25-02-2023 - 00:11

Truyện ngắn Dưới bóng cây đa của tác giả Nguyễn Trung Tuyến

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Dưới bóng cây đa của tác giả Nguyễn Trung Tuyến, Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Chuyên ngành Văn xuôi..

DƯỚI BÓNG CÂY ĐA


- Còn mày nữa? Muốn nghe thì ngồi xuống! Không thì... xéo! Gớm! Người ngợm toàn mùi lông bò!
- Ừ, lão thì thơm lắm đấy! “Chuột chù lại chê khỉ hôi”.
Lão Chừa điên tiết lên, khạc khạc trong cuống họng, miệng lắp bắp:
- Tao...mong sao mà... ma vật cho mày chết tươi ra! Cái đồ con...con lợn! - Lão quay sang nói với bọn trẻ đang ngồi xúm quanh:- Trẻ con trong làng, tao ghét nhất là thằng ôn dịch này!
Thằng Thắng không chùn, đáp lại:
- Ma vật lão thì có! Về sân kho chúng mày ơi! Về chơi “quan đồng tiền” thích hơn ngồi hóng chuyện vớ vẩn của cái lão ba hoa xích đế!
“Quan đồng tiền” là trò chơi chơi không biết chán. Này nhé: không phân biệt con trai hay con gái, không phân biệt lớn hay bé, chúng sẽ chia làm hai phe. Một phe ngồi quây lại thành một vòng tròn, chúng nắm chặt tay giữ không cho phe kia nhảy vào trong vòng. Nếu phe kia vào được trong vòng thì phe này lại quyết giữ không cho nhảy ra. Cứ mỗi lần nhảy vào nhảy ra như thế được tính là một quan. Ăn được năm quan coi như thắng cuộc. Nói thì đơn giản thế nhưng vào chơi mới thấy không đơn giản. Cả vòng đoàn kết lại, cảnh giác đến cao độ quyết không cho đối phương phá vòng, có đứa hăng máu liều lĩnh nhảy vào tức thì cả vòng nhổm dậy hất văng ngã lăn khoèo. Có khi con trai nằm đè lên con gái nữa chứ! Hay hay là...Tất nhiên phe ấy phải chịu thua. Phe thua cãi nhau, đổ lỗi cho nhau một lúc rồi chấp nhận ngồi xuống làm vòng tròn cho phe kia nhảy...
Đêm ấy là đêm không trăng, bọn trẻ thấy lời rủ rê của thằng Thắng là không hợp lý. Chúng suy tính: chơi “quan đồng tiền” mà không có trăng thì hay ho gì? Không trăng để mà tính gian tính lận để rồi mà chửi nhau à? Thôi cứ ngồi với lão Chừa để xem đêm nay lão kể chuyện gì đã.
Lão Chừa cũng thừa biết bọn trẻ đêm nay chúng muốn gì ở lão rồi. Lão bỉu môi, cười nhạt:
- Trời ơi! Ma mà bắt được tao? Ma bắt mày thì có! Cút về sân kho đi! Đồ ngu như lợn!...
Lão ôn dịch này điêu toa nổi tiếng, lão chửi trẻ con như người ta hát hay. Với lại, xưa nay chẳng ai thèm chấp lão nữa nên lão càng điêu hơn. Nên thằng Thắng nghĩ: “ Mặc kệ lão ngồi đấy mà ba hoa với lũ nhóc. Chưa chừng lão là ma của trẻ con xóm này cũng nên”.
