23-05-2023 - 14:51

Truyện ngắn Chiếc trâm cài hình cánh quạt của tác giả Phan Hương

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Chiếc trâm cài hình cánh quạt của tác giả Phan Hương.

Chiếc trâm cài hình cánh quạt
                                                                 Phan Hương

 

Ngoài kia, hoa gạo đã bung đỏ, thắp lửa từng chùm sáng rực cả triền sông. Sông Tuyền thao thiết chảy, cuốn ra biển bao ước vọng, buồn vui. Cỏ cây vươn mình tắm tưới ánh nắng chan hoà, ấm áp trong tiết xuân đang thì viên mãn. Lần nào về nhà, Miên cũng ra sông, ngồi hàng giờ bên gốc cây gạo quen thuộc. Nơi đó, cô có thể nhìn thấy cả bờ bãi mênh mông, thả hồi ức, suy tưởng theo ngàn sóng nước. Bất chợt, những chùm hoa rung khẽ gợn lên trong cô hình bóng của Bách. Bách ra đi không một lời từ biệt. Mối quan hệ giữa cô và Bách như chuyến phiêu lưu bí ẩn, đã kết thúc nhưng người trong cuộc như cô lại chưa muốn trở về đối diện với thực tại.  
Bách đã tặng cô một kỷ vật rất quan trọng mà anh luôn nâng niu, gìn giữ. Không biết từ bao giờ, Bách đã bọc rất kỹ như côn trùng bọc kén rồi chôn sâu xuống gốc cây gạo ven sông Tuyền. Đêm nguyên tiêu, trăng chảy cả mặt sông, vương vãi trên những bông gạo vừa bung kết sâm sẫm như từng bụm máu. Bách dắt Miên ra cây gạo, một tay cầm xẻng. Bách tính làm gì vậy nhỉ. Miên hơi thảng thốt, nôn nóng, vì Bách luôn tạo cho cô bất ngờ. Bách lôi ra từ trong từng lớp vải kín đáo một vật nhỏ, ánh vàng. Một đằng chạm những hoa văn kiểu rồng bay, phượng múa, rất tinh tế trên những cuộn thép vàng đục, được mài nhẵn, xếp khít liền nhau xoè ra như hình cánh quạt. Bách thổi những hạt bụi li ti, rồi cài lên búi tóc và thì thầm vào tai cô: Hãy giữ vật báu này cho Bách, Miên nhé!
Năm năm vụt qua, Bách biến mất để lại cho Miên những khoảng trống đầy nghi hoặc, dày vò. Miên đã học xong và làm việc ở bảo tàng thành phố. Miên rất yêu thích công việc này, cổ vật mà cô quan sát là những lát cắt phản ánh thành tựu văn minh, ẩn tàng giá trị văn hoá, lịch sử. Tất cả chúng đều cuốn hút và cũng đầy ám ảnh. Những kỷ vật như chiếc dù mỏng, mủ tai mèo, ănggô… khiến Miên mường tượng ra những đoàn quân hùng hậu vừa hát vừa hành quân nối nhau băng qua núi rừng, đồng bãi, lớp sau nối lớp trước không ngừng nghỉ cho đến ngày bom ngừng rơi, đạn ngừng nổ trên mảnh đất quê hương. Những tiếng súng vang rền ầm ầm nhất loạt, tiếng “xung phong” từ những khẩu súng người lính mang về từ chiến trận. Máu đã nhuộm loang lỗ trên những vành mủ tai mèo, trận địa, chiến hào… Chiếc cáng chở thương binh hay chiếc nạng gỗ từng bầu bạn với những thương binh được tìm thấy trong hầm cứu thương hay trên trận địa trở thành kỷ vật gợi lên sự tàn khốc của chiến tranh. Chiếc trâm cài hình quạt cũng mang một hình hài, dáng vẻ, ẩn ức một quá khứ nào đó mà Miên chưa chạm tới. Càng giữ nó, Miên càng không quên được hình bóng của Bách. 
