12-10-2024 - 00:22

Truyện ngắn “Điểm danh” của Huệ Ninh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 217 trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Điểm danh” của Huệ Ninh

Ông Toàn nằm viện Trung ương cả tháng nay. Hai anh con trai thay nhau túc trực chăm sóc hàng ngày. Hai nàng dâu đều yếu ớt, lại bận con nhỏ nên chả ai truy xét trách nhiệm. Dù vậy nhưng chẳng cô nào yên lòng. Cách vài ngày thì Hảo - cô chị dâu lại đến xem bố thế nào. Vài bận thì Bình - cô em dâu lóc cóc khăn gói quả mướp từ tỉnh xa tới thăm “ông nội”. Thế là con đàn cháu đống bên bố suốt, chỉ mong bố vững tâm chữa bệnh.

Mai bố mổ u phổi, cô em dâu không lên được vì đang điều trị tiền đình, người lúc nào cũng ngất ngư, chóng mặt. Thằng con thì khật khừ ốm. Lòng cô như lửa đốt. Chị dâu thì mới đẻ, người non bấy, lại cảm sốt, nhưng không đến không yên. Trong hai anh con trai, chỉ Phương, chồng cô – con trưởng là có nhà Hà Nội, cô không có mặt lúc bố chồng mổ lòng cứ thấy sao sao, mà đến thì không nổi. Nghĩ tới đoạn đường hai mươi lăm cây số, khói bụi, tắc nghẽn, trong lúc người lạnh toát, cô vô cùng băn khoăn. Tối ấy, Hảo điện hỏi chồng xem có về ăn cơm không? Anh chồng giọng mệt mỏi đáp “Không. Anh còn lo chỗ ăn chỗ ngủ cho các chú, các cậu, các em. Mọi người lên đông lắm”.

Từ lúc bố chồng nằm viện, hết các bác, các dì, cô, cậu, chú, thím, các em đến thăm, hàng xóm láng giềng, lại cả cơ quan, đoàn thể, khu phố của con trai, con dâu tới hỏi han, chưa kể mấy bên thông gia, bạn già, bạn trẻ; rồi đoàn đại diện hội bạn học cấp một, cấp hai, cấp ba, bạn đại học, bạn đồng niên, đồng hương… của các con cũng lần lượt có mặt. Không ngày nào không khách. Cứ tầm 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều - giờ thăm nom là giường của ông Toàn lũ lượt người. Tốp kia xếp hàng chờ tốp này cứ như người nhà quan. Dù gì ông cũng giữ hàng loạt chức vụ: trưởng họ, trưởng chi, trưởng ngành, hội trưởng hội cây cảnh, hội cựu chiến binh, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân… Lại từng cưu mang bao anh em, se duyên cho một lô con cháu, là trung tâm hòa giải của các cuộc cãi cọ… Nói chung cái đức dày thì mới được thế. Không báo cho người nọ người kia cũng không được vì mổ u ở K thì lành ít dữ nhiều, nhỡ có sự gì họ lại trách! Đông người tới thăm nom ông, con cái tự hào lắm. Ông cũng nở mày nở mặt. Cơ mà, tháng nằm viện cứ giờ ấy ông lại phải bỏ dở bữa, không được ngủ trưa, đau mấy cũng gượng ngồi dậy cười với người nọ, trả lời người kia, tay bắt mặt mừng người kia. Ai cũng từng nấy chuyện, từng nấy câu người ta hỏi, và từng nấy câu ông trả lời, rồi nhận từng nấy cái phong bì. Không phải chuyện phong bì nặng hay nhẹ, vấn đề là ở tình cảm. Vậy là lẽ ra mổ ngay thì phải một tháng sau, sức khỏe ông Toàn mới ổn định để lên bàn được.

Minh họa: LÊ ANH

Anh Phương, con trai cả ông ngoài việc chăm sóc, xoay tiền chữa bệnh cho bố, lo đảm bảo việc cơ quan thì còn phải tiếp hết tốp người này đến toán người khác. Bố bệnh, chỉ nhìn mặt, bắt tay, hỏi chào đã mệt, việc khác phải do anh. Nào là đón người này tới, đưa người kia về, cho người nọ ra bến xe, hay bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ, rồi lo dẫn đi chơi đây đó một vòng, mời về thăm nhà ngủ một đêm, ăn bữa cơm thân mật. Tất nhiên không quên tiền lộ phí đi đường và tiền quà cáp biếu một số cô bác ở quê xa, nghèo khó. Bà dì ốm đã lâu nay nghe tin ông Toàn bệnh lập tức lên Hà Nội ngay. Đang thì đắn đo không biết đi thế nào, nay may có ông anh rể nằm sẵn, “dọn đường”, thế là bà cứ ung dung lên. Sau hồi tâm sự, Phương đưa dì đi khám bệnh và chi trả các khoản thuốc thang. Hảo thắc mắc: “Không hiểu người nhà anh nghĩ gì mà lại phiền con cháu lúc thế này. Lo cho bố còn chưa biết thế nào, giờ lại phải lo cho một lô người.” Phương mắng vợ không biết lễ nghĩa. Anh bảo: “Đáng gì chuyện tiền. Mình tiêu tiền cho họ là tự nguyện chứ ai đòi hỏi? Họ quý mới lên với bố. Cái tình ấy không gì mua nổi đâu. Người quê sống với nhau cốt ở tấm lòng”.

