Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Đêm giáp phấn của tác giả Nguyễn Trung Tuyến, Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Chuyên ngành Văn xuôi.
ĐÊM GIÁP PHẤN
Nguyễn Trung Tuyến
Bà mẹ tinh ý đã nhận thấy sau cái đêm đi xem vở tuồng “ Lục Vân Tiên” về thì thằng con có hiện tượng như sầu tương tư, lười ăn, biếng ngủ, chẳng chịu đi làm, mắt thì ướt choèn choẹt, suốt ngày nằm co quắp ủ rũ, thỉnh thoảng ngáp vặt như người nghiện đói thuốc. Thương con nhưng bà chậc lưỡi: “Ừ, thì nó cũng đã lớn rồi. Có thân thì tự lo thân. Biết sao!”. Nghĩ là vậy nhưng bà vẫn giục:
- Dậy! Lo đi làm với chứ! Ây dà! To xác rồi! Không lẽ suốt ngày nằm ườn thây ra đấy để nuôi báo cô hay sao?
Mẹ nặng lời, Oai vẫn không nhúc nhích.
Bà ngán ngẩm lắc đầu rồi đổi giọng nửa đùa nửa thật:
- Chắc con nào hớp hồn mày rồi! Hôm đi xem “Lục Vân Tiên” chứ gì ? Mà lười chảy thây thế thì có Thị Nở mới lấy mày!
Nghe mẹ nhắc đến đi xem diễn tuồng, anh chàng trở mình ngồi dậy.
Ăn uống qua loa rồi Oai vác cuốc lửng thửng ra đồng.
* * *
Ra giêng hai, ngày rộng tháng dài việc nông cũng nhàn.
Thành lệ, ông Tri Nhuận bỏ ra ít tiền đứng làm hội chủ, bà con quyên góp thêm nữa rồi lập ra đội văn nghệ xóm. Ăn tết xong, đội văn nghệ sẽ tích cực luyện tập để kịp đến tết Nguyên tiêu thì lên sân khấu trình diễn lại các tích xưa cho bà con xem. Vậy nên từ sau tết Nguyên đán, sân nhà ông Tri Nhuận đêm đêm tưng bừng ánh đuốc, rộn ràng, dìu dặt tiếng hát bội hát tuồng. Người thì tích cực làm đạo cụ, những phông màn, cờ quạt, gươm dáo, áo, mũ, cân, đai,… Diễn viên thì tập đơn, tập đôi, tập chung từng tiểu đoạn rồi liên kết thành vở diễn… Họ tập diễn xuất, tập hát sao cho ăn nhịp với trống chầu, nhạc đệm… Công việc thật vui vẻ bận rộn. Tuy nhiên, vì việc chồng con, việc đồng áng, việc nhà cửa, trâu bò lợn gà, trăm ngàn thứ việc khác nữa nên không tránh được những sơ suất, thiếu sót. Họ động viên an ủi nhau- không sao, sai thì sửa, thiếu thì bổ sung- văn nghệ cây nhà lá vườn chứ có phải chuyên nghiệp đâu!
