Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Phan Trung Hiếu: "Thơ xuân dành cho trẻ nhỏ"
Thơ xuân dành cho trẻ nhỏ
“Thiên địa tứ thời xuận tại thủ”. Mùa xuân luôn đứng đầu, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc và là nguồn cảm hứng bất tận để tâm hồn thi sĩ thăng hoa. Trong nhiều bài thơ dành cho trẻ nhỏ của các tác giả Hà Tĩnh, mùa xuân hiện lên trước hết với những cảm nhận về một không khí đổi thay của đất trời vạn vật bừng lên sự tươi mới tràn đầy sức sống. Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh đã chộp bắt được những tín hiệu đổi mùa ấy qua một bảng màu rộn rã vui tươi khi nhìn ra ngoại cảnh của một vùng quê yên bình: “Xuân mang nắng mới/ Nhuộm hồng làng quê/ Lúa đồng mượt lá/ Xanh rờn bờ đê/ Cu gù ngọn tre/ Bưởi khoe nụ trắng/ Mèo con ôm nắng/ Ngủ vùi ngoài sân/ Bầu bí leo giàn/ Hoa xoan nở tím/ Bướm ong bịn rịn/ Tối chưa muốn về/ Mùa xuân thích ghê/ Hết rồi cái lạnh/ Sẻ nằm xoài cánh/ Dát vàng bờ đê” (Tranh xuân). Với tác giả Thái Vĩnh Linh, tiết xuân là thời khắc bật dậy những chồi non, lộc biếc, hoa trái trĩu cành: “Mỗi lần xuân đến/ Cây nhú chồi xanh/ Rồi chùm quả nhỏ/ Lấp ló đầu cành/ Lá xanh - áo đẹp/ Sắc màu cây yêu/ Quả là cúc thắm/ Cho cây đơm vào (Áo xuân của cây). Tác giả Phan Duy Đồng lại quy sự chuyển dịch về thời gian ấy gắn liền với các mùa quả trong vườn: “Đất tính thời gian bằng quả/ Cà tím khi mùa xuân sang…”(Tuổi đất). Tác giả Dương Thế Võ lại nhận ra trong tháng Giêng cái không khí hoan hỷ, rộn ràng được trải ra trong một không gian rộng lớn: “Tháng giêng về trong nỗi nhớ/ Én chao cánh võng ngang trời/ Đào khoe sắc hồng tươi thắm/ Mai vàng bung nụ xinh tươi…/Tháng giêng núi thay áo mới/ Biển hát bài ca dịu dàng/ Đất trời hòa cùng nhịp đập/ Khắp nơi tràn ngập xuân sang”(Tháng Giêng).
Mùa xuân được trẻ em ưa thích bởi sự thức tỉnh bất ngờ và mạnh mẽ để tất cả cùng hoà vào vũ khúc sôi động của đất trời. Không gian buồn bã của mùa đông giá rét nay hừng lên một sức sống thật mãnh liệt khi chim chóc, hoa lá cỏ cây như hoà trộn làm nên một bức tranh thiên nhiên sống động, đa thanh, gợi hình trong thơ Thái Vĩnh Linh: “Nụ mầm làm nốt nhạc/ Tiếng mưa phùn đệm đàn/ Trước gió cây nghiêng ngả/ Biểu diễn chào mùa xuân”(Sáng mồng một Tết). Nhà thơ Bùi Quang Thanh thì phát hiện trong cái lạnh lẽo, co ro của mùa đông dài u ám, các loài hoa đã dũng cảm rủ nhau phô khoe sắc thắm lên làm nên nhan sắc mùa xuân: …”Bao nhiêu lộc non hoa thắm/ Cuộn tròn trong lá, trong cây/ Ai cũng sợ rét thế này/ Đất trời còn chi nhan sắc?/ Cúc Vàng rỉ tai Thược Dược/ Lay Ơn ngoéo dò Phong Lan/ Đồng tiền áo kép, áo đơn/ Ti Gôn giàn cao chúm chím/ Dưới hồ những bông Súng Tím…/“Hai!Ba!” Cùng nở một lần/ Mùa đông bỗng thành mùa xuân” (Đất trời bỗng hóa mùa xuân). Mùa xuân được tác giả Thái Vĩnh Linh ví như một nàng tiên thơm thảo, cần mẫn dịu dàng chăm sóc cho sự sinh sôi của cây cỏ: “Nhận phần tưới tắm cho cây/ Nàng Xuân cần mẫn dùng rây rây đều/ Nước chia từng hạt nhỏ xiu/ Bay trong trời đất sớm chiều đan nhau/ Cỏ cây hoa lá gật đầu/ Nở bung hoa lá muôn màu biết ơn” (Nàng xuân và cây cỏ). Tác giả Phạm Quỳnh Như thì nhận ra trong sự khởi đầu ấy, “Tháng Giêng như tờ giấy/ Cho ông trời vẽ hoa/ Bao sắc màu lộng lẫy/ Trên cánh đồng bao la…”(Tháng Giêng).
