13-08-2024 - 00:29

Truyện ngắn Bệnh nhân đặc biệt của tác giả Phan Hương

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Truyện ngắn Bệnh nhân đặc biệt của tác giả Phan Hương

Bệnh nhân đặc biệt

 

Đã hai mươi hai giờ đêm, bước ra từ phòng bệnh số 23, trưởng khoa cấp cứu, bệnh viện Huyết học Trung ương Trần Giang Oanh trao đổi với người đi bên cạnh là bác sĩ Trương Bích Hà về tình hình bệnh nhân:

-Thế nào bác sĩ Hà, hôm nay, cậu bé có tâm trạng tốt không?

-Thưa Trưởng khoa Oanh, trông cậu khá lạc quan nhưng mẹ cậu thì có vẻ không ổn tí nào. Mặc dầu em đã nói chuyện để trấn an, nhưng trông cô ấy có vẻ đang lo lắng điều gì đó, hình như đã quá mệt mỏi và muốn bỏ cuộc rồi.

Trưởng khoa Oanh im lặng một lúc rồi dặn bác sĩ Hà:

- Ngày mai sẽ bắt đầu tiến hành hóa trị liệu, sử dụng các thuốc có hoạt tính chống tế bào ung thư. Đây là giai đoạn các tế bào ung thư đang tăng trưởng nhanh nên cách thức này đang là biện pháp hiệu quả nhất. Sáng mai, sau khi em khám lại cho cậu thì nhắn cô ấy lên phòng gặp chị nhé!

-Vâng thưa Trưởng khoa! Nhưng mà với tình trạng của cậu bé thì? - Bác sĩ Hà lưỡng lựa:

- Được rồi, ngày mai gặp mẹ cậu xong, tôi sẽ cho chỉ định thuốc sau, tôi nghĩ, phác đồ điều trị phải dùng cả thuốc truyền và thuốc uống có hoạt tính đè nén tế bào ung thư đang phát triển. Chúng ta đều hi vọng hóa trị liệu sẽ phát huy tác dụng kiểm soát các tế bào ác tính và tiêu diệt chúng, kéo dài thời gian cho người bệnh.

                                                ***

Kể từ ngày biết đứa bé mắc căn bệnh máu trắng, người đàn bà ấy không khỏi đau đớn, xót xa, tìm mọi cách để chữa trị cho con. Hai mẹ con chị đã vào viện không biết bao nhiêu lần, lần này đã được hơn một tuần. Một tuần ở trong viện mà dài như một năm. Ở đây, chị mới chứng kiến được nỗi vất vả, trách nhiệm của biết bao y, bác sĩ cũng như sự đau đớn, dày vò của người bệnh. Sự vật lộn, đấu tranh giữa lằn ranh sinh tử, niềm hi vọng mong manh xen lẫn nỗi thất vọng ê chề. Có người từng nói rằng, những bức tường ở bệnh viện nghe được nhiều lời cầu nguyện hơn ở nhà thờ. Quả đúng là như vậy. Con trai chị cũng nằm trong giới hạn mong manh ấy. Đã vào đây, đa phần là những bệnh nhân hiểm nghèo nên người thân của họ luôn mong muốn cố gắng hết sức dù chỉ còn một phần trăm hi vọng để kéo dài sự sống, họ cũng quyết không từ bỏ. Con người ta ai rồi cũng phải ra đi, có sự ra đi đột ngột, không hề được báo trước. Với những người này, thường sẽ không có khoảng thời gian để đấu tranh, nuối tiếc. Có những người biết mình bị bệnh tật hiểm nghèo, phải chết dần, chết mòn thì niềm ham sống lại càng mãnh liệt. Trời đã sắp sáng, ngoài cánh cửa kia, bao nhiêu ca bệnh tiếp tục được chuyển vào, tiếng rên rĩ, la hét, tiếng còi cấp cứu hỗn tạp. Còn trong cánh cửa của phòng bệnh này, người đàn bà khắc khổ đó vẫn không tài nào chợp mắt nỗi, cô nghĩ quá nhiều về cuộc đời bất hạnh của mình thì ít mà nghĩ về đứa con trai thì nhiều. Thằng bé từ khi sinh ra đã không được bố mẹ ruột chăm sóc rồi lớn lên lại mang bệnh hiểm nghèo. Nếu như được đổi mạng sống của mình để cứu lấy thằng bé, cô cũng sẵn sàng…

 

Bác sĩ Oanh đang ngồi trong phòng làm việc thì nghe có tiếng gõ cửa, cô dừng lại lên tiếng hỏi:

-Ai đó?

