Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Cái thuốn sắt của tác giả Nguyễn Trung Tuyến, Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Chuyên ngành Văn xuôi.
CÁI THUỐN SẮT
Làng tôi nhỏ bé với dăm bảy chục căn hộ thôi, nhưng có biết bao nhiêu là chuyện. Hôm nay làng làm giỗ, mãn tang cho thầy Nghi- thầy địa lý có tiếng trong làng, lại được nghe ông Mạnh kể cho nghe chuyện thầy Nghi đi tìm huyệt, cái nghề kiếm sống khi thầy đang thượng tại.
* * *
- Này, không phải tiếng chân bò đạp mà đúng là rậm rịch của tiếng chân người...! Không... Hình như mạnh hơn cả tiếng chân người? Có chuyện gì trên ấy nhỉ? - Cái vong chôn chiếu lo lắng hỏi cái vong trong chôn trong nồi đất bên cạnh.
Cái vong chôn trong nồi đất ung dung trả lời:
- Tôi điếc. Không nghe gì cả. Ai rậm rịch thì mặc họ! Vạn nhất có chuyện gì thì cũng biết làm sao? Vật đổi sao dời cũng là chuyện thường. Ở đây cũng ngót đà trăm năm rồi đấy nhỉ! Ta đã nghe bao âm thanh rậm rịch trên đầu rồi đấy thôi!
Thế rồi cái vong chôn chiếu kêu thét lên:
- Ối ùi ôi...! Bị đâm xuyên bụng rồi! Ái ừi ơi...! Lại bị đâm xuyên sọ rồi! Ứi ừi ơi...! Lại bị vỡ xương vai rồi.
Nghe cái vong trong chiếu kêu la thảm thiết vậy, cái vong trong nồi đất sợ hãi quá, co rúm lại...
Trên mặt đất, cái thuốn sắt dài hơn bảy thước ba tấc, nhọn hoắt trong tay thầy Nghi vẫn đều đặn xăm sâu vào lòng đất. Chỗ nào đâm sâu xuống mà không chạm phải hòm, tiểu thì thầy đánh dấu bằng một thân dứa gai mà phần lá gai còn để lòa xòa. Chỗ nào đâm thuốn xuống mà đầu mũi thuốn vọng lên tiếng "cạch", hay "cộc" thì thầy Nghi vội vàng rút thuốn lên và khấn như vẹt- " A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật...".
Mấy người con cháu tang chủ lò dò bước theo chân thầy Nghi, trên tay ai cũng cầm một bó hương nghi ngút khói, rất đỗi thành kính đóng xuống chỗ thầy vừa đánh dấu bằng một cái cọc tre. Chỉ cần khoảng cách giữa hai cọc tre chiều dài vừa bằng chiếc quan tài là được.
Đến trưa thì thầy Nghi đã xăm xong gần hết các chỗ trống trên nghiã trang. Nắng, nóng hầm hập với lại trước khi đi tìm huyệt thì khổ chủ cũng đã mời thầy làm mấy chén rượu, thầy lại ăn thêm miếng trầu nữa. Hai thứ rượu và trầu trong vào trong dạ dày xóc lên xóc xuống theo nhịp xăm đã đến lúc nó không chịu nổi nữa. Đúng thế, không chịu nổi! Nó mới bò ra theo mồ hôi từ nách, từ bẹn, từ tóc, từ quần áo lâu ngày không giặt của thầy. Mồ hôi thầy phát tán dưới nắng trưa bốc mùi khẳm lặm, quyện với mùi hương, mùi ngai ngái của cỏ hoang, mùi âm ẩm của đất hoang mới đào, thành ra cái mùi nghĩa trang lờm lợm...
Thầy Nghi đã chọn được chỗ để đào huyệt ưng ý.
Thầy bèn sai đám người nhà trải chiếu ra, bày soạn lễ vật: hương, vàng, nải, quả, phù lưu, thanh, chước... lên để thầy làm lễ bẩm báo với thổ địa, thổ công bản xứ xin phép các ngài cho kết nạp thêm một thành viên mới sao được mồ yên mả đẹp, phát kết đời đời cho cháu con thụ hưởng.
