Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu trang thơ của các tác giả Vũ Quần Phương, Trần Nam Phong, Hồ Minh Tâm, Nguyễn Trọng Đồng, Yến Thanh, Lê Trâm Anh, Phạm Thúy Hằng, Bích Nhã Kỳ, Khánh Hà được đăng tải trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 216
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Mảnh vườn xưa có ngôi nhà Huy Cận
Ra khỏi cổng là sông
qua sông đã núi
bóng người dắt bò về sau buổi cày sẫm tối
đâu là thơ
đâu là phần quê hương ông đã sống
chú bé thả trâu trên núi Mồng Gà
Ngôi nhà từ, mới xây, theo kiểu cũ
nỗi oan khuất xa mờ
rêu chưa phủ hết
làng xưa nghèo
địa chủ cũng nghèo
người ấy về sau cơn bão lốc
lạy mộ cha
cơn gió gày qua rặng tre xào xạc
hàng cây ôm bóng mát ngày xưa
Trăm năm chưa phải dài, cũng không là ngắn
câu thơ là quê hương
hay quê hương là thơ nuôi hồn ông kỳ lạ
lửa thì thiêng
đất thì hoa
câu chữ long lanh, nỗi đau xương thịt
trời mỗi ngày lại sáng
ông mỗi ngày một xa
Chỉ câu thơ mang lòng ông ở lại
hồn xưa trĩu gió xuống tàu cau
làng Ân Phú ngôi nhà từ và con sông chảy mãi
tiếng trống trời âm lòng đất linh thiêng
Quê hương lấy núi sông nuôi hồn Huy Cận
Huy Cận lấy hồn mình cô đặc vị quê hương.
Hà Tĩnh 25/5/2019. Trăm năm ngày sinh Huy Cận
Thơ
Đấy là nơi mình tìm mình để hỏi
để gọi và để thưa
để biết rằng mình thừa
vì thiếu
và chính mình bị thiếu
vì dư
thiếu một chút tài năng mà dư nhiều vô vị
chỉ lòng yêu chẳng thiếu cũng không thừa
Đấy là nơi ta gửi ta mỗi sớm
mỗi đêm khuya chuyện với ngọn đèn
với máy tính, ngập ngừng nhịp gõ
nhịp mạch vành trăn trở với con tim
Đôi khi lắng nghe tim mình vào chữ
chữ trông nhà cho tim đi chơi
tim phiêu lãng thì chữ làm ngưỡng cửa
gọi ta về, ngồi lại, nhớ xa xôi
Ngồi rồi đứng… thế là thành ông cụ
hai ông cụ hay hai đứa trẻ
ai bây giờ và ai ngày xưa
ta muốn hỏi lại im, không hỏi
hỏi và im
im
hỏi
phía nào thơ?
3/1/2020
TRẦN NAM PHONG
Mưa cố hương
Đêm qua biển có giật mình
Mưa ngàn năm trước nguyên trinh trở về
Sông dài dằng dặc bến mê
Cánh đồng vẫn nhắc “lời thể cỏ may”
Mái nhà bịn rịn khói bay
Biết ai còn nhớ mắt cay mỗi chiều
Phập phồng là trái tim yêu
Sau tà áo mỏng bao điều tâm tư
Nghìn năm gửi một cánh thư
Mây bay muôn nẻo, thực hư kiếp người
Cúi đầu cảm tạ đất trời
Vô biên ngọn gió luân hồi vào thơ
Một đời tiếng mẹ ầu ơ
Con chưa đi hết dại khờ vành nôi
Con còn nợ hạt mồ hôi
Nợ xanh mái tóc, nợ đời vá may
Con còn nợ gió cầm tay
Nợ bông hoa hạnh từ ngày xa nhau
Tiếng cười như nắng tan lâu
Tháng năm còn một nhiệm mầu chưa trao
Đêm qua thức trắng chiêm bao
Trong mơ gặp trận mưa rào cố hương
20/6/2024
Con về ru tiếng vạc đêm
Buồn vui bao thứ để dành
