19-08-2024 - 01:28

Trong biếc trời thu

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 tháng 8/2024 trân trọng giới thiệu tùy bút “Trong biếc trời thu” của Nguyễn Hữu Quý

Cái nắng dường như đã dịu lại. Sau lưng ta, một mùa hạ vừa dùng dằng ra đi. Chớm thu. Cảm giác lâng lâng, ngỡ ngàng lặp lại khi ta ngước lên cao xanh, bao la tưởng chừng vô tận. Chao ơi, trong biếc trời thu.

Nhớ. Những thu đã qua, khẽ khàng mỗi tinh mơ có những hơi gió man mác thổi từ đâu tới. Một cánh đồng. Một rặng núi. Một dòng sông. Một đồi chè… Và, vẫn chưa quên, làm sao quên được cơ chứ Mây của ta, trời thắm của ta… Thời tôi đi học phổ thông, vẫn hằng thích những câu thơ viết về đất nước như thế của Tố Hữu. Ai bỉ bôi, ai chê bai mặc kệ, đến tận bây giờ tôi vẫn thích Mây của ta, trời thắm của ta cũng như không quên Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt… Những câu thơ mang vẻ đẹp giản dị gợi lên tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước. Có lẽ, tôi yêu thật lâu, thật nhiều cái thăm thẳm của trời thu trong biếc bắt đầu từ những hồi niệm ấu thơ.

Thuở xa xôi ấy, khi chiến tranh chưa lan ra miền Bắc, những đứa trẻ như chúng tôi rất mong chờ ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9. Tôi nhớ, đó là những ngày nhộn nhịp tưng bừng. Mọi nhà, mọi người nao nức chuẩn bị đón Quốc khánh. Xóm làng như được mới ra, đẹp hơn để đón “Tết Độc lập” như cách bà nội và bố mẹ tôi thường gọi. Người ta quét dọn đường sá, nhà cửa, dựng lên những chiếc cổng chào bằng tre và lá dừa ở các lối xóm. Cờ đỏ sao vàng được treo lên phấp phới bay trong gió thu. Trẻ con được mang áo mới, mùi vải thơm tho đến tận bây giờ và chẳng còn gì vui hơn sáng mồng 2 tháng 9 tung tăng ríu rít rủ nhau đi xem người lớn chơi đu, đấu vật, đua thuyền… Tối đến lại đi xem văn nghệ xóm, các anh chị thanh niên hát hò, diễn kịch, đọc tấu sôi nổi, cái vui hồn nhiên nối liền nhau không dứt. Lúc đó, bọn con nít chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của ngày Quốc khánh nhưng đứa trẻ nào cùng thấy vui như Tết, nụ cười sáng tươi trên gương mặt nhi đồng lan tỏa sang ông bà, bố mẹ.

 Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Những trái bom của Mỹ dội xuống miền Bắc, tháng ngày hòa bình êm ả chấm dứt, chúng tôi làm quen với những căn hầm chữ A và đội mũ rơm đi học trường làng. Trời thu vẫn có những ngày trong biếc thắm xanh nhưng cuộc sống không còn yên ổn nữa. Bom đạn Mỹ giết hại thường dân, rơi cả vào trường học, bạn tôi bị giết chết khi trong túi áo vẫn còn ri rích tiếng dế kêu…Mỗi khi nhìn lên bầu trời, tôi chỉ mong ước đừng bao giờ có những chiếc máy bay Con Ma, Thần Sấm của Hoa Kỳ lao ngang lao dọc và gầm rú đe dọa nữa. Tôi mơ ước trên tầng không bát ngát chỉ có mây bay và nền trời xanh thắm như vừa được ai lau dọn sạch sẽ tinh tươm. Đấy là bầu trời hòa bình, bầu trời của những đàn chim câu sãi cánh. Bầu trời chan hòa ánh sáng ban ngày và chi chít sao đêm tôi nhìn thấy từ góc sân nhà mình. Và, khi đó tôi hiểu thêm ý nghĩa câu thơ Mây của ta, trời thắm của ta đẹp đẽ, sâu sắc như thế nào. Mười năm sống trọn trong chiến tranh khốc liệt ở vùng tuyến lửa Quảng Bình, mong ước lớn nhất của chúng tôi là hòa bình. 