Mùa xuân đến, vượt qua cái lạnh lẽo mưa gió sụt sùi ẩm mốc của mùa đông chuyển sang một không gian mới mang hơi ấm của mặt trời. Hình ảnh ông mặt trời và hạt nắng có mặt trong nhiều bài thơ viết về mùa xuân. Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh hình dung “Xuân thả sợi nắng/ Cầm tay nhẹ nhàng/ Chỉ cần gắng tý /Mướp leo lên giàn/ Mướp xòe lá rộng/ Vươn ngọn cực dài/ Nắng xuân vẫy gọi/ Hoa vàng trời mai”( Mướp và nắng xuân). Hay trong thơ của Dương Thế Võ, mùa xuân theo tay người hiện ra với những gam màu ấm nóng: “Bé cầm bút vẽ/ Thật nhiều nắng vàng/ Nắng bay theo gió/ Gọi mùa xuân sang”. Những sự đổi thay bất ngờ theo hướng tích cực mà xuân mang đến là sự cảm nhận chủ đạo trong bài “Mùa xuân gõ cửa” của anh: “Khi mùa xuân gõ cửa/ Gió cũng dịu dàng hơn/ Hàng xoan đứng bên đường/ Bung nụ mầm nhỏ xíu/ Chim hát lời trong trẻo/ Biển hát lời êm êm/ Mèo sưởi ấm bên thềm/ Đào đung đưa khoe sắc”. Trong thơ Lê Thị Xuân, mùa xuân được rước vào nhà mang vẻ đẹp xôn xao, rực rỡ: “Mặt trời xua giá rét/ Thả nắng vàng rong chơi/ Muôn loài mừng vẫy vẫy/ Đến đây nào, nắng ơi/ Nắng tung tăng nhày múa/ Giục mầm non vươn lên/ Chim theo về trẩy hội/ Sương reo trên cỏ mềm/ Nụ mai ngồi đan nắng/ Thành vương miện kiêu sa/ Đội lên đầu rực rỡ/ Rước nàng xuân vào nhà”. Mùa xuân ấm áp đánh thức cả một miền quê ven biển trong thơ Nguyễn Sinh: “Trời xuân khoáng đãng/ Sức sống dạt dào/ Đoàn thuyền cò trắng/ Say vòm xanh cao/ Lướt trên khói sóng/Thả làn ca dao (Cò xuân). Đó không chỉ là sự thức dậy của các mầm nụ, chồi non mà xuân còn lộng lẫy bởi sự bừng nở, đua sắc của các loài hoa trong bài thơ”Hoa”của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú: “Hoa đào đón Tết về quê/ Đồng tiền mừng tuổi muốn chia thật nhiều/ Mào gà đánh thức cây nêu/ Giao thừa trời nở rất nhiều … pháo hoa”.
Ngày xuân không chỉ diễn ra những đổi thay của thiên nhiên vạn vật đang bắt đầu cho một chu kỳ sinh trưởng mới mà còn là mùa của yêu thương, nảy nở nhiều tình cảm tốt đẹp giữa lòng người. Không khí hân hoan đón Tết là tình cảm gia đình đầm ấm yêu thương như trong thơ của tác giả Nguyễn Sinh: “Ngày xuân của bé/ Ấm áp lời ca/ Bài thơ ông đẹp/ Vầng mây tóc bà/ Ngày xuân của bé/ Mẹ tươi trẻ ra/ Bố được nghỉ phép/ Về chơi quê nhà/ Ngày xuân của bé/ Cô, chú tặng quà/ Líu lo chim hót/ Thắm màu sắc hoa/ Ngày xuân của bé/ Trời xanh bao la” (Ngày xuân của bé). Với tác giả Nguyễn Sinh, trong không gian rạo rực của ngày xuân ấy, không thể thiếu hình bóng những người thân gắn với những việc làm trong ba ngày Tết; Mẹ đi sắm Tết/ Chai rượu con gà/ Bố đi sắm Tết / Cành đào, bình hoa/ Bé muốn sắm Tết/ Nghĩ mà chưa ra/ Ríu ra ríu rít/ Tung tăng tung ta/ Thế là bé sắm/ Niềm vui cả nhà” (Sắm tết). Trong bài “Hoa mai”, nhà thơ Phan Trung Hiếu khéo léo nhắc nhở độc giả nhỏ tuổi về sự thầm lặng góp công của những người thân đã làm nên sắc Tết: “Mỗi năm, đầu tháng Chạp/ Ông lặt trảy lá mai/ Những cành trơ trụi lá/ Co ro cuối đông dài/ Và từng ngày cần mẫn/ Ông tưới nước, bón phân/ Mặc mưa phùn gió bấc/ Từng nụ no, lớn dần/ Bất chợt mồng một Tết/ Lấm tấm những nụ vàng/ Ông mỉm cười sung sướng/ Hoa mai thế mà ngoan/ Ngày xuân ông cùng bé/ Ra vườn ngắm từng bông/ Sắc xuân vàng rực rỡ/ Có công ai chăm trồng”.
