01-12-2022 - 09:22

Truyện ngắn Ăn mày cửa Thánh của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Ăn mày cửa Thánh của tác giả Nguyễn Trung Tuyến, Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Chuyên ngành Văn xuôi.


ĂN MÀY CỬA THÁNH 


Chiều nay chị lại đi Đền. Từ lâu, nơi thiêng liêng sắc sắc không không này trở nên quen thuộc, thành chỗ dựa tâm linh của chị. Những khi cảm giác ngột ngạt quá, cần được giải tỏa, chị lại đến Đền. Ở đây chị được nghe những lời nghiêm khắc đến đau đớn và cả những lời thấu hiểu phát ra từ sâu thẳm trong lòng chị nói riêng với chị. 
Chị tính- vãn khách rồi hẵng đi. Người thập phương tứ xứ kẻ gần người xa... mình ở gần, đi muộn muộn chút cũng là san sẻ với người xa. Với lại, chị cũng muốn không gian Đền có chút yên tĩnh để mong có được tịnh tâm gột rửa u hoài cho lòng được thanh thơi nhẹ nhõm.
Thế nhưng, dù đến Đền khi Mặt trời đã gần gác núi mà khách thập phương trong cửa Đền vẫn đông. Trong thượng điện, ngoài sân, trong vườn, trên các lối đi… đâu cũng có người đến xin cứu khổ cứu nạn. Họ thành tâm và rất vội vã. Nếu ai đó quen biết nhau từ trước thì ở đây họ cũng chỉ hỏi xã giao vài câu khe khẽ rồi ai nấy chú tâm vào việc tìm thầy, sửa soạn đồ lễ. 
Không gian ít có tiếng cười. Nếu tinh ý một chút sẽ nhận ra: ẩn nhẫn sau mỗi gương mặt là một thân phận nhỏ bé mà phức tạp đang rất cần được sự cứu rỗi. 
Trong Đền, người đã đông, trên con đường về Đền người ta vẫn nối nhau về. Dòng người cắm cúi, hối hả đi trên con đê chênh vênh viền theo ngã ba sông rộng mênh mông gió lồng lộng, trông họ mong manh như sẽ rơi xuống dòng nước bất cứ lúc nào nếu họ đi và không tin phía trước là nơi yên ổn.
Bất chợt chị thốt lên: “ Ơ kìa! Thằng Hành! Cũng đi Đền ư?”. Một ý nghĩ đau đớn lóe lên rồi chị an ủi: “Thôi. Quên đi…”
Ban thờ chính điện, ban thờ tả, hữu điện đều chật người như nêm. Người này vái lưng người khác. Người đi Đền ngẫu nhiên hợp nhau lại thành từng nhóm, mỗi nhóm thuê một thầy giúp lễ, thầy sẽ thay mặt đổi lời cho cả nhóm qua nguyện cầu của từng người ghi vội vàng trên trang giấy. Thầy giúp lễ ngồi trước, những người trần ai khổ hạnh quỳ sau. Không ai có thể tách bạch được các lời khấn cầu nên trong thượng điện triền miên giai điệu buồn nghiêm trang. Bản giao hưởng ấy quyện vào khói hương tỏa vào không gian rồi như ngưng đọng lại.
Các thầy giúp lễ vận đồ đen, khăn đóng. Có lẽ, do lễ phục tạo dáng hay vì suốt ngày khom người quỳ lạy, hay cũng vì bị khách đè sau lưng nặng quá nên lưng các thầy có dáng hơi còng. Thành lệ, ai làm lễ xong cũng “vi thiềng” cho thầy kẻ nhiều người ít gọi là…Làm việc tâm đức, các thầy không đòi hỏi, ngả giá mà là do thành tâm của khách. Nói là thế, nhưng lễ xong cho một người, thầy lại cúi xuống nhìn vào túi vải bên người và đáp rất khẽ : “ Cảm ơn”, rồi tiếp tục nghiêm trang làm lễ cho khổ chủ khác.