-Thưa bác sĩ, tôi là mẹ của Chí Cường đây. Bên ngoài cửa, giọng của một người phụ nữ

- Chị vào đi! Nào ngồi xuống đây - Bác sĩ Oanh nhìn chị vừa chỉ vào chiếc ghế đối diện nói

- Vâng! - Người phụ nữ trạc năm mươi tuổi, khuôn mặt buồn rầu, trả lời một tiếng nhỏ trong cổ họng rồi kéo ghế ngồi song song, mắt nhìn về phía bác sĩ Oanh với vẻ thất thần như thỉnh cầu một sự an ủi nào đó.

- Bác sĩ Oanh cũng nhìn người phụ nữ ngồi trước mặt mình rồi cất tiếng:

- Đêm qua chị không ngủ được ư?

-Vâng, tôi cũng có chợp mặt được tý! - người phụ nữ trả lời

Bác sĩ Oanh nhìn chị một cách thương cảm rồi nói: Chị phải kiên cường lên để đồng hành cùng cháu chặng đường tiếp theo. Đến nay, con chị đã bước sang giai đoạn phải sử dụng đến các chế phẩm máu để bổ túc suy tuỷ do thuốc. Chúng tôi cũng đang cân nhắc sử dụng một kháng sinh mạnh điều trị nhiễm trùng. Tôi mong chị và cháu hợp tác chuẩn bị cho giai đoạn xạ trị. Việc kéo dài thời gian cho cháu trước khi tìm được người hiến tủy ghép tế bào gốc tạo máu lúc này là vô cùng quan trọng.

- Bác sĩ Oanh à, cảm ơn nỗ lực của bệnh viện nhưng quả thật, nhiều lúc tôi thấy vô cùng bất lực. Tôi vẫn thường nghĩ, nếu còn một tia hi vọng, tôi sẽ cố gắng để cứu con trai nhưng giờ đây thấy sức khỏe thằng bé tiến triển xấu, thời gian không còn nhiều mà tôi vẫn không tìm được người ghép tủy phù hợp cho nó. - Người phụ nữ nhìn bác sĩ rồi nấc lên từng tiếng trong cổ họng. Thấy chị xúc động, bác sĩ Oanh rót một cốc nước đưa cho chị.

Như được an ủi phần nào, toàn thân chị run rẩy, tiếp tục kể:

- Thời gian qua, tôi đã ra sức tìm người thân, cha mẹ ruột của nó nhưng vẫn không có manh mối nào. Hồi đó, vợ chồng tôi cưới nhau năm năm mà vẫn không có con. Chúng tôi đã đi hết chổ này, chổ nọ để cấy ghép, thân thể tôi đã chịu bao đau đớn, tốn bao nhiêu tiền của, bỏ giở công việc để tìm con nhưng vẫn không thành. Rồi một ngày, có một người bà con trong họ đã đưa thằng bé đến nhà nói là bố mẹ nó đã qua đời. Tôi đã chào đón nó như một định mệnh. Nhìn nó bé bỏng như viên kẹo nhưng trông đôi mắt rất nhanh nhẹn, kiên cường. Tôi đã đặt tên nó là Chí Cường. Kể từ khi có thằng bé, chúng tôi không tơ tưởng gì đến việc mang thai nữa. Nó là tất cả niềm vui, hạnh phúc, tự hào của vợ chồng tôi. Chúng tôi giành hết yêu thương, xem thằng bé như một món quà quý giá mà ông trời đã ban tặng. Nó thông minh, nhanh nhẹn và rất hiểu chuyện. Dù thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ ruột nhưng chúng tôi đã bù đắp cho nó bằng tất cả tình thương, trách nhiệm… Tôi thật, không hiểu sao thằng bé lại ra nông nổi này. - Người đàn bà đó cứ thế kể câu chuyện cách đây mười lăm năm về việc nhận con nuôi trong một hoàn cảnh vô cùng đáng thương.

Câu chuyện người phụ nữ vừa kể khiến trưởng khoa Oanh nhớ về hồi ức cũ, khuôn mặt cô hơi chùng xuống.

