Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn "Đêm mù sương" của Nhà văn Phan Trung Hiếu được rút từ tuyển sách "Biển đảo yêu thương"
Chiều nhạt nắng. Chúng tôi xăng xái đi ra biển. Chuyến đi này, dự định ban đầu chỉ có bốn người. Chẳng dè, sắp lên đường thì vợ Minh nằng nặc đòi theo. Đàn bà vốn nhạy cảm. Mà bọn tôi thì ngu. Ngu ở những tiếng thầm thào khả nghi, những cái nháy mắt tinh quáy. Tệ hại hơn, lúc xếp lại đồ đoàn, lớ ngớ thế nào mà Trung lém làm văng ra sàn nhà mấy cái “choác” màu hồng khiến cả bọn tím mặt. Bây giờ thì năm đấy nhưng coi như còn ba. Độc thân như ba chúng tôi, lông rông thế nào chả được. Bị “bám đuôi” ngặt nghèo như Minh, mất hứng. Hồi sáng, nổ máy rồi còn phải ghìm ga chờ cô ả hoàn tất việc bôi quẹt, thay đổi váy áo đã khó chịu, giờ thì thây kệ hắn cùng cô vợ nhõng nhẽo. Xuống biển, vợ chồng Minh tách bầy, rẽ sang hướng khác.
Nhấp nhổm trên cát, Trung lém ngây mắt ra ngó theo mấy cô gái bận đồ tắm. Những cặp đùi tròn lẳn, bóng nhẫy. Hắn chép miệng đánh ực, vẻ thèm thuồng:
- Chà, được là cá, bơi đến cắn trộm vào đùi mỗi em một cái, chắc sướng!
Hoàng thi sĩ ngả ngớn gối đầu trên đụn cát, ngẫu hứng ê a một ý thơ:
“Cánh sóng vỡ ập oà trên cát
Có đủ để làm nguôi cơn khát
Vạn thuở bạc bờ hứng đợi biển xa...”
Gió biển lây phây liếm trên da thịt. Tôi cũng thấy trong mình rộn rực. Đã thế, Trung lém lại còn toang toác:
- Các chú ngựa hoang! Cảnh đẹp thế này ắt có cỏ non. Phần “dương” tráng khí mà thiếu phần “âm” e phí quá!
Đêm xuống. Trăng biển rót mật vàng sánh. Cơm nước xong, Trung lém và Hoàng thi sĩ lẻn đi đâu mất. Một mình, tôi vác cây ghi ta gỗ ra trước ban công. Đầu hạ, biển chưa rộn rịp. Trên con đường lát đá dăm vắt qua khu nhà nghỉ, thi thoảng mới có một hội trai gái tụm năm tụm ba vừa đi vừa nói cười ồn ĩ. Càng về đêm, càng yên tĩnh. Những tiếng động lột sột đáng ngờ trong phòng riêng vợ chồng Minh nhỏ dần rồi tắt lịm. Vang lên giọng ca con gái khiến tôi ngừng tay. Dưới bãi đá xù xì mấp mô sát mép biển, mấy bóng áo trắng đang cười đùa hò hát. Như có gì hối thúc, ngón tay tôi buột lướt, đuổi theo. Có tiếng gọi với lên:
- Anh gì ơi! Xuống đây đàn hát với tụi em đi!
Hên rồi! Tôi mừng rỡ xách đàn leo xuống cầu thang. Hai, có khi ba bậc một. Lúc này, sương mù bảng lảng từ biển dâng lên. Ánh trăng rưới qua, nhuộm thành từng mảng đục nhờ. Biển hẹp lại. Chỉ còn loang loáng những vết sóng trắng vỡ ra trước lúc chạm bờ. Vượt qua trảng cát có những bụi cây lúp xúp, tôi dè dặt bước tới. Thì thào một giọng nói nhẹ như gió:
- Anh đàn khá lắm! Ngồi xuống đây làm vài bản cho vui!
Tôi lóng ngóng ngồi xuống một tảng đá nhẵn thín, lúng búng:
- Mấy em hóng biển vui quá nhỉ?
Cả sáu luồng ánh sáng hắt về phía tôi. Một cô lên tiếng:
- Tụi em ở cạnh đây, buồn quá nên lang thang dạo biển. Hỏng! Mình cứ nghĩ họ vui. Họ có đến những ba người, khó xử quá nhỉ?
