21-12-2017 - 01:48

Trận đánh không tiếng súng giữa hang ổ địch

Mùa khô năm 1972, tình hình chiến trường Lào lúc này rất phức tạp. Bọn Phỉ Vàng Pao quấy phá mạnh, lấn chiếm vùng giải phóng hai tỉnh Xiêng Khoảng và Bô Li Khăm Xây.

         Chúng tập hợp được 19 tiểu đoàn gồm 12.000 quân Lào, 5.000 lính Thái, 5 đại đội máy bay Mỹ yểm trợ, 100 trực thăng cơ động và tiếp tế, dưới cái gậy chỉ huy của CIA, thông qua Bộ chỉ huy hỗn hợp Mỹ- Thái- Vàng Pao. Nguy hiểm hơn chúng dùng chiến tranh tâm lý, kích động, dụ dỗ, lôi kéo được một số cán bộ chủ chốt của tỉnh bạn như: Khăm Xổm- Bí thư Tỉnh ủy, Bun Xon- Tỉnh đội phó, Khăm Còn- Phó Tỉnh trưởng công an- Tỉnh Bô Li Khăm Xây và một số bộ đội địa phương của bạn chạy sang phía chúng. 
         Đích thân Vàng Pao phong chức và bổ nhiệm cho Khăm Xổm làm Chỉ huy, Bún Xôn, Khăm Còn làm phó tướng, lấy bản Noọng Lên làm đại bản doanh. Chủ trương của Khăm Xổm, Bun Xộn, Khăm Còn là củng cố lực lượng, gây bạo loạn đánh chiếm vùng giải phóng, lấy dân, lấy đất, nói xấu và kích động chia rẽ Việt Lào, làm mất lòng tin, hình ảnh bộ đội cụ Hồ, hình ảnh Việt Nam trong quân đội cũng như nhân dân các bộ tộc Lào.

