Tướng Lê Khôi là một trong những người đầu tiên tham gia nghĩa quân Lam Sơn, có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập và được xếp vào hàng ngũ khai quốc công thần. Nhân kỷ niệm 578 năm ngày mất của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (1446 - 2024), Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Dưới đỉnh Long Ngâm của tác giả Phan Hương.
Dưới đỉnh Long Ngâm
Phan Hương
Thành Hóa Châu xưa kia là phên dậu của Đại Việt. Nơi đây đất đai trù phú, phong cảnh hữu tình. Giữa thành, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, phía Tây bao bọc bởi sông Đan Điền, phía Nam là sông Kim Trà uốn lượn. Sử cũ ghi lại “nơi này thế đất tụ tập, thợ trời khéo tạo ra nơi hiểm yếu”. Vua nước Chiêm Thành Bi Cai lên ngôi, vẫn không quên được mối thù của người đi trước sau bao lần đem quân đánh chiếm Đại Việt đều bại trận. Nỗi ô nhục này cứ âm ỉ, khiến cho bao bậc quân vương trị vì nước ấy luôn nuôi mộng phục thù.
Một ngày đầu xuân năm 1444, nhận được tin cấp báo từ biên thùy rằng vua nước Chiêm Thành là Bi Cai đã đưa quân sang lộng hành nơi miền biên ải. Thế giặc ùn ùn như vòi rồng xung trận, cảnh cướp bóc đang lan tràn khiến dân tình bấn loạn, trăm họ oán thán. Vua Lê biết rõ tình hình biên giới phía nam ngày một nguy nan đứng trước thế nguy nan nhưng vẫn bình tĩnh ứng biến. Bản chất của kẻ thù không bao giờ thay đổi. Huống gì quân Chiêm Thành đã bao đời luôn ôm dã tâm cướp Đại Việt. Tình thế cấp bách buộc, vua Lê mở cuộc họp bàn chính sự, dâng kế đánh Chiêm. Lúc bấy giờ, triều đình sai Tư Đồ Lê Thận, đô đốc Lê Xí trực tiếp ra trận. Lê Khôi đang trấn thủ vùng Hoan Châu cũng được lệnh tăng viện. Đường từ Hoan Châu muôn vàn cách trở nhưng việc quân cơ đâu thể chậm trễ một ngày. Lê Khôi điều toàn bộ binh hành quân vào phương Nam. Trấn thủ Hoan Châu quả không phụ lòng ái mộ của vua. Tướng sĩ hòa chung một quyết tâm, đội quân nhà Lê đánh đến đâu, giặc tan tành đến đó. Tin thắng trận báo về liên tục nhưng Lê Nhân Tông vẫn đứng ngồi không yên. Hóa Châu xa kinh thành vạn dặm. Việc điều quân đâu dễ như trở bàn tay. Quân Chiêm từ bao đời vẫn hung hãn, hiếu chiến. Việc đưa quân vào phá phách, cướp bóc nội thành chỉ là vấn đề một sớm một chiều.