Mười mấy năm về trước, ở làng quê của một xã miền núi ở vùng phía Bắc có một vụ cháy trong một căn nhà gỗ và một đứa trẻ mới chào đời đã bị mất tích. Lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra tìm ra nguyên nhân nhưng không có tung tích của đứa bé. Mẹ đứa trẻ vốn là một sinh viên sống ở thành phố lớn. Giữa cái tuổi ngoài hai mươi đẹp nhất của đời người với bao mơ ước, hoài bão, cô đã đem lòng hò hẹn với chàng trai trước khóa, cùng trường. Tình yêu tuổi thanh tân đầy hứa hẹn, nhiều mộng ước. Nhưng sự cả tin, dâng hiến của người con gái lại không được đền đáp như kì vọng. Ngươi đàn ông ấy không đủ bản lĩnh để bảo vệ và giữ được cô bởi những tham vọng khác. Đến chúa cũng sinh ra từ giọt máu thì con người làm sao rạch ròi được với những cám dỗ, mơ ước danh vọng kim tiền. Người đàn ông nào rồi cũng đặt sự nghiệp lên trên, hơn nữa anh ta lại là người tài giỏi, đầy triển vọng. Khi cô báo tin đã mang trong mình giọt máu của anh thì anh khuyên cô hãy từ bỏ đứa con để không ảnh hưởng đến việc học hành dang dở của của cả hai.

Sự tuyệt vọng giáng xuống cô gái vốn chưa vương vấn toan tính đến chuyện đời. Cô giấu biệt tăm thân phận cha đứa bé âm thầm chịu đựng những hình phạt của người thân. Mẹ cô cũng không muốn nhìn thấy cuộc đời con gái bị hủy hoại mà dùng đủ lí lẽ khuyên can: “Sự nghiệp của con còn ở phía trước. Con nói đi, hoặc mẹ sẽ bắt cậu ta phải chịu trách nhiệm, hoặc con phải từ bỏ... Con tưởng mẹ không đau lòng sao nhưng con còn phải bước tiếp?”. Những lời của mẹ như những nhát dao vạch vào tim…  Những lúc ngồi một mình đẫm trong nước mắt, cô cảm nhận cơ thể mình đang từ từ biến đổi. Mầm sống đang cựa quậy, quẫy đạp, thét gào. Cô quỳ xuống van xin. Cuối cùng, mẹ cô đã phải đưa cô đến một miền quê xa xôi để sinh con, tránh đi bao dị nghị, điều tiếng của người đời. Vào một đêm hè, lửa hừng hực một góc trời. Những tiếng hô yếu ớt. Tiếng khóc của một mầm sống vừa chào đời vang lên đanh thép. Người đàn bà vừa qua cơn vượt cạn tóc tai bê bết mồ hôi. Tiếng nổ phùn phụt từ đám cháy và cái nóng thiêu đốt, mùi khói, mùi người… như vắt hết những tàn lực cuối cùng của một thân thể yếu ớt vừa lột xác. Người phụ nữ vừa vượt cạn ngất lịm, rồi chìm trong chiêm bao. Lửa vẫn vây quanh rần rật. Bàn tay cô chới với theo tiếng khóc của đứa trẻ trong bất lực… Cho đến khi tỉnh dậy, cô đã ở trên giường bệnh tinh tươm sạch sẽ, mang trên người đủ thứ dây chằng chịt nhưng sợi dây kết nối với giọt máu của mình thì không tung tích dấu vết... Kí ức buồn ấy luôn gim trong đáy lòng mà mỗi lần nghĩ đến cô không kìm được nước mắt.

Sau những mất mát nguôi ngoai, cô được mẹ đưa trở về trường và tìm kiếm cơ hội học tiếp ở nước ngoài. Sáu năm sau, cô trở về nước với tấm bằng tiến sĩ, được bổ nhiệm làm phó ở một khoa quan trọng của bệnh viện Huyết học. Cô chính là bác sĩ Giang Oanh...

 

Câu chuyện lúc sáng của người mẹ bệnh nhân nhỏ tuổi ấy vẫn ám gợi trong tâm trí bác sĩ Oanh. Như sực nhớ điều gì, bác sĩ Oanh gọi cho bác sỹ Hà: “Em đưa hộ chị hồ sơ bệnh án của Chí Cường nhé”... Cô lật giở từng trang rồi dừng ánh mắt trên chữ năm sinh. Thằng bé cũng trạc tuổi đó. Cô gấp hồ sơ bệnh án lại trong nỗi bần thần, xếp lên bàn rồi tan ca.

