Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 phát hành tháng 8/2024 trân trọng giới thiệu Truyện ngắn HẠNH PHÚC ĐƠN SƠ của Nhà văn Trần Hậu Thịnh
TRẦN HẬU THỊNH
Hạnh phúc đơn sơ
Truyện ngắn
Ngồi sau lưng bác xe ôm, tôi bồi hồi, trông nhanh về đến nhà để được gặp mẹ, được ngắm mảnh vườn xưa với những hàng cau cao và gặp lại chị Thảo - người láng giềng mà tôi hằng nhung nhớ trong những năm tháng xa cách.
Tôi đứng trước cánh cổng chung của hai gia đình. Thật ngỡ ngàng mọi cảnh vật hiện ra dọc đường so với hồi tôi ra đi đã thay đổi quá nhiều, duy chỉ có nhà mẹ tôi và nhà chị Thảo là còn giữ nếp xưa, vẫn bậc thềm chèn đá chẻ lún phún rêu phong, vẫn hàng cau cao gầy già nua theo năm tháng.
- Nhà cậu ở đây?
- Dạ! trả lời xong tôi vội vàng móc túi lấy tờ tiền mệnh giá 200 ngàn gửi bác mà không kịp cầm lại tiền thừa.
Xuống xe tôi định chạy thốc vào với mẹ, nhưng đi ngang cổng nhà chị Thảo thì tôi ngẩn người vì tiếng hát ru của chị. Ôi! Những câu hát ru lẫy kiều thật sâu lắng và xao động khiến tôi lặng người. Đã lâu tôi mới về quê. Những dòng nhắn tin qua lại giữa tôi với chị và những người thân không ai nói chị đã có con. Hay con nhà ai nhờ chị trông giúp? Để giải tỏa niềm trắc ẩn tôi bước sang nhà chị Thảo. Một lối nhỏ lác đác hoa cau trắng mịn, dẫn tôi vào nhà.
*
Nhà tôi về nhà chị Thảo cách nhau bằng một hàng chè tàu được cắt bằng ngận. Mẹ tôi và mẹ chị Thảo vốn là đôi bạn từ khi tóc còn để chỏm. Khi mẹ tôi lấy chồng về bên bờ sông Con, sống bằng nghề chạy chợ, bà đã tìm cách mai mối cho người bạn gái của mình về làm dâu cùng làng. Vì thế hai chúng tôi có cùng quê ngoại lẫn quê nội. Tôi nhỏ hơn chị Thảo một tuổi. Số phận mẹ tôi và mẹ chị Thảo như một khuôn với nhau, cả hai đều góa chồng lúc mới về làm dâu. Rồi hai người cứ ở vậy nuôi con khôn lớn, có khác chăng chỉ là mẹ tôi có con trai, còn bác Hiệp chỉ được một người con gái tên là Thảo mà tôi thường gọi là chị. Vườn hai nhà toàn trồng cau, nhưng vườn nhà bác Hiệp trồng nhiều hơn. Từ khi ông nhà lâm bệnh hiểm nghèo ra đi, thiếu bàn tay đắc trợ của đàn ông khu vườn trở nên tàn tạ, chỉ có hàng cau là ngày một cao vống lên như bất chấp hết thảy mọi khắc nghiệt của tự nhiên và buồn tủi của con người. Cũng vì mấy hàng cau nhưng không ai leo trèo, sau này cau được giá nhờ bán sỉ sang Trung Quốc nên một thủa tôi là đấng “yêng hùng” tung hoành trong khu vườn bác Hiệp. Trèo cau thật thú vị nó vừa là trò chơi có chút phiêu lưu và cũng không kém phần phấn khích. Chỉ cần một vòng nài chừng ba mươi