31-01-2023 - 14:10

Thưa Ba, Thưa mẹ! Con đã về!

Nếu mỗi con người sống trên Trái Đất này là một hạt giống thì gia đình chính là vườn ươm với nguồn dinh dưỡng là tình yêu thương dạt dào. Tình cảm gia đình là một món quà quý giá nhất mà mỗi người chúng ta có được. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Thưa Ba, Thưa mẹ! Con đã về! của tác giả Đậu Thị Thu Trang.

 

                          Thưa Ba, Thưa mẹ! Con đã về!

                                                                  Đậu Thị Thu Trang

 

 

Sau khi gác máy điện thoại, biết tin chị Ngọc về, mẹ òa khóc mà trong lòng mừng rơn. Ba ngó mẹ tội nghiệp, đàn bà gì mà mau nước mắt rứa trời, rồi vội quay mặt đi, tự mình cũng thấy sống mũi cay cay. Mẹ không khóc, không mừng răng được, đã 6 năm rồi mẹ đợi chị, đợi những đứa con của mình.

Trước, mẹ đếm tuổi mấy đứa con để biết mình đã qua bao nhiêu xuân, già đi bao nhiêu phần. Giờ, mẹ đếm thời gian đằng đẵng, thời gian ngó quanh quất, thời gian đếm ngày qua tháng đến lúc mấy đứa con mẹ về, quên mất mình đang già hơn, mắt mờ hơn, đôi chân đã muốn chùng xuống trên mọi bước đường.

Mẹ thương chị cả cơ cực, học mới biết mặt chữ đã gác sách, còng lưng địu đẽo thêm mấy đứa em. Bài tập đọc còn trầy trật, ngắc ngư đã phải rời quê vô tận Sài Gòn học nghề kiếm miếng cơm. Ngày tiễn chị cả đi, mẹ khóc như trời vào mùa mưa. Đêm nghe con cuốc kêu đầu hồi, mẹ ngồi bật dậy, chẳng kịp thắp đèn đã lần ra bậu cửa, coi có thấy bóng con gái mẹ về không? Con cuốc kêu chi mà thảm quá chừng, để mẹ nẫu hết ruột hết gan, còn ba thở dài khô héo.

Rồi cũng yên, cơn gió lòng mẹ bị đậy lại, bận bịu với mấy mẫu ruộng, lại lo cho 5 đứa con nheo nhóc, gầy bằng chang nhau nên mẹ cũng không có thời gian mà khóc mà rầu vì nhớ chị cả. Có chăng mẹ chỉ dám nhớ lúc ngủ, để gặp người mình mong ngóng trong những giấc mơ, người ta chẳng bảo nghĩ tới ai thì mơ tới người đó còn gì. Mẹ nghĩ tới đứa con gái của mẹ trong lúc làm, lúc ăn, lúc ngủ thì có chi mà không mơ thấy chớ!

Lớn hơn chút, chị hai, chị ba cũng xa mẹ, bỏ cái vùng đất trũng nghèo khó của mình mà đi. Cái vùng đất chưa kịp mưa đã ngập nước, chưa kịp nắng đã khô giòn người.

Chỉ còn ba mẹ cùng căn nhà gỗ mấy đời ở lại lầm lụi làm bạn với miền gió lào cát trắng. Quê mẹ nghèo lắm, cái nghèo cứ như con đỉa, đuổi sao nó cũng không chịu đi, bám dai bám dẳng vô bao nhiêu kiếp người, như trên vùng có gia đình chú Sơn, rồi nhà dì Bảy, lại đến nhà mệ Diên…hàng chục chục những con người, trầy trật mãi với trời với đất mà đói vẫn đói, nghèo vẫn nghèo, căn nhà cũng chỉ là nơi chui ra chui vô của mấy con người, rách tươm trước mỗi mùa bão nổi.

