Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Giáp Thìn (209+210) năm 2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn ĐẦU MÙA GIÓ THỔI của Tác giả Trần Ngọc Diệp
trần NGỌC DIỆP
đầu mùa gió thổi
Truyện ngắn
Qua tháng mười một trời bắt đầu trở lạnh. Con đường sáng sớm từ chợ đến trường vùi trong sương. Thứ sương ẩm và ngái mùi cỏ núi, bay là là ngang mặt khiến kẻ bộ hành dò dẫm từng khúc một, sợ nửa bước hụt chân cũng đủ lăn xuống vực sâu hoắm lởm chởm đá nhọn mà dân xứ này vẫn gọi là đá bàn chông.
Thuần vuốt những rạm sương phả vào mặt anh rát buốt. Hai gò má đỏ ửng vì lạnh. Giá mà trời đỡ sương thì có thể chạy xe xuống chợ, nhưng mù dày đặc nên Thuần không dám đánh liều. Vả lại chợ lâu lâu mới họp, đợi cuối buổi dạy chợ phiên đã vãn.
Thuần đổi túi thức ăn sang tay khác cho đỡ mỏi, lòng không khỏi mỉa mai sự già cỗi của bản thân. Về tới chân dốc trời đã hửng, làn hơi nước tụ lại lúc này vẫn như làn mây mỏng. Không khí loãng ra, mềm mại, ướt át tựa người đàn bà mê ngủ.
Trước mặt là đoạn đường rẽ vào trường. Phải thay đồ mới lên dạy được. Trời vừa chuyển rét, gió mùa mới chạm ngõ cũng đủ khiến ai tê tái. Bộ quần áo của Thuần ướt sương ngấm vào người khiến anh bắt đầu rùng mình.
Đến sân nội trú Thuần thấy bóng người đứng trước cửa phòng.
“Chào ...thầy Thuần!”
“Chào chị Miền. Có việc gì đấy ạ?”. Thuần đặt túi thức ăn sang một bên rồi nhấc hòn đá dưới chân lấy chìa khoá mở cửa. Thấy người phụ nữ ấp úng, Thuần mở lời:
“Chị cứ tự nhiên”.
“Dạ... tôi định không sang... thế này thì ngại quá, nhưng, nhưng… tôi hỏi thế này, mong thầy đừng giận, …tôi…”
“Vâng, chị cứ nói nhanh cho tôi kịp giờ lên lớp”. Thuần sốt ruột nhìn đồng hồ đeo tay, chiếc đồng hồ cũ hiệu Comvanxo anh mua trong tiệm đồ cũ mấy năm trước, phần kính đã bị đục do hấp hơi nước.
“Dạ vâng... Số là nhà tôi có nuôi một con gà, con gà trống thuộc giống Cao Thảo cực kỳ quý hiếm. Hồi năm ngoái chồng tôi còn sống, anh ấy mê mỗi con này. Thầy ạ, khi anh ấy đi đột ngột, chắc còn vương vấn nhiều thứ lắm, nên tôi cứ mơ anh ấy về nhắc đến con gà. Nên … nên… sắp tới giỗ đầu, tôi định thịt nó gửi xuống dưới kia cho chồng tôi...”
“Vâng. Liệu người ra đi vấn vương hay do người ở lại, điều này cũng không chắc được. Tôi cảm thông với nỗi niềm của chị. Nhưng chị ạ, giờ tôi phải đi dạy rồi. Đợi hôm nào có thời gian rồi ta nói tiếp nhé!” Thuần cười lịch sự. Người phụ nữ ngập ngừng, hai bàn tay xoắn vào nhau. Chị ta đứng lùi lại trên bậc thềm.
Thuần cất túi thức ăn lên tủ, vội vã thay đồ, mang thêm áo khoác gió rồi xách cặp bước ra. Lúc tới cửa anh ngạc nhiên thấy người đàn bà vẫn đang đứng đó.
Thuần gật đầu chào tạm biệt, trong lòng gợn lên nỗi băn khoăn, không hiểu tại sao người phụ nữ lại tìm anh vào sáng sớm.
Quả thật Thuần mới dợm bước thì chị Miền liền đi theo.
“Thầy ơi!”
Thuần đứng lại.