Thầy khấn:
- Nam mô pháp mười phương hư không tất cả chư Phật!
Nam mô pháp mười phương hư không tất cả Chánh Pháp!
Nam mô pháp mười phương hư không tất cả Hiền Thánh Tăng!
Kính lạy Mười phương Phật! Mười Phương Pháp! Mười phương Tăng!
Xin chứng giám lòng con!
Dâng lên lời khấn nguyện!
Dạ! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật !A Di Đà Phật! Con xin cắn rơm cắm cỏ, trăm lạy vạn lạy ạ! Con người trần mắt thịt, có mắt như mù, có tai như điếc ạ! Dạ! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Hôm nay nhằm ngày...dạ! Con xin thay mặt đổi lời khổ chủ ...Dạ!...
Thầy Nghi khấn thao thao bất tuyệt, câu nọ xọ câu kia, tiếng Tàu lẫn tiếng Phạn trộn với tiếng Ta tùm lum bát nháo mãi cho đến cháy gần hết một tuần hương. Tiếng "Dạ" với mấy tiếng " A Di Đà Phật" râm ran suốt cả bài cúng ước chừng có đến vài trăm lượt.
Xem ra lời khấn nguyện đã thấu chín tầng trời mười tầng đất. Lúc ấy thầy Nghi mới móc bên háng ra cái túi vải đỏ đã sờn vì mồ hôi và nhàu nhò cũ rích. Thầy cứ loay hoay lục tìm lẫn trong mấy miếng cau quắt queo nhăn nhúm, mấy miếng trầu bạc phếch, héo queo, mấy đồng bạc lẻ bở bả không tiêu được, thầy nhặt ra hai đồng tiền "Khải Định thông bảo". Thầy đặt ngữa mặt hai đồng tiền lên cái đĩa sứ có hình con cá rán rồi mà vẫn còn cong mình muốn bơi ra khỏi đĩa. Thầy Nghi khấn xin gieo quẻ âm dưong để chứng thực cho đích thực là mộ phần sẽ được an táng đúng chỗ Ngài cho. Mỗi lần gieo quẻ, thầy Nghi lại "dạ" râm ran...Âu cũng là nhờ thế mà cuối cùng thì cũng được như lời sở nguyện.
Chọn được vài tấc đất ở nơi này quả thật là mướt cả mồ hôi. Xong. Đoàn người nhà và thầy Nghi ra về thì một đoàn người nhà khác lập tức mang theo cuốc, cào, dao, rựa kéo nhau lên đào huyệt...
* * *
Nghề đi tìm huyệt ( Minh họa: Kim Duẩn)
Nghĩa địa là dải đất cát cồn lên giữa cánh đồng cằn cỗi mỗi năm chỉ trồng loam nhoam được một vụ màu. Nếu nhìn dọc thì thấy nghĩa địa tựa như lưng con rắn- nên các thầy địa lý xưa đặt tên cho cái thế đất này là "Xích Xà" (ý rằng thế đất ở đây giống con rắn đỏ); nhìn ngang lại thấy nghĩa địa giống như thanh kiếm gãy, nên lại có tên là "Càn Kiếm".
Từ đời nảo đời nào đã nghe đồn rằng: ở đây có huyệt gọi là " Xích xà diệu ấn". Nếu ai tốt phúc, được táng vào nơi ấy thì mả sẽ phát và con cháu sẽ làm nên nghiệp vương bá. Tuy nhiên, mộ đã mọc ken dày nhưng vẫn chưa có dòng họ nào được huyệt "Xích xà diệu ấn" mà phát vương cả. Vào những đêm trở trời, ở làng nhìn lên chỉ thấy từng đám lửa ma trơi xanh lè phụt lên từ những ngôi mộ mới. Khi thì lửa ma trơi bay vật vờ như thể hồn oan vừa đi vừa than khóc, khi thì chúng bay cuống cuồng lên như người điên dựng đồng, khi thì chúng xoắn lại với nhau rồi kéo nhau tan vào đêm ma quái. Bọn trẻ con cam đoan rằng đó là chính âm binh! Âm binh thức dậy đánh nhau! Âm binh đánh nhau để giành huyệt " Xích xà diệu ấn". Cái khát vọng vô hình chập chờn giữa chốn mịt mù mông lung ấy khiến bọn trẻ có thể thêu dệt nên bao chuyện mà hậu quả là đã là thế kỷ hai mốt rồi mà đầu bọn trẻ con trong làng vẫn chứa đầy ma mị.
