05-12-2024 - 00:41

Truyện ngắn “Chuyến xe tới từ thiên đường” của Nguyễn Phú An

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Chuyến xe tới từ thiên đường” của Nguyễn Phú An

Tôi đứng lặng im nhìn những dòng người chen chúc qua lại, cố nép mình sau chiếc mũ trùm để tránh những cơn gió lạnh cuối năm đang len lỏi khắp phố phường. Những tấm vé cuối cùng của chuyến xe cố định về làng tôi đã được bán hết từ bao giờ. Lúc này, tôi cùng với một vài hành khách không may khác chỉ có thể chờ đợi một chiếc xe dù sẽ may mắn đi ngang qua để có thể kịp về làng trước bữa tối. Bằng không, chúng tôi sẽ phải chờ tới lúc chuyến xe tiếp theo xuất phát sau vài giờ đồng hồ nữa.

Thông thường, tôi sẽ chọn cho mình một chỗ ngồi thoải mái trên băng ghế, duỗi hai chân một cách thoải mái và kiên nhẫn đợi chuyến xe tiếp theo. Thế nhưng giữa cái rét căm căm điểm xuyết bởi những hạt mưa phùn ẩm ướt những ngày giáp Tết, tôi chỉ mong có thể nhảy lên một chiếc xe dù tồi tàn nào đó, về tới nhà càng sớm càng tốt.

Đen đủi thay hôm nay là một ngày mà những chiếc xe dù vì một lý do nào đó đã không hoạt động tích cực như thường lệ. Mãi tới khi tôi đã mỏi nhừ cả hai chân và phải đổi tư thế đứng vài lần thì mới có một chiếc xe chầm chậm xuất hiện ở ngã rẽ cuối con đường dẫn về bến xe. Tôi nheo nheo mắt, cố để đảm bảo rằng mình đang không nhìn nhầm. Từ xa tiến lại là một chiếc xe không ọp ẹp và cũ kĩ như vẻ bề ngoài vẫn thường thấy của những chiếc xe dù mà tôi thường thấy.

Chiếc xe có màu xanh da trời, lớp sơn sáng bóng và những ô cửa kính lành lặn, sạch sẽ khiến nó như thể vừa bước ra từ một cửa tiệm tân trang xe hơi lành nghề. Nhìn tổng thể, chiếc xe như một sự đối lập khỏi khung cảnh bẩn thỉu và ẩm ướt xung quanh. Tôi nhanh chóng tiến ra vỉa hè, thầm lo lắng không biết chiếc xe đó có đủ chỗ cho tất cả mọi người đang trên hàng chờ lúc này. Nhưng trái với những lo lắng của tôi, mọi người vẫn ngồi bó gối trên chỗ ngồi của họ, dường như không một ai hứng thú với chiếc xe dù màu xanh bóng bẩy đang từ từ tiến tới ngoài tôi.

Khi cửa xe mở ra, bác tài xế có mái tóc lốm đốm hoa râm mỉm cười thân thiện nói với tôi như thể chúng tôi đã quen thân nhau từ trước:

“Về làng Tre hả, lên xe đi cháu trai!”

Tôi mỉm cười gật đầu, nhanh chóng bước lên chiếc xe lúc này vẫn đang trống rỗng và chọn cho mình một chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Chiếc xe dù lại từ từ lăn bánh, bỏ lại thành phố tấp nập phía sau lưng. Chẳng bao lâu sau khi vượt qua những ngôi nhà cao tầng và những cây cầu sắt để đi tới vùng ngoại ô, chiếc xe đã dừng lại bên lề đường để đón vị khách tiếp theo.

Bước lên xe mà một cô bé nữ sinh trạc tuổi mười hai, cô bé đó mặc bộ đồng phục màu tím nhạt, đeo khăn quàng và đi một đôi giày trắng xinh xắn. Trong lúc tôi đang tự hỏi tại sao một nữ sinh trung học lại xuất hiện trên con đường vắng vẻ này thì cô bé đó đã đi thẳng tới trước mặt tôi, nheo nheo mắt nhìn chăm chú. Tôi hơi bất ngờ bởi trên xe lúc này vẫn còn rất nhiều chỗ trống, nhưng cô bé đó lại để chiếc cặp sách xuống ghế, tự nhiên ngồi xuống bên cạnh tôi.