Đêm tập cuối cùng để đêm sau biểu diễn gọi là đêm giáp phấn, ấy là đêm vui nhất. Không chỉ các vai diễn hồi hộp mà người xem cũng háo hức tò mò. Đêm công diễn có thành công hay không, vai diễn có làm được nên trò trống gì cho nên hồn thì đêm giáp phấn khắc biết. Mọi người đều ý thức được chỉ có cơ hội chỉnh đốn trong đêm cuối này thôi không có cơ hội làm lại, vậy nên ai cũng cố sức hoàn thành phần việc của mình. Đêm nay sẽ không có chuyện: - “Khoan khoan! Phải chờ Kiều Nguyệt Nga chút đã, chị đang về cho con bú kẻo con khóc hết hơi!”, sẽ không có chuyện Phong Lai đã ra sân khấu rồi còn chạy vào gọi:- “Mời Phong Lai anh ra diễn” vì vai diễn Phong Lai quên mang râu. Phải chấm dứt ngay cái kiểu- “Ta là Trương Phị em của Trương Phi”… Các buổi tập thường thì có thể châm chước mà cho qua, nhưng đêm giáp phấn mà thế là hỏng bét. Trống, kèn, đàn, sáo, nhị cũng thế, phách nhịp phải phối hợp ăn ý, trơn tru. Phối âm, phối khí cũng phải nhịp nhàng, không có chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược, cứ chát tòm tùm lum bát nháo như làm khoán là không thể được. Kể cả bên ánh sáng cũng phải chuẩn bị chu đáo. Cái kiểu ngu ngơ như người mù thắp đuốc, đang diễn ánh sáng trên sân khấu bỗng tịt câm mà xin lỗi khán giả một câu: “Vì điều kiện đèn măng xông bị cháy dái” là không xong đâu! Bên bộ phận bếp núc phục vụ cũng vậy, phải nấu nồi cháo gà cho ra hồn, thêm tí ớt tiêu cho nồng, thái thật tễ rau ngỗ tàu bỏ vào khi cháo đang nóng cho dậy mùi thơm ngon tí, bát đũa cũng nên tử tế đàng hoàng để bồi dưỡng kịp thời cho diễn viên ăn khuya sau đêm giáp phấn. Ông chắt Tùng trong vai Phong Lai cứ nhắc đi nhắc lại mấy mẹ bếp núc rằng: “Hóc xương gà, sa cành khế, nhớ nhé! Chỉ cháo thịt thôi nha nhé! Lọc hết xương ra! Diễn viên mà hóc xương gà thì bỏ mẹ!”.
Thế rồi buổi diễn tập lần cuối cũng diễn ra theo đúng kế hoạch đã trù liệu. Hơi khuya. Không sao. Bởi lẽ, tuy diễn viên đã thể hiện hết mình với vai diễn của mình nhưng đạo diễn cũng cứ phải dẫm chân dẫm cẳng thình thịch và thét không ra hơi, mồ hôi nhễ nhại, mệt hơn cả đi cày với con trâu tấn. Nhiều tiểu đoạn các vai diễn chưa kết nối được nhuần nhị nên phải làm đi làm lại. Khán giả thì ồn ào, ông Tri Nhuận đạo diễn cứ như là ông tướng tả xung hữu đột giữa các diễn viên cùng đám khán giả cuồng nhiệt ẩn hiện trong bập bùng ánh lửa và khói cuồn cuộn của mấy bó đuốc nứa dựng hai bên cánh gà.
Đám người xem chen lấn nhau, ngực con trai sát lưng con gái, không giữ ý là đụng nhau ngay. Nóng rực. Mùi mồ hôi thơm hơi con gái con trai, mùi thuốc cuộn, mùi trầu của người có tuổi, mùi thơm hơi sữa ấm ngọt của các chị bồng con đi xem. Thỉnh thoảng dậy lên mùi dầu Vaseline Pháp của tay chơi nào đó chải lên tóc làm dáng tỏa ra theo mùi mồ hôi thơm tho, hơi người quê ruộng đồng phớt chút mùi thị thành lấp lánh với những mắt cười trong ánh đuốc cùng với diễn viên ăn mặc ra trò, lại gần sát ngay trước mặt khán giả nên không khí đêm giáp phấn thật là hay.
Sương đứng sau lưng Oai, Oai nghiêng đầu nhường khoảng trống hiếm hoi để Sương nhìn ra sân diễn. Món tóc mai của Sương như thể vô tình vương bên má Oai. Oai cảm nhận được hương thơm tiết ra từ mỗi chân lông trên má, trên cổ, trên tóc, trong hơi thở của Sương làm hồn Oai ngây ngất.
Như thể vô tư, Oai ép sát người Sương, nghiêng đầu đủ tinh tế để Sương nghe rõ tiếng thì thầm của anh:
- Sương! Em xem được rõ không?
Sương ngoan ngoãn, thầm thì:
- Dạ! Em xem được rõ ạ!
Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ Oai mới được nghe một người con gái cất tiếng “dạ!” rất khẽ sát bên tai anh như thế! Tiếng “dạ” sao mà hiền lành, sao mà vang động, sao mà ấm nồng, sao mà thân thương đến vậy!
