04-04-2024 - 00:27

Trần Phú và dòng họ trần Tùng Ảnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 211 tháng 3/2024 trân trọng giới thiệu bút ký “Trần Phú và dòng họ trần Tùng Ảnh” của tác giả Đinh Quang Lân

Sáng đầu xuân trời lất phất mưa. Mưa như bụi rắc chỉ đủ thấm vào làn da con trẻ mát mịn như búp trên cành. Nắng vàng đã ửng, ngời lên phía bờ bãi sông La như dải lụa, ánh lên sự sống mãnh liệt của muôn loài dưới nắng xuân sau tết Nguyên đán. Chúng tôi về với họ Trần xã Tùng Ảnh - nơi sinh ra Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú. Họ Trần - một dòng họ lẫm liệt với bao thành tích của những người con ưu tú cho Đảng, cho dân tộc, mà tiêu biểu nhất vẫn là dòng dõi gia đình cụ giải nguyên Trần Văn Phổ.

Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trần Phú xuất thân trong dòng dõi nho gia, là con trai trưởng của cụ Trần Văn Phổ. Cụ Trần Văn Phổ đậu giải nguyên, từng dạy học và nhậm chức tri huyện tại Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Với khí tiết của nhà Nho, không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp cướp nước và bè lũ tay sai, cụ Trần Văn Phổ - một vị quan thanh liêm và yêu nước nồng nàn đã tuẫn tiết tại huyện đường. Các nhân sĩ, trí thức yêu nước và bà con trong vùng rất cảm thương và ngưỡng vọng cụ, đã chăm sóc, bảo tồn phần mộ cụ chu đáo. Tại quê nhà Tùng Ảnh bên bờ sông La, khu từ đường họ Trần được coi là di sản thiêng liêng và quý giá để các thế hệ con cháu nối lòng nghĩa nhân đối với tổ tiên và cha ông.

Bến Tam Soa - Ảnh: Minh Lý

Xã Tùng Ảnh - quê hương Trần Phú nằm giữa vùng châu thổ bên bờ sông La thơ mộng, thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đức Thọ có núi non hùng vĩ, tiêu biểu như: núi Nhạc Sạc, núi Bột Sơn, núi Cu Ne, núi Trà Sơn, núi Linh Cảm... Cây cối bốn mùa tốt tươi, lớp trong, lớp ngoài bao bọc như những tấm thảm khổng lồ bất tận một màu xanh. Bến Tam Soa - một thắng cảnh bậc nhất của Hà Tĩnh, là nơi hợp lưu của hai dòng sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố tạo nên dòng sông La thơ mộng. Sông La, con sông đẹp mềm mại và lớn nhất của Hà Tĩnh là nguồn cảm xúc vô bờ cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa sống mãi với thời gian.

Tùng Ảnh, nằm ngay dưới chân núi Tùng, bên bến Tam Soa. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp bậc nhất Hà Tĩnh như núi Nhạc Sạc. Nhạc Sạc, có nghĩa là Phượng Hoàng Con. Tích rằng, không ai nhớ rõ năm nào khi mùa xuân còn phơi phới những mầm chồi lộc nhú, từ đâu một con chim rất to, sải cánh có dễ hơn vài mét bay lượn nhiều vòng trên vùng trời phía Tây Bắc, huyện Đức Thọ. Bay hàng chục vòng, trời đã nhá nhem tối con chim to phân vân đôi cánh chao mình rồi đậu trên một cồn đất cao thuộc dãy Trà Sơn. Đêm đó, con chim trú ngụ trên đỉnh núi và sáng sớm sải cánh bay đi về phương nam, như một ân huệ mà thiên nhiên ban tặng con người và vùng đất sông núi hữu tình này. Trong đêm trú ngụ, con chim đẻ ra một quả trứng to tròn và xinh xắn. Đủ ngày tháng, trứng nở thành chim. Một con Phượng Hoàng con đã lớn lên cùng trời đất và bàn tay chăm sóc của con người. Đủ lông, đủ cánh, chim bay đi kiếm ăn hướng phương Nam theo mẹ nó… Bà con biết ơn chim mẹ và đặt tên cho cồn đất cao xấp xỉ 200m so với mực nước biển là núi Nhạc Sạc. Ngày nay, dưới chân và lưng chừng núi Nhạc Sạc có tới vài chục đền, đài, miếu mạo, có khe nước cuối trời chảy mát rượi quanh năm. Nơi đây, còn có hàng chục héc ta cây cổ thụ. Đẹp nhất, hấp dẫn nhất là có gần trăm cây phượng già thắp lửa mỗi khi hè sang. Khi trời đã cuối xuân, chồi lộc trên cây đã bung xanh mát, hoa phượng đơm bông, thắp lửa chói cả một vùng trời. Núi Nhạc Sạc như có hàng ngàn đèn lồng thắp lửa, cuốn hút rất đông du khách đến vãn chùa chụp ảnh làm kỷ niệm. Một vùng sông núi hữu tình đã kéo theo không biết cơ man nào là muông thú về đây xây tổ ấm, làm chức năng sinh sản bảo tồn hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm.