“Không nhớ mình sao?”- Cô bé ném cho tôi một ánh nhìn trách móc.

Tôi khẽ lắc đầu, trả lời một cách không chắc chắn lắm:

“Chú nghĩ là cháu nhận nhầm người rồi. Chú không phải người quen của cháu đâu.”

“Chú cái đầu cậu ý.” - Cô bé lúc này lại đột nhiên bật cười, nụ cười trong trẻo như một ánh nắng mặt trời ấm áp giữa trời đông. - “Mình là Nga, Nga lớp 5A đây, cậu chưa nhận ra mình sao?”

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt cô bé, một mảng ký ức bao phủ bởi thời gian bất chợt hiện lên trong đầu tôi. Đã nhiều năm kể từ ngày xảy ra biến cố năm đó, giờ tôi mới có cơ hội được gặp lại Nga, người bạn thân thiết của tôi trong suốt những năm tháng ấu thơ. Ngọn gió thời gian đã thổi qua đời người và biến tôi trở thành một anh chàng đã sắp bước qua tuổi trung niên, trong khi đó Nga vẫn còn là một cô bé dễ thương với nụ cười hồn nhiên trong trẻo. Nỗi buồn phảng phất trong đôi mắt đặc trưng khi xưa cũng chẳng còn.

“Là cậu thật sao?” - Tôi run run trả lời - “Những năm tháng qua, cậu sống có ổn không?”

“Chưa bao giờ ổn hơn?” - Nga đưa tay ra hiệu như những gì chúng tôi thường làm ngày thơ ấu. Tôi bật cười, cảm giác như thể mình trở lại thành một cậu nhóc mười hai tuổi, luôn có thể tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhặt.

Nga dùng đôi bàn tay nhỏ xíu nắm lấy tay tôi như ngày trước, chúng tôi ngồi cạnh nhau, bắt đầu kể cho nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Có nhiều chuyện tôi vốn đã không còn nhớ rõ từ lâu, chỉ khi Nga kể lại, tôi mới nhận ra rằng tuổi thơ của mình đã từng tuyệt vời như thế nào. Việc có một người, ở đâu đó giữa thế gian này, vẫn đang từng ngày gìn giữ những kỉ niệm cùng tôi khiến trái tim tôi chợt trở nên ấm áp.

“Còn cậu thì sao, cậu… có đang hạnh phúc không?” - Nga bất chợt nheo nheo mắt nhìn tôi và hỏi.

Tôi ngập ngừng bối rối khi đối diện với câu hỏi của Nga, câu hỏi đó như một lời nhắc nhở, ném tôi trở về với những cảm xúc xám xịt mà tôi đã phải trải qua trước lúc lên xe và gặp lại cô ấy. Cuối cùng, tôi chọn cách nặn ra một nụ cười khả dĩ nhất và trả lời: “Mình… mình vẫn ổn.”

Nga thở dài:

“Đừng nói dối mình! Mình có thể trông thấy nhiều nỗi buồn trong đôi mắt của cậu. Có lẽ… tuổi trưởng thành đã đối xử với cậu không tốt lắm, phải không?

Tôi trầm ngâm đưa đôi mắt nhìn ra những cánh đồng trải dài ngoài cửa sổ, cuối cùng tôi trả lời:

“Phải, mình đang không ổn một chút nào. Sự thật thì… Mình cảm thấy như mình đã bỏ lại những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời ở phía sau lưng mất rồi.”

“Nhưng cậu là một cậu bé lạc quan và yêu đời cơ mà. Cậu luôn nở nụ cười với mọi thứ, luôn tìm thấy những điều tích cực trong cuộc sống, không phải sao?”

Tôi cúi đầu bồi hồi đáp:

Đúng là mình đã từng như vậy.”