Hôm nay, cô về nhà sớm chuẩn bị bữa tối cho gia đình khi nhận được tin chuyến công tác của anh vừa kết thúc. Những ngày tan ca sớm của bác sĩ thường rất hiếm hoi vì áp lực công việc chất cao như núi. Khi tất cả những món ăn đã được bày sẵn trên bàn thì chuông điện thoại reo. Là anh, anh báo tin đã xuống sân bay nhưng phải tiếp khách nên không thể ăn tối ở nhà. Giọng anh tha thiết nhưng sắc lẹm như lưỡi dao thách thức những hi vọng đang dồn nén níu kéo cuộc hôn nhân của họ. Nhưng tấm gương rạn vỡ đâu dễ lắp ghép lại như ban đầu. Năm đó, khép lại quá khứ, theo sự sắp đặt của bố mẹ, cô đồng ý kết hôn với người đàn ông tài giỏi trình độ học vấn cao, thành đạt. Gia đình cô là niềm ngưỡng mộ của không biết bao người. Dù cả hai giành trọn tình yêu thương cho con gái nhưng dường như ý nghĩ, mong ước của họ lại như hai đường thẳng song song. Những chuyện xưa vẫn luôn đè nặng tâm trí, cộng với áp lực công việc tạo cho cô một vẻ ngoài lạnh lùng khó hiểu. Thái độ đó làm anh luôn có cảm giác ở bên một phụ nữ xinh đẹp, bao người ngưỡng mộ nhưng không thể nào chiếm lĩnh được trái tim. Hố sâu ngăn cách hai người ngày càng lớn, càng tỏ ra tự nhiên lại bộc lộ sự khiên cưỡng.

Đã bao nhiêu năm gắn bó từ phó khoa, rồi đến trưởng khoa trong bệnh viện này, cô chứng kiến không biết bao nhiêu sự đau đớn của bệnh nhân, có cả thái độ phản ứng của người nhà. Cô luôn nghiêm khắc ghi nhớ, nhắc nhở bản thân, đồng nghiệp rằng sai sót của những ngành nghề khác có thể cứu vãn nhưng sai sót vì thiếu lương tâm, trách nhiệm của một bác sĩ thì phải đổi bằng mạng sống của một con người. Bao năm gắn bó, cô chứng kiến rất nhiều sự đau đớn, mất mát của bệnh nhân nhưng không hiểu sao, hình ảnh lạc quan của cậu bé bên cạnh nỗi tuyệt vọng của người mẹ luôn ẩn hiện khơi gợi day dứt về quá khứ. Cứ sáng sáng đến bệnh viện, cô lại có một thói quen đến thăm, trò chuyện với cậu bé.

-Bác sĩ ơi, có phải bệnh của cháu không chữa được đúng không ạ?Cậu bé hỏi cô

-Sao cháu lại nói như vậy? - Bác sĩ Giang Oanh đáp:

- Đêm qua cháu mơ thấy một người mặt mũi lạ hoắc dắt cháu đi đến một nơi rất xa mà cháu chưa đến, có phải đó là thiên đường không cô, cháu thấy ở đó cỏ rất êm, trời rất trong, gió rất mát nữa, nơi đó cháu không phải chịu đau đớn nữa.

  - Đó chỉ là giấc mơ thôi mà, cô và các bác sĩ, mẹ cháu đang nỗ lực để chữa bệnh cho cháu đó, cháu phải có niềm tin chứ? Nếu cháu cứ thế mọi người sẽ rất buồn đó cháu biết không?

          - À, cô ơi, cô có điều ước gì không?

- Có chứ, cuộc sống nhiều khi nó không hoàn hảo như mong muốn suy nghĩ của chúng ta nên ai mà chẳng có điều ước để mong mọi thứ diễn ra như ước muốn chứ

- Cô nói sai rồi, à quên, chỉ đúng một phần, điều ước tức là chỉ có một duy nhất thôi, gọi là giấc mơ lớn của cuộc đời đó

-Vậy à! thế giấc mơ cuộc đời của cháu là gì thế, có thể tiết lộ cho cô biết không?

- Cháu mơ, cháu được gặp lại bố mẹ ruột đó, nhưng không được cô à, vì mẹ cháu nói, họ đã đi xa rồi?

- Bởi thế giấc mơ là cái người ta luôn theo đuổi đó cháu, nào, bây giờ cháu nghỉ ngơi nhé, cô sẽ nói chuyện với cháu sau…