Cái Tết, ngày xuân hướng về cõi nhân quần còn là sự chạnh lòng nhớ tới những cảnh phận đáng thương nhưng chưa có được trọn vẹn một cái Tết ấm áp, no đủ, đoàn viên như bao người khác. Tác giả Thái Vĩnh Linh có những câu thơ ghi lại cảnh Tết của những trẻ nghèo thật cảm động: “Không mở miệng ăn xin/ Chỉ bới tìm đống rác/ Nhặt từng viên pháo lép/ Cất ngày mai nổ dần” (Chị em đứa bé ăn xin và những viên pháo lép). Trong thơ của Phạm Quỳnh Như, đó là tấm lòng nhớ nghĩ, thầm biết ơn khi gửi bức tranh Tết cho các chú bộ đội ở đảo xa đang phải cầm súng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước: “Chú ở Trường Sa/ Bốn mùa nắng gió/ Không thấy mùa xuân/Về trên đường phố/ Không thấy hoa đào/ Báo xuân trước ngõ… (Tranh Tết). Bằng cái nhìn nhân hóa, Lê Thị Xuân viết về công việc gói bánh chưng xanh trong ngày Tết cổ truyền khá thú vị: “Những hạt nếp rạo rực/ Khi nghe tiếng chim ca/ Gọi nhau cùng thức dậy/ Kìa, mai đào nở hoa/ Chúng được mẹ tắm rửa / Cho đậu xanh vào lòng/ Mặc áo choàng lá dong/ Rồi nằm nghe lửa hát/ Cùng dưa hành tỏa ngát/ Mâm cỗ chiều cuối năm/ Cây hương trầm bố thắp/ Dâng tấm lòng thảo thơm” (Bánh chưng đón Tết). Nữ tác giả Phạm Minh Huyền cũng có sự liên tưởng thú vị ở bài thơ Rắn trong cuộc bàn giao cuối năm giữa Thìn và Tỵ: “…Đàn rắn họp lại phân công/ Mỗi anh giao cho một việc/ Rắn lửa chuyên lo nhóm bếp/ Rắn lục nấu bành chưng xanh/ Dưa món giao rắn hổ hành/ Chợ nhanh giao anh hổ gió/ Rắn nước thân hình bé nhỏ/ Giao cho tiếp khách pha trà/ Rắn ráo quét dọn cửa nhà/ Mua về vài câu đối Tết/ Quây quần vui đón xuân sang” (Rắn). Cổ xúy sự thức dậy của thiên nhiên, khích lệ các em thưởng thức bữa tiệc xuân, Nhà thơ Phan Trung Hiếu đã nhẹ nhàng nhắn gửi: “Ơ kìa bướm trắng/ Đang dạo trong vườn/ Đừng bay xa quá/ Lỡ may lạc đường/ Này này chim chích/ Lích rích cành na/ Chớ quên bài tập/ Cô ra về nhà/ Này cây hồng nhỏ/ Mau nở hoa thôi/ Mùa xuân đã đến/ Xòe muôn cánh cười/ Nào chim, nào bướm/ Nào lá nào hoa/ Ta cùng cất tiếng / Lá là, la la” (Hát với mùa xuân).
Trong những bài thơ viết về xuân dành cho trẻ của các tác giả Hà Tĩnh, dẫu chưa thật đầy đủ nhưng chúng ta có thể nhận ra cách khai thác đề tài này chưa thật phong phú và còn nhiều sự trùng lắp, dễ dãi nhưng đa phần xinh xắn, dễ thương vì đã đánh thức tình yêu của con trẻ với mùa xuân, gửi gắm niềm tin yêu vào những mầm non tương lai. Trong vườn xuân tưng bừng kỳ ảo, các tác giả không chỉ đưa người đọc bước vào một thế giới rộn rã những thanh âm và sắc màu phong phú của thiên nhiên mà còn hướng các em đến với những bài học làm người sâu sắc, khơi gợi về lòng biết ơn, sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, về niềm vui sum họp gia đình đầy hơi ấm của tình thân. Thiết nghĩ, những vần thơ như thế sẽ là món cỗ tinh thần góp vào bữa tiệc dành cho bạn đọc nhỏ tuổi mừng xuân mới đang về.
Phan Trung Hiếu