23-09-2024 - 08:35

Truyện ngắn Chạy lũ của tác giả Phan Hương

Chạy lũ" là một truyện ngắn đầy xúc động của tác giả Phan Hương, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt và những nỗi đau thương của người dân vùng lũ. Những con người nhỏ bé trong cơn lũ cuồn cuộn phải đối mặt với sự mất mát, lo âu, và bất lực. Tuy nhiên, giữa cơn bão tố của thiên nhiên, tình người vẫn luôn bừng sáng, đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Chạy lũ

                                                                                                    Phan Hương

 

Quân sờ lên đầu cái Linh thấy trán nóng hầm hập, cả người nó cũng nóng ran. Ngoài trời, mưa như cầm vò trút. Đã 3 giờ chiều nhưng trời  âm u, tối sầm. Nước đã vào nhà xấp xỉ khiến bước chân anh phải lội bì bõm. Nước lên nhanh trông thấy, mới hồi trưa còn ngoài ngõ. Ngõ nhà Quân dài hun hút. Quân nắm lấy tay con xoa xoa vừa quay lại nói với Nguyệt - vợ anh:

-Em chuẩn bị vài bộ đồ cho mình, cho con và những tư trang cần thiết rồi đi sơ tán lên nhà văn hóa thôn thôi. Giờ vẫn còn mưa, không khéo đêm nay lũ nhấn chìm cái nhà này luôn. Trên đường đón mấy hộ ngập lụt ngoài kia đi sơ tán, anh sẽ qua trạm xin ít thuốc hạ sốt cho con.

Nguyệt cảm thấy bấn loạn, làm theo những điều Quân dặn một cách vô thức, lộn xộn chứ không biết thứ tự sắp xếp thế nào. Cô chuẩn bị những thứ thật cần nhất để sẵn sàng đi. Cả ngày nay, cô ngồi canh con bé, lòng không khỏi lo âu. Càng mưa, cô càng thấy nóng ruột, vừa lo cho con, vừa lo cho anh lội nước chạy đi chạy lại giữa trời mưa gió.

Nói rồi, anh gạt mấy sợi tóc mai trên khuôn mặt khô rốc của con bé và chấm cái khăn ấm lên trán. Sau đó, đứng dậy kêu Nguyệt phụ một tay khiêng một ít đồ đạc trong nhà như chăn màn, nồi cơm điện, ti vi lên cái chạn trong buồng.

Cái sập đựng lúa giống bị thủng đôi chổ, giờ chắc cũng đã ngấm nước. Nhà còn một tấn lúa mới thu hoạch xong, định bán đi một ít, còn lại để ăn và cho gà, lợn thế mà ngay giây phút phải đối mặt với nguy cơ mất trắng. Trong lúc vợ đang chuẩn bị những tư trang cần thiết thì anh xốc nổi từng bì lúa cho lên sập. Hình như khi bị dồn vào hoàn cảnh cam go nào đó, con người thường có sức mạnh hơn rất nhiều. Chỉ chưa đầy mười lăm phút, một tấn lúa được anh bốc xếp gọn ghẽ trên sập. Anh cũng chỉ hi vọng nước không dâng cao quá sập để bảo toàn phần lương thực còn lại của cả nhà cho mùa đông sắp tới. Sau khi chồng xong mấy cái ghế da lên bàn, anh quay sang hối thúc vợ:

-Em ơi, xong chưa, chúng ta còn phải sang nhà ông bà ngoại đón thằng Cường nữa. Sau khi vợ đã sẵn sàng hai tay mang hai túi đồ giơ lên trước mặt ra hiệu cho chồng. Anh đến bên giường bế bé Linh lên mặc thêm một chiếc áo bên trong và một chiếc áo mưa bên ngoài. Con bé vẫn sốt, miệng khô khốc, nứt nẻ, tiếng thở hừ hừ, khó nhọc. Đôi mắt đờ đẫn. Bàn tay lạnh của anh vì thấm nước mưa từ sáng đến giờ có chút thay đổi do hơi nóng từ người con bé phát ra. Anh chỉ mong con qua khỏi cơn sốt này. Anh đi trước bế con trên tay hướng về chiếc thuyền nhỏ đang cột trước cửa ngõ. Nguyệt đi sau khóa cửa coi như đã xong xuôi. Họ tạm biệt căn nhà tềnh toàng và một số vật dụng đơn sơ. Cái gì có giá trị  thì đã cho lên chạn, còn lại phó thác cho cơn lũ. Mưa vẫn không ngừng nghỉ. Nước ngoài đường đã ngập ngang bụng. Nguyệt lên xuồng trước rồi bế con từ tay chồng. Trao con cho cô, anh gỡ cái dây neo rồi đẩy chiếc thuyền ra xa một đoạn trước khi bước lên. Những gợn nước kéo theo chiếc xuồng nhỏ chòng chành nghiêng ngã. Sang đến nhà bà ngoại đón thằng Cường thì trời cũng nhá nhem. Cả cái xóm đường rộng rãi, quang đãng, cứ đêm đem ánh điện sáng trưng, nhà nhà đều ra ngõ ngồi chơi trên ghế đá là thế mà giờ chìm trong mênh mông biển nước và tối thui. Đưa thằng Cường đi sơ tán, Quân còn phải quay lại đón ông bà nữa, nghĩ đến đó nên từng nhịp chèo của anh gấp gáp, rắn rõi hơn.