        Đầu mùa khô năm 1972, Bộ Tư lệnh quân khu 4 quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận 872 (ra đời vào tháng 8/ 1972) đóng quân ở Căm Cớt và nhiều địa điểm khác ở tỉnh Bô Li Khăm Xây, cử Trung tá Đỗ Kế Thoa quê Thanh Hóa làm Chỉ huy trưởng mặt trận. Đơn vị có nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, tuyên truyền giác ngộ những người lầm đường trở về với cách mạng, ủng hộ bộ đội Pa- Thét- Lào và quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt bọn Phỉ Vàng Pao, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng. 
          Lực lượng của ta lúc này gồm có Tiểu đoàn 31 (đặc công QK4), gồm 3 Đại đội, trong đó Đại đội 3 là đơn vị chủ lực mạnh đã từng đánh Nậm Thon diệt Trung tá Ta Phăng - Chỉ huy trưởng QK2 của lính Ngụy Lào, giải phóng đường 13 do đồng chí Thành làm Đại đội trưởng ( Sau này đồng chí Thành và Đại đội 3 được tuyên dương anh hùng LLVT). Cán bộ Tiểu đoàn 31 do đồng chí Cao Nựu quê ở Hưng Nguyên- Nghệ An làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Tấn Miêng quê miền Nam làm Chính trị viên. Tiểu đoàn 48B chủ yếu là con em Hà Tĩnh do đ/c Lương Hữu Phùng quê ở Sơn Kim, Hương Sơn làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Thiều quê ở Can Lộc làm Chính trị viên. C1 là Đại đội chủ công - cơ động nhanh, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, truy kích phỉ ở vùng rừng núi Lào, luôn luôn làm tốt công tác dân vận, vận động, giáo dục, giác ngộ dân theo cách mạng, giúp dân ổn định cuộc sống sinh hoạt. Đại đội do đồng chí Nguyễn Xuân Hệ quê Cẩm Bình, Cẩm Xuyên làm Đại đội trưởng (sau ngày tái lập tỉnh là Đại tá, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Tĩnh). Chính trị viên là đ/c Phạm Tùng Mậu- quê ở Đức Thọ (nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn Hà Tĩnh vào quân đội) làm Chính trị viên phó.
         Thời gian đó, Vàng Pao cho Khăm Xổm lên trực thăng, bay nhiều lần trong một ngày, mở loa phóng thanh dùng các chiêu bài tâm lý chiến, dụ dỗ, đe dọa quân đội bạn ra hàng, nói xấu, ly khai quân đội Việt – Vàng Pao, cho đại đội chủ lực BV34 đổ bộ xuống cao điểm 1400m đỉnh Pha Hom làm hậu thuẫn cho Khăm Xổm. Để lấy lại lòng tin cho bạn, Bộ chỉ huy mặt trận 872 cho trinh sát luồn sâu vào tận hang ổ của phỉ ở Noọng Bạt nơi đơn vị chủ lực của Khăm Xổm đóng quân. Đúng giờ G đêm 29 tháng 11 năm 1972, ta nổ súng, đến 15 giờ ngày 01 tháng 12 năm 1972 thì làm chủ hoàn toàn Noọng Bạt, giải phóng dân, củng cố lại chính quyền, bàn giao tù binh cho bạn. 
          Khoảng 23 giờ ngày 3 tháng 12 năm 1972, đồng chí Minh (quê ở Xuân Song- Nghi Xuân) xuống báo có nhiệm vụ đột xuất, tôi vội vàng nai nịt gọn gàng, súng ngắn dắt lưng, dùng chiếc đèn pin che kín để một lỗ nhỏ bằng hạt ngô dùng để tráng phim, rửa ảnh dã chiến, men theo hang đá lên gặp Chỉ huy. Đã khuya nhưng lúc này thủ trưởng Đỗ Kế Thoa vẫn ngồi một mình thao thức bên tấm bản đồ mặt trận, điếu thuốc không rời môi. Ông cho biết, theo nguồn tin tình báo của phía quân đội Lào, đêm 4/ 12 tới, bọn Bun Xon, Khăm Còn và một số lính tàn quân còn lại ở bản Noọng Bạt kéo nhau về tập trung ở bản Mường Mày quê của Bun Xon ăn mừng thoát chết, tập hợp thêm một số thanh niên trong bản và các bản gần đó vào lính phỉ Vàng Pao để đánh phá trong mùa khô, giành lại một số bản mà ta đã giải phóng, tập kích nơi đóng quân của tà hán Việt, tà hán Lào (bộ đội Việt, bộ đội Lào) và tổ chuyên gia giúp bạn.
         Nhiệm vụ của tôi, cùng đồng chí Chuyến - chuyên gia giúp bạn và đồng chí Thái được giao là tìm mọi cách lọt vào hang ổ của địch, làm công tác địch vận, tuyên truyền, vận động để hai tên cầm đầu là Bun Xon, Khăm Còn hạ súng quay về với quân đội cách mạng Lào. Khi rắn đã không đầu, chắc chắn cả đơn vị sẽ phải ra hàng về với gia đình, về với bản. Đồng chí Đỗ Kế Thoa còn dặn tôi với lợi thế biết tiếng Lào, biết múa Lăm vông nhưng phải cố gắng phát huy nghề ảnh trong chuyến công tác đặc biệt này để lấy lòng tin, thuyết phục được đối phượng. Về nhược điểm của tôi không uống được rượu thì phải chuẩn bị sẵn một khăn bông để dễ bề đối phó. Đồng chí Chuyến là cán bộ chuyên gia giỏi, nói được nhiều thứ tiếng các bộ tộc Lào, rất am hiểu các phong tục, tập quán của bạn, nhiều năm làm cố vấn cho Tỉnh đội bạn hoàn thành trong các chiến dịch, là Siều (anh em kết nghĩa) của Bun Xon nên có rất nhiều lợi thế. Theo kế hoạch, đúng 4 giờ sáng 4/ 12/ 1972, chúng tôi sẽ xuất phát, không được mang theo vũ khí, tránh bị đối phương nghi ngờ. Riêng tôi, mang theo máy ảnh, chuẩn bị phim, giấy, thuốc rửa ảnh. 
          Để đảm bảo an toàn cho tổ công tác, Bộ chỉ huy mặt trận đã giao nhiệm vụ cho Trung đội 2 thuộc Tiểu đoàn 48B do đồng chí Trưng làm Trung đội trưởng, đồng chí Tùng Mậu là cán bộ chính trị Đại đội nhưng giỏi về phương án tác chiến, đưa 3 tiểu đội trang bị vũ khí mạnh, cơ động nhanh, bố trí vòng ngoài bảo vệ chúng tôi khi có hình huống xấu. Thủ trưởng còn dặn, bọn phỉ rất xảo quyệt nên nếu lỡ bị bọn chúng bắt cóc thì phải tìm cách giải thoát. Nếu không may hy sinh thì ở bên ngoài dùng lực lượng  mạnh và tinh nhuệ đột nhập vào đưa bằng được xác từng người về căn cứ. Phía quân đội của bạn Lào cũng đã bí mật bố trí lực lượng tình báo trà trộn vào số thanh niên của bản để hỗ trợ vòng trong… Đường đi từ đây lên bản Mường Mày hơn 1 ngày đường, cho nên phải vừa đi, vừa chạy, mới kịp 6- 7 giờ tối mới đến được nơi họp mặt của chúng.

