26-07-2020 - 10:57

Truyện ký CHỊ TÔI của Nguyễn Thạch Đồng

CHỊ TÔI

                                          Truyện ký

       Chị là người con gái hiền thục, chân chất như hạt lúa nơi đồng quê đầy gió Lào bỏng rát quê tôi. Chị về làm con dâu mẹ tôi khi vừa bước sang tuổi mười tám.Lễ cưới của anh tôi và chị được tổ chức trong mấy ngày phép của người lính thời chiến. Lúc đó anh đã một năm trong quân ngũ, được đơn vị cho về phép để đi vào chiến trường. Anh tôi xung phong vào bộ đội cùng với nhiều trai tráng trong làng khi cha tôi còn trong quân ngũ.

       Cưới xong là anh đi. Chị tôi ở nhà bắt đầu với những tháng ngày cách xa biền biệt. Anh qua bao miền đất lửa của cuộc chiến tranh khốc liệt từ đất nước bạn Lào đến miền Đông Nam Bộ thì chị cũng qua bấy nhiêu miền nhớ thương da diết, có cả nỗi đợi chờ anh ngày chiến thắng trở về. Nói sao hết nỗi nhớ thương của người vợ trẻ đối với người chồng thương yêu của mình đang đi về phía hòn tên mũi đạn.

       Và như mong ước bao năm, anh đã trở về sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi đất nước ca khúc khải hoàn, non sông liền một dải. Nhưng xe đơn vị  không dừng lại trên hành trình Nam - Bắc để anh được về thăm mẹ, gặp chị mà đưa anh raThủ đô để đến một bệnh viện Quân đội. Nơi đây anh phải gấp rút chữa trị vết thương và bệnh tật thời chiến trường gian khổ ác liệt để lại. Vết thương quá nặng không qua khỏi sau những ngày cứu chữa của đồng đội, anh đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Nỗi nhớ thương anh đằng đẳng, mong mỏi ngày đoàn tụ của chị giờ lại thêm nỗi đau mất chồng trong những ngày non sông vừa thống nhất, đất nước rợp cờ hoa. Đau thương trùm lên mái rạ nhà tôi vừa mới bước ra sau chiến tranh, hiện hữu trên từng gương mặt của người thân trong gia đình. Nhưng đau đớn nhất vẫn là mẹ tôi và chị. Nỗi đau của hai người phụ nữ. Một người mẹ mất con và một người vợ mất chồng. Là con dâu đầu và là người chị cả, chị nén đau thương cùng bố mẹ tôi chăm chút cho đàn em những sáu đứa bọn chúng tôi trưởng thành. Thương chị, bố mẹ tôi nhiều lần khuyên nhủ và cho chị về lại bên nhà bố mẹ đẻ để còn có dịp chồng con. Vì chị đang còn rất trẻ. Không những không đồng ý mà chị còn làm dỗi bố mẹ tôi. Chị nhất quyết ở vậy thờ chồng, làm tròn chữ hiếu và dồn tình thương anh cho cả gia đình…

Quê hương ( ảnh Nguyễn Thanh Hải) 

        Hơn năm năm kể từ ngày anh hy sinh, gia đình có thêm sự kiện mới. Một anh trai làng bên đã đem lòng thương yêu chị. Anh mang trầu cau, sính lễ đến thẳng nhà bố mẹ tôi xin hỏi cưới chị. Sau nhiều cuộc đấu tranh giằng xé với nội tâm không kém phần cam go khốc liệt, “ bên tình bên hiếu”, với nhiều lời khuyên của mẹ tôi và gia đình họ tộc, gạt nước mắt, chị đi bước nữa…Từ tình thương đối với người con dâu chịu thương chịu khó, nết na hiền lành, sau ngày anh tôi mất, bố mẹ tôi lại có thêm một tình yêu thương mới lạ- Tình thương con  gái.