Nga nắm chặt lấy tay tôi, nói tiếp:

“Cậu đã từng nói với mình - một đứa bé không có bố rằng bởi vì không ông ấy nên mình mới có thể trở thành một cô gái mạnh mẽ nhất thế giới. Cậu cũng từng nói mình phải cười thật tươi vào cái ngày mình bị ngã gãy tay trong buổi thể dục ở trường. Đối với mình, cậu luôn là người mạnh mẽ và hạnh phúc nhất. Đừng để thế giới thay đổi điều đó.”

Tôi nhìn Nga và bất giác cười thật tươi như cái cách tôi vẫn thường làm khi còn bé. Ngày đó, tôi luôn dạy cô ấy phải sống thật lạc quan, luôn cười vào bất kỳ những khổ đau, bất hạnh mà mình gặp phải. Ấy vậy mà bây giờ khi chính bản thân mình bước vào nghịch cảnh, tôi lại chọn cho mình lối suy nghĩ tiêu cực và đau khổ. Câu nói của Nga như một lời nhắc nhở tôi về thái độ sống mà tôi cần phải có để vượt qua những trở ngại trên đường đời.

Có lẽ đã đến lúc mình nhường chỗ cho một người khác.” - Nga nhoẻn miệng cười thật tươi trước khi xách chiếc cặp đi tới chỗ ngồi cạnh cửa sổ ở cuối xe.

Chiếc xe lại một lần nữa dừng lại ở vùng ngoại ô. Lần này, bước lên xe là một người phụ nữ trung niên. Tôi ngay lập tức nhận ra khuôn mặt thân thuộc đó và người phụ nữ cũng mỉm cười hiền từ nhìn tôi. Đó là cô Phương, giáo viên chủ nhiệm của tôi suốt bốn năm trung học. Tôi ngập ngừng đứng dậy hỏi cô:

“Con chào cô, cô còn nhớ con chứ ạ?”

“Tất nhiên, ta nhớ tất cả các học sinh mà mình từng dạy, và con là một trong những đứa trẻ đặc biệt nhất. Làm sao mà ta lại quên được con cơ chứ?”

Cô ngồi xuống bên cạnh tôi, vỗ vỗ vai tôi như cái cách cô vẫn thường làm để động viên tôi thời còn đi học:

“Thế nào? Con đã trở thành người mà con mong muốn chưa?”

Tôi nhìn cô một lúc rồi cúi đầu trả lời:

“Chưa ạ! Sự thật thì con vừa mới chính thức thất nghiệp ngày hôm qua.”

Cô tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi:

“Tại sao chứ? Con đã luôn là một trong những học sinh chăm chỉ và giỏi giang nhất trong những học sinh của cô. Con có ước mơ và hoài bão, vậy điều gì đã ngăn cản con trở thành một người thành công.”

Câu hỏi của cô như ném tôi vào những luồng suy nghĩ khác nhau. Phải, tôi đã rất chăm chỉ làm việc những năm tháng qua. Nhưng ước mơ và hoài bão của tôi, đã lâu lắm rồi tôi không còn nghĩ tới chúng nữa nữa. Tôi cứ thế trầm ngâm một lúc lâu, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của người giáo viên đã từng đặt lên vai tôi rất nhiều kì vọng.

Như thể đọc được những gì mà tôi đang nghĩ, cô Phương chầm chậm tiếp lời:

“Ta biết, con đã luôn luôn cố gắng. Vì vậy lý do mà con thất bại chỉ có thể là con chưa tìm được công việc phù hợp với bản thân mình. Con có còn đang muốn trở thành một nhạc sĩ giống như mơ ước năm xưa của con hay không? Hãy một lần thử dũng cảm theo đuổi ước mơ. Ta tin chắc rằng con sẽ sớm có được thành tựu cho riêng mình.”

Tôi ngước lên nhìn nụ cười trìu mến của cô, lòng chợt trở nên phấn chấn. Đã nhiều năm như vậy rồi, cô vẫn luôn tin tưởng tôi sẽ trở thành một người xuất sắc. Chiếc xe dù lại một lần nữa dừng lại để đón khách, cô Phương nói với tôi:

“Có lẽ đã đến lúc ta phải nhường chỗ cho một người bạn khác của con.”