Việc giữ gìn bờ cõi phải phòng từ xa để tránh đại họa về sau, chi bằng, nhân lúc thế quân đang mạnh phải dùng quả đấm thép để triệt đường tiến công của chúng, vua Lê Nhân Tông chiếu chỉ mở hai đường tiến quân đánh thẳng vào đất Chiêm… Vào năm Thái Hòa thứ 6 -1446, quân nhà Lê mở hai gọng kìm do Đô đốc Lê Khả đánh vào Phương Nam. Tướng Lê Khôi được lệnh đem toàn bộ quân bài binh bố trận đánh tan giặc trên ải, vượt Ly Giang, rồi vượt biển đến tận đất Chiêm Thành…
Lễ giỗ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)
Đêm thứ ba trên đất Chiêm Thành sau những trận chiến rã rời, quân sĩ đều mệt nhọc. Đội binh của Lê Khôi đang rải rác khắp các điểm đóng quân. Lán của chàng nằm giữa cánh đồng hoang. Trước ngọn đèn dầu, chàng đang chăm chú xem lại tấm bản đồ địa hình thành Đồ Bàn. Bỗng bên ngoài có lính cấp báo. Chàng vén tấm vải bước ra khỏi lán. Người chiến binh xuống ngựa, rẽ áo bào sang một bên rồi quỳ gối xuống trước mặt vị tướng uy nghi, đỉnh đạc. Bẩm Tướng quân: “Tuân theo binh pháp của ngài, chiều nay, các gọng kìm của ta đã chặt đứt những mắt xích hiểm yếu của địch. Thế quân đang như nước, ta có nên mở cho chúng đường sống hay đuổi vây tiêu diệt”. Tướng quân trầm ngâm rồi ra lệnh: “Đêm nay vẫn duy trì quân số ở các chốt chặn. Binh lính nghỉ tại chổ”. Bài học chiến trận từ cuộc đời binh nghiệp luôn được chàng khắc ghi, trong bất kì tình thế nào cũng không được chủ quan, phải luôn giữ được sự quyết đoán, soát xét mọi việc tỏ tường để không sa vào bẫy giặc. Người chiến binh cúi đầu tuân lệnh rồi lên ngựa phóng đi. Lê Khôi nhìn theo tà áo bào của người quân sĩ và tiếng vó ngựa xa dần lẫn vào đêm tối. Bầu trời sao chi chít, được bao phủ bởi một lớp sương huyền ảo. Đây đó lác đác vài cây bụi ngã nghiêng, cành lá rơi vãi tả tơi theo vó ngựa. Đêm Chiêm Thành nhuốm mùi thuốc súng xen lẫn mùi tử khí. Chàng nghe tiếng mỏ, tiếng ếch nhái văng vẵng lẫn khuất với tiếng khóc của người vợ và đứa con nhỏ có cha vừa chết trận. Tiếng khóc ai oán, thê lương. Những âm thanh như trăm ngàn mũi kim vô hình cứa vào tim chàng rĩ máu. Lồng ngực chàng như bị kích động. Chàng đã chứng kiến bao nhiêu cái chết nhưng sao hôm nay, những âm thanh ấy cứ như kéo đêm dài vô tận.
Ngoài kia, những vọng gác đã tắt ánh đèn, đưa đêm dài chìm dần vào tĩnh mịch. Xác giặc bày la liệt. Đội quân của chàng cũng tiêu hao không ít binh sĩ nhưng đã giành được thế thắng. Giặc đã nguy nan nhưng tướng giặc vẫn chưa chịu đầu hàng để cứu lấy mạng sống đám tàn quân. Dù bấy lâu nghe tên chàng, chúng đã vô cùng run sợ. Chúng nghĩ rằng, tướng quân nhà Lê đang ở bên kia biên giới, chỉ biết điều binh khiển tướng từ xa. Dù bán tín bán nghi nhưng giặc Chiêm vẫn tỏ ra hung hãn, tò mò muốn một lần được thấy rõ dung mạo trực tiếp của vị tướng Đại Việt trực tiếp cầm quân trận này.
Tiếng trống tàn canh vừa điểm, toàn bộ binh lính của chàng dậy hành quân từ rất sớm. Con đường dẫn vào đồn sở chính của chúng chỉ độ một canh giờ. Kế hoạch đánh úp lúc quân địch khi chúng còn ngái ngủ không kịp trở tay được bàn tính kỹ lưỡng.
Bên trong lán chỉ huy của giặc, một tên mặt dày đầy sẹo, dáng người thấp đậm, hùng hổ tay nắm chặt hất văng toàn bộ vật dụng trong lán, chân giẫm mạnh làm bụi đất bay tứ tung.
Một thuộc hạ lọt được vào lán hoảng hốt bẩm báo: thưa ngài, ngoài kia, quân nhà Lê đã tràn vào như nước, binh lính trở tay không kịp, số ở lại chống cự yếu ớt đều đã thiệt mạng, số nữa thì giẫm đạp lên nhau chạy thục mạng. Xin ngài tìm cách rời khỏi đây để bảo toàn tính mạng.