“Hôm qua...thầy có sang nhà tôi chơi…. Không biết thầy có thấy con gà trống đi lạc ở đâu không?”
Thuần nghe cổ họng nghẹn đắng.
“Con gà chả đáng kể gì, nhưng đó là thứ mà chồng tôi thuở còn trên cõi này gắn bó, không gì có thể thay thế được, mất nó tôi cũng đau đớn lắm. Nên tôi đánh liều tới hỏi thầy….”
Thuần sững sờ. Cả người anh như bị ai hắt lên xô nước đá, từng tế bào tan ra, đỏ rát.
“Không. Tôi không thấy”. Anh nói rồi bỏ đi. Người đàn bà đứng lầm lũi giữa khoảng sân nội trú trống huơ trống hoác. Cuối góc sân một vài bụi dền đỏ thưa thớt nơi khoảnh rau tăng gia đã trổ bông. Gió lạnh đầu mùa lùa lên mái tôn hoen vàng kẽo kẹt.
*
Thuần bước chân thấp cao trên con dốc ngổn ngang đá sỏi. Anh kéo cao cổ áo kẻo rét, hết đoạn dốc này là tới trường. Chập tối qua đi thăm thầy giáo Mân, lúc về ngang nhà cậu học trò vừa bỏ học hồi đầu năm anh có ghé vào chơi. Nhìn đứa trẻ mười hai tuổi quắt khô như cọng củi bế đứa em tật nguyền mà Thuần không cầm được nước mắt.
“Hay là Hèo đi học lại nghe con?”
“Hèo muốn đi, mà ba chết rồi. Ai trông em cho mẹ đi làm thuê kiếm ăn?” Thằng bé nói ráo trơn, Thuần nghẹn lời trước ánh mắt đứa trẻ đang ngước lên chờ đợi. Chắc nó cũng ước rằng anh có một phép màu.
“Sách vở con đâu?”
“Mẹ Miền nhét ngoài chuồng gà. Trời lạnh, gió lùa mẹ sợ gà chết rét”.
Thuần bước ra vườn, khu vườn ngập trong cỏ gấu đã trổ đòng, theo thét những cọc tre dựng nghiêng ngả của hàng rào gãy mục. Anh đi đến cuối góc vườn, gỡ từ trong bức vách chuồng gà những trang sách đã vò nát, vuốt phẳng phiu rồi bần thần nhét về chỗ cũ. Có những phận người giống như mảnh giấy bị vò, nằm lăn lóc xen giữa kẽ nứt cuộc đời đầy cay đắng.
Vậy mà cái lần sang thăm ấy biến Thuần thành bị cáo đứng trước vành móng ngựa hiềm nghi. Anh thấy chua chát quá. Hơn ba năm điều động lên Song Chải dạy học, xứ đất cằn cỗi chỉ có sương mù và gió núi, anh tự nhủ mình chưa bao giờ làm gì hổ thẹn với lương tâm. Thuần nhớ những ngày nắng hạn, con giếng cạn khô phải xuống làng chở nước. Gáo nước quý giá, vo gạo xong rửa rau, tắm chỉ đủ tráng qua lớp bụi đỏ bám trên da thịt. Rồi đợt mưa rừng trút như xối xả, nửa ngọn đồi sạt xuống gần trường vùi lấp một góc dãy nhà ăn nội trú, vợ anh gọi điện khóc như mưa, để em nhờ người quen xin anh về trước hạn.
Thôi xin chi, hết hạn điều động anh về, đây còn thiếu người lắm. Anh cười trừ qua chuyện, vợ giận dỗi nói anh gàn, Thuần cũng kệ. Mỗi giáo viên có vài năm thực hiện nghĩa vụ ở vùng cao, ai cũng trốn tránh thì còn đâu con chữ cho tụi nhỏ, những đứa trẻ sinh ra đã thiếu thốn trăm bề.
Nhưng có lẽ với lòng người, chẳng có thước đo nào đo được niềm tin. Chị Miền vì con gà đã mất, lẽ nào lại coi anh, người thầy từng theo thằng bé Hèo lặn lội qua ba con suối, coi nó khóc cha chỗ nào để đưa về, người động viên nó từng ngày đừng bỏ học nhưng đành bất lực, giờ lại biến thành kẻ trộm chỉ vì chiều qua lỡ bước ra chỗ con gà được nhốt.
