“Tiếng vọng” là tên tập thơ thơ thứ 5 của Nguyễn Văn Hoan. Tập thơ đầu tay có nhan đề là “Chốn quê” của anh xuất bản năm 2009, khi anh tròn lục thập hoa giáp, và tôi đã hân hạnh được anh giao cho viết lời Tựa. Mặc dù là sản phẩm đầu tay trình làng nhưng đó là một tập thơ chững chạc, thấm đẫm tình quê hương, làng mạc chốn đồng quê. Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Tiếng vọng theo mùa” của tác giả Phạm Quang Ái (Tiếng vọng, Nguyễn Văn Hoan, thơ, Nxb Văn học, 2024)
“Tiếng vọng” là tên tập thơ thơ thứ 5 của Nguyễn Văn Hoan. Tập thơ đầu tay có nhan đề là “Chốn quê” của anh xuất bản năm 2009, khi anh tròn lục thập hoa giáp, và tôi đã hân hạnh được anh giao cho viết lời Tựa. Mặc dù là sản phẩm đầu tay trình làng nhưng đó là một tập thơ chững chạc, thấm đẫm tình quê hương, làng mạc chốn đồng quê.
Đến với thơ khá muộn nhưng kinh nghiệm, mỹ cảm của Nguyễn Văn Hoan thì đã có độ dày tích lũy từ thuở hoa niên. Bởi thế, sau thi phẩm này, những đứa con tinh thần như “Đợi” (xuất bản 2011), “Thu muộn” (xuất bản 2014) và “Nhặt lại tiếng cười” (xuất bản 2020) của anh đã lần lượt ra đời.
Trong vòng 14 năm, Nguyễn Văn Hoan đã xuất bản 5 tập thơ, gần ba năm thì ra một tập; mỗi tập ngót nghét trên dưới 60 bài, vị chi, đến nay anh đã có khoảng 300 bài được công bố thành sách. Tuy nhiên, theo tôi được biết, khi tuyển thành tập tác giả đã bỏ lại không ít bài ở dạng bản thảo hoặc đã đăng báo chí.
Như thế, trên cánh đồng thơ, “sức sản xuất” của Nguyễn Văn Hoan khá lực lưỡng. Nhưng, nếu bạn đọc biết rằng, hàng chục năm qua, kể lúc còn công tác cho đến khi đã nghỉ hưu, Nguyễn Văn Hoan chưa từng có thời gian được nghỉ ngơi. Đó là quãng thời gian anh tận tụy chăm sóc người vợ hiền bị đau lâu ốm dài, nhất là những năm cuối đời chị gần như nằm liệt giường. Đó là quãng thời gian bản thân anh cũng phải vật vả chống chọi với bệnh tật của riêng mình. Trong tình cảnh ấy mà sáng tác được như thế quả là anh đã gắn thơ vào mùa và vịn vào mùa mà đứng dậy - mùa tương ứng với tuổi đời của anh là mùa Thu.
Vịn vào Thu níu lại phía tháng Hè
Lưu chút nắng mong Đông về đỡ rét
(Vịn)
Có thể nói với Nguyễn Văn Hoan thì thơ là chất xúc tác cho anh thêm niềm tin, sức mạnh để vượt qua những thách thức của vận mệnh.
Trở lại tập thơ thứ 5, tập “Tiếng vọng”, thì tên tập thơ cũng là tên một bài thơ trong tập. Bài thơ này có câu kết rất lắng đọng: “Tiếng vọng về theo mùa lá trên cây”. Quả nhiên, đọc xong tập thơ, người đọc hầu như được nhân vật trữ tình dẫn dắt xúc cảm của mình về quá vãng “theo mùa lá trên cây”.Tập thơ có 57 bài được chọn trong số thơ sáng tác từ năm 2021 đến nay. Không rõ tác giả có chủ ý hay tình cờ (có lẽ là tình cờ vì không thấy dấu vết của sự sắp xếp theo trình tự nào cả) nhưng trong toàn bộ tập “Tiếng vọng”, theo thống kê của tôi, thơ gắn với hai mùa xuân – hạ là 21 bài và thơ gắn với mùa thu - đông là 21 bài còn lại 15 bài là những cảm nghĩ không theo mùa rõ ràng.