- Thôi, kể chuyện ma đi! Lão chán thật đấy! Cứ đôi co mãi! Dai như đỉa đói! - Lũ trẻ nài nỉ.
- Thế thì chúng mày cũng nên bớt cái lỗ miệng lại! Cứ nhao nhao như bồ chao vỡ tổ. Ai kể, ai nghe? - Lão bỗng đổi giọng thật nhanh:- Chúng mày nhìn kìa! Cái gì hiện lên ngoài đồng kia kìa!
Lũ trẻ bất ngờ quá, giật thót, im bặt, mắt lấm lét nhìn theo tay lão chỉ cây đa “ba soà” đứng một mình giữa đồng không mông quạnh. Vài tiếng thì thào nổi lên:
- Chẳng thấy gì cả. Chỉ thấy cây đa, cây đa “ba soà” thôi!
Lão hỏi đập lại như nghiến:
- Chỉ thấy có thế thôi à? Rõ ngu!- Lão chùng giọng xuống, bí ẩn: - Chúng mày không thấy nó là con quỷ hiện hình đấy ư? Trông kìa! Cái đầu nó đang lắc lư, hai tay nó chống nạnh, trăng lưỡi liềm là hai cái sừng mọc trên đầu...- Lão hạ thấp giọng hơn, thều thào, khê đặc: - “ Quỷ cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Chúng mày biết không, chắc gì đêm nay nó lại không từ đó chui ra?- Đứa nào gặp phải, nó sẽ cướp mất hồn chúng mày đi!
Nghe lão Chừa nói thế, lũ trẻ run lên.
Sợ thật đấy, nhưng mắt chúng vẫn dán vào cây đa đang đứng lừng lững giữa màn trời đêm đùng đục. Cái giọng khàn khàn, khi lên bổng lúc xuống trầm, lão khiến cho đứa nào cũng ngỡ như cây đa sẽ chuyển động, tiến lại và chực cướp mất hồn chúng.
Lão lại tỏ vẻ thong thả, kể tiếp:
- Thế mà từ khi trạc tuổi chúng mày, tao đã ở trong hốc nó đấy! Có khiếp không? Ờ, mà chúng mày mới mấy tuổi ranh, sướng quen rồi, biết cái cóc khô gì mà khiếp! Thật thừa mồm mà kể cho chúng mày!
Lão chậm rãi móc gói thuốc rê, mở ra vê vê cuốn cuốn...Xem ra, lão đặc biệt để mắt đến gói thuốc. Đó là một miếng da bò hôi như cú, lão lót thêm một miếng lá chuối tươi rồi mới bỏ lá thuốc đã cắt thành sợi nhỏ vào và lão gói gém cẩn thận. Lão làm thế là để giữ cho thuốc có độ ẩm, nếu không thì sợi thuốc sẽ bị khô, nát vụn ra, vừa khó cuốn lại vừa hút tốn thuốc. Lão chậm rãi cuốn xong một điếu thuốc “sâu kèn”. Vừa lia lia điếu thuốc đầu môi để thấm nước bọt sền sệt của lão lên cả điếu thuốc, vừa thong thả gói lại gói thuốc. Lão thủng thỉnh quẹt diêm rồi phồng mồm, trợn mắt hút khói đầu tiên. Lão phả ra một làn khói trắng đục, hôi đậm như là trong khói thuốc có cả mùi phổi chứa nhiều đờm của lão nữa... 
Bọn trẻ tò mò, ngứa ngáy cựa quậy như kiến cắn sau đít:
- Rồi sao nữa? Lão có thấy cái gì không?
