Lúc còn trẻ không biết, cứ nghĩ rằng chỉ một chút thương tổn thôi là bản thân cũng sẽ không chịu đựng nổi. Sau khi đã trải qua mưa gió nhấp nhô trong cuộc sống, mới biết qua những ngày tháng dài đằng đẳng của một kiếp người thì không có gì là không tha thứ, không có gì là không thể buông tay ( Diệp Lạc Vô Tâm). Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Buông của tác giả Ngân Kim.
- Giấc mơ bắt đầu từ đâu? – Con gái hỏi.
- Mẹ không biết.
Nàng ậm ờ cho qua chuyện. Thiệt tình nàng không biết dù đêm nào nó cũng ghé thăm vài ba bận. Có một dạo nàng sợ những giấc mơ, thế là đêm cứ trừng mắt nhìn trần nhà, rồi giấc ngủ tự đến lúc nào chả rõ, mơ lại ghé thăm.
Cơn mơ không êm đềm như gió đêm mùa hạ ve vuốt làn da cho dễ chịu, cơn mơ như ngọn gió bấc ào ào cuốn thốc. Bao giờ cũng là tiếng thét và nàng giật mình tỉnh dậy, lưng áo ướt đẫm như có ai chơi khăm xối nước vào. Một nửa giường trống rỗng, mát lạnh hơi đêm. Nhà có hai mẹ con ngủ hai phòng. Con bé đã quen ngủ riêng từ dạo anh còn ở đây, giờ chẳng chịu ngủ chung với ai nữa. Thành ra nhiều đêm đông lạnh giá, thèm hơi ấm, thèm gác chân lên ai đó nàng lại mò sang giường con gái. Bao giờ giật mình tỉnh giấc nó cũng đuổi mẹ đi. Nàng đành nằm chờ sáng với những phép tính chi tiêu hàng ngày. Nó thành nếp quen, giúp nàng cân đối được khoản tiền lương ít ỏi, dành dư được dăm đồng phòng hờ gặp bất trắc.
Hồi còn anh, nàng chẳng bao giờ phải lẩm nhẩm tính toán chi cho mệt. Lương anh không nhiều nhưng đủ gia đình nhỏ dùng trong một tháng không phải quá tằn tiện. Bởi vậy “cả chục năm ở chung hai vợ chồng không dư được khoản nào”. Mẹ chồng hơn một lần gằn câu nói đó mỗi khi nàng về phụ làm đám giỗ ba chồng, trước mặt bao nhiêu người bà con, có cả cô em bạn dâu.
Nàng nín nhịn hiểu đó là sự so sánh ngầm vợ của hai thằng con trai, là bôi nhọ trắng trợn cô dâu trưởng vụng về. Lần đầu chịu trận nàng về hờn khóc với chồng. Anh an ủi thôi người già chấp chi, miễn sao vợ chồng hạnh phúc là được. Vậy mà cuối cùng anh lại chấp nhất người già bỏ hai mẹ con nàng ở lại. Từ đó giấc mơ hay ghé mỗi đêm, lặp đi lặp lại mãi một ảnh hình hệt như ai đó cố tình cài vào bộ nhớ. Bao giờ cũng là một kẻ bịt mặt kín mít đến, đè nàng xuống cắt đi thứ quý giá của người đàn bà. Bao giờ hắn cũng dí chiến lợi phẩm sát mặt nàng gằn từng tiếng “không đẻ được nữa đâu” rồi cười phá lên điên dại. Nàng nhìn hắn bất lực và nhìn khoang bụng banh ra hốt hoảng. Đến lần thứ mười mấy gặp lại, nàng chợt nhận ra sao giọng hắn hao hao giọng mẹ chồng lúc gằn từng tiếng.
* * * * *
-Không có con nối dõi thì bỏ đi chớ ở chi nữa?
Nàng loáng thoáng nghe được cuộc chuyện trò của hai mẹ con. Họ tưởng nàng chưa tỉnh. Có ai lại tỉnh nhanh vậy sau cuộc phẫu thuật? Đôi lần nàng ước mình đừng tỉnh sớm làm chi để khỏi phải nghe những điều oan nghiệt. Từng lời mẹ chồng là từng mũi dao bén ngót xuyên qua tim. Nàng thiệt sự là con vợ tồi đến vậy sao? Đau lòng hơn nữa chồng chỉ phản ứng yếu ớt, kiểu trong đã xuôi nhưng ngoài mặt vẫn ậm ờ. Tiếng anh nhỏ xíu, gió từ cây quạt trần thổi qua cái đã biến đâu mất chẳng lọt vào tai nàng chữ nào. Thành ra thanh âm từ mẹ chồng đập rầm rầm vào màng nhĩ, dội vào khối óc còn luẩn quẩn hơi thuốc mê, mắc kẹt trong đó. Có thể đó là nguyên nhân kẻ đánh cắp trứng có tiếng nói the thé giống bà.