Tướng nhà Chiêm mặt cắt không còn giọt máu, biết không thể nào thoát nhưng vẫn chưa dám quyết định hàng. Chỉ huy bao nhiêu trận đánh chưa bao giờ hắn rơi vào cái kết đau đớn và tuyệt vọng như tình thế này. Hắn nhớ lại những lời trăn trối của người cha quá cố vẫn dặn dò khi rơi vào thế yếu ở chiến trường mà lòng bùi ngùi. Quay đầu là bờ, vua hay tướng nước Việt đời nào cũng là người ân nghĩa. Họ phải đưa quân vào tận sào huyệt để chiến đấu chắc chắn không phải nằm ở âm mưu muốn đuổi cùng, diệt tận mà muốn hiểu hết ý đồ sâu xa của lòng người, để sau này kết tình hòa hiếu. Biết được số phận và thất bại là điều không tránh khỏi, tướng giặc ghé tai nói nhỏ với thuộc hạ rồi gục đầu trên thanh gươm trầm ngâm nghĩ ngợi, đợi giây phút quy hàng.
***
Chỉ nửa giờ sau, đội quân Lê Khôi đã áp chế được tên tướng gian manh với khuôn mặt chằng chịt sẹo. Tên này cúi đầu trước mặt chàng xin được nói những lời từ thành thật đáy lòng: “Có phải ông là Tư mã không”?
Giữa đất khách quê người, trước mặt là tên tướng hiểm, lại biết cả chức vụ của mình? Lê Khôi không khỏi ngạc nhiên. Không hiểu sao, đằng sau câu hỏi ấy, chàng đọc được một ẩn ý sâu xa, một lời kêu gọi được cầu hòa để cứu muôn quân. Thì ra hắn là viên trợ thủ đắc lực của Bi Cai. Tướng Chiêm quỳ xuống vái lạy, kể lại câu chuyện của cha mình, trước đây từng thán phục danh tướng Lê Khôi, đã tha mạng cho ông được trở về. “Dòng họ và quân Chiêm chúng tôi nửa vì sợ uy nghi, phần vì mến vọng đức độ tướng quân Tư mã. Phận làm tướng không thể sai lệnh vua. Chúng tôi đánh nhưng luôn lường được kết cục. Cường bạo không thể thắng nổi chính nghĩa. Kẻ xâm lăng không thể thắng được lòng dân nước Việt các người”.
Lê Khôi không ngờ, đằng sau nét mặt bặm trợn, hung dữ của tên tướng này lại nói được những lời sâu sắc, xác đáng đến thế. Khi đã trải những ngọt bùi, cay đắng của đời bình nghiệp, chàng luôn nhớ mãi lời dạy của người đi trước: “đánh địch không nên đánh vào thành, vì đánh vào thành là hạ sách, mà phải biết khéo léo đánh vào lòng người”. Chàng bỏ hết áo mũ xuống trước sự kinh ngạc của bao quân.
Đám tàn giặc cũng xuống ngựa, bỏ cung kiếm đồng thanh vái lạy chàng: “Xin ngài Tư mã đất Đại Việt tha mạng”. Sự cảm hóa này đất trời thấu rõ, ngay sau đó, quân nhà Lê đi đến đâu, giặc xin hàng đến đó. Không những không hề chống cự mà quân Chiêm còn biếu sản vật, cung cấp lương thực, nước uống. Tướng Lê Khôi dẫn quân chiếm trọn thành Đồ Bàn. Vua Bi Cai không biết chạy đâu cho thoát vì trợ thủ thân tín của hắn đã phủ phục dưới chân tướng quân Lê Khôi nên cuối cùng hắn cũng cởi giáp bỏ lại chịu thua. Nghĩa quân nhà Lê thu dọn chiến trường, sửa giáp thu quân rút về nước trong tiếng hò reo hân hoan vang trời của ngàn binh sĩ.