Con thuyền nhỏ chở mấy cha con mẹ con trôi chầm chậm giữa cơn mưa rả rích. Thỉnh thoảng, Nguyệt một tay bế cái Linh, một tay cầm cái gáo múc nước bị rấm ra khỏi thuyền. Nếu đi ngang qua cánh đồng thì từ nhà Quân đến hội quán thôn chỉ chưa đầy cây số nhưng con thuyền nhỏ bé lại gánh trên mình những sinh mệnh thân yêu nên Quân phải đi trên đường trục chính để tránh nguy cơ lật thuyền hay sự cố đáng tiếc nào đó có thể xẩy ra, dù con đường này phải mất gần như gấp đôi thời gian. Nước đã ngập băng các ngã đường hơn mét. Hai bên bờ rào của các nhà chỉ còn nhô lên một phần nhỏ. Dù Chủ trương sơ tán và phương án triển khai rất sớm. Nhưng đa phần những hộ neo đơn, ít người, cũng không muốn bỏ lại tài sản nên cứ chần chừ nấn ná, tìm cách kê cao đồ đạc, những vật dụng cần thiết để cứu vớt nếu có thể. Thằng Cường ngồi trên thuyền đôi khi vẫn với tay nghịch nước, chắc chưa bao giờ nó chứng kiến cảnh này nên không khỏi tò mò thích thú. Sự nghịch ngợm, hiếu kì của nó lúc này càng khiến cho người lớn thêm nóng ruột và khó chịu. Mỗi lần giơ tay vốc nước lên xỏa xỏa, ánh mắt lấm lét của nó bắt gặp khuôn mặt nghiêm nghị của bố chỉa vào nên hiểu ý và đành phải ngồi yên.

Dù đã ép sát bé Linh vào người để tránh bị mưa tạt nhưng những làn nước mưa lạnh vẫn tìm cách len lõi vào người con bé khiến khuôn mặt nó thâm tím hơn. Nguyệt vừa ôm con vừa làu bàu với Quân:

-Anh xem, con bé thay đổi sắc mặt rồi, có vẻ không ổn, hay mình đưa nó đến trạm xá kiểm tra, xem có chuyền dịch được không. Nếu con có mệnh hệ gì thì phải làm sao?- Giọng Nguyệt trở nên mếu máo, hai mắt đã bắt đầu đỏ hoe.

Quân nhìn xuống vợ và con mà không nói được câu gì. Trời vẫn trắng xóa một màu nước mưa, nước bạc đan xen.

Những lời thúc giục của Nguyệt càng thiêu đốt tâm gan của Quân hơn. Nỗi lo của một người đàn ông nhiều khi không hiện lên rõ nét như sự sốt sắng của đàn bà nhưng luôn thường trực âm ỉ. Hai tay anh đã rã rời cầm cây chèo khua liên tục. Bàn chân bấm chặt, đạp mạnh giữa mạn thuyền để lấy đà. Những ngón chân vốn chai sạn, đen sì của người nông dân giờ trắng bệch màu nước bạc. Thoáng trong đầu, Quân cảm thấy hối tiếc, giá như từ tối qua, khi con bé lên cơn sốt, lúc đó, nước chưa lên cao là phải đưa ngay lên trạm để kiểm tra chứ không nên chủ quan để đến bây giờ. Tối qua, anh cũng không về nhà mà phải trực cùng các anh em khác di chuyển đồ đạc cho bà con ở vùng ngập sâu. Khi vợ anh điện báo tin, con bé cũng chưa đến mức nguy kịch. Cho đến sáng nay, anh lại chèo thuyền đôn đáo đưa một số ông bà cao tuổi vùng dưới đến trường mầm non của xã tránh trú, rồi cùng lực lượng ở đó soạn sửa đồ đạc, kê chổ ở cho họ. Nước lên nhanh khiến nhiều thôn không kịp trở tay. Loay hoay mãi đến chiều anh mới sắp xếp được để về nhà đưa vợ đi. Không riêng gì người thân của mình, xung quanh, bà con trong làng, trong xã, ai cũng cần được đến nơi an toàn. Chiếc thuyền nhỏ bé của anh cùng lực lượng cứu hộ khắp nơi được huy động tối đa để gấp rút sơ tán người chạy lũ.

