02-11-2023 - 07:15

Trang dành cho các em

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu các tác phẩm viết cho thiếu nhi trên Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 10/2023.

Trăng soi

 

Ông trăng bừng sáng

Soi rõ góc sân

Có hàng chuối chín

Có hàng cau non

 

Trăng soi con cò

Bắt cá bên sông

Trăng soi anh dế

Say mê đánh đàn

 

Trăng soi rặng tre

Soi sáng đường làng

Soi hàng đá cuội

Dưới mặt ao quê

 

Trăng soi bóng mẹ

Lom khom ngoài đồng

Trăng soi chân bố

Đêm khuya lội bùn

 

Trăng soi trang thơ

Em vừa kịp viết

Soi điều em biết

Lớn khôn mỗi ngày.

 

Nắng

 

Nắng rơi xuống vườn

Cà chua nóng rát

Cây bưởi bóng mát

Em đứng vào trong

Nắng rọi xuống sân

Cho bà phơi lúa

Hạt gạo trắng ngần

Đầy hương của nắng

Cây tre đầu làng

Nắng đứng phơi thân

Tre có màu xanh

Pha thêm màu nắng.

Lúa từ đâu tới

 

Cánh đồng lúa chín

Màu vàng vui tươi

Mặt trời lên đỉnh

Giọt sương về trời.

Chuồn chuồn bay lượn

Cào cào nhảy xa

Côn trùng thắc mắc

Lúa từ đâu ra?

Lúa từ tay mẹ

Tinh mơ ra đồng

Lúa từ mùa đông

Chân cha lạnh cóng

Lúa từ cơn giông

Cho thêm chắc hạt

Say sưa em hát

Lúa vàng quê em.

(Thái Bùi Bảo Ngọc - Lớp 5A6, Trường PT liên cấp Albert  Einstein)

 

 

ĐIỀU ƯỚC CHO CON

                                                            

Âm thanh chói tai từ chiếc bát dượng Tú ném xuống mâm trong bữa ăn đã trở thành nỗi ám ảnh trong đầu Thuý. Đây không phải là lần đầu nhưng cô không thể nào quen được. Thuý lẳng lặng đứng dậy bê mâm ra chỗ khác, những giọt nước mắt từ từ rơi, nỗi tủi hờn trào lên tột độ, Thuý muốn chạy ào ra khỏi căn nhà ấy, nhưng nhìn thấy mẹ ngồi thất thần trong góc, em trai lấm lét lau nước mắt cho mẹ, Thuý lại thấy bất lực.

Thuý đã từng có một gia đình vui vẻ, bố làm ông chủ của một công ty xây dựng nổi tiếng, mẹ làm nhân viên của một cơ quan hành chính, cả nhà Thuý đã từng là niềm mơ ước của nhiều người. Rồi bỗng nhiên có một người phụ nữ xinh đẹp xuất hiện trong cuộc đời của bố, cô ấy là nhân viên của bố, trẻ hơn mẹ, xinh đẹp hơn mẹ, bố vắng nhà nhiều hơn, lần nào cũng là đi cùng cô gái ấy, lúc đó Thuý còn rất ngưỡng mộ vì Bố bảo cô ấy đi cùng bố để thu xếp công việc cho bố và tiếp khách cùng bố… Cho đến một ngày Thuý nghe được cuộc nói chuyện của bố mẹ trong phòng ngủ: 

- Tôi đã rất cố gắng vì gia đình này, nhưng có lẽ chúng ta không nên tiếp tục sống cuộc sống giả dối đáng khinh này nữa, tôi thật sự mệt mỏi rồi, chúng ta giải thoát cho nhau đi. 

- Nếu cô muốn thì tôi chiều thôi, cảm xúc của tôi với cô cũng đã chết, cô nhìn lại mình xem còn xứng với tôi không? 

- Vâng, tôi không xứng với anh, bởi vì tôi sinh cho anh hai đứa con liên tục, ngoài công việc cơ quan, tôi cũng không còn thời gian cho mình, bởi các con anh vừa hay ốm đau lại kén ăn, tôi không có thời gian để ngủ chứ đừng nói là làm đẹp. Tôi giải thoát cho anh để anh đi cùng cô ấy! 

- Vậy cô nuôi con Thuý, tôi nuôi thằng Quân, tài sản thì cô đến như thế nào thì ra đi như thế ấy. Nhà là của bố mẹ tôi để lại, công ty cũng là của tôi, tôi sẽ cho cô một ít tiền coi như bồi thường cho hai mẹ con. 

- Tôi muốn nuôi cả hai đứa, hai chị em nó không thể sống thiếu nhau được.

- Không được, thằng Quân là cháu đích tôn, nó phải ở cùng tôi. Cô có quyền gì mà tranh giành? 