Ngôi miếu hoang bên kia sông - một phần của tuổi thơ Miên nằm trong dự án nghiên cứu, phục hồi của viện bảo tàng mà cô phụ trách. Làm một việc gì đó cho quê hương vẫn là niềm mong ước của Miên. Cứ nghĩ về điều đó, Miên càng phấn khích. Những ngày còn bé, Miên cùng lũ bạn đã chơi bao nhiêu trò trẻ con ở đó. Hình bóng nó đã trở thành một phần thân thuộc trong tuổi thơ Miên. Ngôi miếu sừng sững với thời gian, không sợ phong ba, bão tố, dù rong rêu có phủ lên bao lớp bụi mờ. Cuộc đời của miếu, của cây, của sông…  cũng giống cuộc đời con người, luôn đặt trong quy luật nghiệt ngã của thiên nhiên, tạo hoá. Ghê gớm hơn của ngay chính con người. Đêm đêm những tiếng khóc, những âm thanh lạ… vang lên từ ngôi miếu vọng sang bờ sông kia khiến người chèo thuyền đánh cá giật mình. Rồi họ tìm cách rình rập, phủ phục…nhưng không bao giờ bắt gặp điều gì, không một dấu vết. Những tiếng hú hãi hùng, kinh rợn, cứ như là lời nguyền từ lòng đất phát ra. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn gần, người làng Tuyền sống hai bờ sông sốt sáo dâng lễ, thắp hương và tuyệt đối cấm lũ trẻ con bơi qua sông, chạm chân đến khu vực miếu. Những lời nguyền nối đuôi nhau làm cho những ám ảnh về ngôi miếu hoang thêm phần ma mị.
Miên cũng như lũ bạn cũng xa dần những trò chơi bên ngôi miếu bởi với trẻ con niềm vui cũng chóng tàn, hết trò này lại vẽ ra trò khác. Mãi đến một ngày, cô bắt gặp Bách, một người bạn mới bước ra từ ngôi miếu. Bách nhanh chóng hoà lẫn trong đám bạn, chỉ duy nhất Miên biết được Bách đã từng ở đó và thường đến đó. Mỗi lần ngồi bên Bách. Miên vẫn cố gượng hỏi nhưng Bách cố lãng tránh. Có thể nó là một bí mật, gợi nhắc những chuyện buồn. Bách đã thôi miên cô bằng những câu chuyện văn hoá, lịch sử hết sức thú vị. Bách ước mơ trở thành nhà khảo cổ và đã nói với cô hàng giờ về những dự định trong tương lai. Bách muốn làm cho những dấu vết, kỷ vật, thời gian của quá khứ trở về hiện tại một cách sống động. Thế giới của Bách rộng lớn, hấp dẫn. Đôi mắt của Bách thẳm sâu mà một khi Miên rơi vào đó thì không tìm được lối về. 
 Mẹ Miên mất khi cô còn bé tí. Cô ở với Bố. Bố Miên là người làm về lĩnh vực văn hoá. Bố đã xoáy sâu những ánh nhìn nghi ngờ với Miên sau mỗi lần cô gặp Bách. Miên đã cố giấu an toàn chiếc trâm cài Bách tặng. Hình như Miên đọc thấy chiếc trâm ấy có điều đặc biệt chứ không phải bố Miên thấy nó lạ lẫm, lại được cài lên mái tóc của một đứa con gái nghịch ngợm như Miên. Gạt ra những ánh nhìn xoi mói, Miên giấu biệt. Miên không muốn mình phải giải thích, lại càng không muốn Bách gặp rắc rối. Những điều Miên phỏng đoán xem ra có phần đúng. Khi không nhìn thấy chiếc trâm trên mái tóc cô, bố cô đã buột miệng hỏi: “Hôm trước bố thấy con cài trên tóc vật gì rất xinh đấy?”. Và cô cũng nhận thấy sự xáo trộn trong căn phòng. Cô đoán chắc ai đó đã lục lọi, tìm kiếm. Cô chỉ ậm ờ che lấp những nghi ngờ. “Con nhặt được bên triền sông nhưng sau đó đã đánh rơi khi đi bơi với chúng bạn”. Miên đánh lạc hướng bố rất nhanh khi nghĩ đến việc Bách lấy chiếc trâm chôn sâu bên gốc gạo và những lời căn dặn của Bách…