Mỗi lần trò chuyện, bác sĩ Oanh luôn cảm thấy thoải mái, cậu bé luôn khơi gợi nhu cầu chia sẽ. Bởi thế, cô thực sự có sự quan tâm đặc biệt đến cậu bé này. Nhìn vào ánh mắt ngoan cường của nó, cô thấy phấn chấn, muốn làm điều gì đó bù đắp cho sự thiệt thòi của nó. Đang đuổi theo những suy tưởng ấy, cô quên mất hôm nay vừa nhận được lá thư của một người bác họ ở xa chưa kịp đọc. Cầm bức thư nhạt nhòe mực, bao kí ức về vụ cháy năm nào hiện lên, tiếng khóc, tiếng nổ. Lửa hừng hừng, ngột ngạt. Cô lặng một lúc rồi giở bức thư ra đọc ngấu nghiến từng chữ: “Oanh ơi! Hãy tha lỗi cho bác, bức thư này, bác viết cho cháu kể từ khi bác đổ bệnh mà giờ bác mới đủ can đảm để gửi cho cháu… Năm đó, mọi người vì không muốn thấy sự nghiệp, tương lai của cháu dở dang mà đã bắt bác phải giấu điều này. Vụ cháy không hoàn toàn vô tình mà đã có tính toán trước. Bác không mong cháu tha thứ. Bác từng hứa với bà cháu sẽ chôn chặt bí mật này. Giờ thì bà cháu đã khuất núi, nếu bác không nói ra điều này mà cũng lặng lẽ ra đi thì thật có lỗi với cháu và đứa con của cháu. Bác biết bệnh tình bác ngày càng trở nên trầm trọng. Bác đã sống trong ân hận day dứt và muốn cái chết đến với mình sớm hơn và cứ nghĩ đó là sự trừng phạt của ông trời giành cho mình. Bác càng oán hận, trách cứ bản thân bao nhiêu, càng thương cháu bấy nhiêu. Bao nhiêu lần, bác gọi điện để định nói cho cháu nhưng giờ gia đình cháu đang hạnh phúc, công việc tốt, bác sợ kí ức cũ ảnh hưởng đến hiện tại. Bác đã từng trấn an bản thân mình như thế. Cho đến khi cận kề cái chết, mới nghĩ không thể nhắm mắt ra đi khi sự thật chưa được giải bày. Bác không mong nhận được từ cháu bất cứ sự tha thứ nào….  Bác muốn nói với cháu một điều nữa là gần đây, có người đã đi tìm manh mối về người thân của thằng bé, hình như nó có vấn đề về sức khỏe. Bác trằn trọc nhiều đêm, không dám đối mặt với sự thật. Bác không còn thời gian nên đã hỏi địa chỉ của bố mẹ nuôi của nó dưới bức thư này, coi như đây là việc cuối cùng, bác có thể làm cho cháu. Tha lỗi cho bác. Bác cầu mong mẹ con cháu sớm được gặp lại nhau…”

Những giọt nước mắt nhạt nhòe và tiếng nấc nghẹn ngào khiến cô gục xuống bàn. Cô không tin vào cảm giác của mình. Tại sao, những người thân lại giấu cô những sự việc đau lòng đến thế. Họ tách rời tình mẫu tử để nghĩ cho tương lai mà không biết rằng, bao nhiêu năm qua, kể từ cái đêm lửa cháy ấy, cô đã phát điên, cô đã rơi vào trầm cảm, cô đã sống một cuộc sống vô cùng đơn độc, tâm hồn và trái tim vỡ vụn. Nỗi đau thứ nhất trong cuộc đời là từ khi người đàn ông kia rời bỏ cô, rồi nỗi đau thứ hai đó là mất con. Mọi thứ đã sụp đổ, cô lao vào học, làm việc như một cái xác không hồn. Vỏ bọc bên ngoài vẫn tồn tại, hào nhoáng, đẹp đẽ nhưng bên trong như thớ gỗ bị mối mọt đục dần.

Ngay đây, khi biết sự thật này, cô càng thấy vô cùng hoang mang, sợ hãi. Cô không còn chút sức lực để đứng dậy. Cô phải đối diện với nó sao đây, đứa trẻ liệu có muốn nhận lại cô. Dù một phút thoáng nghĩ đến gia đình hiện tại, đến vị trí đang có… nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Đứa con bao nhiêu năm cô mong nhớ, sẽ là nút thắt giải tỏa bao nhiêu sự bí bách, cho cô có cơ hội bù đắp, được trở lại chính mình mới là điều quan trọng. Chút bình tĩnh, cô liếc nhìn địa chỉ của đứa trẻ, rồi đọc đi đọc lại. Cô suy nghĩ miên man một lúc. Địa chỉ này, cô nghe rất quen, hình như… cô vẫn chưa nghĩ ra.

Cô gọi bác sĩ Hà đến phòng làm việc trao đổi chút việc:

-“Bác sĩ Hà! những ngày sắp tới, tôi đi vắng, có việc gì, cô cứ gọi xin ý kiến nhé”.

-Vâng, chị cứ giải quyết việc của mình, nhớ chăm sóc tốt bản thân. Chị ạ, hai mẹ con cậu bé xin xuất viện mấy hôm về quê. Thằng bé muốn được hít thở không khí bên ngoài, thăm lại một số bạn bè, người thân trước khi phải điều trị ở buồng bệnh vô trùng. Sắp tới là những ngày vô cùng đau đớn, hi vọng đang tắt dần trên ánh mắt nó. Nếu không tìm được người ghép tủy phù hợp thì coi như đó là số phận, thật đáng tiếc. Một đứa trẻ thông minh và rất tình cảm...