Đến trạm xá bây giờ thì thuyền phải quay lại và tốn rất nhiều thời gian.  Quân quyết định vẫn đi về phía hội quán thôn – nơi có hàng chục hộ đang trú ở đó. Anh khoát tay bảo vợ:

-Không được rồi! giờ mà đến trạm xá, đường đi nguy hiểm, với lại chiếc thuyền nhỏ bé này chèo biết bao giờ mới tới. Ba mẹ con em cứ ngồi yên để anh nghĩ cách!

Đến nơi, Quân tạm thời cho vợ con vào đó rồi gọi điện thoại cho anh trưởng công an xã nhờ giúp một tay. Trong trường hợp nguy kịch này, mạng người là quan trọng.

-A lô!anh Chiến à, con bé nhà em bây giờ đang sốt rất cao! Phiền anh trên đường chở người đến nơi sơ tán qua trạm lấy cho cháu một ít thuốc hạ sốt

Máy sắp hết pin, sóng lại yếu, Quân chỉ nghe lờ mờ đầu bên kia tiếng “ừ” rất nhỏ nhưng cũng thấy tạm an lòng.

 Mười lăm phút sau, chiếc xuồng máy xuất hiện với một ít thuốc hạ sốt. Quân đưa cho vợ rồi dặn cứ cho con uống và theo dõi đã. 

Chạy lũ (Ảnh: Việt Hùng)

Ngồi trên thuyền trở lại nhà ông bà ngoại mà Quân lo ngay ngáy, giờ nước cũng lên nhanh, nhiều đoạn còn chảy xiết. Hai ông bà đã ngoài bảy mươi ở với nhau. Con cái vào miền Nam lập nghiệp, chỉ có Nguyệt là cô con gái út chạy qua chạy về. Trong  nhà có một con bò thì đã đưa lên bờ đê trú. Bầy gà bắt đầu đã tán loạn trong chuồng. Một ít lúa má, vật dụng thì sáng nay đoàn thanh niên đã giúp kê cao ở một góc nhà. Căn nhà hai ông bà nhờ có con cái hỗ trợ nên có vững chãi hơn nhà của Quân nhưng người già họ cũng không nghĩ nhiều đến việc trang hoàng, gia cố. Nước lên cao, ngập sâu từ ngõ vào sân nên Quân kéo thuyền vào đến bậc thềm, gói ghém cho ông bà ít đồ đạc rồi dắt các cụ lên thuyền và chống đi. Cả xóm nhà Quân có khoảng ba mươi hộ ngập sâu, đều đã đi gần hết. Quân đã tin cho xuồng máy của xã đến chở những cụ cao tuổi, bệnh tật để sơ tán hết kịp trong đêm. Cả ngày hôm nay, Quân đi đi lại lại trên đoạn đường này đến rả tay chèo với không biết bao nhiêu chuyến mà kể.