Miên dùng chiếc kính hiển vi soi trên từng chiếc cột miếu, những manh mối của quá khứ có thể hiện về chỉ qua một dòng chữ hay một kỹ vật. Cô đến đây tìm hiểu trước so với kế hoạch. Viện Bảo tàng cho cô hẳn một tháng nghiên cứu làm báo cáo. Cô tha hồ bới tung mọi ngóc ngách để kiếm tìm với khoảng thời gian không hề gấp rút nhưng nó cũng tạo cho cô vô vàn áp lực nếu không tìm thứ gì để đưa vào báo cáo. Miên dừng lại ở một chiếc cột cao nhất. Thân cột phủ một lớp rêu xanh, loang lỗ bởi những mảng xi bong tróc. Chiếc cột đế hình vuông, càng lên cao càng được chuốt tròn và nhọn. Không biết nó đã sừng sững với thời gian bao nhiêu. Miên và lũ bạn lớn lên đã chứng kiến nhiều chuyện buồn vui mà nó vẫn đứng đấy vô định, oằn cả biết bao tang tóc khi dân làng Tuyền chìm trong cơn đại hồng thủy nhiều năm trước. Lốc xoáy cùng những xiết nước như vòi bạch tuộc dồn lên, đổ xuống đẩy con người vào bất lực. Nhà cửa, trâu bò, gà vịt trôi xuôi, đội lên trên đầu hai cha con Miên vành khăn trắng tang tóc. Miên như con chim non côi cút luôn khát khao hơi ấm của mẹ từ đó… Rồi làng Tuyền lại hồi sinh sau những vết sẹo được vá lành. Quy luật tạo hoá dồn nén đến khắc nghiệt lớp vảy bên ngoài, còn cái thân cứng cõi của nó vẫn đang thách thức cùng thời gian. Miên nhìn thấy một lớp sơn đen mỏng, đang cố để xem nó làm bằng chất liệu gì thì nghe tiếng động lạ lùng. Tiếng người hay tiếng loài vật, Miên còn chưa phân định rõ. Hình như Miên đã nghe kể nhưng quả thật đây là lần đầu tiên cô trực tiếp nghe. Âm thanh đó làm da cô sởn gai, bước chân hơi chao đảo. Chiếc kính hiển vi và cuốn sổ rơi xuống đất. Vài phút định thần, Miên quan sát khắp nơi, rồi cúi xuống nhặt chúng lên và trở lại với công việc. Dù trong lòng vẫn có chút bấn loạn. Miên đã tiếp xúc với hàng nghìn cổ vật, thỉnh thoảng cô vẫn nghe sột soạt, vọng về những âm thanh từ quá khứ. Ban đầu, Miên rơi vào sợ hãi nhưng khi điều chỉnh cảm xúc, cô tìm được mối giao cảm, liên hệ giữa hiện vật và quá khứ. Vốn kiến thức tích luỹ và sự nhạy cảm nghề nghiệp giúp Miên phân tích vấn đề thấu suốt, đưa ra những giả định có cơ sở hơn. Có những kỷ vật, cô ngồi hàng giờ đối thoại bằng tâm tưởng để nói chuyện, để tìm kiếm một sợi dây mong manh, một dấu vết, giải đáp nào đó. 