phân bện bằng dây thừng, bặt vào hai khuỷu chân là phút chốc tôi như con sóc vút lên tận ngọn cau rồi ngã ngớn như khỉ bẻ dừa. Hôm nào cũng vậy khi tôi trèo lên là chị Thảo đứng ở dưới ngước nhìn vẻ mặt hồi hộp và lo lắng. Có lúc cao hứng trổ tài, tôi ngổ ngáo giở trò đạo xiếc, thả một tay, vờ chới với vặn vẹo rồi oằn lưng ra phía sau, đến nỗi chị Thảo phải sợ tái mặt chấp tay bái trời lia lịa. Hái được cau tôi tụt ào xuống, tuy chân chưa chạm đất nhưng chị Thảo đã vui sường giằng lấy buồng cau và ôm choàng lấy tôi như ôm một đứa trẻ vừa thoát nạn trở về. Cũng có hôm do “làm giặc” quá đà chiếc quần đúi của tôi bị thân cau giật đứt hết chỉ toạc ra hai miếng te hé. Chị Thảo nhìn thoáng qua rồi quay mặt sang hướng khác như chưa thấy gì, nhưng chiều hôm đó tôi thấy quần được khâu chằm cẩn thận và giặt phơi bên dây nhà bác Hiệp. Những hôm bác Hiệp đi chợ bán cau về, bao giờ tôi cũng có quà ngang bằng chị Thảo – lúc cái bánh rán lăn vừng, lúc quả na chín mọng. Có quà hai chị em lại đưa ra bậc thềm ngồi ăn chung, cũng bậc thềm này về mùa hạ, hai chị em tôi thường chơi trò chọi bi và kéo mo cau. Nhưng vào mùa lũ lại vô số con thuyền giấy từ bến bờ này trôi đi mà không biết dạt về phương trời nào. Trong khi người lớn sợ lũ kéo về mùa màng ngập úng thất thu, hoặc tắc đường đến chợ thì tôi lại cầu mong nước lũ đừng rút để lòng sông trước nhà mãi có những con thuyền giấy thôi tung tăng trên dòng nước. Đợi tôi ăn xong bác nói, mày ăn đi cho chóng lớn rồi lấy vợ sinh con cho mẹ nhờ. Mày lấy vợ khó khăn thiếu thốn đâu không biết, nhưng cau trầu là khỏi lo!
Tôi từng bẻ cau cho nhà bác Hiệp không biết bao nhiêu lần, nhưng lần cuối cùng là lúc tôi bắt đầu bước sang tuổi 16 và chị Thảo lên 17. Đó cũng là lần đầu trái tim tôi thổn thức khi nghe hơi thở và bộ ngực hâm hấp của chị Thảo quệt vào bờ vai, lúc chị ôm riết tôi vào lòng. Nhưng thời gian không có điểm dừng chân, để mỗi người cùng giữ lại khoảnh khắc êm đềm của tuổi thơ. Rồi năm ấy biết lực học của tôi sa sút, một ông cậu ruột công tác ở ngành giáo dục, sợ tôi lông bông “con không cha như nhà không nóc” đã về bàn với mẹ tôi chuyển tôi lên trường huyện học. Mọi kinh phí ông lo toàn bộ. Thế là mẹ tôi đỡ đôi đường. Thực tình tôi chẳng muốn xa những con người hiền lành và bao kỷ niệm của miền quê đã gắn liền với tuổi thơ êm đềm, nên ngày đầu tôi chối đay đảy. Thấy tôi buồn bã chị Thảo nói: Cứ lên đấy mà học. Đi học chứ có phải đi tù đâu mà sợ. Mạnh mẽ lên, rồi đến thứ 7, hoặc ngày nghỉ chị lấy xe đạp đón về.
