10-10-2023 - 02:28

Trang dành cho các em

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu các tác phẩm dành cho thiếu nhi đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 9/2023.

NGUYÊN HÀO

 

 

Vòm trời đêm

 

 

Bé ngồi tập đếm

Những ông sao trời

Một hai ba bốn

Cả ông sao rơi

 

Ông này sáng quá

Ông kia lại mờ

Có ông nhấp nháy

Bé nhìn ngẩn ngơ

 

Kìa trăng đang tỏ

Trôi đi phương nào

Bé không thấy nữa

À! Mây che mờ

 

Bé chưa thể hiểu

Ban ngày Mặt trời

Đốt lò thắp lửa

Đêm trốn đâu rồi ?

 

Bé yêu bầu trời

Có đầy sao sáng

Yêu ông trăng vàng

Cõng Cuội đi chơi

 

Dù mai trời tối

Hay đổ mưa rào

Bé sẽ thắp nến

Treo đèn ông sao.

 

NGUYỄN KIM ĐÔI

 

Trung thu đêm hội trăng rằm

 

 

       Trung thu đêm hội rước đèn

Trăng rằm tỏa sáng bao miền quê xa

       Ơ kìa bóng chị Hằng Nga

Đêm nay mặc áo lụa là đẹp sao!

       Xuống đây vui với em nào

Bày ra mâm cổ có bao nhiêu quà

       Nào là Hồng, Bưởi ,Chuối , Na

Có thêm bánh dẻo mừng bà tuổi cao

       Đèn lồng năm cánh ông sao

Kéo quân đuổi bắt lạc vào ánh trăng…

       Trung thu đêm hội trăng rằm

Ước mong có Bác về thăm chúng mình.

 

DƯƠNG THẾ VÕ

 

 

Trăng

 

 

Mây bảo trăng trên cao

Toàn chơi trò đuổi bắt

Nếu mọi người không tin

Hỏi chị gió sẽ biết

 

Cá nói trăng dưới nước

Thường ngụp lặn với tôi

Có lúc còn đùa giỡn

Dập dềnh theo sóng trôi

 

Cụ ếch nhoẻn miệng cười

Mây, cá, nói sai hết

Riêng trăng thì ta biết

Nằm trong lòng giếng khơi

 

Hoang mang quá đi thôi

Dế vuốt râu suy nghĩ

Trăng sáng cả cánh đồng

Thế từ đâu ra nhỉ?

 

Ông mặt trời mùa thu

 

 

Mặt trời thở dốc

Mệt rồi phải không?

Nắng gì nóng thế

Suốt ba tháng ròng

 

Mệt rồi thì nghỉ

Ngắm mùa thu sang

Cho nắng dịu lại

Ủ hương cúc vàng

 

Quả đang vào vụ

Cốm vừa đưa hương

Dịu dàng như thế

Ai mà không thương

 

Rồi mai mùa chín

Ghé lớp mình chơi

Bạn mình thích lắm

Yêu ông mặt trời

 

TRẦN HÀNH SƠN

 

 

Cổng trường

 

 

Ba tháng hè lặng lẽ

Cửa cổng khóa then cài

Cổng buồn như chú Dế

Râu gác vào hai tai

 

Cánh cổng trường đã mở

Tiếng trống trường vang vang

Dạt dào như sóng vỗ

Bầy chim non rộn ràng…

 

Vòng tay dang thật rộng

Cổng ôm em vào lòng

Như vòng tay cô giáo

Ấm suốt đời bao dung

 

Kìa! Trống điểm tùng tùng

Gọi em vào năm học

Vở hàng hàng chữ ngọc

Cổng trường vui mở tung.

 

bạn tôi

                                                                                

                                                                                      

  Nắng chiều rải nhẹ khắp các con đường, ngõ phố, rọi xuống dòng sông đầy yên ả, hiền hòa. Nó với quần áo cũ kĩ, nhàu nát, rách tả tơi ngồi co ro bên bờ sông đưa mắt nhìn xa xăm, miệng lẩm nhẩm hai từ: “chết... chết”. Một thằng bé khoảng 12,13 tuổi mặc quần áo xộc xệch, cũ kỹ ngồi lì bên bờ sông dù nắng hay mưa. Có vài người không biết còn tưởng chú bé đi lạc nên tốt bụng lại hỏi han, khi bắt chuyện mới biết thằng bé đó không bình thường. Mấy người xóm tôi đều gọi nó là thằng điên.