- Bác sĩ Oanh lặng đi một lúc rồi như nhớ ra điều gì, à, bác sĩ Hà này, trước đây, cô nói thằng bé và mẹ nuôi của nó quê đâu?

 

Vừa nghe bác sĩ Hà nói về địa chỉ của đứa bé, cô phải kìm nén một phút vì không tin vào tai mình. Sau khi xâu chuỗi lại mọi chuyện, nhất là câu chuyện về vụ hỏa hoạn mà mẹ cậu bé từng kể. Không thể nào như thế được. Sau khi bác sĩ Hà ra khỏi phòng, cô tức tốc lên xe phóng đi rất nhanh.

 Căn nhà nơi con đường được người ta chỉ cho cô ở cuối thôn, một ngôi nhà không quá rộng rãi, có khu vườn nhỏ có chiếc cổng xinh xinh với hàng hoa giấy nở rộ xuyên qua lớp nắng vàng. Thời tiết ở vùng nông thôn rất dễ chịu. Cô đứng trước cổng, định gọi nhưng định thần một phút để lấy lại bình tĩnh. Cô nhìn qua khuôn cửa thấy họ đang nói chuyện gì đó rất vui. Hai mẹ con phá lên cười. Khuôn mặt thằng bé rộc đi nhiều. Dáng người cao lêu khêu, dúm dó, quặt quẹo không giống với một cậu bé mười lăm đang tuổi lớn. Duy chỉ có đôi mắt là sáng và thẳm sâu, đầy nội tâm. Cả thế giới rộng lớn, gợi mở sự khám phá, đầy khao khát sống của lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời ngập chìm trong đôi mắt ấy...

Thì ra, mẹ con của họ cũng nhận được một tin báo là sắp tới sẽ có người tìm đến, khi bí mật về vụ cháy năm xưa được tiết lộ nên bà muốn về nhà gấp để không bỏ lỡ cơ hội tìm lại mẹ ruột cho cậu.  

-Mẹ ơi, hình như có ai ngoài cửa - Chí Cường vừa chỉ ra cửa vừa nói

-Ừ, để mẹ ra xem. Người đàn bà đứng dậy, bước nhanh, vừa lên tiếng hỏi rồi mở cửa ra?

-Ôi, Trưởng khoa Oanh, sao lại biết nhà tôi ở đây?nào, chị vào đây!

Bác sĩ Giang Oanh rất xúc động khi gặp thằng bé, trên đường đến đây, chị đã suy nghĩ rất nhiều, chị chẳng biết phải làm sao, phải kiềm chế cảm xúc của mình như thế nào. Chị phải đấu tranh với chính mình từng phút, từng giây khi gặp lại hai mẹ con họ. Chị chỉ muốn dồn tâm trí, sức lực để bằng mọi cách chữa trị cho thằng bé… Những cảm xúc, những khao khát của người mẹ, bao nỗi nhớ khôn nguôi của tình mẫu tử đành gạt sang một bên để nhường chổ cho sự bình tĩnh xử trí mọi việc xong xuôi. Điều này rất khó với một con người nhưng với tư cách một bác sĩ, chị làm được.

- Chị Châu à, tôi đã tìm được người ghép tủy cho cháu, chị với cháu sắp xếp, tôi sẽ đón hai mẹ con chị trở lại viện luôn nhé. - Bác sĩ Oanh trả lời vội vã.

- Chỉ cần tin báo là được, sao bác sĩ có thể cất công đến đây tìm chúng tôi, bác sĩ thật là tốt! -  Mẹ Chí Cường không giấu được vui mừng, khuôn mặt rạng rỡ hẳn. Một tia hi vọng lóa sáng xoa tan những ngày u tối chất chứa bấy lâu trong tâm hồn.

- Tôi, tôi… chúng ta không còn thời gian nữa, chị và cháu thu xếp để chúng ta cùng đi….

 

Dù đã thấy thằng bé bằng xương, bằng thịt, cô muốn được ôm nó vào lòng nhưng cô không thể nào đối mặt với nó, ngày nào cô cũng đến thăm và lặng nhìn nó từ phía ngoài của buồng bệnh vô trùng. Kể từ khi biết có người sẽ ghép tủy phù hợp, tinh thần cậu bé có phần tốt hơn nhưng nó vẫn luôn hoài nghi, vẫn luôn nghĩ ngợi về sự săn sóc của bác sĩ Oanh với nó gần đây....

 

Trong căn phòng nhỏ của một nhà hàng, bác sĩ Oanh vừa gắp thức ăn cho người phụ nữ đối diện, vừa xúc động mở lời.