- Chúng mày hỏi tao thấy cái gì không a? Nghe đây! – Lão thì thào: - Họ bịt mắt, trói chân, trói tay người ta lại rồi buộc nghiến vào gốc đa. Sau đó, họ chỉa súng vào. Lão thét lên bất ngờ:- Bắn! Chao ôi trời đất! Máu phọt ra, ướt nhuầy gốc cây. Hôm sau, quạ đến từng bầy, chúng tranh nhau ăn. Chỉ trong vài ngày, thịt xương đều hết vèo.- Nghe lão kể thế, mặt mày bọn trẻ đứa nào cũng sợ tái xanh tái xám.
Còn lão thì vẫn tỉnh bơ:
- Nghe nói là bọn giặc Pháp bắn Cộng sản. Mà hồi ấy nhiều tay cũng sợ Cộng sản lắm, sợ hơn cả sợ ma ấy chứ phải đùa! Từ đó, chẳng ai dám léng phéng qua lại gốc đa nữa. Còn tao? - không cha, không mẹ, không cửa không nhà, tao chẳng sợ ai. Tao xem ma là cái đinh rỉ, là con rệp bong gân! Tối tối, tao cứ chui vào hốc cây ngủ khò khò mặc xác lũ ma đêm nào cũng rên rỉ lần mò sờ soạng quanh gốc cây. Có những đêm mưa, tao nghe được tiếng ma khóc, kêu đòi “trả máu cho tao, trả máu cho tao” nữa chứ!
Bìa làng cách cây đa “ba soà” một đỗi không xa. Bọn trẻ con ngồi đó, mặt đứa nào cũng nghệt ra, mắt đờ dại vì sợ hãi. Lão tiếp tục với giọng thủ thỉ thù thì:
- Lớn lên chút nữa tao lại thấy ma chết đói. Chà chà! Ma chết đói thì nhiều, nhiều lắm. Cứ là chết chồng, chết đống ai hoài sức mà chôn lấp chứ! Sao mà chết nhiều ý à? Không có cái mà nhét vào miệng thì chết thôi! Đơn giản thế mà cũng hỏi. Khiếp! Chết gần hết cả làng - chun cái mặt nhăn túm nhăn tó lại, lão khuơ khuơ đôi tay khều khào miêu tả:- Bọn này là một lũ gầy còm nhom, co quắp, khô héo. Miệng và răng khô rang thỉnh thoảng cứ nhai nhai. Có đứa con gái mới tuổi mười bảy, mười tám mà mặt beo lại như mặt khỉ. Tất cả thành ma. Ma cả đấy!
Lão lại cười ma mãnh:
- Hồi đó không khôn thì tao cũng chết rồi. Lá gì ăn được, tao biết; thứ gì độc, không ăn được, tao biết. Tao đã ăn cả bùn nữa đấy!- Ăn bùn khô. Nếu chúng mày muốn thử thì nên ăn ít thôi không thì tịt ruột cái con mẹ chúng mày đấy!- Lão hoan hỉ tiếp:- Sau đận đói lại được mùa to, của ngoài đồng nhiều người chết đói bỏ lại tao thu về làm của tạm cất trữ ăn dần. Nhiều đêm chúng đến đòi, đến xin, tao đ. cho. Hết doạ nạt lại khóc lóc, chán rồi chúng biến. Cái giống ma cũng hay-“ mềm nắn, rắn buông”, không bắt nổi tao, chúng mò vào làng. Trong làng khi đã có cái ăn rồi thế mà vẫn khối người lăn ra chết... Bọn thầy thuốc nói ấy là chết do bội thực. Lâu ngày không có ăn, được mùa thì níc một bữa cho đã rồi lăn ra chết. Bội thực cái gì? Bội thực cái con khỉ! Ma vật đấy!- Lão vểnh mặt lên xác nhận cả quyết một lần nữa: - Ma vật ấy mà!...

