06-03-2020 - 00:48

Truyện ngắn Giấc mơ cuối cùng của tác giả Đức Minh

Xóm quê miền Trung thường chỉ còn người già và con nít.Người lớn, ai còn sức cũng bỏ xứ vô Sài Gòn kiếm sống. Những đứa trẻ nơi ấy lớn lên như tre, như nứa… và cũng chịu sự đào thải khắc nghiệt của tự nhiên.

     Đôi chân trần trên cát nóng, gió biển ào ạt làm da rin rít, tóc mai quăn tít và tiếng vi vít của rừng dương là những gì em còn nhớ lại được trong giấc mơ của mình. Mấy ngày này em mơ miết, mơ về quê nhà, ngoại và tuổi thơ. Mê man, mệt mỏi, khó thở, những giấc mơ cứ như kéo đi hết sức sống của em, trôi tuột về phía đêm.

                                                                         ******
     Hôm nay là chủ nhật, em không phải đi học nhưng tiếng vặn mình của bụi tre sau nhà cộng với lũ cò đùa giỡn kêu ken két bên vườn bạch đàn làm em tỉnh giấc từ sớm. Ngoại cũng đã dậy từ lâu, người già thường ít ngủ. Ngoại nhóm bếp nấu nước sôi đổ vô phích. Thói quen của ngoại xưa giờ không thay đổi được, mặc dù ba má mỗi lần ở Sài Gòn về đều mua bình nước lọc 20 lít, uống mát rượi, ngoại vẫn cứ bắt nước, đun sôi, uống dần. Em cũng lấy làm quen với điều này và thương ngoại lắm chứ không hờn ngoại như má: - Con nói má hoài mà má hông nghe. Uống nước giếng phèn không, lợ lợ, bịnh, mệt lắm! Ngoại chỉ cười, em cũng cười theo, tay ôm vai, ngả đầu vô ngoại, tóc đen đan lẫn những sợi bạc.
     Em ra giếng thả gầu, múc nước, đánh răng, rửa mặt. Giếng quê mát rượi, lá tre cứ xì xào, xì xào, em thấy có mấy bụt măng gai vừa nhú. Măng gai vừa mềm, vừa ngọt, vừa hăng trong ký ức của em. Từ nhỏ đến giờ, cứ có măng là ngoại bẻ vô bắt nồi cháo, hai bà cháu xì xụp. Ngoại vừa kể chuyện ngày xưa ông đi kháng chiến vừa cười. Răng cửa ngoại gẫy một cái mà duyên, mà thương.
     Chắc trên đời này em thương ngoại nhất, em nghĩ vậy! Từ nhỏ,  ba mẹ phải vô Sài Gòn buôn bán để kiếm kế sinh nhai. Nhà cửa, ruộng vườn và em nữa, ba má gửi lại cho ngoại. Ngày đó ngoại đã hơn 60, bây giờ em 15 tuổi, cũng chừng đó năm ngoại già đi, cũng chừng đó năm hai bà cháu sống với nhau, ngoại vừa là ba, là má, vừa là người bầu bạn thân thương. Hai bà cháu vượt qua bao mùa mưa bão, bao ngày vui, bao nỗi cực, bao lần tóc em cắt rồi lại cứ dài ra, còn tóc ngoại thì vẫn cứ bạc thôi.
     Có một lần, mùa mưa, mưa miền trung dầm dề, gió lớn làm ngã gốc tràm chặn ngang cổng vô nhà, hai bà cháu quàng ni lông vừa tỉa cành, vừa chặt cây bằng con rựa cùn, hì hụi trong mưa bão, cả hai ngày mới chặt xong. Ngoại nhờ cậu bảy khuân về cuối vườn để khô rồi chụm lửa dần. Sau đợt dầm mưa ấy, em bệnh. Em không đi học được mất 2 ngày, đầu sốt hâm hấm, em tỉnh queo, nhưng tay chân nhứt mỏi, miệng lúc nào cũng khát nước. Ngoại nấu cháo ghẹ cho em, ngoại bẻ từng cái càng, lấy thịt đút cho em. Nhiều lúc mệt quá em ngủ thiếp, đầu gối trên đùi ngoại. Trong giấc mơ ấy, mưa gió phủ dầy căn nhà nhỏ của ngoại.