Bác sĩ bảo vết mổ sao lâu lành, chắc do bệnh nhân quá yếu. Nàng chẳng thể nuốt nổi thứ gì, ý nghĩ chồng đã viết sẵn tờ đơn chỉ đợi nàng xuất viện ký vào áng ngự trước mặt hỏi sao mà nuốt trôi thứ gì được. Nàng gần như tuyệt thực. Nàng khao khát được chết, mãnh liệt đến độ những giọt nước mắt nhòe nhoẹt khuôn mặt của mẹ cũng không cuốn trôi được.
Họ chắc cũng mong nàng chết lắm. Nàng nhận ra chút tự đắc trong ánh mắt mẹ chồng khi ghé thăm thấy nàng chỉ thoi thóp thở. Mấy ngày nay bác sĩ phải thông ống vào dạ dày truyền thức ăn. Bàn tay, bàn chân, cả cơ thể chẳng thể động đậy. Cả cái miệng cũng tắt tiếng từ hồi nào chả rõ, duy chỉ đôi mắt còn mở. Nàng muốn xem họ diễn trò gì vào phút cuối, có thể họ sẽ lén rút ống dẫn để nàng chết đói. Sẽ chẳng ai biết. Chồng sẽ rảnh rang tìm người sanh cho mẹ chồng một đứa cháu đích tôn kháu khỉnh. Ờ, sống chi để ngáng chân người ta, thà ra đi để khỏi đau lòng…
Đúng giây phút nàng quyết định nhắm mắt mãi mãi thì tai nghe gọi giật “Mẹ………!”. Tiếng con bé như luồng điện cao áp khiến toàn thân nàng giật lên rồi bừng tỉnh. Nó khóc ré gọi nàng dậy cho bằng được. Suýt nữa nàng quên mất có một người rất cần mình. Suýt nữa nàng quên mất bổn phận của một người mẹ. Sao nàng lại nhẫn tâm quên béng nó đi mà chỉ chăm chăm lo nhìn họ. Nó sẽ ra sao nếu nàng ra đi, liệu mẹ kế và cha có yêu thương hay lại hành hạ như những đứa trẻ trên mặt báo hàng ngày nàng thấy?
“Mẹ! Mẹ ơi cứu con!”
Âm thanh vang lên mỗi khi nàng định nhắm mắt. Nàng không buông xuôi nữa. Dù cả thế giới này không cần nàng thì còn con bé, nó rất cần nàng. Dù nàng vô ích với tất cả mọi người nhưng với nó lại rất hữu ích. Nàng phải mở mắt để đối diện, dù sự thật có khốc liệt đến đâu đi nữa.
Một tuần sau nàng xuất viện. Con mắt của mẹ chồng ánh lên tia hậm hực. Con mắt của chồng có lẫn tia bất an. Còn con mắt của nàng có tia mỉa mai lúc nào cũng chầu chực để sẵn sàng ném về phía bọn họ.
“Để tôi xem các người diễn tiếp trò gì”. Nàng nghĩ thầm như thế.
Bây giờ đôi lúc nàng lại hối hận sao hồi đó không khóc lóc, kể lể những tháng ngày mặn nồng để níu giữ chồng mà lại lạnh lùng, chống đối để thành ra “tan đàn xẻ nghé”. Bất cứ thứ gì rơi vỡ cũng nghe nhói đau, huống chi cuộc hôn nhân hơn mười mấy năm, thắm đượm những thương yêu.