Một buổi sáng khi ánh bình minh nhảy nhót trên mặt sông, tôi bước lên đò lẽo đẽo theo chân người cậu ruột. Ba người đàn bà đứng bên này sông đỏ hoe con mắt dõi theo bóng tôi mờ dần. Hai năm sau tôi lên mười tám và thi đỗ đại học. Ngồi trước mâm cơm tiễn tôi ra Hà Nội chị Thảo rất vui “này gắng học cho ra trò rồi kiếm tiền mua chiếc xe đạp khác trả chị”. Câu nói của chị Thảo tuy vô tình nhưng tôi sực nhớ hai năm qua không biết bao lần chị đã đèo tôi đi về trên chiếc xe này. Dù thế nào thì cũng là một động lực để tôi chuyên chú học hành. Ngờ đâu cũng cuối năm đó chị cũng có giấy báo của trường trung cấp Nông Lâm ở một tỉnh miền núi. Nghe đâu mẹ chị một hai không cho chị đi, bảo chị ở nhà lấy chồng cho yên bề gia thất. Nhưng chị vẫn quyết ra đi. Chị nói, ở nhà buồn quá.
Tốt nghiệp đại học tôi cầm bằng gõ cửa khắp nơi nhưng vì là bằng xếp loại trung bình và bản thân chẳng có dây mơ, rễ choái gì nên không nơi nào họ nhận. Thôi! Chí làm trai, mười hai bến nước, tôi vứt bỏ tất cả, làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Hàn. Gọi là xuất khẩu lao động” để bớt nhục nhằn chứ nói đúng nghĩa là “đi làm thuê” cho dễ hiểu. Từ đây năm này qua tháng khác tôi hì hục ném sức trẻ thanh xuân thí vào những đám hành tỏi và cải ngọt để làm giàu cho xứ người, chỉ cầu mong có đồng tiền đưa về trả nợ Ngân hàng và chút dư giả làm vốn liếng cho sau này. Giữa giá lạnh và sương trời mù mịt có lúc tôi tự bảo, biết vậy ngày xưa đừng nghe lời ông cậu. Lên trường huyện học để làm gì? Giờ sống và làm việc ở đây có ai hỏi bằng đại học đâu. Còn nữa, hơn 4 năm ăn học ở Hà Nội, tiền tàu xe đi về học phí, quán trọ tiêu tốn đến hàng trăm triệu đâu bỡn được. Tất cả khoản ấy đè nặng lên đôi vai già nua côi cút của mẹ. Tôi bật dậy nước mắt đầm đìa và thương nhớ mẹ vô cùng. Nhưng không biết chia sẻ cùng ai, bên cạnh tôi cũng chỉ từng đám người Việt gốc gác nông thôn, vai u thịt bắp, ngày làm đêm ngủ. Tờ mờ sáng lại lắng nghe lệnh chủ, cuối tháng lĩnh lương. Rồi tôi cũng như mọi người lại ngồi nhẩm tính đổi tiền won sang tiền Việt thì được bao nhiêu. Khi nào thanh toán hết nợ cho ngân hàng, thì lúc ấy mới hưởng trọn gói sức lao động của mình.
Giữa lúc tôi đang cần mẫn ở xứ người thì nhận được tin buồn từ chị Thảo gửi sang. Chị nói hồi đầu tháng 8 bác Hiệp bắc thang bẻ cau chẳng may bị trượt ngã gãy xương sống đưa vào bệnh viện. Chị bỏ việc về chăm mẹ, còn mẹ tôi cũng bỏ chợ búa để ngày đêm bên người bạn già vong niên. Sợ phiền toái đến mọi người và con gái hay sao chỉ 2 tháng nằm viện rồi về nhà được 3 ngày bà nhắm mắt xuôi tay. Trước lúc giã từ cõi thế bà nắm tay chị và trăn trối, giá như thằng Thuận nó ở nhà thì tao không gặp nông nổi này, rồi bà dặn chị “kiểu gì khi mãn tang mẹ con cũng phải lấy chồng, rồi sinh một đứa con. Người có con là tuổi sống, không có con là tuổi chết”.