      Mưa gió cấp mấy rồi đến trưa cũng ngớt, em đỡ bệnh bước xuống giường, ra ngoài thì đã thấy nước xâm xấp hè. Cá rô, cá lóc nho nhỏ ngoài ao bơi ra lạch bạch trong sân, trên đám cỏ mấy con cua giơ càng, lẩn sâu vô gốc, cuối vườn mấy con cò lội bì bõm. Mọi năm, cứ mưa tới là em với đám bạn cùng xóm xách rổ đi đơm cua, bắt cá. Đám ruộng bà già Hây rộng lớn, bỏ hoang vì con cái đi làm Sài Gòn hết, nay cỏ mọc đầy, mấy đứa nhỏ thi nhau xúc cua trong đó. Cua đực, cua cái, cua tím, cua sữa, cả cá diếc, cá trắm, cá rô ron thi nhau lọt vô rổ đơm của tụi nhỏ. Có đứa lội bì bõm xuống ruộng rồi kêu bải hãi mỗi khi bị đĩa quắp chân. Trong đám chỉ có thằng Bờm là lanh nhất, nó hay đi câu cá nên biết hết hang hóc của cua, lươn. Cá lóc nó bắt to bằng cườm tay, cua con nào cũng to, mập, mà nhứt là lươn thì chỉ mỗi mình nó là bắt được. Cuối buổi Bờm lúc nào cũng cho em hai ba con lươn để nấu cháo. Cháo lươn thì ngon nhưng nhìn thấy lươn em cứ thấy sợ sợ, ghê ghê. Mà lần nào Bờm cũng dí lươn lên mặt dọa rồi nó mới chịu bỏ vô chúm. Cả buổi ngoài đồng, có đứa chỉ trùm cái bao nilon lớn đựng phân bón NPK cắt 3 lỗ để chui tọt đầu và hai tay, có đứa quàng miếng nilon vuông qua vai rồi thắt nút ở cổ, vậy mà vừa xúc cua, vừa say mê đùa giỡn, quên mệt, quên lạnh, bỏ mặt cả cây mưa lớn đang trút nước trên đầu. Người em yếu, cứ hễ dầm mưa về là lại bệnh hai ba ngày, lại nghỉ học, lại gối đầu lên đùi ngoại và lại mơ, những giấc mơ ầm ì, xam xám không rõ nguồn cơn.
      Ngoại xách hai con gà ra chợ bán mua thuốc, đi từ sáng, trưa mới về. Ngoại mua thêm cho em chục cái bánh xèo. Bánh xèo Quảng thơm phức, cọng giá giòn xừng xực, miếng thịt băm mừa mềm, vừa ngọt. Em mệt mà ăn ngon lành. Ngoại kể bà nội thằng Bờm mới mất. Xóm nhỏ chỉ toàn người già với con nít, nhà nó cũng vậy nên bà nó trúng gió tối qua không có người đưa viện. Ngoại ghé qua đám tang thăm thì chỉ thấy có thằng Bờm nhỏ thó ngồi bên cạnh quan tài gỗ trơn khóc nức. Ba má nó chưa về kịp. Chỉ có hàng xóm láng giềng lo việc giúp. Gió thổi miếng ván ép cạ vô tường xàn xạt xát cơn buồn tới tận lòng. Chiều nay, em xin ngoại qua nhà Bờm. Nhưng chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vô. Cây râm bụt xơ lá, cái bông đỏ có nhụy phe phẩy trước cổng. Em thấy Bờm buồn lắm, mắt Bờm xa xăm. Em chỉ ao ước bà nội Bờm sống dậy cho Bờm bớt đau khổ, cho em cũng bớt buồn. Trời lại đổ mưa, mưa lay nhay, lay nhay vừa chờm ướt áo, em quay về.
     Đám tang nhà Bờm cũng qua đi, hôm nay đi học về đã thấy Bờm đứng trước cổng trường đợi. Bờm im lặng chứ không còn tinh nghịch hay chọc ghẹo. Hai đứa vừa đi, vừa im lặng, vừa cúi đầu miên man suy nghĩ. Đến trước nhà em, dừng lại một chút rồi Bờm mới nói được: - Tối nay, tui vô Sài Gòn với ba má! 
Em giật mình – Sao vậy?! 

     Bờm chuyển ánh nhìn qua gốc cây tràm mới gẫy đầu ngõ: – Thì ở đây có còn ai đâu mà ở. Chiều có ra biển chơi với tụi tui hông?! 
– Đi…! 