Ai ai trong xóm tôi cũng xa lánh nó. Mấy người lớn thì cứ xì xào, bàn tán, chỉ trỏ, thậm chí là không cho con mình giao tiếp, làm bạn với một kẻ khùng khùng, quái gở như thế. Còn lũ trẻ chúng tôi thì cứ thi nhau bắt nạt, hành hạ nó, bắt nó phục vụ chúng tôi như người hầu. Thậm chí, chúng tôi còn phá đồ đạc trong nhà nó - một căn lều rách nát với những đồ vật cũ kĩ, không còn giá trị, hay lại chà đạp, xé nát những bông hoa giấy và những đồ vật “thú vị” mà nó nhặt được từ ngoài bãi rác. Mỗi lúc ấy, thằng điên cứ ôm đầu chịu trận, không phản kháng, miệng lại lẩm nhẩm hai từ chết chết. Thật ra, đôi lúc, tôi còn cảm thấy thương cảm cho thằng điên, nhưng được một lúc lại thôi. Tại tôi nghĩ rằng chắc trước đây nó phải làm chuyện gì đó “xấu xa, khủng khiếp” lắm nên mọi người mới như vậy. Thế là, tôi vẫn tiếp tục cái thú vui bắt nạt ấy.

Thật ra, thằng điên đã ở xóm này lâu hơn cả tôi, khoảng vài năm trước, khi mà tôi còn chưa chuyển về đây sinh sống. Mấy người trong xóm tôi kể lại rằng thằng điên không phải người xóm này. Khoảng ba, bốn năm trước, người ta nhìn thấy một cậu bé bế một cô bé khoảng một, hai tuổi lang thang đến nơi này. Có người còn bảo, lúc đó nó vẫn còn đang tỉnh táo lắm. Nó còn biết xin việc phụ giúp người ta kiếm tiền nuôi em. Nó làm đủ thứ việc, từ đi nhặt ve chai đến quét chợ, quét nhà cho người ta,v.v... Có những hôm trời mưa gió rét, người ta lại thấy nó lật đật đi xin sữa cho em. Mấy người bán ở chợ thấy nó còn nhỏ mà lại bon chen, vất vả, nhưng cần cù, chịu thương chịu khó nên cũng thương tình. Người cho bó rau, người cho con cá. Thỉnh thoảng còn cho ít tiền lẻ đưa nó mua sữa cho em mỗi khi đứa trẻ khóc nức nở vì đói. Mấy hôm có chị cán bộ trên xã tìm đến hai anh em nó để hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Nó lặng thinh ôm em trong lòng mà không nói năng gì. Chị cán bộ thấy cảm xúc của nó có điều bất ổn nhưng cũng kiên nhẫn an ủi, động viên:

-Cháu ở đâu đến đây? Nếu cháu bị lạc gia đình thì cô có thể giúp đỡ cháu. Cháu không thể lang thang ăn ngủ ở chợ này mãi được. Mọi người trong gia đình chắc hẳn sẽ rất lo cho cháu, và cháu còn quá nhỏ để có thể tự mình bươn chải. Nếu cháu có vấn đề gì có thể nói cho cô biết được không?

Nghe đến đây, những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên má nó. Nó khóc thút thít, đứa nhỏ nhìn thấy nó khóc cũng oà khóc theo. Chị cán bộ lúng túng lấy kẹo rồi bánh đưa cho đứa nhỏ dỗ dành. Phải một lúc sau mới nghe nó lí nhí trong tiếng nấc nghẹn:

- Ba mẹ cháu mất rồi, ông bà cũng mất rồi. Nhà cửa cũng chẳng còn gì nữa”