Chao ôi, cay đắng thay!
Một ngọn lửa vừa chua xót vừa tức giận âm ỉ chực trào lên trong lòng Thuần. Lòng tự tôn của anh, sự tôn nghiêm của người thầy, chẳng lẽ không bằng con gà Cao Thảo?
Tiếng trống trường gióng lên vội vã. Thoáng chốc Thuần đã đặt chân đến cửa lớp. Trong phòng học bọn trẻ nhao nhác, xô đẩy nhau đùa giỡn.
Xào!
Chậu nước rửa tay kê trên giá chao theo hai cậu bé rượt nhau, thằng bé chạy sau nhìn thấy Thuần, giật mình đứng lại làm chậu đổ xuống, nước chảy lênh láng trên nền gạch. Những lỗ thủng giữa sàn gạch hoa lâu ngày nứt vỡ, mùn đất và bụi đỏ bám vào nay được dịp trôi ra tạo ra một cảnh tượng vô cùng nhớp nháp.
Thuần giận tím mặt. Việc này lại xảy ra ngay trước khi tiết học bắt đầu, trong buổi sáng mà anh đi từ sửng sốt này đến bất ngờ khác, chẳng có điều gì tốt đẹp.
“Là ai?”
“Em. Dạ em ạ.” Thằng bé vừa nãy va phải chậu nước đứng im trước mặt anh, hai tay khép sát vào người, nghiêm túc và dõng dạc, chẳng hề tỏ ra sợ hãi. Điều này làm Thuần ngạc nhiên. Anh có đôi chút phật ý. Đáng ra nó nên tỏ ra lo sợ.
“Đã nghe tiếng trống chưa? Sao còn chạy?”
“Dạ... Rồi...” Thằng bé trả lời. Nói xong chẳng đợi thầy giáo bảo, nó vội vã chạy đi lấy chổi dọn chỗ nước tràn. Nhưng quét đến đâu nước như trêu ngươi lại chảy sang vùng khác, cuốn theo những rềnh rác và bụi bẩn trên đường đi khiến mấy đứa học trò ồ lên, chụm chân co lên ghế cười rúc rích.
Thuần đỏ mặt, cơn giận trở nên bừng bừng. Anh quát lũ trẻ trật tự rồi trỏ vào cậu học trò đang quét:
“Em kia, cởi áo ra!”
Thằng bé dừng chổi, nó ngẩng lên, kinh ngạc. Chưa khi nào thấy thầy giận dữ đến thế, nó nhìn anh chờ đợi, ánh mắt ngập ngừng.
“Cởi áo khoác ra lau sạch chỗ nước trên sàn nhà. Khẩn trương để lớp ổn định còn vào học!”
Thằng bé dường như đã hiểu. Một vẻ thất vọng thoáng qua trong ánh mắt, nhưng rất nhanh và quả quyết, nó cởi áo, ngồi thụp xuống sàn rồi bắt đầu chà.
Thằng bé chẳng hề ngước mắt lên lần nữa, chiếc áo phông bạc màu rộng quá khổ được giấu sau lớp áo khoác, nay bị lột ra, trượt trên vai để lộ thân hình gầy gò đen nhẳng.
Thuần lặng đi giây lát.
“Thôi được rồi, em về chỗ!”.
Thằng bé vờ như không nghe thấy, hoặc có thể nó không nghe thấy thật, vẫn lặng lẽ dùng lớp nỉ lót phía trong áo khoác thấm đến hết những vệt nước cuối cùng.
Thuần nhìn thằng bé, sau lưng áo là một vệt rách được vá víu vội vàng, đường chỉ khác màu không ăn nhập chạy dài trên xuống. Bọn trẻ im thin thít liếc sang nhau. Phía bên ngoài trời bắt đầu nổi gió, tiếng rít lá khô kéo ngoài sân xào xạc. Cơn gió lùa qua ô kính vỡ, thốc vào lớp học khiến ai đó xuýt xoa.
Thuần bắt đầu bài dạy. Anh nhìn xuống cậu học trò đang co ro với chiếc áo mỏng nơi cuối phòng. Mỗi đợt gió đi qua đôi vai áo màu bạc phếch, thân hình gầy nhom ấy lại run lên, nhưng nó cố mím môi chịu đựng. Những ngón tay run rẩy đưa nét bút ngả nghiêng trên trang giấy.