Chị nhìn cảnh Đền, buông tiếng thở dài rồi lách mọi người ra ngoài cửa Đền. Chị kiên nhẫn chờ vãn khách, bụng bảo dạ : “ Không sao, người ta ở xa về, đời họ có thế nào thì mới về cửa Thánh. Mình chịu khó chờ, muộn muộn chút cũng được”.
Thấy chị bước ra, bà bán hương vàng đồ lễ nhanh nhảu hỏi:
- Lễ xong rồi à? May mắn nhỉ! Chị có mua gì về làm quà không? Cá tươi. Thuyền mới về. Này!..
Chị mỉm cười đáp lễ:
- Cảm ơn! Em chưa… Hôm nay người về lễ đông quá!
- Thế chị định chờ đến vãn khách à?
- Vâng!
Bà bán hương vàng đồ lễ bật cười:
- Chị thật đúng là người “ cầm sào đợi người ngủ trưa”. Bao giờ thì mới vãn khách chứ? Vào kiếm thầy làm lễ đi mà về kẻo muộn.
Chưa kịp đáp thì bà bán hương vàng đồ lễ đã chỉ sang một người đàn ông đang như ngủ gật trên ghế đá:
- Khó tìm thầy quá thì chị nhờ thầy Thọ đây này! Dù sao thầy này cũng thạo việc hơn chị- Rồi bà ta quay sang gọi thầy Thọ: - Này! Thọ Nghếch! Giúp người ta làm lễ kìa! Thật đúng là… Khi nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn như ăn phải ruồi.
Thầy Thọ mở đôi mắt mệt mỏi buồn rầu lé sang nhìn chị và vẫn cứ ngồi yên trên ghế đá.
* *
*
Chị lặng lẽ đi ra cửa biển. 
Cửa biển Hoa Hạ hợp lưu của hai con sông- sông Quyên và sông Vĩnh. Thật ra thì hai con sông này vốn nhỏ và ngắn, nhưng đến mùa lũ hay vào lúc con nước thủy triều lên thì ngã ba sông trở nên rộng mênh mông. Nơi gặp nhau của sông và biển, tiết trời yên biển lặng thì rất đỗi thơ mộng dịu dàng nhưng gặp khi triều cường nước biển dâng lên bắt gặp nước hai sông đổ xuống thì ngoài cửa bể sóng dồn lên vỡ tung trắng xóa vỡ ra tiếng gầm thét vang động cả một vùng. 
Con sông Quyên uốn mình dưới chân núi Vọng về chiều, nắng dệt vảy vàng lên mặt sông lấp loáng. Bóng núi đổ xuống, chia mặt sông thành hai mảng - một nửa sẫm tối trầm mặc và nửa kia lóe sáng sinh động. Nghe đâu sông Quyên sẽ bị xóa tên trên bản đồ địa lý vi nó đã bị chặn lại để làm dự án của khu công nghiệp.
Bên chân núi, cách cửa biển vài doi cát, vài rặng phi lao là ngôi Đền. Giữa bức tranh sơn thủy đẹp như kiệt tác là ngôi Đền có từ bảy tám trăm năm trước. Ngôi Đền tụ khí thiêng sông núi giống như nhà hiền triết lặng nhìn và suy ngẫm khí vận bao phen “ thương hải tang điền” của mỗi số phận bé nhỏ cho đến những biến động lớn lao của nước non.
Mấy con thuyền câu mực đêm bắt đầu “bạch bạch…” nổ máy, chúng đùn ra những bụm khói đen đặc, khói nặng đè xuống mặt nước sau đó mới chịu pha loãng vào không gian. 
Những lời khấn nguyện từ trong Đền vọng ra đã rời rạc hơn. 
Chị bước nhanh về phía cửa Đền.