Lần này, bước lên xe là một chú chó, tôi ngay lập tức nhận ra Ron - chú chó mà tôi đã nuôi khi tôi còn bé.

“Ron, là mày sao?” - Tôi hét toáng lên.

Con Ron cũng nhận ra tôi, nó phóng lên người tôi đưa cái lưỡi ướt át của mình liếm khắp mặt, cùng với đó là những tiếng rên vui sướng.

“Tại sao mày lại ở đây? Tại sao lại lang thang một mình thế này?”

“Nó không đi một mình đâu” - Một giọng nói bất chợt vang lên ngay sau đó.

Đứng trước mặt tôi là một ông cụ có mái tóc bạc phơ. Ông mặc một bộ quân phục màu xanh đã sờn, trước ngực đeo chi chít những tấm huân chương kháng chiến. Mắt tôi ầng ậng nước, tôi đặt con Ron xuống ghế, lao nhanh về phía ông:

“Ông nội, là ông đấy sao? Cháu nhớ ông quá.”

Ông không nói gì mà chỉ cười hà hà và xoa lên mái tóc của tôi. Trong phút chốc, tôi tưởng rằng mình đã trở lại thành thằng bé con năm nào lẽo đẽo đi theo ông từ cánh đồng này qua khu vườn nọ. Cuối cùng, ông kéo tay tôi ra và nói:

“Cha bố anh! Không để cho ông ngồi à?”

Tôi cười xòa, lau những giọt nước mắt hai bên má rồi đỡ ông ngồi xuống ghế. Khi tôi ngồi xuống chiếc ghế còn lại, con Ron lại như một thói quen nhảy phốc lên đùi tôi, rên ư ử một cách thoải mái.

“Ông… Sống có tốt không ạ?” - Tôi xúc động hỏi.

“Tốt… Tốt lắm… Dạo này chân của ta không còn đau nhức những hôm trái gió trở trời. Mảnh đạn nằm trong ngực ta suốt bốn mươi năm qua cũng không còn làm ta khổ sở nữa.”

“Cháu thương ông quá ông ơi.” - Tôi lại không thể ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Ông dùng đôi bàn tay thô ráp và nhăn nheo của mình nắm lấy tay tôi và nói:

“Cháu trai, đừng thương tiếc cho những người đã đi. Hãy dành tình cảm nhiều hơn cho những người còn ở lại. Nói ông nghe, đã bao nhiêu lâu rồi cháu chưa về thăm nhà?”

Tôi ngẩng đầu lên, ngập ngừng trả lời:

“Đã hơn một năm rồi... kể từ lần cuối cháu ngồi trên một chuyến xe trở về làng Tre.”

“Một năm không phải quá dài với những người còn trẻ, nhưng là quá lâu đối với những người đã già. Cháu không thấy nhớ bố mẹ, không nhớ bà nội sao?”

Ông nói tiếp:

“Ông biết cháu phải đối mặt với những áp lực về sự thành công, ông cũng hiểu rằng cháu muốn dành những đồng tiền mình làm ra để khiến cuộc sống của những người xung quanh cháu trở nên tốt hơn. Nhưng trong những năm tháng hoàng hôn của mình, ông đã từng chỉ mong cháu có thể về thăm nhà thay vì gửi cho ông những món quà đắt đỏ từ phố thị. Cháu hiểu ý của ông chứ!”

Tôi gật đầu nhìn ông, lòng thầm ân hận vì năm đó tôi đã không dành nhiều thời gian hơn ở bên cạnh ông khi còn có thể. Đối khi người trẻ chúng ta quên mất rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều thời gian, nhưng bố mẹ, ông bà chúng ta thì không như thế. Tôi đã mải mê với cuộc sống bộn bề mà bỏ quên điều bình dị và thiêng liêng nhất trong cuộc đời mình, quên đi rằng ở một ngôi nhà nhỏ nơi tôi lớn lên, những người thân yêu nhất vẫn đang mòn mỏi chờ tôi trở về.