Nói “theo mùa” hay “không theo mùa” là nói cái khung thời gian của sự kiện tâm hồn được hồi cố của cái tôi trữ tình của tác giả rõ nét hay không rõ nét mà thôi, chứ toàn bộ tập thơ là những tia hồi quang ánh lên từ tâm tình tác giả ở diểm nhìn hiện tại, điểm nhìn của một con người đã ở vào chặng “mùa đông” của cuộc đời. Từ điểm nhìn này, tác giả “tự sự”: Bóc tờ lịch cuối năm/ Bồi hồi bao điều cũ/ Xuôi về miền xa xăm/ Nỗi buồn, vui khép mở./ Bàn tay lại lần dỡ/ Thời gian phía nay mai/ Mân mê tờ lịch mới/ Năm tháng còn rộng dài! (Tự sự)
Có thể xem bài thơ này là một bài đề từ, ở đây là lời tự đề tựa của chính tác giả, tuy giọng điệu thơ có vẻ trầm ổn nhưng thực ra lại chứa chất bao xao xuyến, bồi hồi trước khoảng khắc giao thừa của một năm, có cái sâu lắng, thiết tha khi nghĩ về năm tháng đã qua và có cái thắc thỏm, bồn chồn khi nghĩ về ngày mới. Cái ý này được thể hiện rõ nhất trong khổ cuối bài thơ. Nếu chúng ta đọc kỹ cả năm tập thơ của tác giả thì sẽ thấy ngay từ tập thơ đầu đã xuất hiện cái cảm nghĩ đối cực này và càng ngày càng đậm nét trong các tập tiếp theo. Thứ nhất, đối cực cảm xúc này cũng là cơ sở để hình thành cấu tứ nhiều bài thơ của Nguyễn Văn Hoan trong cả năm tập thơ nhưng đậm nét nhất vẫn là trong tập “Tiếng vọng”. Thứ hai, cảm xúc đối cực này được thể hiện ngọt ngào, da diết nhất trong những bài thơ lục bát. Thể thơ đa dụng này nếu thiên về thể tài tự tình thì thích hợp với cái tạng cảm xúc bâng khuâng, da diết, bồi hồi như ở tâm tình của Nguyễn Văn Hoan. Thử ngâm lên khe khẽ những bài lục bát viết rất lão luyện như bài “Buồn, vui”, “Hình như”, “Mùa cau trổ hoa”, “Cũng đành”, “Lạ kỳ cái nắng tháng Giêng”, “Vị ngọt”, “Thu lòng”,… chúng ta liền bị đắm mình trong cái bầu thi quyển cảm xúc hồi cố của tác giả. Hình như ca dao, “Truyện Kiều”, sắc điệu giặm - vè xứ Nghệ đã ăn sâu vào tác giả từ thuở ấu thơ nên tác giả rất có duyện với thơ lục bát và phần nào là thơ năm chữ. Trong thơ Nguyễn Văn Hoan, các yếu tố cảnh, tình, sự quấn quít, luyến láy tạo nên tính trùng phức của hình ảnh, hình tượng thơ. Bài thơ “Hóa thân” có thể được xem như ví dụ điển hình cho nhận xét này: Thảng thốt tiếng chim gù/ Của trưa hè một thuở/ Miên man quanh miền nhớ/ Tóc chạm bờ heo may./ Khi tay trong lòng tay/ Xanh một thời mơ ước/ Dạt theo dòng ký ức/ Hồn lạc vào bến mơ./ Rong ruổi với ngày xưa/ Nhặt niềm vui tí tách/ Trong veo cùng cổ tích/ Hóa thân thành trẻ thơ.
Tập “Tiếng vọng” có đề tài, chủ đề tương đối đa dạng nhưng tựu trung vẫn là những đề tài, chủ đề quen thuộc, xung quanh cuộc sống thôn dã nơi tác giả đang sống, chứa đựng không ít nỗi niềm riêng tư. Thơ Nguyễn Văn Hoan có buồn có vui, càng về sau càng nhiều nổi buồn, song đó là những nỗi buồn đẹp, dù có da diết nhưng không bi lụy, hơn thế, những nỗi buồn đó lại thắp sáng niềm tin yêu cuộc đời cho tác giả và độc giả. Vì thế, hẳn người đọc sẽ rất đồng cảm với tâm tình sâu lắng đầy trải nghiệm này của tác giả: ....Một đời là mấy mươi năm?/ Một Thu chỉ một đêm rằm hội thu!/ Thời gian như chiếc đèn cù/ Hạ vừa cất nắng, sương thu đã về/ Đi chưa hết nửa câu thề/ Bước chân đã chậm, tình quê còn dài. (Thu lòng)
Có thể thấy, về mặt nghĩ cảm, thơ Nguyễn Văn Hoan khá chân thực, không uốn éo chữ nghĩa làm bộ đổi mới tân kỳ về hình tức, nhưng mặt khác, về phương diện sáng tạo nghệ thuật, thì quả thật Nguyễn Văn Hoan chưa đầu tư nhiều công phu cho việc đổi mới thi ý, thi ảnh và thi tứ. Ở một số bài thơ dưới hình thức thơ tự do có tính chất “sử thi” như “Quê tôi vùng biển ngang”, “Logo Thạch Hà”, “Ngày 30 tháng Tư”, “Nỗi niềm tháng Tư”,…, tác giả dường như chuồi theo cảm xúc một cách quá dễ dãi nên đọc chúng có cảm giác chất văn xuôi lấn át chất thơ. Tính chất phác và tính duy cảm thể hiện rất đậm nét trong thơ Nguyễn Văn Hoan. Chúng ta có thể rút ra nhận xét này ngay từ đầu đề các bài thơ của tập “Tiếng vọng” mà chúng tôi đã liệt kê ở trên. Và đó cũng là điều làm nên chất thơ trong phần lớn thi phẩm của tác giả.
Thị trấn Thạch Hà, ngày 23 tháng 8 năm 2024
P.Q.A