Bí mật về chiếc trâm cài ( Minh họa: Minh Sơn)


Định giơ tay vân vi lớp sơn mỏng được khắc chắc chắn nơi cột thì cô nghe tiếng ai đó cất lên. Tôi đợi cô ở đây lâu lắm rồi. Miên ngạc nhiên nhưng cũng rất bình tĩnh. Thì ra là người đàn bà Miên từng tìm kiếm, vẫn hiện lên trong giấc mơ của Miên. Lâu rồi, Miên đã quen có sự xuất hiện của cô ấy. Miên nhìn kỹ, người đàn bà có mái tóc dài. Đôi mắt thẳm sâu. Mắt của Bách cũng đầy ám ảnh như thế. Khi thấy Miên tiến lại, người đàn bà đứng dậy vén tóc lên. Miên đáp lời bằng câu hỏi. Sao cô lại chờ cháu. Có những sự thật nhiều khi cần chôn vào quá khứ nhưng có những sự thật cần phải chia sẽ để người ra đi thanh thản cháu ạ. Những bí mật đã hành hạ cô, cô chỉ muốn chôn vùi nó nhưng… người đàn bà im lặng một lúc lâu, hai hàng nước mắt rõ xuống. Khuôn mặt khô khốc đau khổ. Nhưng nỗi đau đã vón cục khiến bà trở nên thiểu não, khổ sở hơn vì không giải thoát được chính mình. Cô biết Bách đã đưa cho cháu thứ quý giá đó. 
Phải rồi, khi gặp người đàn bà này, Miên luôn bị cuốn vào những ý nghĩa về Bách. Một đáp án dễ dàng nhưng bây giờ cô mới tìm ra. Bách xuất hiện và biến mất chẳng lẽ chỉ mang một sứ mệnh là gửi gắm cho người đàn bà này một vật báu. Và bây giờ bà đứng trước cô đã đòi lại nó. Thế còn Bách thì sao?
Miên vẫn bàng hoàng, mắt nhìn vào người đang đứng trước mình bao hoài nghi cần giải toả. Cháu vẫn chưa hiểu.  
Người đàn bà nhìn Miên như van xin: Cháu có thể đưa lại cho cô kỷ vật Bách đã tặng cháu được không?Miên ngạc nhiên và nghi ngờ với lời đề nghị đó. Nhưng cô là ai, cô có mối liên hệ gì với Bách và bây giờ Bách đang ở đâu. Cháu có nhiều việc phải nói với Bách…?
Những kẻ buôn cổ vật đang giữ Bách cháu ạ, chiếc trâm cài đó là một món đồ cổ rất quý giá, đang bị giới buôn đồ cổ săn lùng. Cách đây năm năm, bố của Bách ở trong đường dây buôn bán cổ vật. Ông ấy vốn là một nhà khảo cổ nhưng vì cô, ông ấy đã rơi vào cái bẫy trở thành chân tay làm việc theo sự chỉ bảo, điều khiển của những tay buôn. Ông ấy tìm được chiếc trâm cài. Do thấy những giá trị khác biệt của nó mà ông ấy không nỡ dâng nó cho những kẻ hám tiền. Ông ấy đã cất giấu nó rồi đưa cô và Bách đi đến một nơi khác sống. Đợi những sóng gió đi qua để tìm cách trả lại cổ vật đó cho các cơ quan nghiên cứu. Một khi đã bán ra nước ngoài, nó sẽ không có cơ hội trở về. Người ta sẽ không biết đến mấu chốt của một thời đại, một kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, tinh xảo. Dấu vết của một nền văn minh có khi chỉ nắm trên một vật rất bé. Điều đau đớn hơn ông ấy đã hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ nó. Cuộc sống của cô và Bách cũng bị đe doạ, luôn nơm nớp sợ hãi bao năm trời. Bọn người đó đã lục tung khắp ngôi miếu này, đã đào cả những lớp đất sâu hàng chục mét. Sau đó nguỵ trang thành một cái hầm để cô và Bách trú ngụ. Bố của Bách từng phải ăn sương nằm đất hàng tháng trời trong hầm để tìm kiếm. Ông ấy đã giao nộp tất cả, duy chỉ giữ lại chiếc trâm. Bọn người trong đường dây đó đã đưa cho cô chiếc máy ghi âm tiếng hú kinh rợn của một loài ác thú nào đó để đánh lạc hướng dân làng Tuyền. Chúng đã vét sạch lòng đất, cày xới nham nhỡ nơi chúng ta đang đứng rồi mang đi hết những hũ tiền đồng, những mảnh sành mảnh sứ…, nhưng tham vọng tìm thấy chiếc trâm cài hình cánh quạt vẫn chưa kết thúc. Chúng đã tìm kiếm và khống chế Bách bao năm nay vì biết Bách đã giữ nó. 