***
Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, thuyền chạm vào bờ ngay dưới chân đỉnh núi Nam Giới sừng sững, uy nghi như những bức tường thành chắn ngang bờ biển. Đầu tháng trăng suông. Trời tối đen như mực. Quân lính cũng mệt mỏi rã rời phần vì hết nước ngọt, phần vì vừa dốc hết binh lực tiếp sức tăng viện, đánh bật quân Chiêm bảo vệ biên thùy. Dù thắng lớn, binh sĩ phấn khích song trận này coi như cũng hao binh, tổn tướng nhưng chiến tranh không thể tránh khỏi mất mát, chết chóc. Nhìn quân sĩ mặt mày hốc hác gục trên các chiến thuyền trên đường trở về chiều nay mà lòng tướng sĩ không khỏi day dứt. Mấy hôm nay, không hiểu vì sao chàng cảm thấy chân tay bồn chồn, lòng dạ bất an. Chàng đã biết bao lần xung trận, không sợ hãi trước bất cứ sức mạnh nào của kẻ thù nhưng luôn sợ hãi về những dự cảm mơ hồ trong tâm tư. Tối đó nghĩa quân quyết định dựng lán trại trên một mô đất bằng phẳng dưới chân núi.
Đã mấy canh giờ đi qua mà chàng vẫn còn thao thức. Ngọn đèn leo lét trước gió cũng phụt tắt, xung quanh là tiếng ngáy đều đều của quân sĩ sau bao ngày thiếu ngủ.
Sáng ấy, chàng dậy sớm đi một vòng trên bãi cát. Phía xa xa là những ghềnh đá hình thù độc đáo. Sóng biển tung lên mù mịt. Chàng hít một hơi dài để thâu hết vào lồng ngực, thân thể cường tráng không khí trong lành, vị mặn mòi của biển. Từ xa, chàng đã thấy ngư dân với những chiếc thuyền đầy hải sản, ngư cụ được kéo vào tận bờ. Cảnh trao đổi nơi chợ cá đã bắt đầu tấp nập. Nhìn ra mặt biển, chàng nghĩ về những thủa ấu thơ, từng sinh ra trong gia đình “hùng trưởng cả một phương”, từ nhỏ sống trong rừng núi săn thú, cưỡi voi cùng lũ bạn. Lớn lên theo chú ruột Lê Lợi lên rừng, xuống biển huấn luyện đánh trận, bắn cung. Chàng cao lớn, vạm vỡ, tướng mạo đỉnh đạc, hùng dũng, tráng kiệt như người rừng, khí phách hiên ngang lúc nào cũng bừng bừng khí huyết, mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung. Đội quân tinh nhuệ do người chú chỉ huy khi có thêm chàng như mọc thêm tay, luôn “bách chiến bách thắng”. Quân sĩ đồng lòng, ai cũng cảm kích người tướng lĩnh. Tự khi nào, chàng trở thành trợ thủ thân tín, đắc lực của vua Lê.
Tài thao lược cầm quân của chàng đã giúp ba đời vua Lê làm nên nghiệp lớn. Sự trung thành, tận tụy của chàng được vua sủng ái, ban cho bổng lộc, chức tước. Không chỉ khi trấn thủ những vùng hiểm yếu mà còn phong chức nhập nội, tham dự mọi việc chính sự to nhỏ trong triều. Dù đất nước hòa bình thịnh trị nhưng chốn triều đình luôn có những góc tối tăm không phải người đứng đầu nào cũng anh minh suy xét hết. Thói nịnh thần, bè phái là nơi ươm mầm tạo phản, tranh giành, lật đổ nhau trong chính anh em họ tộc. Đã có khi những kế sách của chàng bị những kẻ nịnh thần che mờ, khiến cho bề trên hiểu nhầm, khép vào định kiến. Đã bao lần chàng cáo quan về quê ở ẩn vui thú cảnh điền viên. Thế nhưng ngọc lẫn vào trong đá, vẫn lấp lánh như sao khuê. Ngẫm cuộc đời trăm lẽ buồn vui, sống chết, nhục vinh có khi chỉ vì ba tấc lưỡi. Chàng lại cầm quân ra trận, trọn vẹn đạo tướng quân.