Mọi người cùng đổ dồn mắt nhìn ra sân khấu. Ai cũng hồ hởi phấn khích khi thấy Lục Vân Tiên đánh đảng cướp Phong Lai cứu được Kiều Nguyệt Nga. Thiên tình sử lãng mạn “anh hùng cứu mỹ nhân” được tái hiện qua hai vai diễn nhập vai khá xuất sắc ấy là cặp đôi: Nguyệt con ông chắt Mận trong vai Kiều Nguyệt Nga và Thọ con ông chắt Tùng trong vai Lục Vân Tiên thật đẹp đẽ xúc động. Vân Tiên một tay ôm chặt Nguyệt Nga, một tay cầm gậy, chàng và nàng nhìn tên tướng Phong Lai cùng đảng cướp đang quỳ mọp dưới chân họ cầu xin tha tội chết.
Nhìn tên tướng cướp Phong Lai áo quần lôi thôi nhếch nhác, râu tóc bơ phờ, miệng mếu máo lắp bắp vái lạy, cầu xin:
- “Từ nay xin bỏ nghiệp xưa
Kiếp trâu ngựa sớm trưa với ruộng đồng”
(Lời vở tuồng- “Lục Vân Tiên)
khiến cho khán giả được trận cười hả hê cùng tiếng vỗ tay vang dội.
Cái đẹp, cái thiện đan lồng vẻ đẹp của tình yêu đối lập với cái ác, cái xấu xa, bất lương, phi nghĩa đã truyền vào lòng khán giả trong đêm giáp phấn niềm tin, niềm phấn khởi lạc quan đẹp đẽ.
Có người không giấu được cảm xúc, thốt lên:
- Hai đứa diễn hay quá! Mà thương. Đi làm ngoài đồng, gánh phân, cuốc đất thì đen thui như gốc muồng cháy ai ngờ lên sân diễn lại đẹp như hoa thế!
Người đứng bên nhắc khẽ:
- Thôi nào! Mai ra đồng tha hồ mà bàn luận giờ trật tự để cho người khác xem!
Bên sân khấu chen nhau chật ních người, trong ánh sáng nhờ nhờ, dường như lứa đôi Vân Tiên- Nguyệt Nga đã dẫn dụ cho tay Oai nắm chặt tay Sương từ bao giờ!
Chỉ chờ cái kết thúc có hậu trên sân khấu như thế và nhân khi khán giả đang ồn ào tán thưởng thì bàn tay Oai và Sương ngầm hò hẹn rẽ đám đông rời đêm giáp phấn ra về.
Sương và Oai vừa đi vừa chạy trên con đường làng nhỏ hẹp những vệt sáng vẽ bằng ánh trăng và phối màu bằng bóng cây che thấp thoáng. Đêm xuân sáng trong, vườn nhà ai tỏa ra ngát thơm hoa chanh, hoa cam, hoa bưởi ngậm sương. Đôi trẻ không nói với nhau một câu, cứ thế, vừa đi vừa chạy. Lo lắng, hồi hộp, sợ hãi vây đuổi họ. Nhỡ không may bị ai nhìn thấy hai người đi với nhau thì chết- “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Với lại…
Chạy đến bìa làng. Họ lội qua dòng nước nhỏ trong vắt, dòng nước là một nhánh của rào Mỹ Dương dưới chân dãy Hồng Lĩnh đổ về. Trước đây dòng nước vốn rộng và sâu, mùa nước lụt nước dâng lên băng đồng muốn sang bên kia thì phải bơi đứt hơi mới qua được. Thật lạ, đất quê mỗi ngày cứ lặng lẽ dâng cao, khe lạch cứ cạn dần. Bây giờ thì đàn bà lội qua cũng không ướt váy nữa. Họ lội qua dòng nước rất nhanh rồi chạy băng qua cánh đồng làng Uy Viễn.