Có hôm quá bận và mệt không thể đưa họ hàng về nhà, Phương điện để vợ giúp. Hảo tá hỏa không biết sắp đặt thế nào. Cô đẻ được sáu tháng, vừa học nghiên cứu sinh, lại vừa bắt đầu đi làm. Việc chỗ nọ chưa xong đã ngập đầu việc chỗ kia, nhưng vụ đưa đón người thân thì không thể bỏ được. Có điều đường sá Hà Nội đâu  dễ đi. Ở cơ quan thì nhanh nhanh chóng chóng lên điểm danh rồi lao tới lớp học. Ở lớp học cũng vội vội vàng vàng để được điểm danh còn lo đón đưa người thân. Mà với người thân thì không thể nhanh vội được. Trong khi cứ vài tiếng lại đến giờ cho con bú. Không về được, hai vú cô nặng như đeo đá, căng rức, rồi chảy sữa ướt sũng tấm lót. Người bí bách khó chịu. Đưa được người thân vượt qua trận địa tắc đường đến nhà thì trời tối mịt. Lao vào tắm cho con, cho nó bú, rồi ăn uống là đã nửa đêm. Đêm, lại phải hoàn thành việc cơ quan và bài tập ở lớp trong khi mắt rũ ra, mọi dây thần kinh trùng xuống.

Biết chuyện, mẹ Hảo khuyên sao không bảo họ bắt xe ôm đến nhà. Hảo cười buồn đáp rằng như thế có mà mang tiếng khinh người. Họ ở Hà Nội đâu mà hiểu chuyện tắc đường, họ càng chẳng phải gái đẻ để thông cảm. Chồng cô đã dặn kỹ nếu không đối xử cẩn thận, bị đánh giá thì sau hết đường về quê. Như thế thì nhục nhã, đau đớn lắm.

Thế nhưng, cô con dâu tiếp họ nhà chồng vẫn không được cho là chu đáo. Người này xì xào với người kia: “Lặn lội xa xôi, cả năm cả đời mới lên được nhà nó, thế mà cứ cắm đầu vào cái máy tính. Nó bảo mình ngủ trước đi, nó còn làm bài. Hứ, học làm ông nọ bà kia chắc. Chả lẽ không bỏ được một buổi để tiếp họ hàng sao? Mà làm thì cật lực, học thì thâu đêm lại chả thấy tiền đâu. Mình ra, nó  quà  có vài trăm nghìn. Bằng hai con gà ấy gì? Hay bằng mấy quả bưởi? Nó tưởng mình báu không bằng. Cái cần là tình cảm thì chả có. Người thành phố khó chịu vậy đó.”

Mai bố chồng mổ u phổi. Lũ lượt người ăn chờ nằm chực ở bệnh viện để “lo” cho ông! Hảo phân vân mãi không biết đến bệnh viện kiểu gì khi bắt đầu lên cơn sốt. Đêm, chồng cô về, người rũ như tàu lá, chỉ nói được câu “mệt quá”, rồi nằm vật ra đất ngáy vang. Sáng hôm sau, chuông điện thoại hối thúc, anh lại cuống cuồng lao đi. Trước lúc khoác ba lô lên vai còn cố dặn vợ:

- Ở nhà mua lễ thắp hương khấn các cụ phù hộ cho bố mổ được suôn sẻ.

- Vâng.

- Mẹ đang lên.

- Trời, mẹ đang ốm sao còn lên làm gì?

- Phải lên chứ, chắc cơ này đến nơi rồi. Em lo cho con, thắp hương thắp khói rồi gần trưa đến cũng được.

