14-04-2023 - 09:02

Truyện ngắn Dì tôi của tác giả Nguyễn Văn Hiệp

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Dì tôi của tác giả Nguyễn Văn Hiệp, Hương Khê Hà Tĩnh.

Đã rất nhiều năm tháng qua đi nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của dì Len những chiều xa xưa ấy. Trong căn nhà nhỏ nằm cuối góc vườn đầy dứa và những cây dâu da từng chùm chi chít quả, trước ngõ có cây hoa dẻ thơm nức mũi. Dì lặng lẽ ra vào, mấy đứa nhỏ cứ trầm trồ ngõ nhà bà như cung điện mùa xuân, thích quá trời luôn!.
  Bà ngoại tôi có ba người con, mẹ tôi và hai người em gái. Các dì ai cũng quý các cháu, dì út thì đi lấy chồng xa thi thoảng mới về. Tôi gần gũi và được dì Len yêu chiều nhất, hay được nhờ ngủ đêm và trông em khi có việc, rồi thỉnh thoảng cho đùm kẹo với cái tên rất hay “Kẹo côộc múc”, nguyên liệu là bột sắn trộn mật mía, thời bấy giờ chúng tôi cho là ngon tuyệt vời…Với dáng đầm đậm, lưng hơi còng có lẽ do dì tôi hồi trẻ phải gánh gồng chăng? Thật lạ, dù dãi nắng giầm mưa nhưng làn da không chê vào đâu được, gần như không có nám, mái tóc dài, mai có một ít xoăn tự nhiên, đặc biệt là ánh mắt rất ấm áp, yêu thương, ở cái tuổi ngoài tám mươi vẫn tự xâu kim khâu vá đồ, mọi người cứ khen dì mãi.
 Nhiều lần đến thăm và trò chuyện đủ thứ, nhưng lần này dì như muốn nhắn nhủ điều gì đó về gia đình, về niềm tự hào của sự đổi mới của quê hương. Dì kể: Lúc lên 5 tuổi thì cha mất, chị gái khoảng 7 tuổi, sau vài năm, mẹ đi lấy chồng. Gia đình bố dượng không chấp nhận mang theo con riêng về nhà chồng, anh em bên nội thì không còn ai. Thế là họ hàng bèn nghĩ cách chia ra, cho đi ở mỗi đứa một nhà, ai nhận thì cho. Thế là dì và mẹ tôi trở thành người đi ở.  
Chị thì ở với người chú họ là ông Nguyễn Cần, em thì ở với người bác họ là ông Nguyễn Quản. Vừa đến trước ngõ, ông Quản nói vẻ mặt lạnh tanh: “Con này mới 5 tuổi, người như con mắm làm được gì cho nhà tao mà đi ở với chả đi nuôi?, chỉ tốn vài ngọn lá tro..!” Nghe mà sởn cả da gà! Thế rồi, từ đó dì về ở với ông Nguyễn Chiêm (Em ông Quản). 
Mẹ tôi ở với ông Cần, ông bà thương người. Dì không may rơi vào hoàn cảnh khổ cực.  Ông Chiêm một người cục cằn, gia trưởng, mặt mày lúc nào cũng cau có, tức dận vô cớ, hai mắt như lồi ra, đỏ ngầu. Nhiều chuyện chẳng đâu vào đâu, cũng lôi chuyện con ở ra mà chì chiết.  Đại loại, đủ thứ lý do: Bò không no, đánh; em khóc, đánh; em trêu chọc nhau, đánh; hỏi chưa kịp thưa, đánh …
Một hôm, vào mùa hè trời nắng nóng nực, sau khi cho bò ăn no, buộc vào bóng mát, dì cùng bọn trẻ đi tắm, bị ông Chiêm bắt gặp, và bữa đó bị một trận đòn roi thừa sống thiếu chết. Dì la hét mãi, trời ơi!, đến lúc người làng bên kia sông nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết, chạy đến xin mãi, ông ấy mới tha cho ....   
Đau nhất là ông ấy cấm dì không được về nhà mẹ đẻ. Dì chỉ biết khóc……Mẹ thương, thi thoảng giấu củ khoai, lúc thì củ sắn, miếng cơm…bỏ vào chậu đi giặt đồ, hoặc đi gánh nước lén đưa cho con, phải bí mật như hoạt động cách mạng trong lòng địch, vì nếu ông Chiêm mà biết thì bị ăn đòn. Dì nhận được quà mừng lắm, vừa ăn vừa khóc…mà nhà mẹ nào đâu có xa xôi, chỉ cách một đoạn đường, chưa đầy 500m….Trời ơi! nhớ mẹ vô cùng! 
Tôi lại hỏi? Việc học chữ lúc đó thì sao dì? 
Dì kể: Con ơi, dì thấy bọn cùng lứa đi học, mà dì mong muốn lắm. Năn nỉ mãi ông Chiêm cũng cho đi, dì xin bọn bạn được mấy tờ giấy nứa, tập tô tập viết được mấy chữ, dấu ở vách phên sau hè, không biết sao ông Chiêm lấy đốt mất tiêu rồi lại bảo mày vứt ở đâu, chứ học với hành cái quái gì, ai đời đưa ở đi học, chủ đi làm phục vụ mày chăng, thế là không được đi học nữa, dì chỉ biết khóc mà thôi!.
Tôi thương dì quá! nấc lên từng tiếng, rồi oà khóc…