Cánh đồng nhỏ hẹp tựa như tấm chiếu đắp được bên này thì hở bên kia. Qua đồng làng Uy Viễn họ chạy lên, bắt gặp bãi tha ma nhấp nhô chồng chất mả mới mả cũ, mả to, mả nhỏ. Bãi tha ma là nghĩa địa chung của hai làng. Không phân biệt giàu nghèo, chết già hay chết yểu, nếu Trời bắt phải đi thì là ra nghĩa địa nằm cả. Nghĩa địa phơi ra dưới ánh trăng mùa Nguyên tiêu trông mặc nhiên, thanh thản như thể các hồn ma nằm dưới đất đang tư lự gì đó về những mùa xuân xưa với những vui buồn riêng của mỗi cuộc đời mà họ đã từng được sống. Qua bãi tha ma lặng im dưới ánh trăng xanh lạnh thì hai người không chạy nữa. Họ lội qua cầu Cản- tên là cầu Cản nhưng thực ra là cái đập tràn nhỏ được ghép sơ sài bằng những hòn đá tảng ngập trong nước trong xanh quanh năm rêu phủ. Bên này, trẻ con làng Uy Viễn sang làng Tả Ao đi học nếu lội qua cầu Cản mà không bị trượt chân ngã một vài lần là chuyện lạ. Qua cầu Cản là cánh đồng làng Tả Ao, cánh đồng bên này cũng nhỏ hẹp như manh chiếu hở đầu hở đuôi.
Bàn tay Sương vội rời tay Oai. Cô luống cuống nói:
- Gần làng rồi. Chia tay thôi! Đừng để người ta thấy! Anh về đi! Anh về nhớ… nhé!- Rồi Sương vội vã băng qua đồng làng.
Oai đứng nhìn theo bóng Sương thấp thoáng trong đêm trăng. Sương khuất sau lũy tre đen thẫm. Như giấc mơ, như ảo ảnh thần tiên bỗng tan biến. Oai có cảm giác hụt hẫng, chao đảo. Anh lẩm nhẩm nhắc lại lời Sương dặn:
- Về nhớ… nhé!
Đêm giáp phấn (Tranh: Hiếu Hồ)
Oai vác cuốc lửng thửng ra đồng…
Buổi xế trưa, đang cữ đầu xuân, cánh đồng làng Uy Viễn tịnh vắng bóng người. Trong tết, khi người ta lật vồng khoai để làm cỏ thì tiện tay dắt hai bên vồng khoai từng nhúm hạt cải, bây giờ cải đã rực lên cơ man là sắc hoa trắng chen lẫn với hoa vàng. Gió xuân phóng khoáng đùa nghịch dọc theo những vồng khoai lang đang vào thì xanh mơn mởn. Gió như thể chạy tìm ai đó đang dấu mình trong cánh đồng dịu thơm hương hoa cải kia.
Oai ngồi lặng bên vệ cỏ mải mê nhìn cánh đồng hoa cùng gửi theo bao liên tưởng. Trước mặt, trong vũng nước đọng, anh chợt thấy mấy con cá lia thia quanh quẫn, trông chúng thật vô tư lự. Chúng không biết được vũng nước dần dần sẽ cạn. Sẵn cuốc, anh khơi dòng cho vũng nước đọng chảy ra lạch nước nhỏ đang lặng lờ trôi bên mép ruộng. Động nước, đàn cá lia lia chợt giật bắn mình rồi quẫy đuôi chen nhau lao ra bơi xuôi theo dòng con lạch. Mấy con cá nhỏ lao đi thật nhanh để lại trong anh chút niềm vui dịu dàng.
Anh đang hóa thân thành gió giang hồ lang thang một mình trên đồng làng bỗng chợt tỉnh bởi lời nguyền cất lên làm anh tê tái. Lời nguyền tàn nhẫn đã lưu truyền trong gió từ bao đời. Phàm đã là người Uy Viễn thì từ khi chưa lớn cũng đã thuộc những lời nguyền đó rồi. Trong gió, lời nguyền văng vẳng cất lên rằng:
“Vật hành Cương Gián lộ
Vật giáo Mỵ Dương nho
Vật thú Tả Ao thê
Vật kết Hồng Thôn hựu”…
Cứ theo như lời nguyền thì trai Uy Viễn phải chịu bốn điều cấm (tứ vật), ấy là:
Cấm đi bộ ở đất Cương Gián
Cấm dạy học ở làng Mỹ Dương
Cấm lấy vợ là gái Tả Ao
Cấm kết bạn với người Hồng Thôn.