Khi ai nấy đang bừng bừng khí thế thì anh trưởng nhóm đào huyệt dõng dạc ra lệnh khởi công:
- Anh em a! Bọn mình giờ như là Thiên lôi- chỉ đâu đánh đó. Nếu có sai thì lỗi ở thầy Nghi. Mà "lỗi thầy thì mặc sách", đúng không nào? Giờ thì huyệt đã điểm rồi, ta chỉ có việc- đào thôi!
Anh cầm đầu nhóm đào huyệt vừa dứt lời thì ngay lập tức, ai nấy liền xắn tay hì hục đào đào cuốc cuốc ngay. Rượu mang theo sẵn đầy can to, đủ sức uống thả cửa cho cả trung đội .
Khi rượu đã ngấm, tay Tứ sứt môi nói bằng giọng mũi:
- Đã đi đào huyệt thì không cần mang theo thức nhắm. Cứ đào lên- thiếu gì xương?
Mọi người cười ồ tán thưởng. Như được tiếp thêm lửa, anh trưởng nhóm đào huyệt xúc động cất lời khích lệ hùng hồn:
-Hỡi các con! Hãy uống cho thật tợn vào và hãy đào như voi đào! Hãy bạng như dê bạng!
Ngay lập tức, tiếng ven cuốc lại bập xuống tới tấp, hối hả. Chẳng mấy chốc, lỗ huyệt đã hiện ra...
Cái vong trong chiếu và cái vong trong nồi đất chỉ kịp mở đường máu, vọt lên khỏi hố bay vào nấp trong bụi dứa gai, run cầm cập.
Hai vong chưa kịp lấy lại hồn vía thì người nhà khổ chủ khi rượu đã mềm môi lại ra lệnh:
- Anh em ạ! Phải chặt bụi dứa gai để lấy mặt bằng mà làm nơi tế lễ sau khi tống táng!
Tức thì, bụi dứa gai bị tấn công. Trong tay các trai làng hăng máu rượu, những nhát cuốc bổ xuống như trời giáng, những nhát dao vung lên loang loáng... Chỉ phút chốc, họ đã giải quyết ngay bụi dứa gai kề miệng huyệt một cách gọn vẹn.
Trong giây lát lâm nguy ấy, bất kể gai dứa sắc nhọn lởm chởm- hai vong lao vọt lên, bay thoát thân...
* * *
Chùa Thương cách nghĩa địa không xa. Nghĩa địa là hình thanh kiếm gãy thì có lẽ phần mũi kiếm là nơi người ta dựng chùa. Ấy là ngôi chùa khiêm tốn và khổ hạnh. Bao đời mệt mỏi chống chọi với mùa đông gió bấc, mùa hạ gió lào..., nên cái vẻ cam chịu của nó hiện rõ lên ở từng chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất.
Ai cũng bảo: chùa Thương thiêng, thế mà khách thập phương đến viếng thăm, cầu tài cầu lộc, có nhiều người Trời Phật thương, ăn nên làm ra, tiền tiêu như nước sông Đà, nhưng xem ra lễ vật cúng dường cho chùa Thương thì thực quả là còn khiêm tốn lắm.
Thầy Nghi luôn tự xem mình là đệ tử của chùa Thương. Bởi thế mà mở miệng khi nào cũng " A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!".
Chiều nay thầy Nghi lại lên chùa.
Thấy thầy Nghi lui cui bước vào. Cái vong trong nồi đất và cái vong trong chiếu khiếp sợ quá, nép mình trốn sau tượng Phật, lấm lét nhìn từng cử chỉ, động thái của thầy Nghi.