***

Như thế là, gần 10 năm đi ở, nhiều lần chạy trốn hết nhà này sang nhà khác, ngủ ngoài chuồng bò, đống rơm, nhưng Ông Chiêm lại lục tìm bắt về…Rồi những trận đòn roi liên tiếp trút lên người dì, lằn roi chằng chéo vẫn còn hiện cho đến tận bây giờ …   
Một lần, tội ở đâu như trên trời rơi xuống. Anh Chắt người trong làng, cầm một cái gậy lăm lăm đến nhà gọi hãng giọng: “Con Len đâu? Ra đây tao bảo!Trong làng này có mấy nhà đói kiết xác, tao nghi lắm nó trộm con gà của tao rồi! Con Len, mày chăn bò gần đó, chắc biết sự việc, mách tao mau, nếu không biết ai thì phải đi tìm cho ra tung tích con gà, tìm bằng được, kể cả là lông gà đem về không thì tao giết, tao chém”! Quá oan ức cho dì. Họ cậy thế nhà giàu chèn ép bắt nạt con ở. Dì co ro nép mình vào đống củi Sim ở góc bếp, tiếng anh Chắt đi xa dần mà không dám ló mặt ra.

Dì tôi ( Tranh: Minh Sơn)

Năm 15 tuổi, nhân lúc ông Chiêm bị ốm, dì lại bỏ trốn, bảy ngày nằm trong buồng nhà ông Cần, bà Cần và các em trong nhà chăm sóc. Rồi một ngày, nghe nói cuộc cách mạng gì đó, dì không hiểu, rồi Hợp tác xã ra đời, thời thế đổi thay, Bố dượng đuợc làm cán bộ thôn, thế là hai chị em được về ở với bà ngoại, thoát cuộc đời đi ở đau thương! 
Tôi gặng hỏi, nghe có chuyện tình yêu, tình báo gì đó hồi mới lớn nữa mà dì?
Dì nói thôi chuyện trẻ trâu kể ra ngại lắm, “bay cứ hay lâu nhâu…”!. Tôi tò mò, hay đó, dì kể đi ạ! Thế là dì lại mỉm cười lên, đôi má nhăn nheo, nhưng đôi mắt như chợt sáng lên, lại vê vê, vuốt lá trầu…. Hồi đó dì mới lớn nghe mấy bà hàng xóm nói con này trông cũng khá, không đến nỗi, khéo sớm lấy chồng. Ngày đó trong nhóm bạn chăn bò, có anh hơn dì trạc 4-5 tuổi làm trưởng hội hay đánh trận giả, cờ mo, rồi dịp tháng giêng, tháng hai mùa giáp hạt, cả làng đói xơ xác, cả hội tổ chức hái rau má đi chợ đổi bánh đúc, chừng một rổ to đổi được 1 cái bánh đúc, rồi chia nhau từng mẩu, ngon quá trời luôn. Một hôm mải đi tìm rau má, con bò nhà mình đi theo đàn khác, trời thì sắp tối rồi, giữa đám mênh mông lòi bụi sim mua, chạy ngược, chạy xuôi tìm bở cả hơi tai, dì hốt hoảng, không thở được luôn… Đang lúc tuyệt vọng sợ bị chủ đánh đập, rồi bắt đền nữa thì chỉ có đường chết. Trời ơi! May có anh trưởng hội tìm được, khoảnh khắc anh ấy đưa chạc mũi bò vào tay, rồi bảo thôi đừng khóc nữa. Thế mà dì vẫn khóc mãi… Sau bữa đó dì cảm nhận được sự quan tâm của anh. Rồi cứ thế đi chăn bò cùng đám bạn, rồi thương thầm, nhớ trộm khi nào không biết. Rồi một hôm có bạn báo tin anh phải nhập ngũ đi Thanh niên xung phong phục vụ kháng chiến, chia tay không gặp được nhau. Bữa anh đi dì dắt bò đứng đợi ở đầu làng, nấp sau gốc bưởi chua, lứa hoa cuối vụ toả hương ngào ngạt, đang nhặt từng cánh hoa rơi xuống đất, thoáng thấy dáng anh đang đi, lúc đó dì như muốn chạy lại, nhưng sợ, rồi đưa chiếc nón lên vẫy vẫy.. bóng anh xa dần…. Bữa đó dì khóc như mưa, ai hỏi cũng không nói, thế là chia tay không một lời thề hẹn... 
Lặng đi một lúc, như để tìm lại ký ức…. Dì kể, một hôm, đang đi đánh dậm, bắt cá ở Bàu Làng, đoạn thò tay vào đám bùn đen sì để bắt con chạch trơn; thoáng thấy cái đuôi thò ra, đã biến mất, đoán chắc con này to đây! Đang lúi húi bới bùn cố bắt cho được con chạch thì nghe tiếng chị  gọi: Len ơi! Ơ Len!  Nhanh lên về có việc, mẹ bảo về ngay! 
Dì chưa biết chuyện gì xảy ra, bốc cả vốc bùn, chạy lên, rồi bắt được con chạch to, vàng rộm bỏ vào cái giỏ chắc ăn, rồi vội rửa tay qua loa, chân quẹt, quẹt vào đám cỏ cho bớt bùn, chạy vụt về nhà, quần áo, chân tay vẫn còn dính đầy bùn đất, mấy con cá, con cua xóc lộn cả lên, bò sột soạt trong giỏ.
 Ngoài ngõ nhìn vào nhà thấy có mấy người lạ đang ngồi ở bàn uống nước, có vẻ đợi gì đó?...không hiểu chuyện gì?…, thì giật mình, chị nắm chặt tay ghé vào tai nói: “Có người bên làng Phú Vinh đến hỏi dì rồi!” . Thế là xong! Dì đi lấy chồng…lúc đó mới 16 tuổi.  Dì thầm nghĩ, từ nay mình thoát được cảnh nghèo khó rồi chăng?…  
Dì vừa têm trầu, mắt nhìn về xa xăm… 
Ngày trước khác giờ khác, chú nhà dì lúc cưới thuộc hàng luống tuổi, đi bộ đội về mãi hơn ba mươi mới cưới dì thoát ế đó. Gia đình chú có truyền thống cách mạng, chú lại sôi nổi và tích cực trong phong trào đoàn thể địa phương, theo Đảng làm cách mạng