Bài học lịch sử của thầy cô giảng trong tầm bom giặc cho tôi hiểu mùa thu Cách mạng và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ năm 1945, Bắc Trung Nam khắp ba miền/ Đứng lên khởi nghĩa chính quyền về tay (thơ Tố Hữu). Thời ấy, tất nhiên là tôi chưa sinh ra và ngay cả bố mẹ tôi cũng chưa bước vào tuổi thanh xuân. Bà nội tôi chấm nước mắt nhắc lại nạn đói kinh hoàng mùa xuân Ất Dậu 1945. Đến cám và rau dại cũng chẳng đủ để lót lòng. Ông nội tôi mất vào năm đó. Mất vì đói. Năm ấy, hai triệu rưỡi người dân Việt Nam chết vì đói. Chết vì đói là cái chết rất khủng khiếp. Hàng chục triệu người dân Việt sống ngoi ngóp trong bùn. Từ những Tắt đèn, Bước đường cùng … được học trong nhà trường, tôi hình dung ra đất nước thời lầm than trong xích xiềng thực dân tàn bạo và phong kiến hèn nhát. Cũng vì thế mà chúng tôi đã hào hứng với những ngày vui bất tuyệt của non sông khi mình chưa tượng hình trong vũ trụ. Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời.  (Tố Hữu). Không thể không tự hào nhắc tới Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào sáng mùa Thu mồng 2 tháng 9 năm 1945 như sự tiếp nối những áng hùng văn khẳng định chủ quyền và khai quốc độc lập như Nam quốc sơn hà thời Lý, Bình Ngô đại cáo thời Lê… Chẳng ngẫu nhiên chút nào khi mở đầu bàn Tuyên ngôn lịch sử và bất hủ mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn của hai cường quốc Mỹ, Pháp. Dân tộc Việt Nam xứng đáng được bình đẳng với mọi dân tộc khác trên thế giới. Người dân Việt Nam xứng đáng được sống hạnh phúc như mọi người khác trên hành tinh. Độc lập tự do đất nước gắn với no ấm hạnh phúc nhân dân. Yêu nước thương dân là canh cánh không vơi trong cuộc đời Bác. Đấy chính là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh trong lao ngục tối tăm, lúc Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà ở chiến khu Việt Bắc… Bác của chúng ta là thế đó, nỗi thao thức nào cũng sâu nặng lòng yêu nước, thương dân.

Thấm thía lịch sử phải bằng những suy xét bình tĩnh và công tâm. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/2/1930) đã có nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào chống Pháp xâm lược. Bắt đầu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng, kết thúc là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy và tất cả đều thất bại. Sự khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc chỉ chấm dứt khi Đảng ta ra đời và Cách mạng tháng Tám thành công, sự ra đời của nước Việt Nam mới là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho điều thiêng liêng đó. Đấy chính là mốc son lịch sử cho một sứ mệnh, là thời điểm đánh dấu kỷ nguyên mới của đất nước: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong biếc trời thu mang trong đó những dự cảm mới mẻ, tốt lành. Dẫu rằng hôm nay, đất nước vẫn còn bộn bề bao nhiêu việc phải làm, cần làm, vẫn còn đó những lo toan, trăn trở không nhỏ. Dẫu rằng nước ta chưa mạnh, dân ta chưa giàu nhưng vị thế Việt Nam hôm nay thật đáng tự hào, hy vọng. Ta đủ niềm tin vào Đảng vào Dân. Bao giờ cũng vậy, vẫn phải trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau, để thấm thía hơn phẩm chất, bản lĩnh con người Việt Nam. Lúc giông bão, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Lá lành đùm lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều. Lòng dân Việt, thương người như thể thương thân… Chẳng nói đâu xa xôi, qua những đận thiên tai dữ dội và trong những ngày chống dịch như chống giặc mấy năm trước đây, cái cách đồng bào ta chia sẻ, đùm bọc nhau thật cảm động. Chưa bao giờ cái câu Một miếng khi đói bằng một gói khi no lại được nói và làm nhiều như thế.

Gần đây nhất, ngay trước thềm mùa thu này, cả đất nước Việt Nam rưng rưng tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Niềm tin vào những điều tốt đẹp, trong sáng cứ thế được nhân lên từ tình cảm sâu lắng, bao la của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc dành cho một Con Người viết hoa mang tên Nguyễn Phú Trọng. Tôi tin dân tộc này sẽ vượt qua được mọi gian nguy thử thách để đi về phía trước. Phía trước tươi sáng bắt nguồn từ mấy nghìn năm lịch sử, từ mùa thu Cách mạng có Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa… Phía trước bắt đầu từ những thế hệ Ngực dám đón những phong ba dữ dội (thơ Tố Hữu) làm nên các chiến công, kỳ tích lẫy lừng gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Phú Trọng. Những Con Người huyền thoại nhưng vô cùng bình dị. Sự huyền thoại bình dị mang trong đó bản lĩnh, khí phách, phẩm chất, tâm hồn Việt Nam. Cứng cáp, can trường nhưng cũng uyển chuyển và mềm mại như cây tre mảnh đất này.

Mùa thu ơi, cơn gió chuyển thông điệp gì trong xôn xao đất trời thế. Tôi bâng khuâng giở lại bài học ngày xưa để được cảm nhận sâu hơn thu đất nước hôm nay. Vẫn thế này chăng, Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa… (thơ Nguyễn Đình Thi). Nỗi nhớ đi cùng mùa thu trong biếc gương trời, đất nước càng trở nên gần gũi và thân thiết vô cùng. Muốn nói thật nhiều với sông núi gần xa, lại muốn lặng im để nghe được rõ hơn tiếng thu thầm thì trong từng làn gió mới. Đón nhận một khởi đầu, một kế tục, một kết nối tinh khôi như cái đã có, như cái đang về trên đất nước thân yêu.

N.H.Q

. . . . .
Loading the player...