28-10-2024 - 07:43

Truyện ngắn "Gió lạnh đầu đông" của tác giả Phan Hương

Truyện ngắn "Gió lạnh đầu đông" của tác giả Phan Hương là một câu chuyện buồn về số phận, về tình người, đặc biệt là tình bà cháu. Tác phẩm đã chạm đến trái tim người đọc bằng những câu chuyện đời thường xúc động, gợi mở nhiều suy ngẫm về cuộc sống.

Gió lạnh đầu đông!

                  Phan Hương

 

Trong căn phòng nhỏ, ánh nến chập chờn hắt một khoảng sáng mờ mờ lên cánh màn, Nguyện ôm lấy bà để tìm chút hơi ấm và nghe rõ mồn một những lời ru còn mấp máy trên môi. Trời tối bưng. Những thanh âm rờn rợn phả vào hơi sương. Chớm đông nên không khí lạnh đã bắt đầu se sắt trong cảm nhận của người già lẫn con trẻ:“Rồi mùa toóc rạ rơm khô. Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm”.

Tiếng ru của bà đã cùng em qua bao năm trời, qua những ngày nắng hạn,  những đêm mưa, giữa những ngày đông giá rét. Hơi ấm của bà gần gũi, ngọt ngào như mẹ. Bà không những là mẹ mà còn là cha em nữa. Tất cả tình yêu của tuổi ấu thơ, em dồn cho bà. Em hà hít hơi ấm của bà và cảm nhận mồn một từng câu ca dao bà vẫn đọc mỗi tối hay những khi bà phơi lúa, nấu ăn. Những ngăn nào trong cuộc đời bà cũng nhiều vất vả, tủi cực và đầy bất hạnh. Nhưng kể từ khi có em bên cạnh, bà vẫn giành cho em một thế giới ngọt ngào, sâu lắng của những vần thơ trong sáng còn nhớ được từ thửa thiếu thời.

Tiếng ru của bà đưa em chìm vào giấc mơ, giấc ngủ mê man. Trong giấc mơ, em thấy mình được ngồi trên du thuyền, bên cạnh là bố và mẹ để khám phá vòng quanh thế giới. Chiếc du thuyền đang băng băng rẽ sóng trắng xóa. Một cảm giác khoan khoái, êm đềm, em thấy mình như trôi giữa vũ trụ mà xung quanh là những lớp sương mờ ảo. Em đang nhắm nghiền mắt để tận hưởng dư vị mặn mòi đầy mê hoặc của đại dương bao la. Bỗng nhiên, con tàu thay đổi tốc độ và chạy nhanh rồi bất ngờ đâm sầm vào một chướng ngại vật. Một tiếng nổ lớn phát ra âm thanh vang rợn…

 

Chiếc xe Container chở hàng mất lái bỗng đổ dồn lên hai cái chấm nhỏ. Người tài xế vừa vượt qua một đoạn đường trơn láng, ẩm ướt sau những ngày mưa bão liên miên. Dù đã cố hết sức để lách chiếc xe con cùng chiều nhưng lại không kịp để xử lí trường hợp xe máy từ trong lối nhỏ đi ra.

Tiếng phanh… “két” khiến bánh xe trượt dài sáu bảy mét rồi mới dừng được. Tiếng nổ lớn và âm thanh thất kinh do va chạm khiến cho những người dân hai bên đường không khỏi bàng hoàng, sợ hãi.

Một cậu bé nằm sóng soãi giữa đường. Máu lênh láng. Còn một người thanh niên trạc hai mươi tuổi thì bay xa chừng năm mét cũng ngất lịm. Miệng vẫn không thôi mấp máy, thì thào gọi tên một ai đó nhưng không phát ra tiếng: “… ơi, … ơi”…

Tài xế bước xuống chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Ít phút sau người dân xung quanh đã chen kín cả đoạn đường với những lời bàn tán xì xào. Một người trong số họ rút điện thoại gọi: “Cấp cứu 115 đó phải không? Đến gấp đoạn đường tránh, ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, xã X. Một vụ tai nạn kinh hoàng vừa xẩy ra”.