Đức Thọ là một trong những địa phương của Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, Đức Thọ có nhiều người gan góc, tài ba, lỗi lạc chống giặc ngoại xâm, có hàng vạn anh hùng liệt sĩ ngã xuống nơi chiến trường để đánh giặc giữ quê hương đất nước. Đời nhà Lê, Đức Thọ có hàng ngàn lượt người lên núi Thiên Nhẫn xây thành Lục Niên, chống quân xâm lược nhà Minh. Thời thực dân Pháp thống trị, hàng trăm con em quê hương Đức Thọ đã theo nhà chí sĩ Phan Đình Phùng lên rừng núi Vũ Quang xây dựng căn cứ địa Cách mạng để chống giặc Pháp.

Dòng họ Trần xã Tùng Ảnh, đã sinh ra Trần Phú người chiến sĩ Cách mạng kiên cường được Bác Hồ, Đảng vinh quang và dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng, trở thành một người cộng sản xuất sắc, là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Các thế hệ con cháu họ Trần xã Tùng Ảnh đã tiếp bước cha ông góp phần làm rạng danh những trang sử hào hùng của dòng họ, của dân tộc.

Cụ Trần Việt Thìn, năm nay 73 tuổi, Thượng tá, trưởng ban Kinh tế, sư đoàn 342 - Quân khu 4, nghỉ hưu trên địa bàn phường Bắc Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh, là cháu gọi Trần Phú bằng ông chú. Cụ Thìn cho biết: Họ Trần Tùng Ảnh có hàng chục giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, thạc sĩ, kỹ sư... Tiêu biểu như gia đình cụ Trần Văn Thược. Cụ Thược gọi Trần Phú bằng chú ruột, có 8 người con thì có 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và 4 kỹ sư. Đồng chí Trần Ngọc Danh là em ruột Trần Phú. Ông Danh từng là ủy viên Trung ương Đảng, là Tổng đại diện chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa bên cạnh chính phủ Pháp, là Tổng biên tập báo Sự Thật. Ông bà Danh sinh được 2 người con - Người con trai cả là tiến sĩ khoa học Trần Thanh Bình và người con gái út là nghệ sĩ nhân dân Trần Thu Hà. Liệt sĩ Trần Xuất Mai là con trai trưởng của vợ chồng cụ Trần Công Kim Tương, thuộc tầng lớp trí thức tân học, tham gia cách mạng năm 1944, từng là Huyện ủy viên huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã anh dũng hy sinh trước họng súng giặc Pháp khi tuổi đời vừa tròn 26. Tộc phả họ Trần ghi thêm một người con - Người anh hùng liệt sĩ.

Tổng Bí thư Trần Phú và dòng họ Trần xã Tùng Ảnh còn rất nhiều người con cháu qua các thời kỳ là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư,... có học hành chu đáo, có nhiều đóng góp trí tuệ, tài năng của mình cho quê hương xứ sở, cho đất nước phồn vinh.

Cuộc đời và hoạt động Cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đóng góp của Trần Phú và dòng họ rất to lớn. Tổng Bí thư Trần Phú không còn nữa, song niềm tin khát vọng của Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của toàn Đảng, toàn dân đã được các thế hệ con cháu và Cách mạng kế tục sự nghiệp của Trần Phú.

Đồi Linh Cảm vẫn còn đó, ngày đêm hát ru với ngàn thông xanh. Núi Quần Hội còn đó, ngày đêm ôm ấp gia đình Tổng Bí thư Trần Phú bao gồm: ông bà Trần Văn Phổ - bố mẹ Trần Phú; Trần Ngọc Danh - ủy viên Trung ương Đảng, em trai Trần Phú. Ngày đêm trên đồi cao núi Quần Hội, những ánh trăng lấp lánh, những vì sao xa lắc tỏa sáng cả một vùng Tam Soa nên thơ và ấm áp.

Đ.Q.L

. . . . .
Loading the player...