  Bây giờ, cô muốn dùng nó để chuộc lại Bách. Cô xin cháu hãy để cho cô được toại nguyện. Cô cũng biết cháu là một nhà khảo cổ học. Trước sau gì cháu cũng giải được giá trị của những ẩn số. Nhưng nó là một kỷ vật buồn, cháu hãy giao nó cho cô. Hi vọng khi nhận nó rồi, chúng ta sẽ gặp Bách. Mọi lời nguyền năm xưa sẽ được hoá giải. 
Miên ngồi sụp xuống bên cột miếu. Cô không biết đâu là sự thực. Cô đang gỡ từng sợi dây chằng trong trí não, nhưng càng gỡ càng không tìm được đáp án. Cô nên nghe theo Bách hay nghe theo người phụ nữ này. Hình bóng Bách thắt ẩn, thoắt hiện. Cuộc sống bấy lâu nay của Bách. Bách có còn sống và cô có còn có hi vọng gặp lại anh. Những nỗi giằng xé gợn lên làm đầu óc cô sắp vỡ tung. Miên không ngờ, chiếc trâm cài - kỷ niệm bí mật giữa cô và Bách lại đeo đuổi và có số mệnh dài dòng như thế. Nếu như theo lời người phụ nữ ấy, nó có thể đổi lấy mạng sống của người rất quan trọng với cô. Phải chăng Bách được thừa hưởng từ bố anh toàn bộ hiểu biết, lòng say mê về nghề khảo cổ. Những lăng mộ, đền đài, hoa văn trên những đồ vật cũ… mà Bách kể đã làm Miên bị cuốn vào những khát khao, tưởng tượng với công việc mà Miên lựa chọn, gắn bó bấy lâu. Miên cũng không biết cô đã trải qua một chặng đường dài cô đơn, hụt hẫng khi Bách tự dưng đến rồi ra đi. Miên khép lòng mình để dồn sức cho công việc như một sự tri ân, khắc ghi hình bóng anh trong tâm khảm. Miên gói kín và chôn trả chiếc trâm cài bên gốc cây gạo y như Bách đã làm kể từ khi chạm phải ánh nhìn, câu hỏi lạ lùng của bố. Miên có một linh cảm, không chỉ bố mà còn có một nhóm người nào đó đang tìm kiếm nó. Còn cần để làm gì thì Miên chưa cắt nghĩa được. Riêng với Miên nhất định phải bảo vệ nó để gim giữ bóng hình của Bách. Có vẻ như tất cả mọi mối quan tâm của những người Miên biết đều dồn lên chiếc trâm cài như một cuộc rượt đuổi theo những mục đích khác nhau. Nhưng tất cả đều lỡ cỡ không đến đích của mình, đều chạm phải đau thương. Có lẽ nào bố cô bị tai nạn và vĩnh viễn không đứng dậy được cũng vì chiếc trâm cài. Chỉ nghĩ đến đó, cô đã bắt đầu thấy hoang mang, lo sợ. 
Nếu cô là sợi dây thừng buộc kín miệng những bí mật, tại sao đến bây giờ, cô vẫn không hề bị đe doạ hay rượt đuổi. Hay tại thứ cô chôn chặt đã lãng quên cô và cô cũng lãng quên nó. Cô chạy một mạch hoảng hốt. Đôi chân trần không giày dép giẫm lên những viên sỏi, những thớ đất sét qua những cánh đồng, những bãi ngô…. trên chiếc cầu bắc qua sông sang bờ bên kia… Bóng chiều đã xế. Người đàn bà ấy cũng xoả tóc chạy theo cô. Hai bóng người đuổi nhau xô ngã những vạt nắng vàng. Trời cuối xuân vào hạ nồng nồng. Những bông gạo rụng rơi héo úa dưới gốc như những bụm máu khô đặc sâm sẫm. Cành gạo khẳng khiu chỉ còn một vài bông hoa cuối mùa vẫn bám trụ như những bà già đã khoe hết nhan sắc, nhếch nhác ngồi đợi những tàn phai. Miên quỳ xuống dưới gốc. Hai tay cô đào bới. Những lớp đất cứng đờ xen lẫn cát sỏi làm cho bàn tay bầm dập, nhưng nhức những vết máu. Cô cố tìm những thanh tre gậy gộc xung quanh để xới tung toé lớp đất cằn khô khốc nhưng càng đào, càng vô vọng. Càng tìm kiếm càng làm bàn tay cô phồng rộp hơn. Nắng chiều loang bên sông, loang cả trên hố đất cô đào bới. Người đàn bà đó cũng như cô, đều tìm mọi cách để xới tung cả gốc gạo. Và cũng thất vọng não nề. Khuôn mặt càng thiểu não, khổ sở. Những tia hi vọng sụp xuống. Hai tay thâm tím, rớm máu bưng lên mặt khóc nấc thành tiếng. Sau chừng ấy kiếm tìm, chờ đợi không đưa lại điều mong muốn. Những ý nghĩ xô đến chân tường. Bà ta vùng dậy lao xuống sông. Miên không níu kịp cũng ngã chới với theo. Hai bóng người ngụp lặn, quẫy đạp. Phút rùng mình đã qua, Miên trườn theo con nước vật lộn, tìm cánh tay, bàn chân. Người đàn bà tuyệt vọng uống nước ồng ộc chìm dần, chìm dần. Miên túm được nắm tóc, cố sức để kéo thân hình nặng trĩu bơi từng nhịp nặng nề về phía bờ.
Chiếc trâm cài đã biến mất, Miên nghĩ rằng có lẽ đó là số phận của nó. Ai đó đã theo dõi Miên, đã đào bới khi cô vừa cất nó. Cũng có thể là Bách… Cô chỉ tiếc rằng sứ mệnh Bách giao, cô không thể hoàn thành. Người phụ nữ đó ôm cô vào lòng, chút hơi ấm như thửa mẹ cô còn sống, bà vỗ về bên sống lưng. Bách đã rời khỏi thế giới này rất lâu. Đã đến lúc cô phải ra đi sau chừng ấy ngày nương náu. Những ngày tháng ở đây đúng là rất bình yên. Có một điều, cô vẫn phải nói trước lúc từ biệt: Mẹ của Bách cũng mất từ khi Bách còn bé. Cô là gì ruột của Bách. Cô cũng bị những kẻ buôn đồ cổ lợi dụng cài cắm, bước vào cuộc đời của hai bố con Bách. Những ngày tháng bên họ, cô giống như một người hai mặt, một nửa mang khuôn mặt yêu thương, thiên thần, một nửa là ác quỷ. Có những khi lòng tham muốn đã điều khiển, mà hơn hết là thế lực, đồng tiền của bọn người ấy quá mạnh khiến cô đã đánh mất mình. Bách bị căn bệnh hiểm nghèo, Bách muốn rời xa cháu thật sớm để không muốn cháu phải đau lòng. Dù Bách không nói nhưng cô vẫn biết được cháu chính là mấu chốt của chiếc trâm cài mà rất nhiều người tìm kiếm. Kể từ khi bố Bách và Bách ra đi, cô mới thấy được giá trị của tình yêu. Những vinh hoa, tham vọng mà cô nghĩ ra hay bọn người kia áp đặt chỉ là phù phiếm. Cô mệt mỏi và hối hận. Cô tìm mọi cách để gặp cho được cháu, vẫn là sử dụng tiếng hú hoang đường để vừa hù doạ, vừa thuyết phục cháu hằng mong tìm lại chiếc trâm cài. Cô chỉ muốn đưa nó cho bọn chúng để mua lại tự do cho mình. Nhưng số phận của nó đã hoàn toàn chấm dứt. Cả cô và cháu đều không biết được sự tồn tại của nó. Cô muốn bắt đầu lại từ đầu sau những lỗi lầm…cảm ơn hai bố con cháu đã cho cô khoảng thời gian yên bình trong cuộc đời. Cô hay Bách luôn mong cháu hãy tìm cho mình hạnh phúc mới sau chuỗi ngày thương đau, đừng phí phạm tuổi trẻ vì những dằn vặt trong quá khứ… 
Thì ra cả cô ấy và bố Miên đều bị cuốn vào một đường dây buôn cổ vật, họ chỉ là những người bị lợi dụng và đều phải trả những cái giá quá lớn. Mãi cho đến sau này, Miên mới biết được trước khi ra đi, Bách đã kịp làm được điều mà bố anh chưa làm được đó là đưa được chiếc trâm trở về vị trí cần được bảo vệ. Tình yêu của Bách giành cho cô quá lớn. Ở Bách có ánh sáng sức mạnh tinh thần luôn thôi thúc, chỉ lối cho Miên những khi cô bế tắc túng quẫn. Bách đã trở thành một phần máu thịt trong kí ức dẫn dắt Miên đi tiếp trong cuộc đời rộng lớn. 
 Miên tựa vai vào gốc gạo, chiều hoàng hôn tưới đẫm cả bờ sông Tuyền. Bức tranh thêu gốc gạo già trơ lá và dòng sông khi cạn nước vẫn lặng lẽ trong chiều tà. Bên kia, ngôi miếu hoang đã được trùng tu nhưng vẫn mang dáng dấp uy nghi, cổ kính, sừng sững với thời gian. Nhịp đời phía trước đang gõ những âm phách đầy mê hoặc, chờ đợi cô kiếm tìm, khám phá.  


    P.H
    


 

. . . . .
Loading the player...