Trước khi gặp chị và cháu, tôi đã làm các xét nghiệm. Ghép tế bào gốc tạo máu được coi là phương thức có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, tế bào gốc của tôi hoàn toàn tương thích với cháu, tôi cũng đã nhờ những chuyên gia giỏi nhất về lĩnh vực này để tiến hành ca cấy ghép này. Tỉ lệ thành công của phương pháp này rất cao, các chuyên gia cũng dự liệu trước để xử lí những nguy cơ, tác dụng phụ trong quá trình ghép, chị cứ yên tâm. Chắc chị cũng đoán được vì sao tôi hẹn chị ra đây đúng không? Điều tôi sắp nói với chị, tôi cũng vừa mới biết. Tôi thực sự không thể hình dung được, dù sao tôi cũng may mắn đã gặp chị và cháu. Kể từ vụ hỏa hoạn…

Bác sĩ, vụ hỏa hoạn đó…?

Tôi chính là..., chị tin không? Vừa nói, bác sĩ Giang Oanh không giấu được xúc động và những giọt nước mắt lăn dài. Cả hai ôm lấy nhau trong giây phút nghẹn ngào. Bác sĩ Oanh nấc lên thành tiếng. Còn người phụ nữ mừng rỡ trấn an:

 - Chị hãy khóc đi, thật là may, hai mẹ con chị đã được gặp nhau. Tôi đã có thêm niềm hi vọng và quan trọng Chí Cường thỏa mong ước tìm được mẹ. Bác sĩ, cô biết không, thằng bé nói với tôi, nó luôn mong muốn tìm được mẹ ruột của mình, nó luôn tưởng tượng và viết những dòng xúc động về người mẹ đã mang nặng, đẻ đau sinh ra nó trong nhật kí, trong những bức tranh. Nhiều đêm, tôi thấy nó bần thần suy nghĩ. Tôi thấy thương nó vô cùng nhưng không làm gì được. Kể từ khi ba nó qua đời, tôi quyết định để cho nó biết sự thật, nó không phải là con ruột của chúng tôi, sự thật đau lòng thật đấy nhưng dù sao nó cũng tốt hơn lời nói dối. Với lại, bệnh tật và nhận thức của nó thì một ngày nào đó, chúng tôi cũng không giấu được. Khi nghe xong, tôi tưởng thằng bé giận chúng tôi, giận mẹ ruột nó lắm nhưng không, thằng bé có trái tim rất hiền hòa. Nó còn nói, tưởng con đã chết vì vụ cháy năm đó chắc mẹ con đau lòng lắm nhỉ. Tôi chỉ im lặng chìm trong dòng suy tư của nó.

Bác sĩ Oanh gật đầu, đồng cảm:

- Chị bảo bây giờ tôi làm sao gặp và đối mặt với nó đây, tôi thấy mình không có chút sức lực, dũng khí nào nữa. Bao nhiêu năm, tôi là bác sĩ đối mặt với không biết bao ca bệnh nguy hiểm, tôi chưa bao giờ chùn bước nhưng sao nghĩ tới thằng bé, tôi rất sợ…

          Trước ngày bác sĩ Giang Oanh chuẩn bị ghép tủy, Chí Cường yêu cầu được gặp người hiến tủy cho mình. Họ nói với nhau qua máy nghe và chỉ nhìn nhau qua cửa kính nhưng trái tim cô đã thực sự ở bên con không thể xa rời… Bao nhiêu năm trời đằng đẵng tưởng đã vĩnh viễn không còn được gặp lại đứa con này của cô thì nay đứa con ấy lại xuất hiện bất ngờ…  nhưng mẹ con chị lại nhận nhau trong một hoàn cảnh cực kỳ bi đát, ngăn cách.

 

-Mẹ, mẹ là mẹ của con phải không? Sao mẹ không nhận con từ cái hôm mẹ về quê đón con, mẹ có biết con rất nhớ bác sĩ Oanh không? Con sắp là trở thành người đàn ông, từ nay, con sẽ bù đắp và xoa dịu những gánh nặng trong lòng mẹ. Con đã nghe mẹ con kể rồi, suốt bao nhiêu năm trời, mẹ phải chịu nỗi đau này sao, con không hề oán trách mà còn rất thương mẹ. Mẹ cũng sắp phải làm phẩu thuật để cứu con nữa, con hi vọng, mẹ và con đều được bình an.

Nghe những lời này, bác sĩ Giang Oanh thực sự xúc động. Đây là những lời của đứa con trai thất lạc bấy lâu của cô sao, cô thực sự không tin vào tai mình nữa. Những suy nghĩ, cảm giác sợ hãi phải đối mặt với đứa con như đám mây mờ ảo được xé toạc. Cô thầm cảm ơn người mẹ nuôi đã dạy dỗ tốt để đứa con cô dù tuổi đời chưa phải là lớn có thể nhận thức và hiểu về lẽ đời một cách thấu suốt như vậy. Những ẩn ức trong lòng cô được gỡ bỏ. Trái tim cô như được hồi sinh trở lại sau bao ngày sống trong giông bão, đau buồn, uất hận, day dứt. Đúng là mọi sự gặp gỡ trên đời nhiều khi là định mệnh, là trò chơi của tạo hóa. Ở cô và nó từ những giây phút đầu tiên khi nó bước vào bệnh viện này, những cuộc trò chuyện ngắn…bức tranh và lời tâm sự của nó về giấc mơ… tất cả hiện ra giống như một sự sắp đặt. Cô xâu chuỗi tất cả và ngẫm nghĩ lại, trong mối quan hệ tình thân luôn có một sự giao cảm đặc biệt. Đó là sợi dây vô hình, mong manh nhưng lại là đầu mối của mọi lằn ranh cảm xúc.  

Ca ghép tủy của hai mẹ con đều thành công ngoài mong đợi, sức khỏe của thằng bé tiến triển rất nhanh, các tác dụng phụ đều được xử lí. Tất cả những người trong khoa đều đã biết chuyện và đến động viên cô. Con gái cô đã nghe câu chuyện của mẹ và nằng nằng muốn mẹ đón anh trai về nhà. Giữa lúc đó thì chồng cô báo tin là đã liên hệ và chuyển công tác ra nước ngoài... Phải rồi, những gì xẩy ra trong quá khứ, cũng không phải là lỗi của cô. Cô chỉ muốn chôn vùi nó, không muốn những cảm xúc đau buồn ảnh hưởng đến hiện tại nên không bao giờ cô mở lời được với chồng mình. Lỗi của cô chính là cố gắng xây đắp một gia đình hoàn mỹ một cách gắng gượng mà không quan tâm xử lí những mâu thuẫn nhỏ, để cho chúng lớn dần và bọc chúng một cách kĩ càng. Cũng như một con người, nếu thực sự cơ thể đã quá yếu ớt mà vẫn tự huyễn hoặc bản thân thì một ngày nào đó nó sẽ vỡ nát không còn cách cứu chữa. Mặc dầu anh ra đi nhưng cô thấy rất thanh thản, cô cảm thấy mình không phải gắng gượng vì cái ngụy trang bề ngoài mà cả hai phải tạo ra nữa. Điều quan trọng mà cô tìm lại là chăm lo, bù đắp cho đứa con trai thiếu tình mẹ bao năm một sức khỏe thật tốt. Sau khi xuất viện, cô muốn đón hai mẹ con Chí Cường về nhà ở cùng mẹ con cô. Hai mẹ con Chí Cường chỉ sống ở nhà cô một thời gian khi sức khỏe ổn định rồi quê.

                                              ***

Dù rất thương nhớ con nhưng cô tôn trọng quyết định của nó và thấy trong lòng mình rất thoải mái.

-Mẹ ạ, cảm ơn mẹ đã mang đến sự sống cho con lần thứ hai, con rất yêu thương những người mẹ của con. Có phải sự xuất hiện của con làm cuộc hôn nhân của mẹ bị phá vỡ không? – Chí Cường nắm lấy tay mẹ với cử chỉ gần gũi, yêu thương nói chuyện như một người đàn ông chững chạc.

          -  Không, không phải đâu con, chuyện của người lớn nhiều khi rất phức tạp, có những cái nó xuất hiện đường đột, nhưng cũng có những cái nó đã có mầm mống từ lâu, con không phải bận tâm chuyện này. Dù con quyết định ở với mẹ hay không cũng không ảnh hưởng đến việc việc mẹ hàn gắn gia đình này. Nhưng mẹ thấy đây là lựa chọn rất đúng đắn, mẹ sẽ sống thật tốt, đúng với suy nghĩ của chính bản thân mình, sẽ tạo ra một trạng thái hoàn toàn mới về mặt tinh thần, làm những việc mình thích bằng lí trí và trái tim mách bảo mà không lo lắng phải quá cầu toàn, phải vừa lòng ai. Con hãy sống thật tốt, mẹ và em gái sẽ thường xuyên về thăm con.

 

Họ ôm nhau lần cuối và vẫy tay tạm biệt trong một chiều trời nhạt nắng…. 

 

                                                                              Phan Hương

 

                                                                                         

 

. . . . .
Loading the player...