Buông (Tranh: Đoàn Thị Thu Hương)
Chồng bỏ về nhà tự ở với má, xa mặt ắt phải cách lòng, có lẽ vậy nên khi nàng đưa tờ đơn, chồng ký cái rụp. Nàng nhìn chồng khinh khỉnh, nghĩ chắc anh chờ đợi hổm giờ giây phút nầy chớ gì, ký đi, sổ lồng tìm người khác đi rồi coi có ai thương anh bằng tui hông. Nghĩ tới đó lòng nhói thêm mấy hồi dài rả rích, như cơn mưa muốn tạnh mà cứ cố tình lớt phớt hoài chẳng dứt. “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng, người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng…” giọng Khánh Ly da diết lòng. Nàng day mặt tự ngó mình, tự nhủ đừng khóc, rằng âu cũng là duyên số, hết thì thôi níu kéo chi thêm sầu. Vậy mà vẫn khoái nghe mấy bản nhạc buồn, cho lòng thêm héo hắt đau, ác dại thiệt chớ!
Đàn bà, khờ dại nhất là cứ thương dai dẳng hoài một người. Miệng thì nói ghét đó, thù đó mà sâu thật sâu vẫn nhưng nhức nhói khi lỡ vương ảnh hình người ta vô suy nghĩ. Mà miệng thế gian, sao độc dữ thần, cứ thích tò mò, thò vô mấy vết thương vừa kéo mày của người khác mà gãi.
“Nghe bảo chồng mày cưới vợ mới, đẹp lắm phải không?”
“Nhỏ đó gái tơ hả?”
“Mẹ chồng bây chắc thương lắm, đi khoe khắp làng trên xóm dưới”
Hỏi chi mà cắc cớ vậy hơ. Hỏi mà không để ý thấy cái mặt người ta nhăn lại mấy bận sao, không thấy con mắt người ta vương sầu ở trỏng sao. Hỏi cho sướng miệng, nghe cho xé lòng!
Nghe hoài thành … chai tai. Riết rồi nỗi đau chỉ còn xẹt qua bằng cái mặt của chồng cũ, mà giờ mặt người ta mờ mờ, đường nét chẳng còn rõ như hồi đó. Có khi dăm bảy năm nữa không còn mắt, mũi, miệng cũng nên.
Lâu thiệt lâu không thấy ai nhắc tới anh nữa. Nàng cũng thôi không day mặt mình dặn dò đủ kiểu. Nước mưa rớt máng nhà ai nhà nấy hứng, can hệ gì nhau nữa đâu. Đồng nghiệp bảo thì thôi kiếm ai đó mà quen, hẹn hò thôi để thấy mình còn có “giá”. Chắc vậy thiệt chớ, ít ra cũng để thấy lòng còn rộn ràng khi có người phải xao xuyến vì mình.
Đúng cái bữa nàng đi uống cà phê với người đàn ông khác thì chồng cũ gọi tới biểu muốn gặp hai mẹ con nói chuyện. Nàng hỏi cắc cớ chớ gặp chi nữa, mà muốn gặp con thì gọi hỏi nó, nàng không có quyền quyết định gặp hay không. Anh biểu muốn gặp cả hai mẹ con, có chuyện cần kíp lắm. Mới nghe đến đó nàng tắt máy cái rụp. Cần kíp gì mà gần chục năm nay chả nghe gọi hỏi thăm con một tiếng. Có khi mặt con bé giờ ra sao còn chẳng biết chớ cần kíp gì! Cứ chăm chút cho vợ đẹp con xinh, cho cục vàng nối dõi tông đường ấy đi, can hệ gì mẹ con nàng nữa mà gặp.
Bao nhiêu uẩn ức đã cố chôn sâu tận đáy vực giờ hùa nhau trỗi dậy.
“Tao cần một thằng cháu đích tôn lo hương hỏa ông bà, mày không đẻ được nữa thì đừng ngáng chân nó!”
Cái giọng má chồng the thé bên tai như đang đứng trước mặt.
“Anh xin lỗi, làm con sao nỡ để bà mẹ buồn được!”
Ờ thì cứ làm cho bà mẹ vui chồng à, có hiếu là tốt mà.
“Con gái thì có lỗi gì hả má? Con gái vẫn làm được mọi chuyện mà”.
“Bà không phải bà nội con nữa đâu, ai biểu bả cứ chửi mẹ hoài”
Giọng con bé chua lè những uẩn ức. Bao nhiêu giọng nói, bao nhiêu câu nói thi nhau ùa vô màng nhĩ đạp loạn xạ. Nàng ôm mặt khóc. Bao lâu rồi thứ nước mặn đắng mới được chảy ra? Đã cố gắng lắm che đi vết nứt trên tấm gương cuộc đời, giờ đây mới thấy bất lực. Gương vỡ mãi mãi là gương vỡ, đừng hoang tưởng sẽ lành…
Gặp hay không gặp?