Đang mãi nghĩ suy thì chàng nghe tiếng người cận vệ đến bên bẩm báo: “Thưa tướng quân, có chú tiểu ở chùa Từ Linh đưa phong thư đến gửi cho ngài”. Chàng đón nhận phong thư từ tay người cận vệ rồi mở ra xem. Gió biển lòa xòa, chàng phải dùng hai tay banh tờ giấy để đọc cho rõ. Dòng chữ vuông vắn, còn vương mùi mực. Hóa ra sư trụ trì chùa Từ Linh mời chàng trưa nay bớt chút thời gian sang đó ăn bữa cơm chay. Mấy ngày nay, chàng thấy trong người không được khỏe, phần vì muốn cho quân lính được nghĩ sức tĩnh dưỡng. Nay vị thiền sư có lời mời lên núi, chàng nghĩ đây cũng là cơ hội để hiểu hơn vùng đất đắm say lòng người này.
Chùa Từ Linh ngự trị ở lưng chừng núi trên bãi đất không rộng lắm nhưng thoai thoải. Chàng bước lên đến bậc cuối cùng thì đứng lại bao quát cảnh vật.Trước chùa có một cái giếng miệng nhỏ, nước trong veo có thể nhìn thấy đáy. Biết tin chàng đến, sư thầy rất mừng sai người sửa soạn ấm chén pha trà và bước ra chào cung kính: “A di đà phật”. Chàng cũng cúi đầu đáp trả theo nghi thức nhà Phật. Sư thầy gật đầu chỉ tay ra hiệu đưa chàng đi bách bộ xung quanh vãn cảnh chùa. Hóa ra, tiếng chuông mà chàng nghe hôm qua khi vừa ghé dưới chân núi là từ đây. Lúc đó nghĩa quân vừa đánh trận về mệt nhoài. Ai cũng vội nghỉ ngơi, không hề để ý âm thanh, cảnh vật xung quanh. Còn chàng đã ấn tượng với tiếng chuông thảng hoặc vẫn ngân lên hòa cùng điệu gió tạo thành bản nhạc của đất trời thỉnh giữa không trung. Những âm thanh ấy làm chàng thổn thức, quên hết những muộn phiền, u uẩn. Hai người đi được một vòng thì ngồi vào chiếc bàn đá dưới tán cây bồ đề giữa sân chùa. Chàng nghiêng mình kính cẩn đỡ lấy chén trà sư thầy đưa với hàm ý biết ơn. Sư thầy nhìn chàng tiếp chuyện: “Thưa ngài! trà này là trà ướp nhụy sen do người dân bên kia sông Sót đến làm lễ biếu nhà chùa. Nghe nói, trà được hái trên núi Thiên Nhẫn, còn hoa sen trong hồ Thượng Hải cách chổ ngài ở mấy dặm. Mùa này sen đã nở hoa thơm ngát cả một vùng”. Chàng gật gù: “Bẩm sư thầy, người nói, con mới nhớ, hôm qua con đi dạo quanh cung đường vào núi thì nghe mùi thơm thoang thoảng, thật không đoán ra giữa chốn núi rừng, biển cả bao bọc lại có cả ao sen”. Nhấp chén trà, chàng cảm nhận được mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu. Chàng gật gù ưng ý. Sư thầy tiếp lời: “Nước pha trà được lấy từ khe Hau Hau. Nước ở khe này không chảy lộ thiên mà chảy ngầm trong đá qua một lỗ đá trũng như cái ao. Nước có màu xanh lơ, uống vào ngọt mát. Tương truyền, nước khe Hau Hau là loại nước tiến vua. So với vùng khác, đây là loại nước “không trì trệ, không cấp bách, uống vào thông nhuận”. Dân trong vùng cũng thường đưa về uống. Nhưng đường vào khe cũng không phải dễ đi”.