Từ uy tín của tổ trưởng tổ liên gia 5 năm, thôn bầu Quân làm thôn trưởng. Anh cũng từ chối bao nhiêu lần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, muốn giành thời gian để lo cho vợ, con nhưng thật khổ vì không ai làm cho. Xã cũng tha thiết muốn anh giúp cho thôn qua đận xây dựng thôn mẫu rồi họ điều người trên xã về làm cho anh nghỉ. Vì đây cũng là thôn  không có nguồn cán bộ trẻ nữa. Thế là Quân nhận nhiệm vụ. Dù trong lòng chưa được thoải mái. Làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, to nhỏ, tấm bé gì cũng đến lượt, anh rất sợ gièm pha như người ta đồn đoán. Nhưng anh xác định, đã không làm thì thôi, đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn. Từ kế hoạch làm đường, trồng cây, gieo cấy, chọn giống, đôn đốc thu hoạch, giải quyết vấn đề giá cả máy gặt, máy cày… cho đến quy định mức đóng góp làm đường nội đồng đều qua tay thôn trưởng. Việc nhà gác lại, có khi dấn cho vợ làm còn anh thì họp hành, lao động suốt ngày. Hôm nào không họp thì cũng đến nhà văn hóa thông báo lịch này, lịch khác ra rả trên loa từ sáng tới tối. Nhớ đến cái dịp Cô vid-19 vừa qua còn chưa hết mệt vì phải tuyên truyền, đến từng nhà từng ngõ rà soát danh sách, phân loại đối tượng, quyên góp, hậu cần cho số người cách ly… Để có những bữa ăn, sự chăm sóc chu đáo tận tình của những người cách ly, phục vụ cách ly ở vòng trong thì những cán bộ thôn ở vòng ngoài như Quân phải chạy đôn chạy đáo từ nhà này đến nhà khác... Nghĩ đến đó thôi, cũng thấy trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những người cán bộ thôn như Quân.

Cũng ngay trong đêm đó, lực lượng cứu hộ ở cấp trên đã huy động và chuyển hết bà con, trong đó có vợ và hai con anh từ nhà văn hóa thôn về trường mầm non vì ở đây có các điều kiện sinh hoạt khác đảm bảo. Cho đến gần sáng, Nguyệt báo tin là con đã đỡ hơn. Lúc này, anh mới tranh thủ chợp mắt tại trụ sở ủy ban xã cùng các anh chỉ huy phòng chống bão lụt. Anh thở phào sau một đêm gần như thức trắng cùng các lực lượng đưa người đi sơ tán an toàn, đưa đồ ăn cho một số hộ bị nước cô lập. Trời vẫn còn mưa, hình như vẫn chưa đến đỉnh lũ. Đó là tin từ bộ phận trực chỉ huy báo về. Trưa nay mưa vẫn to, nước dâng nhanh. Mọi phương án chống lũ phải sẵn sàng. Những con đường, cánh đồng, vườn tược chìm trong biển nước. Từ người dân đến cán bộ hầu như ai cũng thắc trắng đêm. Dù họ đã an toàn về tính mạng nhưng trong lòng vẫn không thôi thao thức. Bởi nào lợn, nào gà, vịt, ngan ngỗng, lúa má, hoa màu... bao sản nghiệp coi như chìm trong cơn lũ. Ai cũng trầm ngâm, có người đã khóc nấc thành tiếng vì tiếc của. Nghĩ đến những mất mát khi cơn lũ đi qua, trở về nhà mà tiếc cho bao của nả, công sức bỗng không cánh mà bay theo thiên tai địch họa.

Những tiếng kêu cứu, những bàn tay chới với... ẩn hiện trong chớp mắt chập chờn của Quân, cho đến khi anh mở mắt là 5h sáng. Ngoài trời mưa đã nhỏ hơn nhưng lượng nước đã dâng cao hơn hôm qua. Nhìn ra cánh đồng, những cây cột điện và những nóc nhà hiện lên thấp lè tè giữa nước. Anh thẩn thờ nhìn về phía thôn có nhà anh và những hộ dân khác mà lòng không khỏi xót xa.

Sáng nay, anh nhận lệnh chở hàng hóa, đồ ăn cho những nhà bị cô lập. Định tìm cách liên hệ với vợ xem cái Linh thế nào nhưng nghĩ để cho vợ anh chợp mắt, vì trời hãy còn sớm nên thôi. Những chuyền đi đi về về chở thức ăn, nước uống, đồ dùng cần thiết cho bà con của anh trên chiếc thuyền nhỏ vẫn đều đều, không ngơi nghĩ. Trong làn nước chảy xiết mạnh càng làm cho tay chèo anh thêm khó nhưng anh vẫn thấy phía trước là tình cảm yêu thương, trách nhiệm của người với người trong giông bão. Những ý nghĩ ấy xuyên qua tim, càng nồng ấm, tha thiết, càng thúc giục làm anh vững tay chèo, đảm bảo an toàn đến từng địa điểm cần được cứu trợ, giúp đỡ.  

  P.H

. . . . .
Loading the player...