Thuần thở dài. Nhìn thằng bé anh chẳng còn tâm trí nào mà dạy. Cơn giận lúc này tan biến, xen vào đó là cảm giác hối hận trào lên trong lòng anh mỗi lúc một lớn. “Mình đã không cư xử như một người thầy”. Thuần tự nhủ.
Anh thả viên phấn xuống, đi về phía cuối góc lớp. Bọn trẻ len lén nhìn nhau rồi liếc sang thầy giáo.
Thuần cởi áo khoác, đưa cho cậu học trò.
“Em mặc đi”.
Thằng bé tròn xoe mắt nhìn anh. Nó mấp máy môi.
“Dạ...không...không...”
Thuần choàng áo qua vai thằng bé. Chiếc áo rộng mang hơi ấm trùm lên người khiến nó thảng thốt trong giây lát.
“Em cảm ơn thầy”. Thằng bé nói khẽ.
*
Thuần đang lúi húi cuốc đất ngoài vườn rau thì vẳng nghe tiếng ai gọi. Nói là vườn rau tăng gia sản xuất cho cán bộ giáo viên nội trú, nhưng thực chất là khoảnh đất cằn mà mọi người phải không ngừng tranh đấu mới chiến thắng được cuộc xâm lấn của lũ cỏ gà, cỏ gấu.
Thuần chống cuốc, ra là Hèo.
Nhìn từ xa thằng bé trông như một chú cào cào nhỏ nảy lóc cóc trên con đường đầy đá sỏi. Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo, chân này vừa chạm đất chân kia đã bật lên, trên vai mang túi màu đen đung đưa theo người.
“Thầy ơi! Thầy ơi!”. Thằng bé gọi rổn rảng trên khoảng sân vắng lặng.
“Ơ, Hèo không phải trông em hay sao mà lại ghé được thầy chơi thế này?”
Thằng bé bỏ cái túi trên vai xuống, thở hổn hển, chắc nó đã nhảy suốt quãng đường từ nhà tới đây.
“Hôm nay giỗ cha Thát mà...”
Thuần trầm ngâm. Anh định hỏi, thế con gà trống sao rồi, nhưng cái vẻ hồ hởi của thằng bé với đôi mắt trong veo đang nhìn anh háo hức khiến anh lại thôi. Sự hồn nhiên của đứa trẻ như liều thuốc xoa dịu mọi giận dữ, đắng cay, khiến người ta có thể bỏ qua mọi thứ cho nhau mà bao dung sống.
Thuần gác cuốc sang một bên vệ cỏ, bước ra sân. Anh đi vòng ra phía khu nhà nội trú một lát rồi quay trở lại.
“Đây là sách vở năm học mới thầy tặng con. Hèo mang về tự đọc, tối nào rảnh xuống thầy bày cho mà học.”
Thằng bé cuống quít nhận lấy. Nó ôm tập sách vào lòng, lựa một quyển trên cùng giở ra, rê ngón tay trên trang sách phẳng phiu với những hình vẽ sắc màu rồi đưa lên mũi hít hà vui sướng. Bất chợt nhớ ra điều gì, thằng bé loay hoay quay sang tìm túi đồ.
“Thầy ơi! Mẹ Miền bảo Hèo đưa thầy đùm xôi...”
Thuần xoa lên mái tóc ám mùi khói bếp của đứa trẻ. Anh đứng lặng im nhìn cho đến khi cái bóng gầy gò vừa đi vừa khư khư giữ chồng sách vở như giữ thứ quý giá nhất mà nó từng có khuất dần, chỉ còn lại chỏm tóc he thấp thoáng sau triền dốc.
Thuần quay lại với công việc đang dang dở. Sau mỗi lát cuốc từng tảng cỏ hoang vỡ bong để lộ ra lớp đất màu mỡ ẩn mình phía dưới. Gió đầu mùa xao xác thổi trên những ngọn cây, trong cái lạnh cuối ngày, hơi ấm thắp lên từ làn khói bếp ngôi nhà nào đó, len lỏi lùa trong khoảng sân, sạch và rộng.
T.N.D
Điểm trường Mường Lống (ảnh Sách Nguyễn)