Quê mẹ là vùng trũng, đa số làm lúa, ruộng mênh mông bát ngát, bao nhiêu lần chuyển qua mấy kiểu mô hình làm ăn nhưng trời không thương, mưa bão triền miên, mất nhiều hơn được, người ta lại chỉ biết quay về với cây lúa (mà làm lúa mãi thì biết kiếp nào mới giàu, mới hết cực khổ mẹ ơi!).

Có năm ba cắn răng bỏ cây lúa, hùn vốn làm trang trại, chuyển qua nuôi cá, nuôi vịt, đặng làm giàu theo thời thế. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt ba đổ vào từng con cá, con vịt, bao nhiêu hôm thức cùng nó, ngủ cùng nó, hi vọng tràn trề sẽ có lúc mình thêm tiền, mua được cái xe, mua được cái ti vi coi cho biết thiên hạ ngoài kia sống kiểu gì… Nhưng rồi chẳng được bao lâu, dịch cúm gia cầm ùa về lùa sạch sành sanh mấy trăm con vịt đẻ, nhìn những đám lông còn vương vãi trên bờ ao sau cuộc tiêu hủy, ba nghẹn lời không nói nổi câu gì. Thời mô thế đó, tưởng thoát nghèo đến nơi rồi hóa ra ông địa còn chơi ác mình, biết ngày mai răng mà lần bây dừ! Đêm đó, mang cút rượu ra hiên ngồi với chú Bình, ba cười cười vào cái sự đời mà nghe đắng đót hết lòng hết dạ, kêu răng hôm này gió không thổi mà lạnh người, rượu chưa uống mà đã muốn say. Chú Bình thì khóc thật, thì bốn năm miệng ăn trong nhà đều trông vào chú, sợ dịch mà mấy rổ trứng chưa kịp bán lũ trẻ cũng chẳng dám ăn. Người ta thẳng tay giết cả lũ vịt còn sống sờ sờ, béo ú, còn thu hết trứng trong nhà không cho tiêu thụ, nhìn vợ thất thần đứng trước cửa nhìn ra bờ ao, mấy đứa nhỏ khóc ròng vì chưa có tiền học phí mà chú cũng vui không nổi, nụ cười cứ méo xệch.

Ba không khóc, nhưng ba nhớ. Nhớ tiếng vịt cắn nhau chí chóe cả đêm, nhớ cái lúc tơ mơ sáng, chưa rõ mặt người ba mẹ đã hứng khởi nhặt trứng mang đi nhập, kiểu gì ngày đó cũng có thêm miếng thịt cho mấy đứa nhỏ, rồi lại có cút rượu lai rai cùng mấy ông bạn già trong thôn. Nhưng cái vui mới hé, chưa kịp trọn vẹn đã vội tắt ngấm.

Mà ông trời cũng tệ, đuổi xua con người ra khỏi con vịt đã đành, còn nỡ chi kéo bão, kéo mưa về cuốn trôi mấy ao cá gần ngày thu hoạch. Mẹ nhìn dáng ba gầy héo, co ro đi thất thểu trong những cơn mưa bão chìm bão nổi mà đôi mắt nhòe nước. Người đàn ông từng vào sinh ra tử trên biết bao chiến trường, thà chết chứ không chịu chùn bước giờ trở về nơi mình từng cầm súng bảo vệ để kiếm miếng cơm cũng thật khó, bước chân rệu rã, đánh vật với thiên nhiên, với đời còn gian khổ hơn gấp bội. Nhưng thua riết rồi cũng quen, nghèo riết rồi cũng quen, biết kêu ai thương mình.

Khổ vậy nhưng có lúc vợ chồng chị hai bàn chuyển vào Bình Dương sống cùng cho bớt khổ mà ba mẹ nhất quyết không đi. Cái tình với Hà Tĩnh nặng ngàn cân, dời đi đâu cho đành. Nghèo thế chớ nghèo hơn rứa nữa ba mẹ cũng bám trụ với Hà Tĩnh, người Hà Tĩnh mình đã thương thì thương cho thiệt, mà thương rồi thì dứt không ra. Huống chi mấy đời ông bà cố đều sống chết nơi đây, hương khói tổ tiên, tình nghĩa xóm giềng còn mênh mông ra đó, bỏ đi sao được bây dừ?