Bố nói xong thì đánh xe ra khỏi nhà, Thuý rón rén đứng nhìn mẹ. Lần đầu tiên Thuý thấy mẹ khóc tức tưởi như vậy, mẹ ném hết đồ đạc trong phòng, rồi đập vỡ bức ảnh gia đình, mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc. Thuý muốn ôm mẹ, muốn vỗ về mẹ nhưng không biết phải nói gì, nước mắt cứ chảy dài, chảy dài…

Mười tuổi - đây là lần đầu tiên Thuý hiểu ra sự phức tạp của người lớn, Thuý ghét cô ấy… Quân vừa tỉnh giấc, ú ớ nhìn mẹ không hiểu chuyện gì, rồi cả ba mẹ con ôm nhau khóc, Thuý đưa tay lau nước mắt cho mẹ, bỗng dưng cô thấy hoang mang, những phút giây hạnh phúc của cả gia đình bỗng nhiên hiện về như những thước phim quay chậm, Thuý sợ hãi nghĩ đến lúc không được gặp em thường xuyên, hẳn là Quân cũng sẽ buồn lắm, Thuý mơ hồ hình dung ra cảnh gia đình ly tán mà thi thoảng mẹ vẫn xem trên phim truyền hình, Quân ngước mắt nhìn mẹ rồi nhìn cô, một cảm giác nghẹn đắng chẹn ở cổ, Thuý không thể mở lời với em, trong lòng tràn ngập nỗi sợ hãi… 

Rồi bố mẹ cô ra toà, Thuý theo mẹ về ở căn nhà thuê gần cơ quan của mẹ. Quân ở cùng bố, ngày nào Thuý cũng đi qua lớp học của Quân, hai chị em kể cho nhau nghe về nhà mình, Quân hay mang kẹo cho chị, nó ngây thơ nói với Thuý rằng “em sẽ đuổi cô Giang ra khỏi nhà mình, sau này lớn lên em nhất định sẽ mua nhà cho mẹ, một căn nhà thật to, chị em mình sẽ ở cùng nhau”. Có hôm, bố đến đón em muộn, Thuý phải đứng chờ cùng em, nhìn em bước lên xe ô tô rồi mở cửa kính vẫy tay gọi chị, cảm giác tủi thân tràn ngập trong tâm tư của Thuý, Thuý cứ đứng nhìn theo bố mãi, nhớ những ngày bố đón cả hai chị em thật vui…, một chiếc xe chạy qua tạt nước vào người Thuý, em như bừng tỉnh, gạt nước mắt rồi lủi thủi đạp xe về nhà, trong tâm trí tràn ngập hình ảnh bố của những ngày tháng trước…

Dượng Tú là bạn học cấp ba cùng mẹ, Thuý chỉ nghe nói là dượng thầm yêu mẹ từ thời còn đi học, nhưng vì nhà dượng nghèo nên không thể đi học tiếp, từ đó cũng thôi theo đuổi mẹ. Dượng làm việc cho một Gara ô tô trong thành phố, cũng đã nhiều tuổi mà mãi không chịu lấy vợ, đến khi mẹ con Thuý ở với nhau, thi thoảng dượng lại đến nhà, khi thì sửa cho Thuý cái bàn học, khi thì sửa cái vòi nước bị hỏng… Mẹ vẫn thường nói với dượng là nên lập gia đình đi, mẹ không xứng đáng với dượng, những lúc đó Thuý nhìn thấy nỗi buồn mênh mang trong mắt dượng… Rồi một hôm, Thuý nghe tin bố bị công an bắt vì liên quan đến một dự án ma, mẹ vội vã đi đón em Quân về, ngôi nhà chìm trong sắc tối, một cảm giác lạnh lẽo bao quanh, mắt mẹ như dại hẳn ra, mẹ gọi điện hết chỗ này chỗ khác nhưng ai cũng bảo “chắc là khó rồi!”. Mẹ thẫn thờ nhìn em Quân ngủ, gương mặt khắc khổ in dấu vết thời gian, chỉ mới mấy ngày thôi mà trông mẹ hốc hác, phờ phạc hẳn. Thuý nghe mấy dì bạn mẹ nói “đó là cái giá phải trả cho sự phụ bạc, kệ đi!”, mẹ chỉ bảo “Dù sao đó cũng là bố của các con tao”, nhưng cuối cùng mẹ cũng đành bất lực. Em Quân về ở hẳn với mẹ con Thuý, nhà cửa của bố bị tịch thu, cô Giang cũng bỏ đi luôn, dượng Tú vẫn thi thoảng qua chơi, khi thì cái ô tô cho Quân, khi thì con búp bê cho Thúy… Cuộc sống cứ thế dần qua trong bình lặng, mẹ con Thuý vẫn sống chật vật bởi đồng lương ít ỏi của mẹ và một số đơn hàng mẹ bán online. Thuý là đứa hiểu chuyện nên rất chăm ngoan, học giỏi, em Quân thì lại hay cáu gắt, thường khóc lóc và giận dỗi mỗi khi mẹ không đáp ứng được những đòi hỏi vô lí của em… Cuộc sống chật vật nhưng rồi vẫn sẽ qua nếu như ngày ấy không xảy ra…