Nhưng số phận chị lại quá ngặt nghèo, sau hơn 6 năm sống ở nông trường, chất độc da cam còn sót lại đã nhắm vào đời chị. Khi điều trị ở bệnh viện bác sĩ bảo chị không nên sinh con vì khả năng cao đứa bé sinh ra sẽ không hoàn hảo. Chị lặng lẽ sống trong khu tập thể của nông trường có trên chục chị em lỡ thì. Nhiều đêm chị nằm nghĩ trong cái “làng cụt đọt” người khổ một phách. Cũng có lúc chị đã nghĩ hay mình cũng xin ai một đứa con cho vui nhà vui cửa. Nhưng lời căn dặn của bác sĩ ngày ra viện làm chị rùng mình nhớ đến căn bệnh đang mang theo trong người đành biết thân biết phận lặng lẽ chấp nhận.
Tôi biết được tin này qua một người bạn cũ, lòng xót xa vô cùng. Nhưng bên Hàn là đang thời kỳ mùa vụ, vả lại ở Hàn Quốc về nước vé tàu xe và thủ tục vô cùng phức tạp, nên tôi không thể về thăm chị.
Có lần qua điện thoại tôi bâng quơ: “sao chị không lấy chồng đi?”, “chị ế rồi, ai lấy” “Không lấy cũng được, em thấy bạn em giờ ở vậy cũng nhiều, có đứa làm mẹ đơn thân, có đứa còn xin con nuôi… nói chung thế nào cũng được, miễn là mình thấy hạnh phúc là được”, “Bao giờ cậu về?”, “Hơn hai năm nữa hết hợp đồng em về luôn”
*
Thấy tôi xuất hiện đột ngột, khuôn mặt chị Thảo mừng rỡ. Thuận! Cậu về nước luôn hả. Trời ơi! tôi và mẹ cậu trông mòn, trông mỏi từ khi nghe cậu báo tin này năm ngoái. Làm gì mà biền biệt vậy, định bỏ làng ở bên ấy luôn hả, chị vừa nói, vừa đấm thùm thụp vào vai tôi. Phía trong nhà đứa bé còn say sưa ngủ yên trên cánh võng.
Chẳng cần tôi trả lời, chị giằng lấy cái va ly kéo vào trong nhà. Nắm chặt bàn tay tôi chị khẽ khàng: Vào đi Thuận, mẹ cậu còn đi chợ. Hôm nay chợ Trại họp buổi chiều. Hôm nào cũng tầm chập tối mẹ cậu mới về. Trời phú cho mẹ cậu sức khỏe nên chưa hề làm phiền tới ai.
Tôi vừa nghe chị nói vừa nhìn chằm chằm vào đưa bé, chắc đã hiểu ra sự phân vân của tôi, chị thơm nựng vào má đứa bé làm nó thức giấc. Nó không khóc và đưa cặp mắt hau háu nhìn tôi. Chị nhẹ nhàng bế đứa bé lên. Nó ngước nhìn tôi với cặp mắt đen lay láy. Chị bồng đứa bé đi lông nhông dọc hàng hiên miệng cười nói vui vẻ: “Chị bắt được cục vàng này vừa hôm gọi điện cho cậu xong đấy. Yêu không? Trong lúc chị đang buồn bã khổ đau nhất thì mẹ em bế nó về. Mẹ bảo nó đến với chị như một sự bù đắp vậy”
Không giữ nỗi xúc động, tôi nói với chị Thảo: Chị đưa em bế xem nó có chịu không? Chị Thảo chuyển bé sang tay tôi, bé thật bụ bẫm với cái miệng rộng rãi và duyên dáng. Có lẽ trời có mắt tặng chị miền vui này để bù đắp cho số phận của những con người cùng khổ.
Trời mới đó mà đã xâm xẩm tối, hàng cau dịu dàng đưa hương. Tôi vừa ra đến ngõ đã nghe tiếng mẹ tôi vóng vót ngoài cửa “thằng cháu cưng của bà đâu rồi, bà về đây…” nghe mà dịu lòng.
Tôi trở về, ngày mai việc đầu tiên là sửa lại cái cổng chung, dỡ bỏ hàng rào chắn ngang giữa hai nhà cho khu vườn thêm rộng rãi...
T.H.T