Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn Gánh chè của Mẹ của tác giả Đậu Thị Thu Trang
GÁNH CHÈ CỦA MẸ
Đậu Thị Thu Trang
Tôi yêu gánh chè của mẹ. Bởi đó là gánh mưu sinh của cả gia đình tôi, bởi gánh chè ấy đã oằn trên lưng mẹ suốt 15 năm trời, bởi nhờ gánh chè bình dị ấy mà tuổi thơ tôi đã giàu thêm bao phần ký ức ngọt lịm.
Tôi chạy theo gánh chè của mẹ lúc tôi tròn 5 tuổi. Những ngày ấy tôi và chị Nhự lẽo đẽo theo sau bước chân mẹ như cái bóng. Tuổi thơ của tôi cùng gánh chè qua hết bao con phố, luồn lách qua bao con hẻm nhỏ, nhiều đến nỗi tôi có thể đọc vanh vách sở thích của từng vị khách quen, tôi có thể biết đoạn phố nào có bức tường mọc đầy rêu, đoạn nào có ngôi nhà màu tím với cánh của sổ tầng gác mái treo đầy hoa mười giờ, đoạn nào có thằng cu con chiều chiều ôm con chó cảnh ngồi trước cổng nhà, vẻ mặt nó buồn thiu, lâu lâu lại ngóng ra con đường cái trước mặt rồi lại thở dài… Cái vẻ mặt đìu hiu như bánh đa nhúng nước, cái tiếng thở dài ấy của thằng cu con cứ chạy theo tôi không biết bao nhiêu năm, lâu lâu lại đứng ngay trước mặt như bắt tôi phải nhớ.
Gánh chè ấy thường dừng lâu hơn trước ngõ một người đàn bà góa bụa, sống một mình trong căn nhà lụp xụp. Bà hơn tuổi mẹ tôi, dáng gầy, màu da trắng nhợt nhạt. Mỗi lần dừng qua đó, mẹ lại lôi trong chiếc thúng con một bọc ni lông nhàu nhĩ, trong đó có ít thuốc tây, một ít tiền lẻ, đôi khi còn kẹp thêm nắm xôi còn nóng. Và lẽ dĩ nhiên là tôi không mấy khi thấy bà ăn chè. Bà nhận những thứ lặt vặt ấy của mẹ như một thói quen không thể chối từ. Mẹ tôi chỉ ghé vào đến bậc cửa, có khi mệt vì nắng bà cũng chỉ ghé ngồi một lúc rồi lại lẳng lặng quẩy gánh đi. Không mấy khi thấy hai người nói chuyện như những người đàn bà yêu quý nhau ngoài đời. Những lúc ấy, người đàn bà kia chỉ cười với chị em tôi - nụ cười hiếm hoi và hanh khô trên gương mặt buồn nhợt nhạt. Chị Nhự không thích người đàn bà ấy, chị thường dừng ở cổng nhà và ngồi ở đó đợi tôi và mẹ. Tôi khác chị, tôi thấy thích nụ cười chân thành của bà, thích căn nhà cổ xưa có bậc thềm sạch bong mát rượi. Mỗi lần mẹ đặt gánh chè ở sân là tôi đã tọt lên bậc thềm và nằm lăn mấy vòng thỏa thích.
Trước hiên nhà, bà để một chum nước trong veo, thường là nước mưa trên mái nhỏ xuống, ngọt lịm và mát đến tận phổi.
Mặc dù cứ vài ngày chúng tôi đều ghé thăm, nhưng tuyệt nhiên tôi không biết tên bà, tôi chỉ nghe mẹ gọi bà là “chị”. Tôi tò mò có hỏi nhưng bà ấy chỉ xoa đầu tôi cười không nói, và mẹ cũng lặng im không phân trần.