Tiếng xe cấp cứu rú còi inh ỏi. Xe lực lượng an ninh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Với những người nơi đây, ngã tư này trong ám ảnh của họ chính là “tứ giác quỷ” vì đã chứng kiến không ít vụ tai nạn thương tâm. Vị trí này khá đắc địa. Trước đây, khi tuyến đường mới hoàn thành, nhiều người tranh nhau đấu giá cố giành cho được một miếng đất để mở ki ốt buôn bán, làm ăn với bao dự định được vẽ ra. Thế nhưng, nhiều gia đình không chịu được ám ảnh nên bán đất đi nơi khác lập nghiệp. Bao năm rồi, nơi này vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Người dân quanh đây vẫn hay đàm luận về nguyên nhân vì sao nó là ngã tư tử thần trong ám ảnh của họ. Bởi cái ngã tư này nhìn qua bằng cảm quan thì có vẻ ngắn nhưng thực tế nó rất rộng. Cảm giác này thường đánh lừa người tham gia giao thông. Khi đến đây, quan sát từ hai bên, dù thấy các phương tiện giao thông đang ở đằng xa nên nhiều người nghĩ rằng, mình sẽ qua đường một cách an toàn. Tuy nhiên, cảm quan bao giờ cũng có những sai số, với những xe chở hàng, chẳng hạn như chiếc container hồi sáng thì tốc độ cho phép khoảng bảy mươi cây số trên giờ. Nếu xe giảm tốc độ đột ngột và phanh gấp cũng phải trượt một đoạn dài. Người qua đường, dù đã có sự chuẩn bị song vẫn không ít trường hợp vẫn không làm chủ được tốc độ. Những cú va chạm như thế thường xẩy đến thương vong rất đau lòng khiến họ không có cơ hội để sửa sai.

Sáng ấy, vào ngày cuối tuần, bà Mai ngủ quên không dậy chuẩn bị bữa sáng cho thằng Nguyện và thằng Quyền như mọi khi nên bà dúi cho thằng Nguyện mười ngàn đồng rồi bảo nó lên trường mua cái bánh mì ăn sáng. Nguyện là đứa cháu ngoại bà nuôi từ tấm bé. Chồng bà bị bệnh hiểm nghèo ra đi khi mới hơn bốn mươi tuổi. Bà một mình nuôi hai đứa con, một gái, một trai.  Đứa con gái bà ngày ấy cũng nhiều trai làng săn đón, học xong cấp hai rồi vào miền Nam làm giày da. Một thời gian lấy chồng tận miền Tây. Hai năm sau thì sinh được thằng Nguyện. Con rể bà cũng sống cảnh côi cút, không có người thân thích họ hàng. Nhiều đêm bà khóc ròng, cứ nghĩ mà thương con gái vô cùng. Sao nó không lấy tấm chồng ở quê. Ở quê còn có ruộng nương, dù nghèo nhưng không lo chết đói. Mẹ con lại được ở gần nhau. Cực khổ chi vào tận miền Tây xa xôi, đằng đẵng, lâu lâu mới về thăm mẹ được một lần.  Con gái thất học, nhận thức xã hội, sức khỏe cũng hạn chế, lấy chồng xa muôn trùng cách trở. Bao nhiêu nỗi thất vọng đan xen với niềm thương nhớ lại trút lên những nỗi nhọc nhằn của người phụ nữ sớm góa chồng. Cuối cùng nỗi buồn đó cũng dần vơi khi biết người con rể cũng rất hiền hành, thương vợ. Âu thì cũng vì hoàn cảnh đẩy đưa. Biết đâu vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cuộc đời sẽ được đổi số. Hồi chị gái lấy chồng, thằng Quyền mới học cấp hai. Hai mẹ con bà sống trong túp lều ẩm thấp, qua nhiều lần được hỗ trợ, kêu gọi của đoàn thể, cuối cùng cũng có một căn nhà xây tạm, lợp ngói. Căn nhà trang hoàng đơn sơ nhưng hai mẹ con thương nhau lắm. Bà Mai trông cậy vào thằng Quyền. Dù nghèo khổ nhưng bà muốn thằng Quyền học được cái nghề tử tế, có công việc ở quê, không phải đi xa như chị nó. Sự nỗ lực của người phụ nữ luôn gắn với niềm khao khát được an bài. Nhưng sóng gió cuộc đời vốn chẳng bao giờ ngừng lặng. Một ngày, người ta báo tin cho bà tin dữ. Bà phải khăn gói vào tận Cần Thơ để đưa cháu ngoại và tro cốt của con gái, con rể bà về quê. Các con bà ra đi do một tai nạn nổ khí ga thảm khốc.Thân thể tan hoang, phải mất một tháng sau, các cơ quan chức năng mới nhận dạng được từng người. Có đau đớn nào hơn nỗi đau này không. Những ngày đó, bà gượng dậy được chính là nhờ bà con chòm xóm đã tận tình cơm nước, an ủi, đỡ đần mẹ con bà cháu từng việc nhỏ nhất. Tình cảm ấm nồng ấy như ngọn lửa sưởi qua cái lạnh lẽo cũng những ngày chớm đông như bây giờ. Thằng Quyền còn tuổi ăn tuổi học. Còn thằng Nguyện thì thơ ngây chưa qua cái tính nhõng nhẻo của trẻ lên bốn. Đôi mắt trong veo của nó cứ nhìn trân trân lên di ảnh của bố mẹ mà ai chứng kiến cũng phải xót xa. Những nỗi đau trời giáng như bóp nghẹn tâm can, xô bà ra giữa con sóng lạnh băng, mặc bà chèo chống một mình với những éo le, bất hạnh. Nó cũng cướp phăng đi quan niệm sâu cay nhất của cái gọi là sự an bài của số phận mà bà gìn giữ bấy lâu. Những ngày đau đớn ấy đi qua mà nhiều khi nghĩ lại bà thấy rùng mình. Bà phải sống tiếp để lo cho đứa cháu ngoại và thằng con trai ăn học. Nỗi đau rõ ràng hiện hữu nhưng nó không giết quách để bà chết đi mà bắt bà sống trong tận cùng của các giác nghẹn ngào, mất mát dày vò. Nghĩ về những ngày dài phía trước, bà phải vươn lên, phải là chổ dựa cho con cháu. Người phụ nữ gần tuổi năm mươi dù không còn trẻ nhưng chưa phải là già. Cứ nghĩ đến đó thôi, là bà không còn nước mắt để khóc. Bà ráng gượng dậy để sống tiếp những ngày bão giông. Những tai ương phía trước cuộc đời còn chưa biết ra sao. Cuộc sống những ngày có thêm thằng Nguyện tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng không làm bà cô quạnh, héo hắt. Hơi ấm, tình yêu của thằng Nguyện làm vơi đi nỗi xót thương với người con gái quá cố trong bà.  