Nó kể, hôm đó, trên đường đi làm, ba mẹ nó chẳng may bị tai nạn không qua khỏi, chỉ còn người bà ốm yếu và hai anh em. Nhà nghèo, em còn nhỏ, bà nó cố gắng đi làm cho nó ăn học và chăm sóc em. Còn nó thì đi học một buổi, buổi còn lại đi làm thuê kiếm tiền phụ bà. Bà nó lại hay đau ốm triền miên, vả lại cũng lao động vất vả nên đổ bệnh, rồi mất. Nó cũng không có anh em họ hàng, mà nhà nó cũng nghèo, không có gì đáng giá, lại sợ nán lại quê nhà nhìn cảnh nhớ người lại càng đau thương nên nó bồng em lang thang đây đó. Sau khi hiểu rõ hoàn cảnh, cán bộ trên xã sắp xếp cho nó đến thuê ở một căn nhà trọ giá rẻ. Mọi người biết chuyện cũng thương cảm chung tay giúp đỡ. Nó siêng năng và chăm chỉ, ai thuê gì nó cũng nhận làm. Tưởng chừng như mọi chuyện cứ sẽ như thế nhưng giông bão kéo đến với nó một lần nữa. Một hôm, có mấy người kêu nó đi bắt tôm. Tôm sông này to và nhiều lắm, đã thế lúc này còn được giá nên nó mang thau, rổ,.. rồi bế em đi theo. Nó chẳng dám bỏ em ở nhà một mình lại không có ai thân thiết để nhờ giữ hộ. Nó đặt em trong một cái thau to, trong đó là vài cái bánh và đồ chơi mà em nó thường hay chơi rồi để em chơi một mình trên bờ. Nó lội xuống sông bắt đầu hụp lội xúc từng rổ tôm. Nó chẳng dám rời đi xa chỗ em gái, cứ chốc chốc lại liếc nhìn về phía em. Thế mà lần này nó quay đầu nhìn chỉ thấy cái thau ngả nghiêng còn em gái thì không thấy đâu nữa. Nó hốt hoảng chạy nhanh lên bờ tìm kiếm. Nó hét thất thanh, tìm mọi ngóc ngách. Những người đi cùng nghe tiếng la hét của nó gọi em cũng tản ra đi tìm nhưng không thấy vết tích nào của em gái nó.

Từ ngày mất em, nó như cái xác không hồn. Đối với nó, em gái như người thân cuối cùng giúp nó có động lực vượt qua khó khăn ấy, vậy mà... Mỗi khi nghĩ đến đó nó lại khóc, và cũng bắt đầu từ đó mà nó tự dưng đổi khác. Ai nói ai hỏi gì cũng im thin thít, thi thoảng lại tự cười cười, nói nói một mình. Cán bộ trên xã rồi đến mấy người hàng xóm chung khu trọ lần lượt đến khuyên nhủ, an ủi nó. Nhưng nó vẫn cứ như vậy, ngày ngày ngồi ở bến sông lặng lẽ đắm chìm trong không gian của riêng mình. Có người thương mỗi ngày đi ngang qua cho chai nước, ổ bánh mì hay hộp cơm. Nó điên điên, dại dại nhưng cũng biết ơn biết nghĩa. Ai cho gì cũng cười ngây dại cảm ơn. Rồi vừa ăn vừa đút cho con búp bê nằm trong cái thau bên cạnh.

Một hôm, khi chúng tôi đang chơi bắn bi, thì thằng Tũn nhà đầu xóm chạy hớt ha hớt hải, kêu chúng tôi ý ới:

- Bây ơi, không hay rồi, cái thằng điên lại gây ra chuyện nữa rồi.

- Ở đâu?

- Con sông...

Chưa đợi thằng Tũn nói hết câu, bọn nó vội chạy hướng về bến sông. Tôi  cũng vội vã đuổi theo. Vừa ra đến bến sông đã nhìn thấy mọi người xúm tụm xôn xao. Thấy bà Hai đang đứng đó, tôi liền chạy lại hỏi:

- Có chuyện gì vậy bà? Thằng Minh bị sao vậy?

- Thằng điên đẩy thằng Minh xuống nước, xém chút nữa thì nó đi chầu ông bà rồi. May mà có người tới kịp.

Tôi nhìn ngó xung quanh tìm kiếm bóng dáng hình ảnh cậu bé điên dại. Nó đang bị mấy người dân mắng té tát. Thậm chí có người không nhịn được còn cho nó mấy cái bạt tai. Nó cũng không phản kháng, ngồi ôm đầu gối chịu trận. Miệng lẩm bẩm hai từ chết… chết.