, làm đến chức cán bộ hợp tác xã mua bán, một thời gian ba hay bốn năm chi đó, rồi được huyện điều lên làm cán bộ thương nghiệp, cuộc sống cứ thế khá dần lên, các em được học hành đến nơi đến chốn, đứa đi bộ đội, đứa làm giáo viên, đứa buôn bán nhỏ, các cháu đều ngoan, nhà cửa khang trang, khá giả hẳn lên. Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, cuộc đời thay đổi sang trang, mừng lắm, như một giấc mơ con ạ!.
Lặng đi một lúc. Dì lại bấm bấm ngón tay, run run, rồi lại vào vôi, têm trầu. Dì nói dọng trầm xuống hẳn: Xã hội ngày càng phát triển, nghe nói quê ta giờ là xã Nông thôn mới nâng cao, sắp trở thành đô thị gì đó phải không? tuyệt vời !  
Dì hỏi? con cháu nhà ông Chiêm bên đó nay sao rồi? Tôi trả lời: Dạ, con có biết, con cháu ông bà ấy đi làm thuê trong Nam ít về quê, có khi về quanh quẩn trong nhà, ít giao lưu hàng xóm, láng giềng, chưa có gì nổi bật cả dì ạ!.   
Bỗng có tiếng còi xe ô tô vang lên.  
Dì nói: Mấy đứa ra xem có chuyện gì không? Thì ra xe ô tô các con cháu đậu kín trước ngõ, bọn trẻ con đang tranh thủ chụp ảnh, đứa thì chơi trò đánh bi, xe ai qua họ còi xin đường….
Dì tôi tạm dừng câu chuyện và nói: Thôi, bây giờ sướng rồi, quê ta giờ cuộc sống thanh bình rồi, chuyện cũ biết thế thôi!, con cứ hay mau nước mắt! 
Tôi chào dì ra về. Hàng rào xanh gọn gàng nơi nào cũng bắt mắt, những cây mận, cây đào nở đầy hoa ngõ nhỏ, những nương ngô xanh mướt, trổ cờ tăm tắp ven con Sông Tiêm thơ mộng, tôi vẫn như nghe dì tôi nói: quê ta thật thanh bình!.

 

. . . . .
Loading the player...