05-11-2024 - 02:10

Thơ thiếu nhi và lời bình: Mưa

Bài thơ "Mưa" của nhà thơ Trần Tâm là một bức tranh sinh động, gần gũi về cuộc sống thường ngày khi trời đổ mưa. Qua những câu thơ giản dị, nhà thơ đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên tươi mát, trong lành và đồng thời khắc họa những hình ảnh ấm áp, tình cảm của con người. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ qua lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

 

MƯA

 

Mây đen lũ lượt

Kéo về chiều nay

Mặt trời lật đật

Chui vào trong mây.

 

Chớp đông, chớp tây

Rồi mưa nặng hạt

Cây lá xòe tay

Hứng làn nước mát.

 

Gió reo, gió hát

Giọng trầm, giọng cao

Chớp dồn tiếng sấm

Chạy trong mưa rào.

 

Bà xỏ kim khâu

Chị ngồi đọc sách

Mẹ làm bánh khoai

Lửa reo tí tách

 

Chỉ thương bác ếch

Lặn lội trong mưa

Xem từng cụm lúa

Phất cờ lên chưa ?

 

                           Trần Tâm

 

 

Lời bình :

 

        Mưa là một hiện tượng thời tiết của thiên nhiên . Cơn mưa mang đến cảm giác mới lạ không chỉ mát mẻ mà còn tạo ra các âm hưởng, sự đổi thay bất ngờ của cảnh vật gây cho các em sự tò mò hứng thú. Đặc biệt là những cơn mưa đầu hạ: trước khi mưa thường có dông rất mạnh, trời tối sầm và khi trời đổ mưa thì cây lá hả hê đón mưa sau những ngày nắng đầu mùa bức bối. Nhà thơ Trần Tâm đã nhân hóa dựng lên một sân khấu mưa có lớp lang thật sinh động, náo hoạt và rất hồn nhiên trẻ  thơ qua nhịp điệu tạo hình mới mẻ rất gợi tả, gợi cảm .

        Bắt đầu là: “Mây đen lũ lượt - Kéo về chiều nay – Mặt trời lật đật- Chui vào trong mây”. Chỉ với các từ “lũ lượt” và “lật đật” nhà thơ đã “thổi’ vào không gian những động thái đặc tả tuần tự lại có gì vội vã như hình ảnh con người vội vàng quét dọn thóc phơi trên sân khi cơn mưa sắp ập đến. Bài thơ chuyển cảnh nhanh hơn thật háo hức, hớn hở và chấp chới rạo rực: “Chớp đông, chớp tây – Rồi mưa nặng hạt – Cây lá xòe tay – Hứng làn nước mát”. Cây lá xòe tay hay em đang xòe tay, đó chính là sự chan hòa đồng điệu giao cảm thân thiết giữa thiên nhiên với con người. Và gió, gió như là bản nhạc reo vui, gió như lan truyền mát mẻ:“Gió reo, gió há t- Giọng trầm, giọng cao”. Mạch thơ cứ cuộn reo dâng trào náo nức . Không chỉ có ánh chớp (thường tốc độ ánh sáng nhanh hơn âm thanh) mà còn cả tiếp theo rền vang tiếng  sấm. Tất cả hòa tấu bản nhạc mưa bay bỗng rộn ràng biết bao.

 

       Từ cảnh vật thiên nhiên hồ hởi hòa đồng với hình ảnh người thân mải mê chăm chú  công việc của mình dưới mái nhà thân thương ấm áp: “Bà xỏ kim khâu - Chị ngồi đọc sách - Mẹ làm bánh khoai”chợt bùng lên niềm vui: “Lửa reo tí tách”. Với “lửa reo” như làm trỗi dậy, sống dậy không gian cuộc sống thường ngày thật đầm ấm chan hòa thân thiết mà một phần do cơn mưa tự nhiên đưa đến như là một chát men xúc tác diệu kỳ  từ quà tặng của thiên nhiên .

Khổ thơ cuối gợi cho ta nhớ câu tục ngữ: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ - Hễ nghe tiếng sấm bất ngờ mà lên”. Cơn mưa đã mang đến sự ấm no sinh sôi của mùa màng. Ở đây nhà thơ Trần Tâm đồng cảm với hình ảnh chú ếch: “Lặn lội trong mưa – Xem  từng cụm lúa – Phất cờ lên chưa” như là một sự chịu thương, chịu khó với đức tính cần cù nhẫn nại của người nông dân . Mưa không chỉ mang đến sự tươi mát cho cảnh vật thiên nhiên tắm, gội sạch những bụi bặm thường ngày mà mưa còn “thanh lọc” mang đến sự trong trẻo của tâm hồn con người nhất là với tuổi thơ.

 

 

 

 

                                           N.N.P

 

 

 

. . . . .
Loading the player...