Trong Đền, mấy thầy giúp lễ, giọng khản đặc đang vội vội vàng vàng khấn niệm giúp cho mấy tấm lòng thành tâm cuối cùng đang nài nỉ níu kéo chung quanh. Các thầy khác thì đã cởi áo khăn xếp vào túi vải, hối hả ra về. Chị muốn nhờ một thầy giúp lễ nhưng gặp thầy nào chị cũng nhận được lời chối từ : “Thông cảm. Thông cảm… Tối rồi!”. 
Bởi khu Đền thiêng nằm lọt sâu giữa lòng chảo của một đồi cát cổ, cây cối tỏa che u sầm nên bóng tối ập xuống Đền rất nhanh
Không nhờ được thầy giúp lễ, chị tự dâng đồ lễ rồi quỳ xuống trước ban thờ chính điện. Trước khói hương, chị cảm thấy mình như được hòa vào thế giới khác, một thế giới âm thầm lặng lẽ, tôn nghiêm mà cũng rất đỗi bình đị, gần gũi.
Ngoài cổng Đền, hàng quán cũng đã thu dọn, chỉ còn thầy Thọ đang vẻ mơ mơ màng màng trên ghế đá. Ánh đèn điện uể oải như mắt người ngái ngủ hắt xuống mặt đường từng đám sáng màu vàng. Những con thiêu thân múa lượn quay cuồng, chúng bu lại rồi dạt ra như đám mây bụi chuyển động vô hồi quanh mỗi chiếc bóng.
Trước không gian thiêng, chị muốn thổ lộ tất cả những nỗi niềm cay đắng, khổ đau mà số kiếp đã buộc chị từng phải gánh chịu. Thế nhưng muốn nói mà không nói được, đành mặc cho nước mắt tủi hờn cứ chảy dàn dụa. 

Ăn mày cửa Thánh ( Minh họa: Đình Cường)


Đền im phăng phắc. 
Chợt, trên mái Đền vang lên thanh âm đơn điệu khô khan của con thạch sùng gọi bạn tình. Tiếng kêu “ chắt chắt” của con thạch sùng gợi lên cho chị một thoáng nhớ lại tích xưa: “ Thạch sùng còn thiếu mẻ kho”. Ông Thạch Sùng giàu là thế mà vẫn còn thiếu cái mẻ kho vì thế mà từ cự phú trở thành kẻ trắng tay - cái mẻ kho hiền triết. Niềm bi phẫn tiếc nuối đã giết chết ông, ông hóa thân thành con thạch sùng kêu “chắt chắt” suốt năm canh vì tiếc của. 
Thế rồi, sau tiếng kêu buồn bã của con thạch sùng, chị bỗng bàng hoàng lạc vào thế giới hoang mị.
Sau làn nước mắt, nhìn vào khoảng không trước mặt, chị cố căng mắt để nhìn thật rõ, nhưng chỉ thấy hình ảnh chập chờn, lòe nhòe đứt đoạn như từ bộ phim nhựa đã cũ. Đó là những ngọn núi chuyển động, những cồn cát oằn oại… Chị thấy, sau cánh rừng phi lao chắn sóng bị bão xô bật gốc, những bóng người nhập nhoạng bước ra… Đủ các hạng người, đủ mọi lứa tuổi, có người của ngày xưa, có cả người ngày nay. Họ đi đâu?- chị không biết. 
Ơi kìa! – Chị không tin vào mắt mình nữa. Thằng Hành cũng cúi gằm mặt đi trong đoàn người ấy. Hắn nắm tay kéo vợ hắn đi. Mụ vợ - môi thâm tím, mắt trắng dã lảo đảo chạy theo, miệng mấp máy; “ A di đà Phật…”. Những đứa trẻ dị hình dị dạng bám riết sau lưng như quyết không buông tha khiến vợ chồng thằng Hành vừa đi vừa chạy mà vẫn không rứt ra được. Chị lo cho những đứa trẻ- vợ chồng thằng Hành sẽ ăn thịt chúng mất. Nhiều người đã nhận xét: “ Tướng mạo cặp đôi này sinh ra là để ăn thịt người”. Chị kinh ngạc vì mới thấy hắn hồi chiều lùi lũi đến Đền, sao mà chúng đã lạc vào thế giới này nhanh đến thế? Chị thấy hắn vẫn thế- vẫn cái miệng dô, môi dày, đôi mắt cụp được che dưới đôi lông mày sâu róm ấy. Những âm mưa toan tính ác độc và xảo trá, hèn hạ hằn in nên cái vẻ bên ngoài lầm lỳ của hắn. 