Giá như có bọn Trung ở đây. Thực lòng, tôi cũng thuộc nhóm máu “D” nhưng chúa nhát gái. To mồm khua khoắng giữa đám bạn trai chứ trước chị em thì cực rối. Cũng may, ánh trăng bợt bạt đã giúp tôi giấu được ngây ngác, sần dại của mình. Trong ánh sáng lờ mờ hư ảo ấy, tôi hé mắt nhìn. Cạnh tôi, một cô chắc trẻ nhất đám, tóc búi ngược. Cô ngồi đối diện, mặt tròn, tóc buông dài quấn quýt. Còn cô nữa, có chiếc nơ con bướm kẹp lửng mái tóc ngang lưng.
- Mấy em ở đây sinh sống bằng nghề gì? Tôi hỏi, giọng đã bớt run.
- Bọn em ở chung. Công việc chủ yếu là giúp nhà nghề làm biển - Cô gái có mái tóc dài trả lời.
- Một nhà! Thế ai chị ai em?
- Tôi thắc mắc.
- Chị Hải Linh lớn hơn một tuổi, em và Huệ bằng nhau.
Cô gái kẹp tóc ngang lưng tự giới thiệu. Tôi lại hỏi dồn:
- Sinh đôi à?
Cả ba cái đầu chụm lại. Cô chị Hải Linh nhỏ tiếng lại:
- Mà thôi! Anh đừng hỏi chuyện nữa. Chẳng có gì vui đâu. Anh đàn hát cho tụi em nghe đi!
Ừ nhỉ! Mình rõ là vô duyên. Người ta gọi xuống chơi, tự dưng lại giở bài lục vấn. Trong ba cô gái, Hải Linh trông có vẻ trội hơn. Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt buồn mở to rực sáng. Lông mày rậm rạp như một bờ cỏ lâu ngày không ai phát quang, ăn lan ra cả hồ mặt. Môi tròn căng như cặp dâu vườn tím mọng. Mà thôi, ngó gì kỳ thế! Cứ như muốt ăn tươi nuốt sống người ta. Tôi cụp mặt, nâng đàn và hát. Và không bỏ được thói quen nhắm mắt, thả hồn trôi theo tiếng nhạc. Để khi mở choàng mắt, chỉ còn thấy mỗi Hải Linh đang ngồi bó gối lắng nghe. Tôi ngừng đàn, vội hỏi:
- Hai bạn gái của em đi đâu rồi?
Hải Linh ấp úng:
Vượt sóng ra khơi - Ảnh: Trần Công Việt
- Ở biển, nghe sóng réo gọi, ai cũng muốn cặp đôi. Họ đi tìm bạn rồi? Thì ra thế. Mấy cô ghê thật! Nhoáng cái đã biết mình ưa ai. Con gái vùng biển có cái nhìn thật lạ. Như có ánh lân tinh, lấp loá hút hồn kẻ khác. Sương mù quái ác mỗi lúc một dày thêm. Gió biển nghịch ngợm thổi tung tóc xoã khiến gương mặt Hải Linh chập chờn biến dạng. Tôi và em cách nhau chưa đầy sải tay. Đủ để thấy mùi thơm con gái trộn lẫn vị tanh nồng của biển. Đến lượt, tôi đệm đàn cho em hát. Chao ôi! Giọng em trong veo như sương mai trên cỏ, lại khàn đục như tiếng sóng xa. Em hát những bài về biển, về dòng sông lở bên bồi một thời chia cắt, rồi những tình khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Lời ca da diết, nghẹn ngào, buồn tủi. Vai em run lên, áo trắng phập phồng thổn thức. 10 - 15 bài, có thể hơn. Thời gian lạc vào miền âm u của những bài ca không có tuổi. Những cơn lạnh, đói cồn lên, réo sôi sùng sục. Những thanh âm đùng đục rú rít như tiếng hú hoang sơ của đại dương.