     Nó không trả lời em. Nó lầm lũi đi. Em quay vô nhà mà cứ thấy lòng vướng víu chi lạ.
    Cơn bão qua đi làm bờ cát sụt lở một mảng dài, bờ biển nhiều rác, xác cây dạt vô. Mấy đứa nhỏ lúp xúp trong bụi bắt dông. Được bốn, năm con, em ngồi bệt xuống gốc dứa biển. Bờm ngồi ngay bên cạnh em. Nắng chiều chang chang mà gió thì vẫn mạnh lắm. Rặng dương rì rào, thỉnh thoảng cát bay táp vào người, tụi nhỏ quay người, nhắm mắt né qua đợt gió. Tự dưng em nhớ mấy hồi trăng lên, cả dám con nít chạy còng, bờ cát thoai thoải, ánh trăng rọi vàng óng. Cả đám con nít xách xô chạy dọc triền cát, còng hóng trăng thấy động chạy xuống biển. Con nào to thì bắt bỏ vô xô, con nào nhỏ thì thả lại biển. Bờm lúc nào cũng cho em mấy con còng to nhất mà nó bắt được. Mà lần nào nó cũng không quên lấy còng đưa lên dọa em. Chiều nay, sát mé biển cũng có còng, còng gió. Những con còng chạy ngang mặt biển, thấy động thì chui xuống hang. Hai đứa ngồi đây, ngó ra biển rồi cứ lặng thinh. Em lại nhớ miên man lúc cả bọn đi lấy củi trong rừng dương, có con rắn đang lột xác, Bờm bắt rắn kêu đem về cho nội làm thịt rồi bị rắn cắn. May mà là loại rắn rồng hay vô nhà ăn trộm trứng gà chứ không phải rắn độc. Bữa đó em sợ quá khóc hu hu. Em vẫn ngồi đó, nghĩ lại hết chuyện này, chuyện khác. Bờm cũng im lặng, không biết Bờm nghĩ gì. Lung lắm. Em hỏi: - Chừng nào Bờm về? 
– Chắc tới Tết tui mới về. Nhớ giữ sức khỏe nhe. Có gì vô đó rồi tui gọi điện thoại về nói chuyện.
      Em cười, rồi nghĩ còn mấy tháng nữa tới Tết chớ mấy. Trưa nay em trằn trọc mãi. Em có ít tiền trong heo đất. Mượn xe đạp của chị Mai hàng xóm, em ra chợ mua cho Bờm cái mũ lưỡi trai. Em hân hoan với món quà của mình lắm. – Xíu qua nhà tui có cái này đưa cho ông.
     Mặt trời rọi qua hàng dương, xiên xéo ánh nắng xuống mặt cát. Mấy đứa nhỏ kéo nhau về nhà. Tối nay lại có nồi cháo dong nấu với củ nén thơm lựng, hoặc giả chặt đầu, mổ bụng, lột da nướng muối ớt… Hình như nghĩ tới đó, mấy đứa nhỏ vui vẻ hẳn lên. Chỉ có hai đứa trẻ là còn bịn rịn chưa muốn về.

Tình bà cháu ( Minh họa: Internet)

     Bờm đi ba tháng rồi, cũng đã sắp tới Tết. Mấy tháng này học mệt lắm, em thấy mệt mỏi nhiều hơn vì hay thức khuya ôn bài chuẩn bị thi. Hôm thi, em bị chảy máu cam rồi xỉu. Bạn bè dìu em xuống phòng y tế. Tới chiều em về nhà thì mệt lả. Ở trường bốn, năm lần như vậy mà em không dám kể lại cho ngoại nghe. Sợ ngoại lo. Có bữa chiều nọ đang múc nước ngoài sân tự dưng em thấy đầu óc quay cuồng, rồi em xỉu. Lúc tỉnh dậy thì thấy ngoại ngồi bên cạnh, xứt dầu lên người em thơm lừng.
     Hôm Tết, nhà Bờm không về, ba má Bờm ở lại để bán hàng rong trong Suối Tiên, Bờm cũng phụ ba má nó. Nhà Bờm bỏ hoang, cánh cửa mục, mối ăn, muốn sụp xuống.
     Tết nhà em vui lắm. Ba má và mấy chị về nhà đầy đủ. Má mua quần áo mới cho ngoại và em. Vải áo thơm phứt. Ba em ăn tất niên nhà mấy chú, mấu cậu say xỉn luôn. Bữa Tết, em gọt trái cây bị đứt tay mà máu chảy hoài, không dứt, em lấy dây vải buột chặt làm ngón tay thâm tím. Đến chiều tháo ra thì máu chỗ vết thương đã khô, nhưng tay em nhứt lắm, cả đêm ngủ không được. Đến mùng 3 Tết thì em bị chảy máu cam khi đang chạy xe đạp ngoài đường. Về tới cổng em bị choáng, ngã rồi xỉu. Ba má đưa em lên bệnh viện huyện khám. Sau Tết ba má nói với ngoại cho em vô Sài Gòn học luôn, ở trong đó cho đỡ nhớ em. Em không muốn đi. Em ở với ngoại từ nhỏ tự dưng lại vô Sài Gòn học hành rồi bỏ ngoại ở đây. Em khóc. Khóc nhiều lắm! Ngoại cũng khóc, nhưng nước mắt người già ít chảy ra hơn.