Cùng lời nguyền “tứ vật” lưu truyền kéo theo bao câu chuyện nhuốm đầy bi kịch, rùng rợn. Rằng thì là: tự dưng cả làng Cương Gián cháy rụi không sót một nhà nào; thầy dạy học ở làng Mỹ Dương bị học trò đập chết; kết với bạn Hồng Thôn thì bị bạn xô xuống vực chết; con trai Uy Viễn mà lấy con gái Tả Ao thì sẽ không chết vợ cũng chết chồng…
Sau lũy tre, dưới những mái nhà tranh, người ta truyền đời kể cho nhau nghe cơ man là chuyện. Gió nghe lỏm được lại kể chuyện của con người cho cỏ hoa nghe.
Tình yêu của anh với Sương phạm phải lời nguyền “Vật thú Tả Ao thê”, anh gỡ không ra. Mẹ anh nghĩ anh mắc bệnh tương tư cũng phải. Anh làm mẹ buồn.
Nhưng, mẹ ơi! Ngay cả Cố Lớn ( Nguyễn Công Trứ) cũng từng mắc phải bệnh này, mẹ ạ!
Cố cũng từng than thở:
“Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thoảng bên tai ngỡ miệng chào
Một nước một non người một xứ
Tương tư không biết cái làm sao”
(Tương tư- Nguyễn Công Trứ)
Cố Lớn thì than khóc được với thơ, Oai không biết làm thơ, anh đành ra đồng ngồi nghe gió nói với cỏ hoa để mong nguôi tâm sự.
Đang nghĩ mông lung chợt hình ảnh đàn cá lia thia trong vũng nước quẫy đuôi xanh đỏ bơi ra theo dòng nước nhỏ lóe lên rạo rực trong anh. Đàn cá thoát vũng nước sắp cạn gợi ý cho anh điều gì đó lớn lao như điều sinh tử. Từ chỗ anh khơi dòng cứu mấy con cá lia thia thoát chết thì đến lượt chúng lại mách bảo cho anh biết phải làm gì để vượt ra khói giới hạn của tù đọng.
* * *
Bao năm xa quê, xuân này vợ chồng ông Oai trở về. Làng quê đổi thay nhiều quá! Ông không định vị nổi cái chỗ ông ngồi cách đây hơn bốn mươi năm trước nữa. Thế nhưng kỷ niệm trong ông thì vẫn còn mới nguyên. Kỷ niệm, Oai- trai Uy Viễn cùng Sương- gái Tả Ao đã bước qua lời nguyền để yêu nhau. Họ cùng nhau rời làng theo bà con vào Tây nguyên làm kinh tế mới. Ở Lâm Hà, họ cưới nhau. Bao năm ròng rã, vợ chồng chung lưng đấu cật dựng nghiệp giữa một vùng đất đỏ mênh mông đã bao mùa bát ngát cà phê, sum sê hoa trái.
Ông bâng khuâng tiếc nuối. Giá như đội văn nghệ xóm ngày xưa vẫn còn! Giá như hằng năm ra giêng vẫn còn đêm giáp phấn! Giá như Nguyệt con ông chắt Mận trong vai Kiều Nguyệt Nga, Thọ con ông chắt Tùng trong vai Lục Vân Tiên còn sống- thương thay! Họ đã mất trong cuộc chiến tranh đánh Mỹ…Ước gì tất cả hãy còn! Ông sẽ bán hết cả rừng cà phê lấy tiền để ông nuôi hết cả.
Ông lại chợt nhớ cánh đồng trông khoai lang ra giêng mướt xanh, mỗi vồng với hai bên hai hàng hoa cải trắng vàng lung linh như chiếc áo hoa thơm tho ngày xa xanh ấy Sương đã mặc gặp ông trong đêm giáp phấn ấy.
Đầu xuân, mây nhẹ bay về xa báo hiệu mùa đông đã hết, khí dương đã về. Mây bay đi, để lộ phía trên đầu ông một khoảng trời thanh minh xanh biếc. Mây cứ bay như các nhân vật trên sân khấu bầu trời, chạnh nhớ ngày xưa cũ. Không định vị được những gì của ngày xưa hãy còn nguyên trong ký ức, ông ngẩng đầu đăm đăm nhìn lên khoảng trời xa xanh biếc của vô cùng.
N.T.T