Gặp xem họ diễn cái gì!
Gặp nữa để làm chi, cho thêm xót, thêm hờn tủi!
Thì để xem cái chuyện cần kíp ấy là gì?
Biết đâu người ta bắt đầu hối hận. Biết đâu người ta có nỗi khổ tâm. Biết đâu… biết đâu…
Cái dại lớn thứ hai của người đàn bà chắc hẳn là hay động lòng trắc ẩn. Ai bảo tội người ta chi rồi nhận hết phần thiệt thòi về mình. Mình làm mình khổ chớ ai. Nàng cũng chỉ đàn bà tầm thường, nên “biết đâu” tới gần lần thứ mười thì nhắn tin đồng ý gặp anh. Chỉ mình nàng, con bé nhất quyết không chịu đi, nó nói ba nó chết rồi, từ cái khi lướt qua mặt nó ở cửa tòa án. Con nhỏ giống ai chớ không giống nàng, ngang bướng quá đỗi.
Khi nàng tới, anh đã ngồi đợi sẵn. Trái với suy nghĩ trước đó của nàng rằng anh phải vồ vập, hoặc phải bối rối dữ lắm. Cả chục năm không gặp chớ ít gì. Nhưng anh ngồi đó, gục mặt vào đôi bàn tay, tóc lòa xòa che khuất cả hai mu, chỉ còn mấy ngón tay thuôn dài ló ra. Nàng kéo ghế ngồi. Anh giật mình gạt tóc tai gọn gàng, sửa lại dáng ngồi. Khi nhìn anh, nàng tự hỏi người đàn ông mình đã từng yêu bất chấp đây sao? Sao xa lạ quá chừng. Nàng điền những chỗ khuyết trên khuôn mặt anh trong trí nhớ cho đầy đủ. Điền xong lại thấy hụt hẫng xiết bao, cứ như vừa tỉnh dậy sau mơ.
Anh vẫn giữ được nét điền đạm vốn có. Trình bày ngắn gọn và súc tích. Đại ý muốn nhận con gái, muốn con bé về ở với anh. Bà mẹ anh đang bệnh nặng, lúc lẫn lúc mê mà trong cơn mê cứ gọi hoài tên con nhỏ. Anh không đành lòng thấy bà mẹ đau khổ vì thương nhớ cháu nên muốn con nhỏ về ở một thời gian.
“Một thời gian?”, nàng cười mỉa mai chua chát:
- Sao mẹ con anh lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho mình…
Nàng còn định tuôn một tràng xối xả, trút hết hờn giận trong mười năm trời. Nhưng thôi nghĩ lại nói những lời oan nghiệt chi cho bản thân mình mang nghiệp. Họ ở tệ, họ tự gánh nghiệp về sau.
Anh thở dài, não nề hơn tiếng chim bịp gọi chiều:
- Anh biết em hận dữ lắm, nhưng bà mẹ sắp ra đi rồi em ạ, em nỡ lòng để bà chết không nhắm mắt được sao?
Nàng nhìn xoáy sâu vào đôi mắt đó, một khoảng trời tuyệt vọng, đớn đau. Ném cái nhìn đắc thắng về phía anh, nàng quay bước rảo nhanh ra khỏi quán cà phê. Phải để anh vùng vẫy trong tuyệt vọng để hiểu nỗi thống khổ mẹ con nàng phải trải qua mười năm trước. Ông Trời cũng có mắt đó người ơi!
Khi va phải người hàng xóm sát nhà mẹ chồng ngoài chợ, trái tim nàng thót lên vì hối hận.
“Mày biết tin gì chưa, má chồng mày ung thư gần chết, bả suốt ngày gọi tên con Thư. Thì giờ còn mỗi mình nó là cháu chứ có ai nữa đâu mà kêu!”
“Ủa, chớ thằng cháu bà đâu?”
“Chết lâu rồi, không biết hả? Chích xì ke sốc thuốc chết mấy năm nay rồi!”
Đó có phải là quả báo nhãn tiền? Nhưng sao lòng vẫn nhoi nhói khi bỏ mặc người ta trong nỗi tuyệt vọng cùng đường. Hay nàng ráng thử quên đi hận thù ngày cũ mà khuyên nhủ con Thư rằng “lá rụng về cội”, dù sao đó cũng là bà nội của con dù có muốn hay không…
Ngân Kim