Gánh chè của mẹ đi khắp nơi, không phải chỉ bán chè, mà còn để tìm người, đó là ba tôi (tôi nghe chị Nhự bảo thế). Bà Bích hàng xóm mỗi lần tết tóc cho tôi thường thở dài “Tội tụi nhỏ, lớn chẳng biết mặt cha. Cái loại đàn ông phụ bạc ấy chị Thương (mẹ tôi) còn tìm chi nữa cho mất công”. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi mẹ về cha. Bà tránh khi có ai hỏi về người đàn ông ấy. Chúng tôi sợ nhìn thấy vẻ mặt thất thần khổ đau của mẹ khi có ai nhắc tới tên Ba “còm”. Có lẽ vì thế mà tôi không bao giờ dám hỏi, kể cả khi lớn lên rồi, chỉ sợ vô tình kéo nỗi đau tê dại về trong mắt mẹ.
Gánh chè của Mẹ (Sưu tầm)
Chị Nhự lớn hơn tôi 5 tuổi, hiểu biết sớm và ít nói. Chị Nhự hiểu nỗi đau của mẹ, hiểu đến nỗi chị dữ dằn với hành động mẹ vẫn thường xuyên quan tâm tới người đàn bà của chồng như một kiểu gánh vác trách nhiệm thay người đàn ông bội bạc. (có lẽ vì thế mà chị chưa bao giờ cười hay đáp lại ánh mắt thiện cảm của người đàn bà góa bụa). Chị Nhự ghét con ngõ dẫn vô căn nhà có bờ thềm mát rượi, vì sợ mẹ buồn nên chị chỉ ném vào đó cái nhìn khinh nhờn, tức tối. Thời gian đầu, mỗi khi tôi có ý định theo chân mẹ vào ngôi nhà đó chị Nhự thường nắm tay tôi kéo lại, sau dần chị không kéo tôi bằng tay mà bằng ánh mắt như van lơn. Đến khi biết không thể ngăn cản được sự hồn nhiên của đứa em dại khờ, vô tư, chị thả rông tôi hoàn toàn. Như kiểu cái giận ấy, cái buồn ấy để mình chị gánh giúp.
Mẹ gặp ba tôi trong một chuyến xe đò chen chúc ngày cuối năm. Ông cho mẹ tôi – lúc đó chỉ là một cô gái 25 tuổi – mượn bờ vai để tựa vào vì những cơn say xe hành hạ. Khi bàn tay người đàn ông luống tuổi dìu mẹ xuống bến, chạy đi chạy lại mua giúp mẹ chai nước, ổ bánh mì…thì tim mẹ đã lạc mất một nhịp. Ngày mẹ theo người đàn ông hơn mình gần 20 tuổi, không có gì ngoài cái vẻ phong sương, già dặn và đôi mắt buồn rượi, bỏ cả nghề giáo, bỏ cả gia đình thì cũng là ngày bao nhiêu hi vọng của ngoại vỡ tanh bành thành khói sương.
Khi bước chân ra đi, trái tim của người đàn bà 25 tuổi chưa từng vấp ngã ấy chỉ nghĩ đời là màu hồng, thảm lụa, cứ thế là bước đi. Nhưng sau khi hai chị em tôi ra đời, vào ngày mưa gió bão bùng, ba trở về ướt nhẹp, khuôn mặt đăm chiêu, thất thần. Ba rít 12 điếu thuốc liên tục tư lự không nói gì, mẹ ôm tôi cho bú sữa, chị Nhự ngủ ngon lành trong chiếc mùng rách tả tơi. Sau cùng, nhìn ánh mắt van lơn của mẹ, ba nói sáng mai ba phải về, về với người đàn bà có hôn ước rõ ràng của mình, người đàn bà đã chung sống với ông trong suốt 15 năm dẫu chẳng có tình yêu và những đứa con níu kéo. Người đàn bà ấy ở cùng mẹ một khu phố nhỏ chật hẹp. Người đàn bà ấy bao năm vẫn một mình chờ đợi chồng trở về trong ngút ngàn hi vọng.