Hôm đó là một ngày mưa, sau khi hết giờ làm, mẹ phải đi ship hàng cho khách, trên đường đi mẹ bị tai nạn, sau khoảng thời gian nằm viện khá lâu, mẹ phải cắt chân và nghỉ hẳn việc ở cơ quan. Ông bà ngoại đã già lại ốm đau, dì của Thuý cũng nghèo, lại đông con nên hầu hết mọi việc đều trên tay dượng Tú, dượng vẫn phải đi làm, rồi tất bật lo cơm nước cho mẹ, lo cho hai chị em Thuý, đến khi mẹ về nhà thì dượng chuyển qua ở hẳn, mẹ không nói gì chỉ nhìn dượng nước mắt chảy dài, lúc nào cũng thế, dượng chỉ bảo “Khóc gì mà khóc, thương con thì mạnh mẽ lên!”. Dượng ngoài đi làm, thi thoảng trống việc lại chạy về, vẫn chăm sóc ba mẹ con chu đáo. Nhưng dượng có một nhược điểm rất tệ, đó là khi uống rượu vào thường không kiểm soát được cảm xúc, dượng hay đập đồ đạc, xong rồi lại ngồi khóc… Những khi như thế mẹ chỉ ngồi im lặng, nhìn dượng rồi khóc. Ngày hôm sau khi tỉnh rượu, dượng lại vỗ về cả ba mẹ con, lại xin lỗi và hứa, nhưng có lẽ áp lực của dượng quá lớn khi phải lo cho ba mẹ con, nên cứ lâu lâu dượng lại uống rượu, rồi lại lặp lại những điều như thế… Mẹ nói với Thuý “Dượng có nỗi khổ tâm của dượng, vì mẹ con ta mà dượng không có một gia đình trọn vẹn, không làm tròn chữ hiếu với mẹ cha, dượng đã dành cả cuộc đời này cho mẹ, đó là sự bất công mà ông trời đã bắt dượng phải chịu, thế nên khi say, có lẽ dượng phải bộc phát cảm xúc uất ức ấy ra ngoài, dượng xứng đáng có một gia đình, có một người vợ tốt và những đứa con ngoan, nhưng dượng lại không muốn bỏ rơi mẹ con mình, dượng thật sự rất đáng thương, ân tình này mẹ con mình phải khắc ghi con nhé!”. Thuý ôm mẹ, cô cũng hiểu được phần nào nỗi niềm của mẹ và những áp lực của dượng. Thế nên những lần dượng say, cô chỉ im lặng dọn dẹp và ngoan ngoãn đưa em ra ngoài chiếc ghế đá cạnh dòng sông cụt. Hôm nay cũng vậy, Thuý chờ cho mẹ bình tâm, rồi cô lại dắt em đi ra phía bờ sông, tiếng muỗi vo ve bay, gió mơn man trên má Thuý. Quân nhìn chị, đôi mắt đượm buồn ấy đang hướng về bầu trời, Thuý kể em nghe về sự tích các vì sao: “Mỗi giọt nước mắt của con người trên thế giới này sẽ cô đọng lại thành một viên ngọc gắn lên bầu trời. Những giọt nước mắt vui sẽ có màu xanh, còn những giọt nước mắt buồn sẽ mang màu đỏ. Trên nền trời kia là những vì sao lấp lánh màu xanh, đỏ, quyện với nhau thành những dải ngân hà. Cũng như vậy, buồn và vui là những ân sủng của tự nhiên mà Thượng đế ban cho con người, như hơi thở, như nhịp đập trái tim, như dòng máu chảy trong huyết quản. Không có nỗi buồn thì loài người sẽ không quý trọng niềm vui. Không có những giây phút đau đớn tột cùng thì loài người sẽ không hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc. Không có bóng đêm thì loài người sẽ chẳng biết giá trị của ánh sáng mặt trời…”

Thuý nhẩm thầm lời một bài hát, cảm giác cô đơn và tủi thân giờ đây nhường chỗ cho tâm trạng man mác hoà nhập với nhân loại bao la…Trong ý nghĩ của Thuý là bức tranh những đứa trẻ hạnh phúc đang nắm tay nhau nhảy múa trên bầu trời, không có bạo lực, không có chia ly, không có nước mắt, không có bệnh tật, không có chiến tranh và không cô đơn… 

            (Đinh Hà Phương, Lớp 7A3 - Trường THCS Lê Văn Thiêm, Tp Hà Tĩnh)

 

 

. . . . .
Loading the player...