Thế là hàng loạt câu chen chúc trong đầu cô định nói với chồng kiểu như: “đến làm gì?”, “em giúp gì được cho bố”, “có anh và đông người thế hay là em không đến nữa, để khi bố tỉnh thì đến?”, “bệnh bố nặng mình nên chia nhau ra chăm sóc có hơn không?”… đều tắt lịm. Hảo hiểu rằng đến muộn là mình được ưu ái lắm rồi. Cơn chóng mặt khiến cô nằm vật ra. Vừa lúc đó mẹ đẻ Hảo điện thoại dặn:

- Ốm thì cũng tống viên thuốc cảm vào rồi cố mà đến. Nhỡ mổ xong ông ấy không bao giờ dậy nữa thì bia miệng tiếng đời, không sống nổi đâu.

Nghe lời mẹ, Hảo gượng dậy cố đi. Mắt mũi tối sầm, người rịn mồ hôi mà lại lạnh ngắt. Khói bụi thi nhau tấn công khiến cô ho mỗi lúc một dữ dội. Đến nơi, cả nhà chồng đang quây quần bên mâm cơm ở căng tin. Họ nói chuyện oang oang như trong bữa giỗ. Mấy ông chú, ông cậu một mâm, con cháu, đàn bà hai mâm, chén thù chén tạc. Họ kể đủ chuyện trên giời dưới bể từ việc nước mắm ở đâu ngon nhất, người vùng nào ăn mặn nhất, đồ ăn chỗ nào ngon nhất, v.v... Chiếc quạt to thốc mạnh vào người nhưng Hảo không dám tắt, cũng chả dám ngồi ra xa, chỉ sợ người ta nói “người thành phố xa cách”. Ốm ư? Ở đây người ta hầu hết mắc bệnh nan y, ốm đau là quá xa xỉ, kêu gì. Thế là đành chịu.

Bố mổ từ 8 giờ 30, không ai được gặp. Hội người thân ăn trưa xong thì kéo ra chỗ chè chén, “buôn dưa lê”, đợi. Mấy đứa em họ chồng được dịp oang oang chửi bọn thành phố sao mà ngu thế sống chen chúc ở đây làm gì. Ăn thì toàn hóa chất, toàn đồ công nghiệp. Ở thì chồng chất lên nhau như ở tù. “Nếu không vì bố ốm không bao giờ tôi lên Hà Nội”. Đàn bà thì mệt mỏi ngao ngán ngồi thở, “hưởng” mùi khói thuốc lá phả ra từ mấy cái miệng đàn ông thân thiết bên cạnh. Bà mẹ chồng bĩu môi ghê tởm: “Mẹ nó chứ, biển cấm thuốc lá đầy dẫy kia mà thằng nào cũng phì phèo”. Con trai út của bà cất giọng ăn sóng nói gió: "Nếu muốn cấm thật sao không cấm nhà máy sản xuất? Sản xuất ầm ầm, người bán ầm ầm, lại đi cấm thằng hút! Tôi nói cho mà biết, cấm thuốc lá thật thì hàng loạt công nhân chết trước bọn hút ấy. Bọn thành phố toàn chỉ thị hão. Đường BRT cấm người đi vào mà nó vẫn lao ầm ầm trên ấy, làm gì được nhau? Ra rả chống tham nhũng mà đứa càng hô to càng tham nhũng lắm. Làm hàng cả thôi” Bà mẹ im re, ngồi nghe cậu quý tử “phun châu nhả ngọc”. Hảo muốn xỉu nhưng nhìn bà mẹ chồng mặt sạm đen ngồi kiên cường trước mặt thì lại lặng thinh. Thường ngày bà vẫn ôm cái đài giảng Phật pháp, luôn miệng “A di đà Phật”, động tí là hậm hực kể lại chuyện ngày xưa, rồi bảo: “Tao buông bỏ rồi, kệ bố mày muốn làm gì thì làm. Cả đời ông ấy để tao khổ sở, nghĩ mà hận, sức đâu quan tâm nữa. A di  đà Phật!”  Nhưng giờ ông mổ, bà vẫn thấp thỏm dậy từ hai giờ sáng, bốn giờ theo xe ông cậu lên tận nơi. Bà đã nói không còn thương nữa, chắc là sợ “bia miệng tiếng đời”. Hảo mệt rũ nhưng mọi người chưa đổ, sao cô được phép? Chả phải bảo tôi ốm, nhìn mặt là đủ biết không ai khỏe ở đây. Vậy là cố gượng ngồi dậy, cố ngồi, cố cười, cố nói như không vấn đề gì, như thể sẵn sàng giúp đỡ nếu có bất kỳ sự cố gì xảy ra.

Lúc sau, Phương tới báo bố mổ xong, an toàn, đang nằm phòng hồi sức, không ai được vào. Bà mẹ chả thở phào hay thở hắt, mệt quá nên cứ ngây ngây ngất ngất. Không lẽ lại xin vào cấp cứu nên đành cố gượng ngồi. Sức người vô biên và kỳ diệu lắm, cuối cùng thì cũng gượng được hết. Vừa lúc vợ một chú điện thoại hỏi thăm. Phương điểm danh hiện có những ai. Cô vợ chú áy náy vì mình không thể có mặt, cứ nói khó mãi. Phương mệt mỏi cố mở mắt ra bảo mẹ và vợ có thể về.