Mẹ tôi ngồi im không nói, bàn tay cấu chặt vào thân hình nhỏ bé của đứa trẻ 8 tháng tuổi, tôi khóc ré lên. Mẹ luống cuống không biết dỗ con như thế nào trong lúc ấy, chị Nhự ngồi trong mùng, mắt đỏ hoe, nấc nghẹn.
“Bà ấy vừa cứa tay tự tử nếu tôi không về!”
Câu nói đó như chặt đứt tia hi vọng cuối cùng để níu kéo ba ở lại với mẹ.
Ba tôi rời bỏ mẹ trong một đêm mưa trĩu hạt và cũng rời bỏ luôn cả người đàn bà cứa cổ tay trong một ngày giông bão. Căn nhà là bị cuốn bay tơi tả như trêu ngươi số phận của người đàn bà không thể làm mẹ và bị chối bỏ quyền làm vợ. Khi mẹ tìm đến đúng nơi đáng lẽ có ba thì thêm lần nữa bước chân mẹ ngã khụy. Trước mắt mẹ, căn nhà lá trở thành bộ xương khô, chỉ cần lay nhẹ là có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, bức tường loang lỗ những vết chém của gió và mưa bão, tứa máu. Và người đàn bà ấy ngồi xụp trên nền đất, đôi mắt đờ đẫn, vô vọng. Trong khoảnh khắc ấy, một tia nắng ấm áp bỗng hằn lên mắt mẹ.
Hay chỉ vì mẹ mong hằng ngày được thấy nơi ba từng sống, nơi mà hình bóng của ba vẫn còn có thể hóa bụi rơi rớt quanh đây. Hay là mẹ làm thế như một cái cớ để có lúc nào đó, biết được, hiểu được và chỉ cần phút động lòng là người đàn ông ấy quay lại một lần.
Mẹ thường chọn cách lặng im sau những nghi ngờ của chị em tôi. Đôi khi cần thiết, mẹ chỉ nói đó là vì chúng ta cùng một kiếp người, mà người với người thì phải yêu thương nhau. Tôi biết mẹ đang cố gắng mạnh mẽ để làm trụ cột cho cùng lúc ba người đàn bà khác. Giữa bao nghề, mấy năm qua đi mẹ vẫn chọn gánh chè rong, vẫn không quên ghé căn nhà người đàn bà của chồng mình, chỉ để mưu sinh và tìm người. Thỉnh thoảng, giữa phố đông người, tôi bất chợt gặp mẹ đứng thẫn thờ sau ánh mắt của một ai đó hao hao giống ba. Tôi lớn lên trong cái ám ảnh thảng thốt của mẹ. Chị Nhự đã thôi theo gánh chè của mẹ, chị sang bến với người đàn ông của đời chị. Thỉnh thoảng chị ghé, ôm bờ vai héo queo của mẹ mà than bài ca bất hủ rằng mẹ đừng tìm người ta nữa. Tìm chi mất công và xót tim lắm. (chị Nhự luôn gọi ba bằng hai chữ “người ta” suốt mấy năm như thế).
Khi thành thiếu nữ, tôi cũng rời góc phố và gánh chè của mẹ để theo đuổi ước mơ của mình. Đôi vai mẹ dường như đã oằn xuống những nếp gấp thời gian. Mẹ vẫn mỗi ngày đi về giữa hai ngôi nhà. Người đàn bà ấy tóc đã rụng hơn phân nửa, còn lơ thơ vài sợi bạc. Chiều chiều bà vẫn ngồi trên chiếc ghế mây đã cũ trước thềm nhà, chờ mẹ, chờ gánh chè của người đàn bà hóa đá. Mẹ vẫn ghé căn nhà ấy với gánh chè trên vai, vẫn viên thuốc, vẫn thức ăn và những đồng tiền lẻ, ánh mắt mẹ ấm áp như cái ngày giông bão.
Tôi theo học ngành họa, thường vẽ đủ loại tranh, nhưng có một bức tranh dù có khắc họa bao nhiêu năm vẫn không thể vẽ nổi, đó là bức tranh hai người đàn bà chờ chồng và gánh chè cuối mùa hiu hắt.
ĐTTT