Tháng năm rồi cũng quẩn quanh kiếp người
Dang tay ôm rộng đất trời
Vô duyên chuốc lấy khóc cười thế gian
Đời người lúc hợp, lúc tan
Biết đâu gió núi mây ngàn thoảng qua
Đất trời rộng lớn bao la
Chỉ là hạt bụi thiên hà mà thôi
Năm xưa tựa cửa mẹ ngồi
Con sông vẫn chảy lở bồi ngoài kia
Chiến tranh, loạn lạc, chia lìa
Hòa bình sao vẫn cách chia hận thù
Bao nhiêu nước mắt phù du
Thấm vào biển mặn sa mù bến mê
Ở quê mà vẫn nhớ quê
Đồng chiều ngọn gió bộn bề gọi tên
Con về ru tiếng vạc đêm
Để nghe câu hát bỏ quên cuối trời
Thành Sen 7/2024
HỒ MINH TÂM
Đừng nói gì em về nỗi tha phương chiếc lá
Em đừng nói gì em
về ngày nắng
tro trời buông trắng tóc
và ngày mưa
lũ chim trời vỗ cánh học bơi
đừng nói gì
về ngày đen
về đêm trắng
anh biết nỗi nhớ có màu riêng
như chẳng liên quan gì sáng tối
màu anh buồn
và anh buồn
em khóc
em đừng nói gì em
về nỗi tha phương chiếc lá
bởi lá biết
chẳng vì gió
chẳng vì mưa
mà rơi
mà nghiêng ngả
mà rơi…
đừng thả lên trời
tiếng thở vắn gọi chiều vàng, chiều đỏ
bởi lũ chim trời chết đuối rồi, đâu đó
và những hạt mưa không quen đình đám mộng hồi sinh
em
bây giờ là đêm
ta lại bắt đầu ngày nhé
đừng - nói - gì - em…
NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG
Dáng vóc câu Ví, Giặm
Cha ông ta trải qua bao thăng trầm
Mà hồn cốt vẫn chim trời cá biển
Mà câu hát từng ngân lên gió thẳm
Đây khoảng trời mưa nắng hóa mũi tên
Chẳng phải cha ông đã tạc dạ ghi lòng
Mỗi tấc đất quê hương cũng là máu thịt
Mỗi cột mốc tháng năm là mùa xuân biếc
Đất nở hoa câu Ví, Giặm quê mình
Một dải non sông ấy địa linh
Nơi Tổ quốc hóa bao trang sử đỏ
Nơi cốt hồn dân tộc ngời lên từ câu Ví
Điệu hát Giặm nghiêng chao, anh quên cả ngày về!
Một câu Kiều cũng làm nắng thầm thì
Tháng tám biếc trong như mùa thu Hà Nội
Những trải gió sương mà sao bối rối
Với dung nhan câu Ví, Giặm em tôi...
YẾN THANH
Mưa Sài Gòn
(Tặng NTKQ)
Chiều Sài Gòn mưa xanh
Đến, đi...trời mới biết
Em bảo “Mưa tiểu thuyết
Dành cho anh, cho em”
Mưa Hàng Xanh mưa lên
Ướt mình em áo đỏ
Ướt một lần để nhớ
Giọt nước mắt của trời
Mưa cứ rơi, cứ rơi
Sợi xanh choàng sợi trắng
Mênh mang trên lầu vắng
Mưa giọt vắn, giọt dài
Rồi cũng dễ quên thôi
Những mùa mưa mát phố
Không gặp tà áo đỏ
Đi nghiêng chiều mưa rơi
Rồi cũng dễ quên thôi
Khi mỗi mùa mưa đến
Có người qua rạp hát
Mua hai vé…đợi mưa
LÊ TRÂM ANH
Đếm mùa
Tháng tám về, phượng già buồn sót nỗi vấn vương
Cành bằng lăng vẫn tím màu thương nhớ
Đếm lối đi xưa… đếm những điều bỏ lỡ
Thiếu vắng mưa Ngâu, Sông Ngân lỡ nhịp cầu.
Thương Chức Nữ, duyên Cầu Ô dang dở
Giận chàng Ngưu, đò cắm bến sông chờ
Nắng chiều vàng làm nhạt cả giấc mơ
Câu thề hẹn cũng bạc màu nhung nhớ.