Trăng mười bốn âm iu, vàng quạch trong sương mù nhoà thành một luồng sáng loá nhoá. Hơi sương bám vào hộp đàn ướt lạnh. Chẳng biết bằng cách nào mà tôi và em đã ở sát cạnh nhau. Vải áo em căng phồng, lật phật cọ khẽ vào da thịt. Toàn thân tôi đột nhiên nóng hực. Cùng lúc, Hải Linh xoay người nhìn tôi, hai mắt rực lên như hai cục than hồng. Chúng tôi đổ ụp vào nhau trên bãi đá đầy rêu xanh ẩm mốc. Không phải tôi mà chính em, đẹp như một pho tượng cẩm thạch chủ động đè lên. Gương mặt nhớt nhát sương đêm và hai bàn tay nhẽo lạnh của em sục sạo... Tôi ngột thở trước nụ hôn điên dại khao khát của em. Đôi môi ấy tím tái và giá lạnh. Tôi vận hết tráng khí trong cơ thể của mình để ủ ấm em trong cơn hoan lạc. Tôi gồng người xoay, xiết nhưng bất lực. Em trượt trên tôi, lạnh tanh như một thỏi nước đá. Có gì đó tan chảy rần rật trong từng thớ thịt rồi nhểu xuống cát thành giọt. Tôi lạc vào sương mù, lềnh bềnh trôi. Trôi thật xa... và mù mờ tỉnh thức khi Hải Linh lay gọi:
- Thôi anh! Quá nửa đêm rồi. Ông già em chuẩn bị ra khơi. Em phải về để theo thuyền. Kìa! Ông đang gọi em đấy!
Tôi bật dậy, giương hết các giác quan nghe ngóng. Chẳng nom thấy gì bởi sương mù đặc quánh. Cũng chẳng nghe gì ngoài tiếng sóng ì oạp và tiếng nước vỗ óc ách trong kẽ đá. Chỉ ngửi thấy mơ hồ trong gió có mùi hương. Mà ai lại đi đốt hương vào lúc này cơ chứ? Tôi buồn bã chia tay với Hải Linh:
- Mai em đến nữa chứ?
- Em sẽ trở lại, nếu còn có sương mù - Giọng em ướt rượt mùi rêu.
- Biển vắng, hay để anh đưa về một quãng?
- Chẳng cần đâu, em không còn gì để sợ. Nhà em ở đằng kia...
Hải Linh đưa tay chỉ về vệt cây xanh thẫm phía tây rồi cắn môi quay gót. Mảnh dần như một que diêm, khối trắng lạnh ấp nhấp khoáng lơ lửng trên bãi cát rồi mất sau màn sương đục nhờ màu sữa.
Tôi tỉnh giấc khi trời chưa sáng hẳn. Lũ gà trống trong xóm chừng đang ngon giấc. Biển sương đã loãng nhạt. Lác đác vài ngôi sao ngái ngủ giữa nền trời lặng lẽ. Hùng thi sĩ, Trung lém không biết mò về lúc nào, chân tay gác xéo lên nhau, miệng lảm nhảm. Tôi bật dậy, dớn dác đi ra biển. Bãi cát còn trống trơn. Ra tận mép nước, tôi dè dặt đặt chân lên thảm cát mịn ướt và bất giác nghĩ đến da thịt trinh bạch của Hải Linh. Men theo bờ cát thẫm nâu mát lạnh, tôi chạy về phía tây, đến chỗ gấp khúc có một doi đất ăn ra biển. Lưng chừng vách bờ rậm rì cây cỏ là một gốc cây cụt ngọn, hai cành khô khẳng khiu chĩa lên trời. Chẳng thấy nhà cửa đâu hết. Đang nhớn nhác thì phát hiện ra trên biển, một chiếc thuyền thúng tròn nhỏ đang lững thững tiến vào bờ. Trên thuyền có hai người: một khối đen gù gập câm lặng và một bóng trắng mềm như dải lụa. Hay là cha con Hải Linh đi biển về? Tôi thầm nghĩ. Con thuyền đã áp sát vào bờ. Bóng đen cất tiếng:
- Anh gì ơi! Giúp lão một tay kéo thuyền lên với!