                                                                     *****

      Trưa nay, trong cơn mê man, em mơ thấy ngoại. Ngoại ngồi trước hè ăn cơm chiều. Tóc ngoại trắng, trắng miên man. Màu trắng loang ra cả ngôi nhà, loang choáng hết không gian. Em giật mình, hoảng hốt gọi ngoại, tìm ngoại mà chân tay thì không cử động được. Em la lạc giọng.
Chiều trong viện ung bứu không khí vui tươi lắm. Một chú ở Cần Thơ chơi đàn guitar hát Mặt trời bé con. Chú kêu em là mặt trời vì mặt trời thì không bao giờ tắt được. Em nghe chú hát mà thấy nhớ Bờm với mấy bạn ghê. Quê em có me, có ổi, chiều nào tụi em cũng leo cây, hái trái rồi ngồi ăn chung.
     Gần bên cửa sổ, một chị béo đang đút cháo cho em gái út của chị. Đứa con gái cỡ bằng tuổi em đang say mê vẽ. Mắt nó ánh lên niềm gì lạ lắm. Nó đội mũ len lên đầu suốt vì tóc qua mấy đợt xạ trị đã rụng hết, đang lên tóc con, lởm chởm. Thỉnh thoảng nó liếc nhìn em cười. Làn da nhợt nhạt, dưới ánh chiều thấy rõ màu vàng bủn. Nó mới vào xạ trị được tháng nay thôi.
     Còn có mấy bác ở giường bên cạnh, họ nói chuyện rồi cười giòn tan. Có mấy cô đang quay lại đánh bài vui vẻ. Ở đây em không thấy nắng rát như quê em, không có cát nóng hừng hực dưới chân cũng không thấy gió phần phật muốn giật rách tàu lá dừa. Chỉ có tiếng quạt trần ru đều đều và giọng cười nói của mọi người luc chiều tối, trong mỗi bữa ăn mà thôi.
     Độ tháng nay, em không nói chuyện điện thoại được với ngoại, em mệt lắm, mê sảng suốt. Bác sỹ nói nên đưa em về nhà, còn má nghe vậy thì khóc lóc hoài. Em nhớ ngoại da diết, em chỉ muốn được về gối đầu lên đùi ngoại hay nằm bên cạnh ngoại nghe mùi mô hôi ngai ngái quen thuộc, mùi mồ hôi vỗ về cả tuổi thơ em. Nhưng ba má không cho em về, ba má nói em phải điều trị thêm. Mấy ngày nữa ngoại sẽ vô thăm, dặn em đừng lo. Em nghe nói vậy mừng lắm rồi ngủ thiếp đi. Ngày em vô viện đến giờ ba má đều nhất trí là không cho ngoại biết chuyện. Chỉ thỉnh thoảng cho em gọi điện thoại nói với ngoại về học hành, ăn ở.
       Em mơ. Giấc mơ thấy ngôi nhà như bức tranh, cô bé cạnh cửa sổ không hiểu sao đành đoạn xé bức tranh ra. Cái sân, nửa ngôi nhà, mái ngói đổ sập xuống, bụi tre ngã rạp, con cò bay đi. Em không còn đủ sức để la để khóc nữa. Chỉ có nước mắt chảy ra từ khóe mi dày ghèn. Còn có giấc mơ em thấy Bờm cho em lươn, mà con lươn bỗng hóa thành rắn cắn em nhứt hết cổ tay, em la hét gỡ con rắn. Lúc tỉnh dậy máu dây đầy tay, ven truyền thuốc bị vỡ. Em đau lắm.
     Ba ngày rồi em mê sảng. Có lúc em thấy ngoại vào thăm em, ngoại thơm tay em hoài mà chẳng nói năng gì. Có khi Bờm với má nó chợt đến bên cạnh em. Bờm đội nón màu xanh em tặng, nó nói gì mà cố lắm em cũng không nghe nổi. Trưa nay lại mê man. Trong giấc mê, em thấy em nằm trên giường bệnh, có đủ ba má, ngoại và mọi người bên cạnh. Mọi người nói gì em nghe không rõ. Tự dưng mùi Tết bay về, em ngửi được mùi bánh chưng, em ngửi được mùi nắng, mùi bùn, mạ ngấu vụ Đông – Xuân. Em thấy mơ màng đâu đó trên ngọn bạch đàn, lũ cò kêu ken két, kia là bụi tre vặn mình kíu kít, gió đùa lá xôn xao, đây là cây tràm mới đổ hôm bão đã nẩy mầm xanh. Con đường cát trắng quê em cứ trải thênh thang, thênh thang trong nắng.


Đức Minh
 

. . . . .
Loading the player...