Trước giờ nổ súng

(Tác giả là người thứ nhất bên phải sang trên chiến trường Lào). Ảnh: Tư liệu

         Đúng 4 giờ sáng ngày 4/ 12/ 1972, ba anh em chúng tô lên đường, vượt qua nhiều khe suối chảy xiết, nhiều dốc đá dựng chênh vênh, luồn tránh không để bọn Phỉ phát hiện. Đến 17 giờ 30 phút ngày 4/ 12, chúng tôi đến bản Mường Mày. Khi còn cách vài chục mét, trong lờ mờ tranh tối, tranh sáng, chúng tôi thấy một nhóm người có vũ khí đứng cạnh gốc cây me to đầu bản. Anh em nhận định đó là tổ gác của bọn Phỉ vì lâu ngày chui lủi trong rừng nên tóc râu um tùm, trông rất đáng sợ. Tổ gác có 5 tên, một tên cầm súng các bin (chắc là tổ trưởng), hai tên cầm súng kíp, một tên cầm nỏ và một tên cầm dao mẹo.
         Tên cầm súng các bin ngáng đường, quát bằng tiếng Lào : “dừng lại- đi đâu”? Anh Chuyến ung dung đáp lại bằng tiếng Lào: - Tôi là Siều của Bun Xon. Nghe tin Bun Xon về nhà nên mấy anh em, bạn bè chúng tôi đến chúc mừng. Vẻ cảnh giác, bọn chúng nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, mặt hằm hằm, tay lăm lăm vũ khí. Lúc ấy, tôi có mang một túi mình Claay- mo đựng đồ làm ảnh nên thấy túi phồng lên, chúng nghi ngờ. Thằng tổ trưởng ra hiệu cho thằng cầm dao mẹo tiến lại gần chĩa dao vào bụng tôi, rồi giơ tay bóp vào túi. Tôi biết ý mở túi ra cho nó xem và chủ động nói với nó bằng tiếng Lào “thái húp” (chụp ảnh). Kiểm tra thấy toàn đồ ảnh, ống kính, đèn Plats, thuốc ảnh, một tên vào gặp Bun Xon. Sau khoảng 15 phút thì quay lại báo với tên tổ trưởng rồi dẫn chúng tôi vào gặp Bun Xon. 
          Vừa trông thấy Bun Xon, anh Chuyến đã chạy đến ôm chầm lấy nó. Tôi quan sát thấy bọn lính và bà con trong bản khoảng 40 đến 45 người. Đám thanh niên đang mổ lợn, các bà, các chị đang hông xôi, chuẩn bị rượu cần. Các cô gái xúng xính trong bộ váy mới để múa lăm vông, không khí như đang đêm hội của bản. Anh Chuyến giới thiệu tôi với Bun Xon, Khăm Còn: - Ái Coóng (cán bộ) Bun Hương phóng viên ở Hà Nội lên (tôi lên chiến trường Lào được bạn đặt tên cho là Bun Hương). Cả hai tên bắt tay tôi miệng luôn xăm bái, xăm bái đí (mạnh khỏe, mạnh khỏe tốt), nhưng ánh mắt đầy cảnh giác, thiếu thiện cảm. Để gây ấn tượng, tôi đưa máy ảnh lên bấm lia lịa. Đèn Plats chớp sáng khiến không khí trở nên vui vẻ, mọi người thích thú chen nhau tươi cười trước ống kính. 
          Tuy đã nhập cuộc nhưng trong đầu tôi vẫn lên một phương án tác chiến nếu mọi việc không thuận lợi như Thủ trưởng đã dặn dò. Tôi xác định hướng Tây Bắc- nơi đơn vị đ/c Tùng Mậu và đ/c Trưng đang mai phục yểm trợ mình có cây xoài to làm vật chuẩn. Đêm tối, nếu có gì bất trắc, chúng tôi sẽ theo hướng cây xoài rút lui. Vừa tìm góc độ bấm máy vừa tranh thủ quan sát địa hình, tôi khẽ nhắc anh Chuyến và Thái về hướng rút lui khi cần thiết, cử Thái tìm cách lẻn ra ngoài bắt liên lạc với các đồng chí ngoài đó khi cần để hỗ trợ.