Cũng bởi là nạn nhân của vợ chồng hắn nên chị mới đến với Đền thiêng để kiếm tìm niềm an ủi. Nhìn thấy chúng, nỗi ám ảnh và cả kinh sợ, khiến con tim chị bật lên tiếng kêu răng rắc. Chị nhắm nghiền mắt lại không dám nhìn vào khoảng không gian u minh với những bóng hình đầy ám ảnh trước mặt nữa. Cơn co thắt động mạch vành đè nén, chèn ép lồng ngực.Tay ôm ghì lấy lồng ngực, tim nhói đau, chị thấy khó thở rồi ngất xỉu.
* *
*
Mùi mồ hôi đàn ông lạ sộc vào mũi làm chị tỉnh lại. Chị đang nằm co người trên ghế đá. Ai đó đã đắp lên chị một cái áo. Chị tỉnh hẳn. Nhìn về phía chân chị thấy thầy Thọ ngồi co ro trên cái ghế nhựa màu đỏ. Thầy thu gọn mình trên ghế trông giống như cái bánh đùm. Cái đầu có mớ tóc làu nhàu thu vào giữa hai đầu gối, hai tay bắt chéo lại. 
Nhìn thầy Thọ đang ngồi thu mình trên ghế nhựa để tránh muỗi, chị ái ngại quá. 
- Chị đã tỉnh lại rồi à? – Câu hỏi phát ra từ cái đầu lọt giữa hai đầu gối làm chị giật mình.
- Dạ! Tỉnh rồi thầy ạ! Cảm ơn thầy!- Chị lí nhí trả lời.
Thầy Thọ đứng dậy, ngáp một cái rõ dài, rồi đáp:
- Ơn với huệ gì! Tôi cũng bị bệnh như chị nên tôi biết. Qua cơn co thắt động mạch vành là trở lại bình thường. Dìu chị ra ngoài này cho thoáng… Tôi biết chị về Đền từ lúc chiều, mà xem ra chị có vẻ mệt mỏi và nhiều u ẩn quá.
Nghe thầy Thọ nói thế, chị mới vỡ lẽ - Thì ra con người trông vẻ bên ngoài giống cái bánh đùm này không “ngẩn ngẩn ngơ ngơ” như bà bán hương vàng đồ lễ hồi chiều nhận xét.
Chị hỏi:
- Dạ! Hôm nay thầy trực Đền ạ?
Thầy cười:
- Tôi không phải là thầy. Ờ…, mà trước đây tôi cũng có làm, bây giờ thì… thôi. 
Chị cúi đầu, cảm giác người có lỗi:
- Dạ!