Tôi thu người lại và ngồi tựa đầu vào vai ông như những ngày thơ bé, cảm nhận từng giây phút ấm áp mà tôi biết rằng sẽ không bao giờ có thể quay trở lại. Cảnh vật qua ô cửa sổ cũng thay đổi dần từ dãy nhà cao tầng trở thành những đồng cỏ xanh bát ngát. Nhìn những cảnh vật quen thuộc hiện ra trước mắt, trái tim tôi lại đập những nhịp đập thật thà và yên bình nhất.

Suốt chặng đường còn lại, thỉnh thoảng chiếc xe dù dừng lại dọc đường để đón khách. Tôi nhận ra một vài gương mặt thân quen bước lên xe, có những người tôi biết, có những người mới chạm mặt đôi lần, nhưng tất cả đều dành cho tôi một nụ cười thanh thản. Họ thường đến chào tôi như những kẻ lữ khách lâu ngày ngang qua, kể tôi nghe về câu chuyện của họ. Tôi nhận ra điều kỳ diệu rằng bằng một cách nào đó, họ đều là những người đã từng xuất hiện trong cuộc đời tôi. Đó có thể là ông chú bán bánh bò bía trước cổng trường năm nào vẫn thường cho tôi ít vụn bánh mỗi khi đi ngang qua. Cũng có thể là ông lão ăn xin mà tôi đã dành hết số tiền lì xì năm bốn tuổi để tặng ông lúc trông thấy ông trong bộ dạng rách rưới khổ sở đi ngang qua nhà tôi những ngày đầu xuân năm mới. Thế giới này rộng lớn, còn năm tháng thì dài, đã từng gặp gỡ và chia ly biết bao nhiêu người, tôi cũng không nhớ hết. Chỉ biết rằng trên chuyến xe ngày hôm đó, tôi đã rất cảm ơn họ vì đã quay trở lại bên cạnh tôi trong lúc khó khăn, nhắc nhở tôi nhân cách và tâm hồn của tôi đã được hoàn thiện như thế nào.

Khi chiếc cầu bắt qua con kênh xuất hiện ở cuối con đường, tôi biết rằng chuyến hành trình của mình đã tới hồi kết. Chiếc xe dù dừng lại ở Thành Phố Trắng, nơi mà những người bạn đồng hành của tôi thực sự thuộc về. Ở bên phía bên kia cây cầu là làng Tre, tôi có thể nhìn thấy những cột khói nhỏ đang vươn lên từ một chiếc bếp ấm cúng nào đó.

“Có lẽ đã đến lúc ta phải nói lời tạm biệt rồi.” - Ông Nội mỉm cười móm mém - “Ta tin rằng con sẽ giúp ta chăm sóc gia đình của mình nhiều hơn kể từ hôm nay.”

“Còn ta thì tin rằng con sẽ thành công trong sự nghiệp của mình.” - Cô Phương cũng đã tới cạnh tôi từ bao giờ.

“Và có một cuộc đời hạnh phúc.” - Nga nắm lấy tay tôi thủ thỉ.

“Gâu gâu.” - Con Ron cũng sủa vào mặt tôi.

“Mày muốn nói gì hả Ron.” - Tôi gãi đầu nó như cái cách chúng tôi vẫn trêu đùa nhau khi còn bé.

Ông nội tôi trả lời:

“Nó nói rằng cảm ơn con vì đã trở thành người bạn tốt của nó. Và nó sẽ gặp lại con trong một hình hài khác trong tương lai.”

Tôi gật đầu, lau đi những giọt nước trên khóe mắt và bước xuống xe. Mọi người trên xe đều vẫy tay chào tôi, gửi cho tôi những lời chúc phúc tốt đẹp nhất. Sau tất cả, tôi biết rằng họ vẫn luôn ở đó, trong trái tim và nỗi nhớ của tôi. Vào những lúc tôi gặp khó khăn khi vấp ngã trên đường đời, tôi sẽ luôn tìm được những lời khuyên của họ, từ sâu trong tâm hồn mình. Nắng đã lên xua đi cái lạnh đầu đông, tôi nhìn chiếc xe tới từ thiên đường lần cuối, mỉm cười bước về những rặng tre xanh ở cuối đường chân trời.

N.P.A

. . . . .
Loading the player...