Thấy thầy cung kính thắp hương vái tượng Phật mà sau tượng Phật là hai vong nên hai vong thấy thầy Nghi như đang vái mình. Với lại, hôm nay lên chùa, thầy Nghi không mang theo thuốn sắt, nên hồi lâu hai vong mới thấy thực yên tâm.
Số là, sau khi ma cũ bị ma mới chiếm chỗ, vong trong nồi đất và cái vong trong chiếu cứ bay vật vờ lang thang...thế rồi không biết tình cờ hay tốt phúc mà hai vong tìm được ngôi chùa này để nương náu. Đến đây hai vong mới thấy rằng: cửa Phật thật là bao dung , từ bi, bác ái. Tuy nhiên vẫn không khỏi nơm nớp lo âu. Nỗi ám ảnh về cái thuốn sắt của thầy Nghi luôn làm cho hai vong phải cảnh giác và sợ hãi...
Chiều nay thầy Nghi lại lên chùa, bởi lẽ...
Thì ra trưa nay trong làng lại có người vừa mới chết. Thầy Nghi vào chùa cầu xin các đấng bề trên để thầy tìm được huyệt "xích xà diệu ấn" cho khổ chủ. Hai vong nhìn thầy Nghi khấn vái thật thành tâm. Bởi vì, tuy là lời khấn câu được câu chăng, nhưng tiếng "dạ" của thầy thì không khi nào ngớt, nhưng hai vong lại thấy lo lo vì nơi nghĩa địa có hình thanh kiếm gãy kia lại thêm một lần bị đào bới.
Hai đồng tiền tung lên rồi rơi xuống cái đĩa có hình con cá rán. Chỉ một quẻ gieo. Đúng, chỉ một quẻ gieo, thầy Nghị được ngay một đài âm dương!
Được như lời sở nguyện, thầy Nghi "dạ" rối rít rồi thủng thỉnh ra về.
* * *
Nghe câu chuyện nhuốm đầy màu liêu trai này khiến tôi không khỏi không thắc mắc:
- Này, bịa vừa vừa thôi! Ông đừng tưởng tôi là đứa trẻ con của làng này nhé! Tôi thì tôi không tin một tí nào hết.
Nghe lời tôi báng bổ, ông Mạnh cười khẩy:
- Chú tin hay không là quyền của chú. Còn chuyện tôi kể là có thật đấy!
Thế rồi, như để cố chứng tỏ cho tôi hay câu chuyện là không hề bịa, ông Mạnh lại thủ thỉ thù thì kể tiếp:
- Cuộc đời cứ thế, người ta cứ truy đuổi nhau đến tận cùng. Thế nhưng xem ra chẳng bao giờ đi đến sự tuyệt diệt cả... Tôi nói cho chú biết: thầy Nghi là cháu mấy đời của hai cái vong ấy đấy! Cái thuốn sắt ấy cũng có từ mấy đời. Nghề làm thầy địa lý là đời ông, đời cha truyền lại cho thầy Nghi đấy chứ! Thì chú cứ ngẫm kỹ mà xem- đời ông, đời cha nào mà chẳng muốn đời cháu con dựng nên cơ nghiệp lớn? Lòng tham đến cả chết rồi cũng tham, mà- Lời giải thích xem ra có lý.
Ông Mạnh nói tiếp:
- Mà có lẽ nếu ai đó trong quá khứ đã không tiên tri về nghĩa địa này có huyệt "Xích xà diệu ấn" thì đâu có chuyện hậu thế tranh giành nhau mãi như thế? Chết rồi chôn đâu chẳng được! Mà này, thầy Nghi cũng đáo để lắm! Đi lấy huyệt cho người ta, thầy cũng chỉ trỏ tùm lum thế thôi. Thật ra, khi thượng tại, thầy đã chọn sẵn huyệt chôn mình ngay khi đang còn sống cơ đấy. Có điều là, nói trộm vong linh thầy- xem ra, nơi thầy Nghi nằm cũng giống như các nấm mộ mọc chi chít trên nghĩa địa có thế đất giống như thanh kiếm gãy.
NGUYỄN TRUNG TUYẾN