          Suốt 6- 7 giờ đồng hồ, chúng tôi dùng đủ các chiêu để thuyết phục bọn chúng, vừa tuyên truyền, vừa vận động. Đến gần 1 giờ sáng, anh em kéo Bun Xon, Khăm Còn ra một góc sân ngồi uống rượu tiếp. Lúc này, tôi và anh Chuyến rất mệt và căng thẳng. Một ngày hành quân khẩn cấp, trèo đèo lội suối, vừa đi, vừa chạy. Đến nơi chưa được nghỉ ngơi đã phải vừa nhảy múa, ăn,  uống. Chúng tôi tự nhủ phải sống như những người con của bản, phải uyển chuyển như điệu múa lăm vông. Vậy mà vẫn thấy căng thẳng, nơm nớp, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Anh Chuyến và tôi giải thích, nói rõ cho Bun Xon, Khăm Còn biết. Đơn vị BV34 - đại đội chủ lực mạnh, là linh hồn của bọn phản chiến mà Vàng Pao tăng cường cho Khăm Xổm đã bị C3 đặc công tiêu diệt ở cao điểm 1400m đỉnh Pha Hom, chỉ huy bị bắt sống. Các tổ biệt kích, thám báo của Phỉ Vàng Pao tung ra ở bản Pha Bông và các bản khác đều bị diệt gọn. Đường tiếp tế hàng không bị chặn đứng. Sân bay trực thăng Pha Hom đã bị quân đội cách mạng giải phóng làm chủ. Bà con các bộ tộc Lào đã thấy được bộ mặt phản động của Vàng Pao- Khăm Xổm lừa phỉnh dân, làm cho bà con các bản phải li tán, đời sống đói kém, bệnh tật phát triển.
            Chúng tôi ra sức tỉ tê khuyên bảo họ nên trở về với quân đội cách mạng, về với bản làng đón cái tết Bun-Pi-May, để nghe các em thơ hát bài dân ca trong nhạc điều Lam vong. Rằng, tình nghĩa Việt- Lào vẫn tràn đầy như nước Hồng Hà- Cửu Long…  Những câu nói của chúng tôi như đã chạm vào đáy lòng của những người lầm lỗi. Những giọt nước mắt hối hận rơi xuống. Tay chúng run rẩy, rượu sóng sánh, đổ tràn ra ngoài. Bun xon, Khăm Còn ngồi im lặng. Mọi người cũng im lặng. Sự im lặng đáng sợ, mỗi người một tâm trạng khác nhau! 
          Đến 3 giờ sáng thấy không khí thuận lợi, tôi tranh thủ đi tráng phim rửa ảnh, in ảnh nhỏ ra cho mọi người xem và tặng họ luôn. Bun Xon, Khăm Còn và mọi người rất thích luôn miệng khen “ngam lái, ngam lái” (đẹp lắm, đẹp lắm! ). Khoảng 5 giờ sáng, khi tiếng gà trong bản te te gáy sáng, bọn Bun Xon, Khăm Còn nói với chúng tôi đồng ý nộp vũ khí và ra lệnh cho bọn lính đầu hàng cách mạng. Đèn Plats trong tay tôi lại lóe sáng. Mọi sự mệt nhọc, căng thẳng trong tôi đã tan biến. Những bức ảnh quý giá nhất, đáng nhờ nhất trong đời phóng viên của tôi đã hình thành. Ấy là cảnh Bun Xon, Khăm Còn, những tên chỉ huy cao cấp của quân đội Vàng Pao ở cứ điểm Mường Mày cùng lũ lính tráng mặt cúi gầm, lặng lẽ đi về phía tập trung dưới sự dẫn độ của quân cách mạng. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao “vào hang bắt cọp” mà không tốn một viên đạn, chỉ mất một thước phim ORWO. 
            Trời sáng dần. Một buổi sáng an lành, bình minh rực rỡ, đẹp đến lạ lùng mà lần đầu tiên tôi được thấy trên đất bạn Lào.


                                                
                     Kỳ Anh, ngày 22 tháng 12 năm 2011
                 Trương Quang Hường

(Tác phẩm được rút ra từ tập sách “ Vang mãi khúc quân hành” – NXB Nghệ An, 12/2014 )
 
 

. . . . .
Loading the player...