Cả gia đình có 6 anh chị em mà mỗi người một ngả, một cuộc đời, một mảnh trời riêng. Kẻ Nam, người Bắc, có người biền biệt xa xứ, làm ăn bên trời tây, cũng vì cuộc sống mưu sinh nên mới nỡ bỏ Hà Tĩnh mà đi, đi rồi có lúc nào dám quay mặt lại nuối tiếc, bởi sợ dứt không đành, coi như lỗi hẹn với nơi mình sinh ra lần nữa.

Gia đình là nơi để trở về ( Tranh: Trần Nguyên )

 

Ba mẹ giờ tóc đã bạc mấy phần, nói hôm nay ngày mai có thể đã quên, quên sạch, nhắc mãi cũng nhớ chẳng ra nhưng lạ là chẳng có gì liên quan tới những đứa con mình mà ba mẹ quên hết. Nấu món canh rêu cua, chưa kịp ăn mẹ đã nhắc, cái món ni con Tý nhà mình nó mê lắm đó ông, hồi nhỏ mỗi lúc thấy mẹ bắt được ký cua đồng là nó mừng đến nhảy cà tưng, ăn liền lúc mấy bát cơm, xuýt xoa như lần đầu được ăn một món ngon đến vậy. Hay như chị Ngọc lại mê món bún chả mẹ nấu, dẫu ngày xưa, năm thì mười họa may ra mới có được bữa, nhưng mà giờ ra tận nước ngoài, viết thư về lần nào chị cũng nhắc… Rồi thì thằng út sống chết kiểu gì cũng phải ngày ba bữa cơm không thể bỏ, chị cả chỉ thích nghe mẹ hát dân ca. Nhiều đêm buồn nhớ chị, mẹ lại ra sân hóng gió, lại hát những khúc giận thương mà ngày xưa mẹ thường hát ru mấy đứa con. Rồi cả cái ngày đói khổ nhất, mấy đứa con nheo nhóc ngồi quây quần bên một niêu cơm bé xíu, toàn khoai hấp độn cơm, cô chị nhường cô em những bát cơm không còn nguyên hạt, đứa lớn nhường đứa bé để rồi cuối cùng cả 8 cái miệng vẫn ăn không hết mấy bát cơm muối vừng… Không biết mẹ nhớ chi nhiều đến ngày xưa quá vậy, trái tim mấy nhịp mẹ dành để đập hết cho con mất rồi chớ còn đâu!

Hôm qua nghe tin chị Ngọc chuẩn bị về nước, thông báo với mẹ mà chị khóc như mưa, còn dặn với theo là phải nấu bún chả cho chị ăn mấy bữa thật đã, rồi chị cả nói cũng sắp cắt phép về quê, gia đình chị hai đang soạn sửa về Hà Tĩnh làm ăn sinh sống, thằng út chuẩn bị đi làm…tin vui về tới tấp làm lòng mẹ mừng rớt nước mắt, lo sắm sửa đủ thứ, coi có quên cái gì, của đứa nào không. Ba lại tất bật sửa lại cái nhà, soạn cái chỗ ngủ, chuẩn bị đủ rượu, chờ ngày mấy đứa con ở xa về lại có chén tạc chén thù với bà con chòm xóm, vui vầy với cháu với con.

Dầu hôm nay, người lên máy bay, người tất tả xin giám đốc cắt phép, và chưa ai có mặt ở nhà, nhưng mẹ biết, không lâu nữa, mẹ sẽ được nghe tiếng mấy đứa con yêu thương râm ran cười nói, được ôm chúng vào lòng mà vuốt ve, được nghe chúng kể về chặng đường mình đã đi qua, chật vật, khổ đau, sung sướng nó ra làm sao, và hơn hết là để nghe các con của mẹ gọi mẹ ơi, ba ơi, con đã về rồi….!

 

                                                                                   Hoa Hạ

 

 

. . . . .
Loading the player...