Dưới bóng cây đa ( Minh họa: Quang Cường) 


Sau màn trời đêm bầm bầm, trăng non đầu tháng tan biến lúc nào không biết nữa. Cả cánh đồng trở nên mờ mờ ảo ảo vì hơi đất và khói lam trong làng chuồi ra. Nhà ai cuối xóm un rơm trấu phả vào không gian mùi khê khét, lờm lợm. Một con chim lợn bỗng đâu kêu “éc” lên khiến lũ nhóc giật bắn. Đúng lúc ấy, lão Chừa hạ giọng bí hiểm:
- Đấy, đấy! Chúng mày nhìn kìa! Nó hiện lên rồi! Có giông i sì hình người không? Nó...nó đấy!
Quả thật, trong đêm nhờ nhờ ma quái, cây đa “ba soà” rất giống hình người. Đó là một cái bóng hình nhân to lớn như thể đang lội giữa miền âm u chết chóc. Hai tay “nó” để sau tấm lưng bí ẩn chìa hai cùi tay hộ pháp ra hai bên. Cái bóng khi mờ khi tỏ nhưng rất rõ là cái đầu tròn, sương quấn quanh như một vành như chiếc khăn tang. Vành khăn trắng mờ buông xuống cánh đồng đã chuyển sang màu đen thẫm. 
Lão dừng hẳn không nói thêm một câu nào nữa. Mặc cho lũ trẻ thả sức tưởng tượng , xuýt xoa, sợ hãi.
Chúng ăn phải bả của lão mất rồi. Sợ thật đấy. Chúng muốn về rồi nhưng cũng muốn nghe nữa. Lão im lặng lâu quá! Chúng lại càng thêm tò mò, hết nhìn cây đa “ba soà” và những suy tưởng quái đản lại nhìn đốm lửa của điếu thuốc sâu kèn đang cháy dở cứ lập loè trên mép lão.
Chờ mãi, bọn trẻ bắt đầu rục rịch muốn về. Biết thế! Lão keo cú bòn khói thuốc cuối cùng. Lão nghiến một hơi, nước bọt nổ lách tách, tàn thuốc tắt lịm rồi thong thả vất tàn, dặng hắng đánh đờm. Lũ nhóc im bặt. Lão nói như nói riêng cho lão nghe nhưng rất rành rọt:
- Ma vật! Đúng rồi! Ma vật thật chứ chẳng chơi! Cứ ôm bụng mà lăn. Ỉa không ra. Chết trợn mắt cả. 
Bọn trẻ khiếp đảm kêu rú lên. Mặc lão ngồi đó, chúng cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về nhà...
Lão gọi theo:
- Ơ này! Gượm đã nào! Tao đang kể dở mà... Thôi thì tối mai nhớ!
Mặc. Gọi thì gọi. Bọn trẻ đã kịp chạy về nhà, vội vã trùm chăn kín mít lên đầu.
Lão Chừa hài lòng lắm. “ Bây giờ thì cả bố chúng mày cũng không dám ra khỏi nhà nữa đâu! Các ranh ạ!”
Còn lại một mình, bấy giờ lão mới thong thả lôi dưới đít lên một cái túi được chắp lại từ hai ống quần cũ. Lão vắt túi lên vai thủng thỉnh đi ra đồng...
Gà le te gáy. Vác cái túi nhét đầy những khoai, sắn từ ngoài đồng, lão chui vào căn nhà tối om của lão.
* * 
*
Sáng sớm lùa đàn bò đi chăn, qua nhà lão Chừa, thấy cổng vẫn đóng im ỉm, thằng Thắng gọi với vào:
- Lão Chừa ơi! Dậy ra đồng thôi! Người ta đi làm cả rồi! Hay là tối qua đi với ma sáng nay lão mặc áo giấy rồi đấy?
Nghe có tiếng người gọi, lão giật mình ngóc đầu dậy lo lắng nghe ngóng. “Á à!... Thì ra là thằng oắt con mùi mồ hôi bò ấy.”- Lão lẩm bẩm. Thường thì lão đã vụt dậy và ít nhất cũng phải dạy cho đối phương một bài học về sự hỗn xược với lão. Lão có nhiều cách dạy lắm, một hòn đá ném vào cẳng bò chẳng hạn. Nhưng sáng nay lão lại xử khác, lão coi như mình không nghe được gì cả. 
Tiếp tục trùm chăn lên đầu toan ngủ tiếp nhưng những ý nghĩ ngổn ngang cứ cựa quậy trong đầu khiến lão không ngủ được nữa. Lão ngẫm nghĩ: " Thằng oắt cạnh khóe mình “đi theo ma mặc áo giấy” là có ý gì? Nó nộp cho mình sớm chết đi để thành ma chắc? - Không sợ. Hay nó biết tối qua mình lừa bọn nhóc?- Chưa chừng!". Thế nhưng lão cũng thấy lo. Lỡ ra sáng nay bà con ra đồng thấy khoai sắn nhà mình bị đào bới trộm, họ nghi ngờ rồi đến nhà mình lúc này thì có nước lấy mo nang mà che mặt... 
Lão sờ sờ nắn nắn cái mặt lem nhem hồi lâu rồi tự hỏi : “ Không biết ta là ma hay là người nữa ta nhỉ?”.


NGUYỄN TRUNG TUYẾN

. . . . .
Loading the player...