Bà mẹ không đứng dậy nổi nhưng vẫn tỏ ra anh hùng nói “cứ ngồi tí đã thì sao”. Con dâu thấy mẹ chồng chưa về đâu dám đứng lên, cô cố rặn ra cười nói. Cho đến khi bà mẹ chồng hơi hồi sức một cái là đứng dậy lao vội ra bến xe. Cô con dâu cũng cố mà bứt ra về khi còn chút hơi sức cuối cùng. Bà mẹ tới nhà đổ vật không dậy nổi. Đứa cháu gọi hàng xóm sang đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện. Hảo về nhà, người nhũn ra như bún. Cô gọi bác sĩ đến nhà truyền nước, tiêm thuốc. Hôm sau, Phương về khoe:

- Thím Bình lên thăm bố, cho cả thằng cu đi.

Hảo tròn mắt sửng sốt:

- Nó đang điều trị tiền đình, thằng bé thì ốm mà, lên làm gì? Giúp gì được đâu mà đi xa thế? Lên rồi lại về ngay thì lên làm gì cho khổ ra.

Phương cáu:

- Làm sao phải giúp gì? Nhìn thấy nhau là quý rồi. Từ lúc bố mổ xong em không điện thoại lấy một tiếng?

Hảo ngạc nhiên:

- Chẳng phải ngày nào anh cũng nói cho em về tình trạng của bố rồi sao? Điện nữa làm vì à?

- Anh nói là việc của anh, em hỏi là việc khác. Hỏi đâu chỉ để biết, hỏi quan tâm xem bố thế nào, cho bố vui!

Hảo chưa kịp tỏ thái độ gì thì Phương có điện thoại của em trai (chồng Bình):

- Em về quê rồi, vợ con em đi viện, không biết sao. Anh đến xem bố thế nào.

Phương bất giác nằm lăn ra đất. Hảo gượng dậy đưa chồng đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận anh bị tai biến mạch máu não. Những ngày chăm sóc chồng, Hảo không dám cho ai biết chỉ sợ người nhà lũ lượt đến thăm và điểm danh thì không khéo người tai biến tiếp theo sẽ là cô.

Ngày bố chồng ra viện, cũng là lúc sức khỏe Phương hồi phục. Di chứng vụ tai biến chỉ khiến anh méo mồm và chân đi chấm phẩy chứ không phải nằm liệt. Mẹ Phương làm hai chục mâm cơm thịnh soạn mời họ hàng, làng xóm tới ăn mừng. Ai cũng khen nhà cô hồng phúc dày. Ông Toàn mổ u phổi mà thoát. Anh Phương tai biến vẫn… hồi phục! Ông Toàn lệnh cho con cháu ăn tiêu “tệt ga”, sắm đủ các vật dụng hiện đại. Ông bảo: “Tiền để dành xạ giờ không phải xạ nữa không tiêu thì để làm gì?” Rồi ông lên kế hoạch đi lễ tạ bao nhiêu đền, bao nhiêu chùa mà trước khi nhập viện ông đã tới để xin “bình an”.

Trở lại thành phố, vợ chồng Phương được người quê cho rất nhiều quà, nào là rau, trứng, gà, bánh đa, khoai, hành, tỏi, gừng, đỗ, lạc… cả bỏng ngô, bỏng gạo tự họ thuê thổi lấy. Phương vênh mặt tự hào nói với vợ:

- Mình phải thế nào họ mới đối xử như vua về làng vậy chứ.

Hảo vẫn không hiểu:

- Làm sao ăn hết? Lần nào về anh cũng tha một lô một lốc đồ quê lên, cái gì cũng lấy rồi để hỏng ra. Thứ gì không dùng thì lấy làm gì?

Phương cười xòa:

- Kệ, lấy cho tình cảm, cho họ vui. Cứ tỏ ra thích là được. Không dùng, không ăn thì về vứt đi.

Như thế chả hóa ra giả dối sao? Nhưng Hảo không dám thắc mắc tiếp. Cô mặc nhiên chấp nhận và hiểu rằng việc điểm danh trên bệnh viện của họ nhà chồng cũng là để vợ chồng cô được dịp quan tâm mà gắn bó cho gần gũi, tình cảm. Những chỗ khác điểm danh chắc cũng thế, để quan tâm, gắn bó với nhau!

H.N

. . . . .
Loading the player...