Tôi vội vàng chạy đến và sững lại. Trên thuyền không có Hải Linh, không còn bóng trắng mềm mại. Một người đàn ông có tuổi, da xạm quắt đang lụi cụi sắp xếp đồ đạc trong lòng thuyền. Ông bận chiếc quần cũ cắt cụt đến đầu gối, chiếc áo bộ đội bạc phếch, thẫm đen từng vạt lớn vì ướt nước. Tôi dụi mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Bãi đá đen ngòm, những con sóng ngầu bọt xà phòng. Lại săm soi nhìn vào lòng thuyền nhỏ hẹp, nhờ tối. Đống lưới to nằm chềnh ềnh như mớ rong biển, chiếc ống bằng sắt một đầu còn vẩn khói. Màu trắng duy nhất là vẩy bạc lấp lánh của đám cá trong thúng nhỏ đã vun đầy ngang miệng.
- Nào! Anh giúp lão một tay!
- Cái mũ lá bươm nát ngửa lên.
Tôi cúi xuống nắm lấy cạp thuyền bặm môi kéo mạnh. Chiếc thuyền thúng đen sì hắc ín lệt sệt lê trên cát. Độ vài chục bước chân, ông già buông tay, khò khè:
- Thôi chú ạ! Kéo xa thì chiều tối lại thêm dài đường. Hồi đêm, sương mù nhiều, gặp cá, lão đánh được kha khá. Có đến gần chục ký đấy!
Như không để ý, tôi buột hỏi:
- Hình như có ai cùng đi với cụ nữa cơ mà?
Ông già thở hắt, trầm giọng:
- Không, một mình, chỉ một mình lão.
Ông ngồi bệt xuống cát, vừa gỡ nốt những con cá còn vướng trong mắt lưới, vừa trò chuyện:
- Cái số tôi vất vả. Bà vợ còm cõi yếu đau cũng vừa mới mất. Bây chừ, sướng khổ tuỳ thuộc vào ơn biển. Có cá, đổi be rượu, ít gạo củi sống lấp liếm qua ngày. Chỗ tiền dư, góp nhóp để xây cái mộ cho con gái.
Ông ngừng lời, chỉ tay vào vách bờ xanh um:
- Con gái tôi nằm đó. Hồi chiến tranh, đây là cửa địa đạo. Dạo ấy, vùng này là đất giáp ranh, hứng chịu cơn điên của máy bay, pháo hạm. Không một bụi cỏ, cành cây nào còn xanh được. Cả làng tôi phải sống, chiến đấu và nín thở chờ đợi trong những đường hầm tối om trong lòng đất. Dưới ấy, có đủ cả: giếng nước, nhà tắm, chỗ hội họp vui chơi... Đêm ấy oi trời, lão mất cảnh giác để đứa con gái rủ thêm hai đứa bạn lẻn ra tắm biển. Lại còn mò mãi ra ngoài xa. Máy bay địch ào đến, kẻng báo động vang lên hối mọi người xuống hầm. Cả ba đứa không kịp mặc quần áo, mới chạy vào đến cửa thì bom nổ làm sập hẳn một khúc địa đạo. Đứng ngoài nghe rõ tiếng la hét, kêu khóc thảm thiết, vậy mà tất cả mọi người, kể cả lão đây đành chịu. Cả núi đất như thế. Mười ngón tay lão tướp máu rốt cuộc cũng chỉ để mà nghe tiếng khóc, tiếng hát nữa chứ, nhỏ dần rồi im bặt. Chúng chết ngạt, thi thể chắc còn nguyên. Mấy lần, định đào lên lấy xác, nhưng sợ không chịu nổi. Đành để lại làm nhà mồ luôn cho chúng nó.
Giọng nghèn nghẹn, ông già đưa ống tay áo lòi thòi quẹt mắt, chậm chạp đi về cửa mộ. Tôi lẩn thẩn bước theo. Đằng sau gốc cây khô, một hõm sâu ăn vào bờ đã phủ kín dương xỉ, dứa dại. Rêu từng đám lên xanh, chen lấn màu hồng của đất. Có rất nhiều khóm cây trinh nữ, lá mỏng mượt chẳng chịu cụp lá trước gió biển và bước chân người. Những bông hoa trắng tím xốp tròn xoe như những vỏ ốc trắng hồng rủ loà xoà trên cửa mộ.