Gió lạnh đầu đông (Tranh: Nguyễn Văn Hổ)

Với những phụ nữ ở thôn quê, nghề nghiệp, việc làm không ổn định. Cuộc sống của họ nhờ vào mấy sào ruộng. Vốn liếng, kiến thức, sự hiểu biết không có lại còn mang tâm lí mặc cảm, tự ti, yếu thế nên mất đi người đàn ông trong nhà là mất đi một trụ cột khiến họ không dễ dàng đối mặt. Gần mười năm nay, một mình bà lo cho con và cháu ăn học. Tuy có sự hỗ trợ, giúp đỡ một phần của cộng đồng, xã hội nhưng cuộc sống hàng ngày bao nhiêu thứ phải lo toan. Bươn chải với ruộng nương, chợ búa, chăn nuôi… đã vắt kiệt đi sức khỏe, dạo gần đây, bà còn bị thoái hóa đốt sống lưng nên dù tham công tiếc việc cũng không thể làm được hơn. Sự cố gắng của bà phần nào được an ủi, san sẽ bởi hai cậu cháu luôn bảo ban nhau học hành và giúp đỡ bà trong việc đồng áng, chăn nuôi. Thời gian dần trôi, những mất mát, đắng cay gần vón cục lại, Quyền đã học xong mười hai còn Nguyện đã vào lớp tám. Thương mẹ và cháu, tốt nghiệp phổ thông xong, Quyền xin làm thợ cơ khí cho xưởng ở cách nhà không xa. Từ một cậu bé học việc, thợ phụ, chỉ sau hai năm, Quyền đã nắm được tay nghề. Quyền mua được xe máy, phụ mẹ nuôi cháu. Cuộc sống của mấy mẹ con bà cháu có phần thay đổi. Nguyện luôn là cậu bé ngoan ngoãn, sống rất tình cảm, học giỏi và biết vươn lên. Những tưởng, cuộc sống luôn có phép màu để xua tan những kí ức buồn. Thế nhưng trên đường ray của tạo hóa thường thử thách lòng can đảm, sức chịu đựng của con người đến tận cùng.