    Chị tôi đã về nhà chồng ở làng bên, cách một cánh đồng chiêm với anh trai làng hiền lành chân chất và rất mực thương yêu chị. Lấy chồng rồi, dù bận việc gia đình nội ngoại, việc chồng con, anh chị vẫn thường đi về thăm nom bố mẹ tôi đều đặn. Dù nắng hay mưa , ngày thường cũng như lúc bố mẹ tôi đau yếu. Ngày giỗ anh tôi thường năm, anh chị thay nhau về soạn sửa, hầu như về cả hai người, không để sót năm nào. Có dạo chị ốm, anh và các cháu con anh về, bố con anh cùng mẹ tôi cúng giỗ. Anh tôi đã hy sinh vì đất nước nhưng tôi còn chị, có thêm “người anh rể” hiền lành, trách nhiệm và có cả đàn cháu yêu thương. Tự  lúc nào, như máu thịt, như hơi thở, anh đã thành người con thân yêu trong gia đình, không hề có sự ngăn cách. Các cháu con anh chị đối với ông bà ríu rít thân thương. Tôi thầm cám ơn cuộc đời này đã thương bố mẹ tôi và cuộc sống của gia đình chị dâu tôi hiện tại. Đây là quà tặng vô giá của cuộc sống, là niềm an ủi lớn lao đối với bố mẹ, với chị và gia đình dù chiến tranh đã gây nên nhiều chi ly đau khổ. Anh chị sinh được bốn người con, cháu nào cũng chăm ngoan học giỏi, đều đậu vào đại học ngay từ khi vừa học xong trung học phổ thông. Giờ anh chị đã lên chức ông bà…

       Chiến tranh đã lùi xa. Những vết thương trên thịt da và cả trên thân mình Tổ quốc đã dần lành lặn theo năm tháng với sự nổ lực hàn gắn của muôn triệu người trên đất nước Việt Nam thân yêu. Nhưng còn nhiều nỗi đau do chiến tranh gây ra với những vết thương lòng vẫn còn đó, vẫn phải tiếp tục hàn gắn.

       Đến tháng Bảy năm nay, chị tôi được gần một năm hưởng chế độ vợ liệt sỹ sau mấy mươi năm anh tôi hy sinh. Năm ngoái, cũng vào dịp tháng Bảy, khi được nhận trợ cấp lần đầu về chế độ, đứng trước bàn thờ anh chị lại khóc. Những giọt buồn lăn dài trên gò má răn reo của chị sao lại giống mẹ tôi đến thế. Năm nay, sắp đến ngày 27/7, lặng nhìn chị đứng ngắm di ảnh của anh, gương mặt, ánh mắt chị vẫn sáng lên với một ánh nhìn khó tả. Gương mặt, ánh mắt và cả cái dáng hao gầy của chị chất chứa bao nhiêu là nỗi niềm. Ấy là những ẩn ức chan chứa mang đến từ tuổi thanh xuân phơi phới, từ ngày anh tôi còn đi chiến trận chị mòn mỏi chờ trông, đến ngày mất anh chị đau khổ tột cùng và cả hiển hiện cuộc sống đầy ước vọng hôm nay khi tóc chị đã điểm bạc. Trong ánh mắt ấy vẫn luôn chất chứa tình yêu thương đối với anh tôi, lại chan chứa tình yêu thương đối với cuộc sống lung linh này.

      Ánh mắt ấy là một trong muôn ngàn ánh mắt của những người vợ, người mẹ đã mất đi người thân yêu nhất của mình trong chiến tranh, nay vẫn còn ngân ngấn lệ vương.

      Và tôi nghĩ, ấy là ánh mắt của những người chinh phụ, mỏng tang như sợi mưa ngâu vắt ngang bầu trời thương nhớ và vẫn giăng mắc trên những nhịp cầu chinh chiến mờ xa óng ánh sắc cầu vồng…

                                                         ( Quê nhà, 25/7/2017 – Nguyễn Thạch Đồng )

 

. . . . .
Loading the player...