Cả người thằng điên ướt sũng, gió lất phất thổi đến khiến nó run rẩy. Có người đề nghị giao nó cho công an. Có người lại khuyên bỏ qua cho nó lần này dù sao đứa nhỏ cũng không sao vả lại nó cũng chưa đến tuổi thành niên. Mọi người tranh cãi không tìm được tiếng nói chung để giải quyết vụ việc cho đến khi thằng Minh mơ màng tỉnh lại.

Thằng Minh lắp bắp hụt hơi:

- Thằng  điên…

- Con yên tâm. Mẹ đã kêu công an bắt nó lại rồi. Con đừng sợ.

Thằng Minh hốt hoảng giọng nói ngắt quãng:

- Là ......cậu ..........ấy… cứu con.

Mọi người đều ngơ ngác, cứ nghĩ thằng Minh vừa tỉnh nên nói sảng. Không ai tin rằng thằng điên lại dũng cảm nhảy xuống sông cứu một đứa trẻ sắp chết đuối được. Nó không tỉnh táo thì làm sao biết cứu người.

- Không, không phải. Là thằng điên cứu con. Lúc đi ngang qua bờ sông, gió bất ngờ nổi lên dữ dội thổi bay cái mũ con đang đội trên đầu xuống sông. Đó là quà sinh nhật con thích nhất nên con không màng nguy hiểm nhảy luôn xuống sông vớt cái mũ lên. Nào ngờ lúc bơi vào bờ chân bị chuột rút, con chới với kêu cứu và người nhảy xuống sông vớt nó lên chính là thằng điên.

Mọi người đều ngơ ngác khi nghe thằng Minh nói. Tôi cũng sửng sốt không kém. Sau khi kết thúc, tôi liền tìm đến nó để xin lỗi mọi chuyện. Khi nhìn thấy tôi và nghe tôi xin lỗi thì nó lại cảm ơn tôi rối rít. Có lẽ nó không hiểu tôi đang nói gì và tưởng tôi đang an ủi nó. Thấy vậy, tôi ứa nước mắt, ôm chầm lấy nó. Và kể từ ngày đó, tôi và nó trở thành bạn. Chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng. Chơi với nó, tôi mới biết rằng nó có hai mối đam mê, ấy là lao động và... rác. Mà kể ra nó cũng thiện chí thật; nhiều lần thấy nó hăng hái phụ giúp bác bảo vệ quét sân trường, lượm rác, tưới cây - những công việc mà lũ chúng tôi đều ghét rất nhiệt tình… Thật tình, không phải nó muốn “đền ơn đáp nghĩa” gì bác bảo vệ (nó không nghĩ xa được tới mức ấy). Cái chính là nó mê lao động: xách, tưới, quét, cuốc, chặt…; bất cứ món lao động chân tay nào cũng khiến nó thích thú. Từ đó, một “tài năng nhặt rác” của xóm đã được tôi khai thác. Khỏi phải nói, tôi tự hào biết bao nhiêu. Có những kẻ lười biếng, ngại đi xa, cứ cách nhà một quãng là… mắt trước mắt sau, ném đại! Các túi rác “chậm tiến” ấy lại phải nhờ đến nó. Hậm hụi thu gom. Hậm hụi vác mang lên các điểm tập kết rác dọc đường lớn. Bọc nào bị vỡ, nó cẩn thận nhét, buộc gọn gàng không cho rác vung vãi. Cẩn thận, chỉn chu và đầy trách nhiệm - như sợ rằng ngày mai sẽ không còn cơ hội nữa!

Và cho tới bây giờ, tôi mới nhận ra giá trị đích thực của tình bạn và tình yêu thương. Có lẽ, nó không chỉ để lại những kí ức đẹp trong tôi mà đã dạy cho tôi một bài học đắt giá trong đời. Những ngọn gió nhè nhẹ thổi qua làm cho tôi cảm tưởng như nó là một Thiên Sứ vẫn đang đứng cạnh bên tôi.

                                                                                      Hoàng Bảo Châu

(Lớp 8A3 - Trường THCS lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh - Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết vẽ tuổi học trò lần thứ XIV)

 

 

. . . . .
Loading the player...