Thế rồi, như đang nói chuyện gì đó chưa xong, thầy Thọ nói tiếp:
- Tôi làm nghề dạy học. Về hưu rồi. Những ngày đầu được nghỉ hưu, xa trường xa học sinh. Buồn thật - Chuyển giọng ngậm ngùi, thầy nói tiếp : - Rồi đời lại gặp biết bao tai ương, vận hạn xui xẻo liên tiếp ập đến... Chống chọi với chúng, nhiều khi tưởng vỡ cả tim. Chị biết tôi còn phải biết làm gì hơn nữa? Tôi ra Đền
Thầy chỉ tay về phía chân núi Vọng sương mờ: 
- Nhà tôi ở chân núi kia ! - Thầy buồn bã : - Bên kia cũng có một con đường men theo bờ biển vào Đền. Bốn năm trước, nghe nói có ông quan rất to nào đó ngoài tỉnh về chiếm đất rồi xây bao thành bãi chứa than để bán cho nhà máy nhiệt điện bên khu dự án. Từ đó, than chở về ùn ùn chất cao như núi chắn luôn cửa vào Đền. Cũng từ đó mùa mưa thì bùn than nhảo choẹt, mùa hè thì bụi than tung hoành đến cả thần thánh cũng không buồn về. Tôi sang Đền, nhiều khi cũng không muốn về bên ấy nữa- Rồi thầy bâng khuâng: - Bà bán đồ lễ nói đúng đấy, tôi là Thọ Nghếch như người ta đặt tên cho tôi chứ thầy bà gì đâu!- Thầy lại gật gù, xác nhận: - Có , tôi cũng có mấy ngày được làm thầy giúp lễ. Làm trong Đền, tôi thấy anh em giúp lễ có nhiều người đòi tiền của khách, vòi vĩnh khách nhiều quá. Có khổ đau thì người ta mới đi Đền, lấy của họ làm gì thêm tội chứ! Do tôi ghét anh em ăn tiền Đền nên anh em ăn tiền Đền cũng ghét tôi. Họ đông hơn tôi nên họ đẩy tôi ra ngoài. Mà không sao, bị thu thẻ làm thầy. không được mặc áo dài khăn đóng nhưng ai cần thì tôi cũng sẵn lòng giúp họ…
Ngoài cửa biển, con nước bắt đầu lên. Nước biển dâng, nước hai sông đổ xuống, chúng đối cự nhau, xoắn lấy rồi bật ra tiếng kêu ràn rạt. Chúng làm ầm ĩ thế, nhưng sáng ra sông và biển lại yên bình.
Chị ngồi nghe… và chợt nhận ra- lòng chân thật của thầy lúc này trở thành sức mạnh cứu rỗi cho chị.
Chị thành thật:
- Cuộc đời thầy… giống tiểu thuyết quá. 
Thầy cự lại: 
- Đời tôi là cái gì mà giống tiểu thuyết chứ? Ngồi trước cửa Đền mấy năm nay tôi biết bao nhiêu kiếp người khác còn bi hơn tôi nhiều. Đừng tưởng đời này ai cũng sung sướng. 
Chị kể lại cho thầy, chị thấy những hình ảnh hiện ra trong hoang tưởng làm chị sợ hãi mà ngất đi. Kể cho thầy nghe, chị những muốn thầy giúp làm sao xóa được những ám ảnh ấy.
Nghe xong. Thầy trầm ngâm hồi lâu rồi thủng thỉnh khuyên :
- Chị thấy đấy, những kiếp người ấy họ đều đi ra từ dông bão cả. Vợ chồng thằng Hành- kẻ đeo đuổi hãm hại chị cũng thế. Bây giờ chúng còn lầm lũi bước đi, còn biết toan tính, biết dấu mình, nhưng rồi đến lúc chúng cũng phải gục xuống thôi. “ Sông có khúc, người có lúc”, mà chị. Chắc chúng đi Đền cầu sự an lành, cầu được cứu rỗi, nhưng một ngày nào đó đao búa cuộc đời cũng sẽ nện lên đầu. Ai thoát được đâu. Đương nhiên, kết cục của cuộc đời vợ chồng thằng Hành sẽ khốn quẫn hơn chị. Tôi dám chắc như thế. Sống ở đây, tôi thấy được nhiều số kiếp mà ai cũng nhận là ăn mày cửa Thánh thì trong số kẻ ăn mày đó, có người mới hôm qua về Đền trông như ông tướng thì hôm sau về Đền lại đã là tên tội đồ mạt kiếp. Cứ thế, thanh thản mà sống thôi, chị ạ! 
Con người mà ai cũng xem là “ngẩn ngơ” ấy giúp xóa đi những ám ảnh đầy ma mị từng bám riết trong chị. 

. . . . .
Loading the player...