Mấy ngày nay, dù không khí nơi đây rất trong lành. Quân sĩ cũng đang thế thắng nhưng chàng thấy trong người không khỏe. Nhấp đến ngụm thứ hai, chàng ho húng hắng làm trà trong chén nghiêng vãi ra ngoài. Thiền sư thấy vậy lo lắng hỏi: “Ngài có sao không?”. Chàng xua tay nói thầm thì đủ để sư thầy nghe rõ: “Không, không sao, mấy bữa nay con hơi khó ngủ nhưng đó là chuyện thường tình. Sư thầy xem, việc đánh trận của người cầm quân giữ trong tay mạng sống của vạn ngàn quân sĩ há dễ khôn lường”.
Thế lúc nào ngài qua đò về mạn sông Lam?-Thiền sư hỏi. “Để quân lính nghỉ nốt hôm nay lấy sức, ngày mai về lại bên ấy thưa thầy” - chàng trả lời và thầm nghĩ ngợi. Suốt cuộc đời cung kiếm binh đao, dấu chân đã hằn in lên không biết bao vùng đất, nhưng hiếm nơi nào có có vị trí đắc địa như ở đây. Trên có núi, dưới có biển. Núi lấn ra tận biển nhìn xa như đầu rồng vươn. Đây quả là bức tranh sơn thủy hữu tình dễ níu chân thực khách. Thiền sư, người thật may mắn được sống giao hòa giữa chốn thanh tịnh mà nên thơ. Cửa phật pháp từ bi hỉ xả, không vướng bụi trần ai.
Thiền sư còn kể cho chàng nghe tích Tiên Dung, chữ Đồng Tử tu hành ở núi Nam Giới. Cũng đã xế trưa, ngài mời chàng ở lại dùng bữa, nhưng chàng từ chối vì còn việc quân phải thu xếp để mai lên đường sớm. Thiền sư không quên dặn chàng nhớ giữ gìn sức khỏe. Trước khi tạm biệt, ngài trao cho chàng gói trà ướp nhụy sen vừa mới ngậm sáng nay rồi đứng nhìn cho đến khi khuất bóng chàng và hai lính hộ giá sau phiến đá ven rừng.
Sáng hôm sau, Thiền sư dậy sớm hơn mọi khi, sửa soạn xuống núi từ biệt vị tướng quân. Chim vẫn lanh lảnh trên lùm cây nhãn sau chùa. Sóng ngoài kia vẫn không thôi gầm gừ nhưng bình minh trên mặt biển có chiều ảm đạm. Sau một hồi kinh, Thiền Sư bước ra khỏi điện phật, trông thấy cây bồ đề rũ lá, ngài múc mấy gầu nước dưới giếng lạnh tưới vào thân cây. Ngài định cất bước vào trong thì chú Tiểu chạy hớt hải vào báo: “Thưa thầy! Dưới chân núi, người dân đang tập hợp đông lắm, con nghe nói, người tướng quân hôm qua đến đây chơi đã về cõi niết bàn”. Thiền sư cúi đầu: “Mô phật”, tay vân vê tràng hạt, thần sắc vẫn không hề thay đổi rồi lui vào trong gõ mõ đọc kinh.
Sử sách ghi lại sau trận Bình Chiêm năm Bính Dần (1446), trên đường về, ngày 2 tháng Năm, Lê Khôi đột ngột qua đời sau một cơn đau dữ dội ở chân núi Long Ngâm thuộc dãy Nam giới cạnh Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tướng sĩ thương khóc, kêu gào dậy trời đất. Vua bãi triều ba ngày, sai quan Hữu tư đi thăm điếu, trước phong tặng Nhập nội đô đốc, ban tên thụy là Trung Hiến, sau truy tặng Nhập nội kiểm hiệu Tư không, Bình chương sự, đổi tên thụy Vũ Mục công. Ông là Tướng sĩ sống hết lòng vì dân, chết trở thành thánh che chở muôn dân trăm họ.
P.H