Tháng tám lưng chừng chờ đợi một câu thơ
Ai thổn thức nép mình sau vạt nắng
Lời hẹn năm nao rơi chùng khoảng lặng
Khép mi buồn, xuyến xao đếm mùa qua…
PHẠM THÚY HẰNG
Đà Lạt không mùa hạ
Lần em đến Đà Lạt không mùa hạ
Nắng chói chang những cánh hoa vàng
Thung lũng tình yêu mờ trong sương khói
Tấm chân tình ai khắc tán lá xanh
Phải Đà lạt đã từng khắc nỗi đau
chàng K’lang
bên mối tình dang dở
suối Đa Nhim ôm lệ
nàng H’biang thương nhớ
hoá mây ngàn xanh mãi Langbiang
Ngày em đến nắng vương tràn trong gió
Đà Lạt miên man triền dốc đoá hoa vàng
Dã quỳ dấu mùa thu từng mắt lá
Nên mùa nào núi vẫn cứ non xanh
Đà Lạt ơi đắng đót cánh dã quỳ
nắng rót ngọt chênh chao sao vẫn không làm mật
tiếng ghi ta díu dan ngàn cung bậc
quên lối về, hạ dệt mình trong cánh dã quỳ rơi
BÍCH NHÃ KỲ
Hương cốm
Hương cốm ấy
toát ra từ mùi khói
rơm rạ thơm
đặc quánh những bùn lầy
bàn tay nhỏ
gầy trơ trong giá rét
mẹ ôm những nhọc nhằn
gầy guộc đón thu
Mùa cốm ấy
lặng sâu từng nếp gấp
trắng trong
xanh ngát
hao mòn
em vẫn tưởng
mùa thu đang hiện hữu
trong nỗi buồn
đêm qua lạc vào thơ
Rồi bất chợt thấy quê mình chạy lũ
cây lúa non ngập nước đói thân cò
mùi thơm quyện thầm trong mùi đất
lặng yên dưới chân người không tiếng thở than.
KHÁNH HÀ
Viết về những bình yên sau chiến tranh
Đã 46 năm rồi bình yên sau những cuộc chiến tranh dài
Vết thương đã kịp liền da trên thân thể Mẹ
Việt Nam ơi bình yên rỡ ràng trên cây trái
Sao vẫn nhói lòng khi qua những nghĩa trang
Em có đau lòng không, chị có quặn thắt không
những người vợ khắc khoải chờ chồng bao năm vất vả
Những đứa con đau đáu đi tìm cha
Và những mẹ già ngóng cửa đợi tin con tấm lưng còng mẹp.
Và đâu đó vẫn ì oàng tiếng nổ
Của những quả bom còn nằm dưới đất lành
Chiến tranh qua lâu rồi
Mà lâu lâu lại nhận được tin vừa mừng, vừa xót xa
Rằng ở vùng đất nọ, quả đồi kia vừa tìm ra cốt xương liệt sỹ
Bạn có nhận ra không, anh chị có nhận ra không
Ba, bốn đứa trẻ da cam trong một ngôi nhà
vẹo xiêu gió lùa trống hoác
Người cha thương tật thẫn thờ nhìn con hơn 4 chục tuổi đầu không biết đi
Người mẹ cúi mặt lặng thinh
ngày lại ngày
bón cháo cho con mà nước mắt đầm đìa không còn muốn lau
Chiến tranh qua đã lâu
Những người lính năm xưa
Với những cuộc họp mặt vơi dần
Và tin buồn thông báo ngày một dày thêm
Họ mừng tủi, khóc như mưa tuôn
khi người đồng đội già qua cơn bạo bệnh
bởi vết thương xưa tái phát hoành hành
Ôi đất nước mình sao thương quá em ơi
46 năm sau chiến tranh, tác phẩm văn học hay nhất vẫn lấy đề tài từ cuộc chiến
Cơm đã đủ ăn, áo đà rất đẹp
Nhưng vẫn rưng rưng mỗi lúc nghĩ về...
Tháng 7/2021
Lòng mẹ. Ảnh: Minh Chiến