Mỗi tối, học bài xong, Nguyện ngủ với bà. Cậu bé mồ côi luôn khao khát sự ôm ấp vỗ về, hơi ấm của cha mẹ. Trong mỗi cái ôm, sự mè nheo, nhỏng nhẻo với bà, em muốn tìm một cảm giác thân quen như với bố mẹ mà các bạn trong lớp vẫn kể. Hay những tưởng tượng được em viết ra thành lời trong bài văn trên lớp.  Bài văn viết về gia đình, khi em tưởng tượng ra một gia đình hoàn hảo, về những chuyến đi du lịch giúp em trải nghiệm những trò chơi hay, thắng cảnh đẹp… luôn làm cho nước mắt của giáo viên dạy văn không ngừng rơi. Tình yêu của bà như ngọn đèn soi để Nguyện vươn lên. Sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên trong em dường như đã khỏa lấp đi những mất mát cũng như kí ức đau thương chưa kịp hình thành sau sự ra đi của những người thân yêu. Em cứ lớn lên mạnh mẽ, tự nhiên bên những người thân còn lại. Em được yêu thương bằng những gì em cảm nhận được, bằng sức sống mãnh liệt và những ước ao giản đơn, trong sáng của con trẻ.

Cũng buổi tối ấy, sau cơn bão quét qua làng quê được mấy ngày, hệ thống điện chập chờn khiến sinh hoạt của người dân vẫn chưa trở lại bình thường. Trường của Nguyện bắt đầu trở lại học bình thường sau một tuần ngập nước. Nguyện xem lại bài vở, chuẩn bị thật kỹ cặp sách ngày mai rồi vén màn đi ngủ. Tiếng ru của bà hôm nay buồn buồn. Bà Nguyện hát được dăm câu thì cậu ngủ lúc nào không rõ. Bà lại trở mình trằn trọc. Lại một đêm khó ngủ. Thằng Quyền vẫn chưa về. Bà không khỏi thắc mắc không biết vì sao mà nó về muộn thế, dù đã hơn mười giờ đêm.

Mãi đến gần sáng, bà mới chợp mắt nên ngủ dậy trưa và cũng quên đánh thức hai cậu cháu dậy như mọi khi nên hối thằng Quyền:

- Quyền, dậy mau! Con đưa thằng Nguyện đi học, giờ cũng muộn rồi. Bà nói rồi quay sang lay lay người thằng cháu:

-Nguyện, Nguyện ơi! dậy đi cháu. Cháu ngủ quên rồi kìa! Cha tổ mày, có bao giờ ngủ say thế đâu?

Nguyện vệ sinh cá nhân, chuẩn bị tư trang rồi ra xe với Quyền. Hai cậu cháu phóng như bay trên con đường ra khỏi làng.

Mọi thứ hồi sáng vẫn diễn ra như in, trông thấy rõ ràng… Bà Mai ngất lên ngất xuống khi biết tai ương lần nữa lại xẩy đến. Bà gào khóc không ra tiếng. Xe của Quyền đâm vào xe Container. Cú va chạm khiến cả hai văng ra. Nguyện được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Quyền vẫn hôn mê trong bệnh viện. Thân thể bà vốn đã ọp ẹp rồi chứng kiến cảnh này lại dễ gục ngã hơn.

Vòng hoa trắng, cùng dòng người đến viếng là những hàng dài học sinh toàn trường, bà con hàng xóm. Ai cũng xót thương cho cậu bé hiếu học, ngoan ngoãn mà phận mỏng. Bà lăn đi lăn lại trên nấm mồ mới đắp của thằng cháu thiếu thốn tình cảm, đáng thương từ bé. Không có sự an ủi nào có thể chữa lành những mất mát quá lớn đối với bà lúc này. Dù ai cũng mong cho cháu nơi cõi xa xăm được đoàn tụ với gia đình. Tất cả những gì vừa diễn ra vắt kiệt tâm trí, sức lực khiến bà cứ ngồi đó lạnh lẽo, đông cứng mọi cảm xúc như một pho tượng.

Thằng Quyền đã tỉnh nhưng vẫn trong trạng thái hoảng loạn. Tạm thời chưa có nguy hiểm về phần não, cốt sống và chân nhưng vụ tai nạn đã gây nên chấn thương lớn về tâm lí khiến tinh thần cậu chưa ổn định. Cảm giác sợ hãi vẫn hiện hữu trên khuôn mặt thiểu não của cậu thanh niên ngoài hai mươi tuổi. Quyền được chuyển sang khoa hồi sức và xuất viện sau một tuần nữa. Phải rồi, bà vẫn còn hi vọng mong manh nơi đứa con trai duy nhất. Cửa tử vẫn chưa điểm đến nó. Sinh mạng, sự khỏe mạnh hồi phục của Quyền lúc này như chiếc gậy chống để bà tiếp túc đi qua những ngày giông bão...

 

                                                                                                                        P.H

 

 

. . . . .
Loading the player...