hè sắp đến qua những tiếng ve kêu.
                                   “Cánh chuồn chao cho lối ngõ rộng dài
                                     Bàn chân trẻ đuổi chi hoài chấm đỏ
                                     Bắt ve ve buộc hờ trong nút cỏ
                                     Kể râm ran mùa hạ hát ra lời.” 
      Cả khổ thơ đều ngập tràn cảm xúc và những chiêm nghiệm sống, nó tươi rói với những kỉ niệm đã qua. Và đặc biệt khổ thơ này em Trần Lệ Thủy đã dùng năng lực của trí tuệ sử dụng vốn ngôn ngữ của mình để mở ra cánh cửa không gian suy tưởng làm tăng tầm giá trị nghệ thuật của khổ thơ. Những cụm từ “buộc hờ” hay “mùa hạ hát ra lời”mà Lệ Thủy đã dùng là những cụm từ để đời buộc người nghe và người đọc nhớ mãi không quên.
                                     “Miếu nhỏ mịt mờ hương khói xa xôi
                                       Cây đa làng vương vương sắc nắng
                                       Ôi mê mải con nhện vàng nhện trắng
                                       Trứng ếch giăng lấm tấm ao bèo.”
 Qua khổ thơ những cảnh trí của làng quê thuắt ẩn thoắt hiện trong ta. Những ngôi miếu nhỏ thờ thần hoàng làng hay những bâc hiền lương, khanh tướng có công dựng xây làng xưa xóm cũ dẫu vương đầy “nhện vàng nhện trắng”  vẫn là nơi để mọi người ngưỡng mộ, gửi hồn vào chốn tâm linh để khói hương không bao giờ tắt. Cây đa, bến nước, sân đình, bờ ao là những hình ảnh không bao giờ mờ phai trong khung cảnh làng quê xưa và nay, hình ảnh ấy luôn sống mãi trong tâm trí mọi người. Những quan sát tinh tế của Trần Lệ Thủy “Trứng ếch giăng lấm tấm ao bèo”. Đó là những sinh vật sống trong ao sinh nòi đẻ giống ra từ đó và những diễn biến xẩy ra quanh nó biểu hiện cho sự sống vẩn tiếp diễn và hiểu rộng ra đó là sự sống của làng quê vẫn trường tồn mãi mãi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
    Đúng như suy tưởng của em Trần Lệ Thủy 
                             “Một quãng đời thương nhớ biết bao nhiêu
                               Tuổi thơ đi có bao giờ trở lại
                                Con chuồn ớt cứ bay hoài bay mãi
                                Để chiều nay bắt nắng ở bờ vai.”
 Hình ảnh con chuồn chuồn ớt đậu xuống “bắt nắng ở bờ vai” đó cũng là sự báo hiệu những kí ức tuổi thơ sẽ không bao giờ phai mờ trong em. Và nó cũng khép lại một tứ thơ với nhiều chiều liên tưởng. gắn kết chặt chẽ với nhau để bài thơ thành công như ước nguyện.
      Mười lăm năm trôi qua, cô học sinh lớp 11 Văn trường Trung học phổ thông Năng khiếu tĩnh Hà Tĩnh ngày nào giờ này đang ở đâu còn bài thơ Tuổi thơ em sáng tác vẫn lắng sâu, rạng ngời trong tâm thức người đọc.

 

(1)- Trong tập Hai sắc mặt trời

23-7-2017

Nguyễn Văn Thanh

 


 


 

. . . . .
Loading the player...