- Nếu chú muốn “tham quan” địa đạo, lão cho mượn cây đèn đánh cá mà soi đường. Bây chừ, để lão thắp cho bọn nhỏ nén hương rồi còn phải về để kịp phiên chợ sáng. Ông già ấn vào tay tôi cái ống đèn bằng sắt, một đầu rỗng lù ra búi giẻ cháy lam nham:
- Còn khá dầu đấy! Cứ đi, khi nào thấy ánh sáng thì ra. 13 cửa cả thảy, ra cửa nào cũng được. Hồi ngách hầm này bị sập, bọn tôi đã mở thêm cửa sát cạnh để thông ra biển. Đây! Chú vào lối này! Ông đưa tay chỉ sang hõm đất gần đấy, rồi bật lửa châm vào cây đèn. Tôi đứng thần người nhìn ông mở nén nhang thắp dở, rút ra ba cây đốt, cắm vào chiếc lư hương làm bằng vỏ ốc:
- Tôi nghiệp, cả ba bứa đều chưa kịp có chồng hay có người yêu... Giọng ông nhỏ dần, lục bục trong cổ họng. Ông chào tôi rồi nặng nhọc bước đi. Cái bóng gù gập, đống lưới, thúng cá khuất dần sau rặng phi lao, nơi con dốc dẫn về lối xóm. Gió biển ẩy mạnh sau lưng, nhấc chân tôi lên khỏi mặt đất, kéo tôi xềnh xệch sát bên lỗ hổng, ấn tôi xuống cửa hầm sâu hun hút. Mùi quá khứ ẩm mốc, lạnh lẽo xộc vào mũi. Vài chú nhái bén, nhái bù nhảy loi choi, quệt vào chân rờn rợn. Một mình một đuốc, tôi lò mò run rẩy đi trong đường hầm ngoằn nghoèo kì bí ấy. Ánh đèn hắt lên vách đất loang loáng những hình thù quái dị. Tôi ớn rét, vội tìm đường trở lui. Đường ra dài hơn đường vào. Hai bên đường hầm giống nhau ở những ngách nhỏ mở vào, rộng chỉ bằng chiếc chiếu. Trong ánh sáng chờn vờn, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp trong những ngách hầm ấy những xoong nồi, chậu bát sứt sẹo nằm chỏng chơ cùng cuốc, thuổng, ven, cào han rỉ. Ngọn đèn dừng lại trước một ngách hầm lạ. Ánh sáng không được phản chiếu bị hút hết vào một khoảng tối đen ngòm, tròn vịn. Tôi dợm chân lách vào và cúi xuống. Trời ơi! Hun hút ở dưới đáy giếng trong vắt là khuôn mặt méo mó chập chờn của Hải Linh. Tôi hoảng loạn hét lên. Muôn vàn âm thanh như tiếng hú của loại thú dậy lên đáp lại. Tôi ngoắt người bỏ chạy, vấp chúi dụi vào các ngách hầm. Ngực tôi như bị ai bóp chặt. Ngột ngạt không thể nào chịu nổi. Chân tôi cuồng lên, chới với như một vận động viên chạy dài sắp kiệt sức lúc về gần tới đích. Luống cuống, ngọn đèn trong tay lại đâm chúi vào thành đất, phụt tắt. Cơ thể tôi tê dại, bải hoải. Trong đầu, chỉ còn một khát khao duy nhất là không khí và ánh sáng. Tôi quờ quạng tìm lối ra, miệng ú ớ như bị bóng đè. Bò mãi, chạy mãi, cho đến lúc sắp xỉu đi vì sợ hãi thì chợt thấy đằng trước le lói chút ánh sáng xanh dịu hắt chéo vào. Ngoài kia là biển, là ánh sáng. Tôi cố sức ẩy mình nhoài ra... Để khi tỉnh trí, đã thấy mình nằm vắt ngang cửa địa đạo, đúng chỗ vào ban nãy. Gốc cây cụt ngọn... chiếc lư hương bằng vỏ ốc của ông già biển, những bông hoa trinh nữ xập xoà trong gió.
Phía đông, hơi ấm đã bừng lên. Trên mặt biển xanh dịu đã loãng sương, mặt trời đục thủng một lỗ tròn, đỏ ối. Một vệt sáng bầm đỏ như máu từ đó vọt ra, lênh loang thành dòng trên mặt nước. Một ngày ở biển lại bắt đầu với những âm thanh ầm ào, u oa của sóng, gió...
P.T.H